Sinh ra ở chốn đồng quê, gốc rạ, những hạt gạo nảy mầm từ giọt mồ hôi tảo tần của ba mẹ đã nuôi anh Đào Văn Đức lớn khôn. Như một sự tri ân, anh Đức đã và đang cùng đồng sự từng ngày nỗ lực “nâng tầm”, xây dựng thương hiệu, đưa gạo quê vươn ra thế giới.
Trở về với đồng quê
Mỗi lúc thiên tai hoành hành, anh Đào Văn Đức, Trưởng Dự án KOICA, Tầm nhìn Thế giới Triệu Phong lại nghĩ tới những người nông dân quê mình. Quanh năm gieo mồ hôi để có mùa vụ, vậy mà chỉ một trận lũ đi qua, bà con lâm vào cảnh tay trắng. Năm nay, thiên tai kéo đến khi những ruộng lúa hữu cơ đã bước qua mùa gặt. Thế nhưng, bà con vùng dự án cũng như nhiều nông dân Quảng Trị khác vẫn gặp muôn vàn khó khăn. Biết vậy, anh Đức luôn tự nhủ bản thân phải dành nhiều tâm sức hơn để giúp người nông dân vơi đi phần nào vất vả.
Bố mẹ anh Đức làm nông, tần tảo hôm sớm nuôi các con khôn lớn. Vì thế, từ nhỏ, anh đã phải sớm làm quen với cây cuốc, cái cày. Việc học tập của anh Đức và các thành viên khác trong nhà cũng phấp phỏng theo sự được mất của mùa vụ. Ngày buồn nhất trong tuổi thơ anh chính là thấy anh, chị mình vì nghèo mà phải ngậm ngùi rời xa con chữ. Biết anh chị nhường ước mơ cho em, cậu bé làng An Thái, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng luôn quyết tâm học tập để ngày mai tươi sáng hơn.
Những năm 80, đỗ đại học là một tin vui không chỉ của gia đình mà cả dòng họ, thôn xóm. Vậy mà, chuyện anh Đào Văn Đức bước chân vào giảng đường lại có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có một số người cho rằng anh Đức “dại” khi chọn trường Đại học Nông nghiệp 2 (nay là Đại học Nông lâm) Huế để gửi gắm ước mơ. Theo họ, quyết định ấy không khác gì tự đưa mình… trở lại làm nông dân. Ít ai biết, theo từng ngày khôn lớn, mong muốn lớn nhất của anh Đức là giúp người dân quê làm giàu trên những cánh đồng, mà trước mắt là thay đổi quan niệm sản xuất cũ, lạc hậu, gây ảnh hưởng tới sức khỏe, môi trường. “Cũng như nhiều người cùng thời, tôi và anh trai từng đi khắp cánh đồng để phun thuốc trừ sâu cho hợp tác xã. Mỗi lần về nhà, cả hai rã rời vì… say thuốc. Tôi cho rằng thuốc trừ sâu độc hại nhưng không phải ai cũng có chung suy nghĩ ấy. Để thay đổi nhận thức của bà con, tôi biết mình cần có trình độ, kiến thức”, anh Đức bộc bạch.
Sau ngày tốt nghiệp đại học, là một kỹ sư nông nghiệp, anh Đào Văn Đức trở lại với ruộng đồng. Cùng với đồng nghiệp, anh miệt mài tìm cách phục tráng các giống đầu dòng để giúp bà con nông dân có vụ mùa bội thu. Trong tháng ngày ấy, cơ duyên đã đưa anh đến với dự án của các tổ chức phi chính phủ. Buổi đầu hợp tác, anh Đức phát hiện các cán bộ dự án có rất nhiều điều mà mình cần học hỏi. Vì thế, anh quyết định rời biên chế nhà nước. “Bấy giờ, mọi người lại cho rằng tôi nông nổi. Điều đó cũng dễ hiểu bởi với lựa chọn này, tôi chấp nhận công việc bấp bênh, rất áp lực. Thế nhưng, tôi tin nó có thể giúp đỡ người nông dân nhiều hơn”, anh Đức lý giải.
Tìm đường cho gạo quê
20 năm đã trôi qua kể từ ngày rời “vùng an toàn” và sau đó trở thành người của Tổ chức Tầm nhìn thế giới, anh Đào Văn Đức chưa bao giờ tiếc nuối về quyết định của mình. Dấn thân vào môi trường mới, những áp lực khiến anh Đức phải học hỏi, vận động không ngừng. Mỗi lần kết thúc một dự án nào đó, anh và đồng sự lại phải đi tìm cơ hội mới. Điều may mắn là những cánh cửa mới luôn kịp thời mở ra với anh Đức. Đặc biệt, ở đâu anh cũng có cơ hội hỗ trợ bà con nông dân.
Trong tháng ngày làm cán bộ dự án, ước mong giúp người nông dân thay đổi phương thức sản xuất để làm giàu trên đất quê hương càng bùng cháy trong lòng anh Đào Văn Đức. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với những người dân quê, điều khiến anh trăn trở là hạt gạo bà con làm ra có giá trị chưa tương xứng với sự tảo tần, vất vả mà họ bỏ ra. Phương thức sản xuất lạc hậu đã ngáng trở người nông dân xây dựng thương hiệu của gạo quê. Là Trưởng Dự án KOICA, Tầm nhìn Thế giới Triệu Phong, năm 2016, anh Đức cùng đồng sự xây dựng, thử nghiệm mô hình canh tác tự nhiên. Thấy đây là mô hình nhiều triển vọng, Tổ chức KOICA đã quyết định tài trợ, mở ra một hướng đi mới, đầy triển vọng cho nông dân Triệu Phong.
Trái với dự đoán của anh Đào Văn Đức, buổi đầu, người dân chưa đặt lòng tin vào Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương. Nhiều người vẫn nghĩ chỉ phân hóa học, thuốc trừ sâu mới cho vụ mùa bội thu. Để gỡ khó, anh Đức và đồng sự phải về từng thôn, từng nhà để tuyên truyền, vận động bà con. Kiên trì, cần mẫn, họ giúp người dân trong vùng dự án hiểu hoàn toàn có thể phòng trừ sâu bệnh bằng chế phẩm làm từ ớt, tỏi, gừng… Những thứ tưởng như bỏ đi như cá mụn, vỏ ốc, chuối… có thể trở thành phân bón cho cây lúa. Dự án cũng đã mời những chuyên gia nông nghiệp giàu kinh nghiệm từ Hàn Quốc sang để giúp người nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Kết quả, 70 hộ dân đầu tiên đã đăng ký tham gia dự án.
Nỗ lực nối nỗ lực, anh Đào Văn Đức và đồng sự đã giúp Dự án Phát triển chuỗi giá trị có những bước đi đầy hứa hẹn. Không mất quá nhiều thời gian, người dân trong vùng dự án nhận thấy việc sản xuất gạo sạch giúp bảo vệ sức khỏe cho mình và mọi người; hệ sinh thái đồng ruộng được phục hồi; mang lại thu nhập cao hơn phương thức cũ… Vì thế, ngày có càng nhiều bà con tình nguyện tham gia. Đến nay, có hơn 1.000 hộ nông dân trên địa bàn 5 xã của huyện Triệu Phong gồm: Triệu Tài, Triệu Sơn, Triệu Trạch, Triệu Trung, Triệu Thượng áp dụng mô hình canh tác tự nhiên. “Tôi và đồng sự đã có những ngày “ngồi trên đống lửa”. Bà con lo lúa bị sâu bệnh, mất mùa 1 thì tôi sợ 10. Cái sợ lớn nhất chính là mất lòng tin. Một số thời điểm, tôi phải bỏ tiền túi để mua gạo của người nông dân, rồi tất tả đem đi bán”, anh Đức kể.
“Kỳ tích” trên cánh đồng
Nhiều năm trước, phần lớn nông dân ở huyện Triệu Phong ít nghĩ đến chuyện đưa sản phẩm nông nghiệp mình làm ra đi xa. Việc bồ đựng thóc trong nhà đầy để không phải lo chuyện no đói đã khiến họ hài lòng. Thực tế ấy nay hoàn toàn trái ngược. Bà con đã làm được những điều tưởng chừng rất khó như thay đổi phương thức sản xuất, gây dựng thương hiệu, đưa gạo quê đi khắp muôn nơi… Nông dân trong vùng Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương khẳng định, “kỳ tích” đó khó được làm nên nếu thiếu anh Đào Văn Đức và các cán bộ, nhân viên Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương.
Từ ngày dự án sản xuất nông sản sạch ra đời đến nay, tin vui nối tiếp tin vui đã đến với anh Đào Văn Đức, đồng sự và bà con. Năm 2017, người dân trong vùng dự án vỡ òa hạnh phúc khi hay tin sản phẩm gạo do bà con làm ra đoạt giải Nhất về quy trình kỹ thuật thân thiện với môi trường tại Hội nghị quốc tế diễn ra ở Seoul, Hàn Quốc. Không chỉ khách hàng trong nước mà cả bạn bè quốc tế cũng đã biết tới gạo sạch Triệu Phong. Mới đây, sản phẩm do bà con làm ra được Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận TQC chứng nhận sản xuất phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc gia. Cùng 18 sản phẩm khác, gạo sạch Triệu Phong được chọn là sản phẩm OCOP cấp tỉnh với chất lượng 4 sao.
Là đầu tàu của Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương, anh Đào Văn Đức rất mừng khi cuộc sống nhiều nông dân trong vùng đã khởi sắc. Trên 50% số hộ áp dụng mô hình canh tác tự nhiên có thu nhập bình quân tăng gấp đôi so với canh tác thông thường. Từ sự hỗ trợ của dự án, các nhóm sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã ra đời, hoạt động hiệu quả. 55 nhóm sản xuất trong vùng dự án thiết lập được chuỗi giá trị ổn định để bán các nông sản canh tác tự nhiên với giá cao hơn 20% so với nông sản cùng loại sử dụng phương thức canh tác thông thường. Nhiều nhóm đã hợp đồng tiêu thụ nông sản canh tác tự nhiên với các doanh nghiệp, hợp tác xã và các nhà phân phối. Đặc biệt, Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên ra đời, đắc lực hỗ trợ các nhóm sản xuất, người nông dân trong trồng trọt, chăn nuôi theo hướng “chuẩn”, “sạch”.
Khác với nhiều người, ở tuổi 57, anh Đào Văn Đức vẫn căng tràn khát vọng vươn tới và cống hiến. Nói về ước mơ của mình, anh chia sẻ mong muốn xây dựng Quảng Trị mà trước tiên là toàn huyện Triệu Phong trở thành vùng trọng điểm sản xuất lúa không hóa chất. Bao giờ cũng vậy, anh không hề có ước muốn riêng. Như một sự tri ân, mọi điều người cán bộ dự án tâm huyết này nghĩ, làm và ao ước đều hướng về ruộng đồng, về những người nông dân chân chất.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)