Người mở đường tiếp tế ra đảo Cồn Cỏ

Thanh Lê |

(Ghi theo lời kể của ông NGUYỄN THI SỸ, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đảo Cồn Cỏ (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) nằm ở vị trí tiền tiêu. Bởi tầm quan trọng đó, Cồn Cỏ trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ, mọi phương tiện chiến tranh hiện đại đều được giặc Mỹ huy động vào mục đích hủy diệt đảo Cồn Cỏ. Thực hiện lời kêu gọi của Khu ủy Vĩnh Linh “Tất cả vì đảo, quyết tâm giữ đảo trong mọi tình huống”, phong trào tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ được phát động sôi nổi trong Đảng bộ và Nhân dân huyện Vĩnh Linh.


Cồn Cỏ nằm riêng biệt giữa biển khơi, mọi thứ từ lương thực, vũ khí và cả lực lượng đều phải chi viện từ đất liền ra. Để ngăn chặn nguồn tiếp tế từ đất liền, địch đã tìm mọi cách chặn đường tiếp tế cho đảo, cho tàu lượn lờ trên biển, truy đuổi, bắn phá, bắt bớ tàu tiếp tế cùng các thành viên trên tàu.

Năm 1965, Mỹ tập trung đánh phá Cồn Cỏ ác liệt hơn với các phương tiện chiến tranh hiện đại hòng hủy diệt hòn đảo tiền tiêu này. 6 tháng ròng hòn đảo nhỏ ngóng đợi đất liền như con chờ mẹ, đất liền nhìn ra đảo cháy bỏng tâm can. Cuộc chiến đấu của những người giữ đảo ngày càng quyết liệt, kẻ địch đã tìm mọi cách chặn con đường tiếp tế cho đảo, còn trên đảo nguồn dự trữ gạo, nước, đạn dược…cạn dần. Để tiếp tế kịp thời cho đảo, nhiều chuyến vượt biển của Đại đội 22, Trung đoàn 270, thuộc Bộ CHQS khu vực Vĩnh Linh (nay là huyện Vĩnh Linh) và dân quân các xã vùng biển Vĩnh Linh đều thất bại. Hàng chục chiếc thuyền tiếp tế cho đảo bị tàu chiến bắn chìm, nhiều bộ đội và dân quân đều mất tích và hy sinh.

Ông Nguyễn Thi Sỹ, thị trấn Cửa Tùng trân trọng những tài liệu viết về chiến công của quân và dân Vĩnh Linh tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ - Ảnh: L.N
Ông Nguyễn Thi Sỹ, thị trấn Cửa Tùng trân trọng những tài liệu viết về chiến công của quân và dân Vĩnh Linh tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ - Ảnh: L.N

Vào tháng 6/1966, tại một điểm trú quân của Đại đội 22 thuộc xã Vĩnh Kim (nay là xã Kim Thạch), lực lượng bộ đội và dân quân họp bàn tìm cách tiếp tế lương thực, đạn dược cho đảo Cồn Cỏ. Cuộc họp đã diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến hiến kế về cách tiếp tế cho đảo. Lòng dũng cảm có thừa, ai cũng sẵn sàng chấp nhận hy sinh nhưng làm cách nào để có thể vượt được vòng vây của tàu chiến địch, đến đảo an toàn vẫn là bài toán khó chưa tìm được lời giải. Bỗng từ hàng ghế cuối cùng của nhà hầm, anh Lê Thanh Dư, một thuyền trưởng của xã Vĩnh Quang (nay là thị trấn Cửa Tùng) từ tốn đứng dậy xin ý kiến. Trước sự chú ý và ngạc nhiên của mọi người, anh đề xuất một phương án táo bạo “Vượt biển giữa ban ngày”. Bằng kinh nghiệm từ những chuyến đi trước cùng người anh ruột Lê Từ và qua nhiều đêm theo dõi, nghiên cứu quy luật hoạt động của tàu chiến địch, anh Dư phân tích, dự đoán mọi tình huống và cách xử lý vào ban đêm. Đó là từ trước đến nay, chúng ta tiếp tế ra đảo chỉ đi vào ban đêm nên địch đã nắm được quy luật, nên nếu chuyển sang đi ban ngày thì địch sẽ bị bất ngờ. Quá trình tiếp tế, các thuyền sẽ được trang bị thêm lưới nghề để che mắt địch. Vấn đề cốt tử của phương án là phải chọn thời điểm xuất phát thích hợp nhất, sao cho thuyền đi được khoảng nửa đường thì trời vừa tối, lúc đó căng buồm để tăng tốc độ. Với khoảng cách từ thuyền tới đảo khoảng 7 - 8 hải lý, khi tàu địch mới xuất phát từ Cửa Việt đi tới đó, nếu có phát hiện chúng cũng không làm gì được vì pháo trên đảo sẽ tiếp ứng kịp thời. Anh Lê Thanh Dư cho rằng bản thân đã nghiên cứu cách đi này suốt một tháng qua và tin tưởng biển sẽ chở che cho đoàn thuyền tiếp tế đi tới đích. Phương án của anh Dư đưa ra được cuộc họp tập trung thảo luận, không khí hội trường sôi động hẳn lên với nhiều ý kiến phân tích, đóng góp, bổ sung. Sau khi cân nhắc và lấy ý kiến tập thể, Thủ trưởng Đại đội 22 đã quyết định thực hiện theo phương án do anh Dư đề xuất. Và chính anh Lê Thanh Dư đã tình nguyện xin đảm nhận vị trí thuyền trưởng chỉ huy đoàn thuyền ra đảo trong chuyến đi đầy nguy hiểm này.

Vào lúc 14 giờ của một ngày cuối tháng 6/1966, tại một điểm gần bến xuất phát, lễ tiễn đưa các chiến sĩ cảm tử diễn ra xúc động, người đi và ở ôm chặt nhau với quyết tâm “Còn đất liền còn đảo”. Hai mươi tám đôi tay trên 4 con thuyền mạnh mẽ quạt mái chèo đưa 8 tấn hàng ra tiếp tế cho đảo tiền tiêu. Thuyền chỉ huy do anh Lê Thanh Dư cầm lái lao nhanh về phía trước, đảo Cồn Cỏ hiện dần trước mắt họ. Đúng như dự đoán, khi trời vừa chập tối, tàu địch từ Cửa Việt xuất hiện, lúc này, những chiếc thuyền tiếp tế chỉ còn cách đảo khoảng 3 - 4 hải lý. Ba chiếc tàu địch bắt đầu nhả đạn về phía đoàn thuyền tiếp tế của ta, lập tức pháo ở đảo gầm lên, tạo thành một vành đai lửa đuổi thuyền địch ra xa, đoàn thuyền chở đầy hàng đã cập đảo an toàn. Nhờ phương án táo bạo đó mà đoàn thuyền tiếp tế đến kịp thời với chiến sĩ trên đảo trong niềm vui, xúc động khôn xiết. Nói sao hết giây phút thiêng liêng ấy, lính đảo ùa xuống bế bồng các chiến sĩ và dân quân trên tay trước khi bốc hàng. Gạo, nước, đạn dược như những giọt máu của Nhân dân Vĩnh Linh đã đến kịp thời với đảo. Sau chuyến đầu tiên thành công đó, Đại đội 22 tiếp tục tổ chức nhiều chuyến đi theo phương án của anh Lê Thanh Dư “Vượt biển giữa ban ngày” và đều thành công. Đảo Cồn Cỏ anh hùng tiếp tục nhận được sự chi viện của đất liền sau một thời gian bị gián đoạn để tiếp tục đứng vững chiến đấu và chiến thắng.

Vận chuyển vũ khí và hàng tiếp tế ra đảo, chiến đấu với địch trên biển đã trở thành khí phách hiên ngang của các chiến sĩ Đại đội 22 và dân quân miền biển Vĩnh Linh. Đại đội 22 đã hoàn thành sứ mệnh cao cả của một giai đoạn lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc trên vùng biển đầy máu lửa để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những người lính cảm tử ấy mãi mãi ngời sáng trong lòng các thế hệ trên quê hương Cồn Cỏ- Vĩnh Linh lũy thép anh hùng.

Đất nước thống nhất, anh Lê Thanh Dư đã mãi mãi nằm lại với đất mẹ trong một trận chiến đấu với kẻ thù trên quê hương. Anh không còn nữa nhưng sự quả cảm, tấm gương chiến đấu anh dũng của anh vẫn còn đó, trong tâm khảm đồng đội của Đại đội 22 và Nhân dân Vĩnh Linh, xứng với danh hiệu người “Mở đường máu ra đảo”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

“Vọng gác của vọng gác” ở Cồn Cỏ

Lê Đức Dục |

Hôm cuối tháng Tư, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ cùng lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị tiến hành khảo sát vị trí xây dựng “Mốc A11” nằm ở khu vực phía đông huyện đảo Cồn Cỏ.

Khởi công công trình xây dựng mở rộng trụ sở làm việc Công an huyện đảo Cồn Cỏ

Biên Cương |

Ngày 18/7, Công an tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ khởi công công trình xây dựng mở rộng trụ sở làm việc Công an huyện đảo Cồn Cỏ. Đồng chí Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an và Thượng tướng Bùi Văn Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã đến dự buổi lễ.

Nỗ lực gìn giữ “kho báu rừng xanh” ở đảo Cồn Cỏ

Lâm Khanh-Thanh Luận |

Cồn Cỏ là một đảo nhỏ ở Biển Đông thuộc tỉnh Quảng Trị, là một trong những điểm mốc quan trọng để phân định ranh giới trên biển, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Đảo Cồn Cỏ còn là vị trí tiền tiêu, có vai trò quan trọng về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Giới thiệu, quảng bá du lịch biển, đảo Cồn Cỏ và du lịch văn hóa, lịch sử tỉnh Quảng Trị

Thanh Hải |

Trong khuôn khổ Chương trình khai trương mùa du lịch biển, đảo năm 2021, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị tổ chức Chương trình đoàn Famtrip đảo Cồn Cỏ và các điểm du lịch văn hóa, lịch sử tỉnh Quảng Trị, diễn ra từ ngày 1 đến 2/5/2021.