Tỉnh Quảng Trị đang phấn đấu đến năm 2025 nâng diện tích lúa hữu cơ lên khoảng 11.000 -12.000 ha để tiến tới mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị, đưa nền nông nghiệp Quảng Trị từng bước vươn ra biển lớn. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới mà đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII sắp tới đề ra.
Với mong muốn tạo ra được sản phẩm nông sản sạch, thân thiện môi trường, bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng, từ năm 2016, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đại Nam (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã liên kết với bà con nông dân tỉnh Quảng Trị thử nghiệm áp dụng quy trình công nghệ phân bón Ong Biển trong chuỗi sản xuất lúa gạo hữu cơ bằng công thức riêng đó là chỉ dùng phân Obi Ong biển chứ không dùng phân bón và thuốc trừ sâu khác. Ngoài việc cung cấp không lấy tiền phân bón, giống lúa cho bà con nông dân, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đại Nam đã ký cam kết bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ cho bà con nông dân với mức giá cao hơn giá thị trường 30% góp phần tạo thu nhập ổn định cho bà con nông dân yên tâm sản xuất.
Từ mô hình thí điểm ở các HTX Phước Thị (Gio Mỹ), Đức Xá (Vĩnh Thủy), Đại An Khê (Hải Thượng) đến nay sau gần 5 năm triển khai mô hình canh tác này ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng và Triệu Phong bà con nông dân đã áp dụng mô hình khá hiệu quả. Chỉ riêng vụ Đông Xuân năm 2020 này lúa hữu cơ được thu mua với giá bình quân 10.000 đồng/kg trong lúc lúa thông thường chỉ bán với giá 6.200 đến 6.500 đồng/kg. So với sản xuất thông thường thì canh tác theo mô hình sản xuất lúa hữu cơ lãi gần 1 triệu đồng/sào.
Ông Dương Văn Định ở thôn Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh cho biết: Gia đình ông đã chuyển canh tác theo mô hình truyền thống sang canh tác theo quy trình hữu cơ hơn 4 năm nay. Với quy trình canh tác này, vụ Đông Xuân năm nay gia đình ông không chỉ thu hoạch lúa mà mỗi vụ gia đình ông còn thu hoạch cá, tôm, cua các loại. Thu nhập từ đồng ruộng hữu cơ cao hơn từ 1.2 đến 1.5 lần so với canh tác truyền thống. Qua thực tế áp dụng mô hình hữu cơ cho thấy mô hình sản xuất này đã giúp cho đồng ruộng tươi tốt hơn, hệ sinh thái tự nhiên giúp cho người nông dân không bị nhiểm chất hóa học từ các loại phân vô cơ và thuốc trừ sâu. Cùng một cánh đồng chỉ có các chân ruộng canh tác theo mô hình hữu cơ thì các loại sinh vật truyền thống như tôm, cua, cá trở lại sinh sôi nãy nở còn các chân ruộng khác không thấy các sinh vật truyền thống trên đồng ruộng như trước đây. Đã từ lâu lắm rồi nông dân mới thấy cá, tôm, cua xuất hiện trở lại trên đồng đất quê mình khi canh tác theo mô hình sản xuất lúa hữu cơ. Việc canh tác không dùng phân vô cơ, không phun thuốc trừ cỏ nên ở các chân ruộng cỏ lên xanh tốt, các sinh vật như: cá, châu chấu, ếch nhái, các loại rắn cũng kéo về vì môi trường sạch hơn trước rất nhiều.
Quy trình canh tác lúa theo công nghệ hữu cơ bước đầu khẳng định có hiệu quả về kinh tế cũng như môi trường. Việc ứng dụng canh tác hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã cho năng suất lúa bình quân đạt trên 6 tấn/ha, thu nhập bình quân cao hơn nhiều so với canh tác truyền thống trước đây. Qua hơn gần 5 năm sản xuất theo quy trình lúa hữu cơ tại tỉnh Quảng Trị đã cho thấy mô hình này có nhiều ưu điểm vượt trội so với canh tác theo quy trình truyền thống. Bà Nguyễn Thị Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị khẳng định: "Sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn theo hướng hữu cơ cho kết quả khả quan. Điều quan trọng nhất là với quy trình canh tác lúa chỉ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, không sử dụng phân bón vô cơ, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh đã góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo chuyển biến và nâng cao nhận thức về sản xuất lúa an toàn theo hướng hữu cơ cho nông dân".
Quy trình canh tác hữu cơ nên sản phẩm gạo hữu cơ Quảng Trị đã được người tiêu dùng trong cả nước tin dùng. Gần đây, gạo hữu cơ Quảng Trị có mức tiêu thụ tăng ở các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, gạo hữu cơ Quảng Trị đã từng bước chiếm lĩnh niềm tin của người tiêu dùng khó tính ở các địa bàn lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và thủ đô Hà Nội.
Hiện nay, cơ cấu sản xuất nông nghiệp của Quảng Trị đang chuyển dịch rõ nét theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, hướng tới một nền nông nông nghiệp hữu cơ bền vững. Quảng Trị đang quyết tâm sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ bền vững, áp dụng công nghệ chỉ bón phân và tưới nước loại trừ dần thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vô cơ ra khỏi đồng ruộng. Gạo hữu cơ Quảng Trị đã khẳng định hiệu quả trên cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường, từng bước xây dựng thành công thương hiệu gạo Quảng Trị, đưa gạo hữu cơ Quảng Trị có chổ đứng trên thị trường thế giới.
Ngày nay, xu thế sản phẩm nông sản làm ra phải thân thiện với môi trường, phải đảm bảo quyền của người tiêu dùng, sức khỏe cho cộng đồng. Quảng Trị đã và đang hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững trong đó dẫn đầu là cây lúa. Thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị hiện đã có mặt tại 80 siêu thị trên cả nước và Quảng Trị cũng là một trong những tỉnh tiên phong về phát triển nông nghiệp hữu cơ. Phấn đấu đến năm 2025 Quảng Trị có 11.000 - 12.000 ha áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm, có chứng chỉ chứng nhận của các cơ quan có thẩm quyền trong nước và quốc tế.
Trong khi ở nhiều nơi, người dân đang bỏ lúa để chuyển sang canh tác các loại cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao hơn, vì trồng lúa lời lãi chẳng bao nhiêu, lại phải thường xuyên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe. Thế nhưng tại Quảng Trị, thời gian gần đây diện tích lúa hữu cơ ngày càng được mở rộng không những đem lại giá trị kinh tế cao hơn so với trồng lúa truyền thống mà còn đảm bảo phát triển hệ sinh thái tự nhiên ngay trên đồng ruộng, tạo nên thương hiệu cho gạo hữu cơ Quảng Trị vươn tầm thế giới.
(Nguồn: QRTV)