Dân vùng lũ Quảng Trị: “5 ngày không hột cơm, lúa gạo ướt rồi còn chi mô”

Hưng Thơ |

Ở thôn Trung Đơn thuộc xã Hải Định (Hải Lăng, Quảng Trị), bây giờ nhìn đâu cũng mênh mông biển nước. Phần lớn, các ngôi nhà đều bị ngập, có nơi chỉ còn trơ nóc, nên người dân phải sơ tán đến nơi cao. Đã 5 ngày nay, bếp nhà nào cũng tắt, không ai có hột cơm vào bụng. Trước mắt, tại các vùng lụt ở Quảng Trị, người dân sống qua ngày bằng những phần quà hỗ trợ của các Mạnh thường quân và chính quyền địa phương.

Trao quà hỗ trợ cho người dân ở thôn Trung Đơn (xã Hải Định, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị). Ảnh: Hưng Thơ.
Trao quà hỗ trợ cho người dân ở thôn Trung Đơn (xã Hải Định, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị). Ảnh: Hưng Thơ.

“Ướt hết rồi, còn chi mô”

Vùng Càng ở Hải Lăng là nơi chuyên lụt ở Quảng Trị, nên người dân có nhiều kinh nghiệm trong việc… chạy lụt. Thế nhưng, 5 ngày trước, nước lũ đổ về nơi này quá nhanh, nên hầu hết không kịp trở tay.

Trụ sở UBND xã Hải Thành cũ (nay sáp nhập thành xã Hải Định) là nơi cao, lâu nay khó bị ngập, nên nhiều xe môtô được vận chuyển đến đây để tránh lũ. Nhưng nước lên nhanh và dâng cao, giờ cả hàng xe ngập sâu trong nước.

Nước lũ ngập khắp nơi ở huyện Hải Lăng. Ảnh: Hưng Thơ.
Nước lũ ngập khắp nơi ở huyện Hải Lăng. Ảnh: Hưng Thơ.

Sau mấy ngày trú ngụ trên tầng 2 của UBND xã Hải Thành cũ, chiều nay không mưa, nước có êm êm chút là chị Lê Thị Thương (SN 1985, trú tại thôn Trung Đơn, xã Hải Định) cùng người bà con chèo xuồng ghé về nhà.

Chị nhặt được 2 cái nồi, 3 cái tô, vài xô chậu nhựa, còn lúa gạo thì ướt và hư hỏng hết. “Hôm trước nước lũ về nhanh quá nên không kịp mang theo. Giờ về tìm thì được có từng này. Ướt hết rồi, còn chi mô” – chị Thương, cho hay.

Hết mưa, người dân rời chỗ trú về nhà để nhặt nhạnh những thứ chưa bị lũ cuốn đi. Ảnh: Hưng Thơ.
Hết mưa, người dân rời chỗ trú về nhà để nhặt nhạnh những thứ chưa bị lũ cuốn đi. Ảnh: Hưng Thơ.

Cách trụ sở này tầm 15 phút đi canô, có một ngôi nhà tránh lũ 2 tầng là nơi trú ngụ của khoảng 50 người ở thôn Trung Đơn. Tầng 1 nước ngập phân nửa, toàn bộ 50 người lên tầng 2 ở 5 ngày nay. Nghe tiếng canô chạy đến, khoảng chục đứa trẻ cùng mấy người già chạy ra hành lang, vẫy vẫy tay.

Ông Lý Đình Du (SN 1976, trú tại thôn Trung Đơn) cho hay, 5 ngày nay những người trú ở nhà tránh lũ không có hột cơm vào bụng, người lớn thì không sao, chỉ tội mấy đứa nhỏ. “Thì ai tiếp ứng gì thì ăn nấy, chủ yếu là mỳ tôm, bánh. Giờ không nấu nướng được, nên ăn tạm rứa thôi” – ông Du, nói.

Trường học cũng ngập trong biển nước. Ảnh: Hưng Thơ.
Trường học cũng ngập trong biển nước. Ảnh: Hưng Thơ.

“Có rứa mới cười được chớ”

Chiếc canô của Biên phòng Quảng Trị chở theo hàng cứu trợ cặp được vào lan can của nhà tránh lũ, thì ông Du và 4 người nữa kéo 3 chiếc ghe đến. “Hôm nay có cơm và thức ăn còn nóng cùng mỳ tôm, nước uống, nến, bật lửa, mắm muối…” – thượng úy Trần Trọng Nhật, Biên phòng Quảng Trị - thông báo.

Nghe cơm nóng, ông Du cười toe toét, trên tầng 2 cũng vang lên tiếng cười. Chuyển hết số hàng qua ghe, từ ghe chuyển lên tầng 2, ông Du níu vào mạn canô, thay mặt gửi lời cảm ơn. Hỏi ông thiệt hại của bà con như thế nào, ông bảo nhiều đồ đạc bị chìm trong nước, chắc hỏng hết. “Khó thì khó rồi, nhưng may mắn có chính quyền và các anh em ngày mô cũng ghé hỗ trợ, có rứa chừ mới cười được chớ” – ông Du, chia sẻ.

Người dân di chuyển bằng ghe trên đồng nước lũ. Ảnh: Hưng Thơ.
Người dân di chuyển bằng ghe trên đồng nước lũ. Ảnh: Hưng Thơ.


Trước khi ghé nhà tránh lũ này, thiếu tá Hoàng Ngọc Lương - Biên phòng Quảng Trị đã điều khiển chiếc canô đưa chúng tôi đến một số điểm ngập sâu ở xã Hải Định. Nơi nào chưa được hỗ trợ, thì đoàn ghé lại để chuyển thức ăn, nước uống. Số thức ăn và nước uống sẽ được các điểm dùng ghe phân phát lại cho các hộ dân đang bám trụ lại ở nhà riêng hoặc các nơi tránh trú xa hơn.

Thức ăn được chế biến sẵn do người dân hỗ trợ được trao cho người dân vùng lũ. Ảnh: Hưng Thơ.
Thức ăn được chế biến sẵn do người dân hỗ trợ được trao cho người dân vùng lũ. Ảnh: Hưng Thơ.


Trong buổi chiều 13.10, không chỉ canô của lực lượng biên phòng, mà lực lượng công an cũng làm nhiệm vụ vận chuyển đi cứu trợ. Hàng cứu trợ chủ yếu là đồ ăn, nước uống được các Mạnh Thường Quân ở khắp mọi nơi hỗ trợ. Nhiều đoàn mang đồ ủng hộ về tận bến neo canô, rồi UBND huyện Hải Lăng tiếp nhận, phân bổ cho các địa bàn.

Nụ cười của người dân ở vùng lũ sau khi nhận được sự hỗ trợ. Ảnh: Hưng Thơ.
Nụ cười của người dân ở vùng lũ sau khi nhận được sự hỗ trợ. Ảnh: Hưng Thơ.


Ông Dương Viết Hải – Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, ở địa phương có đến 16.875 hộ với 50.625 nhân khẩu bị ngập lụt. Những ngày qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã tìm đến hỗ trợ nhu yếu phẩm cho bà con, nhưng khó khăn của người dân vẫn còn đó.

Bà Lâm Thị Duyên vận chuyển 100 suất quà đến điểm tập kết để các lực lượng trao cho người dân vùng lũ. Ảnh: Hưng Thơ.
Bà Lâm Thị Duyên vận chuyển 100 suất quà đến điểm tập kết để các lực lượng trao cho người dân vùng lũ. Ảnh: Hưng Thơ.

Được biết, toàn tỉnh Quảng Trị hiện có gần 41.000 hộ với gần 125.500 nhân khẩu bị ảnh hưởng do mưa lũ. Do bị ngập lụt, nên trước mắt người dân cần được hỗ trợ thức ăn chế biến sẵn. Đặc biệt, ở huyện miền núi Đakrông, nhiều vùng bị cô lập hiện rất cần được quan tâm.

TAGS

Công tác cứu hộ, cứu nạn lũ lụt vẫn đang được ráo riết thực hiện

Xanh EWEC |

Bản tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Trị lúc 16h 30 phút chiều  9/10/2020 dự báo, trong 6-12 giờ tới, lũ trên các sông tiếp tục lên và đạt đỉnh sau xuống. Mưa lớn tiếp tục diễn ra trên diện rộng đến hết ngày 10/10/2020.

Phải kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân ngập lụt

Tiến Nhất - Phan Vĩnh |

Trước tình hình mưa lũ kéo dài, chiều 8/10/2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã đi kiểm tra tình hình mưa lũ tại huyện Hướng Hóa và Đakrông; tặng quà hỗ trợ cho người dân gặp thiệt hại do thiên tai.

Hướng Hóa: Di dời hơn 1.000 hộ dân do ngập lụt

Phan Liên |

Từ 6 đến sáng ngày 8 tháng 10, mưa lớn vẫn tiếp tục trút xuống địa bàn huyện miền núi Hướng Hoá (Quảng Trị).

Bão nhiệt đới Noul gây lũ lụt, ảnh hưởng tới 22 tỉnh ở Thái Lan

Anh Hiển |

Lũ quét và mưa lớn, gây ra bởi bão tới toàn bộ các khu vực ở Thái Lan, đã gây thiệt hại tới các cơ sở hạ tầng, trang trại, làng mạc và các tài sản khác ở 22 tỉnh trong những ngày qua.