Những năm gần đây, tỉnh Quảng Trị đã tập trung huy động các nguồn lực xã hội cùng với ngân sách nhà nước đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và các công trình xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Nhiệm kỳ qua, dù đối mặt với suy thoái kinh tế, cắt giảm đầu tư công nhưng nhờ vận dụng linh hoạt thời cơ, tranh thủ tối đa các nguồn lực, tỉnh Quảng Trị đã huy động được nguồn vốn lớn cho đầu tư phát triển, tạo bước “đột phá” trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Nếu như đầu nhiệm kỳ, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn chưa cho thấy sự liên kết của hai trục ngang và dọc thì sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được đầu tư xây dựng đã tạo thành “mắt xích” liên hoàn, giúp giao thương ngày càng thuận lợi.
Hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư, tạo sự liên kết vùng, miền và khu vực. Hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh nhiệm kỳ qua tăng thêm 1.605,87 km. Tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông đạt trên 6.623 tỉ đồng. Nhiều công trình giao thông quan trọng đã được cải tạo, nâng cấp hoặc đầu tư xây dựng mới như: Cầu sông Hiếu, cầu Thành Cổ (sông Thạch Hãn), cầu nối Mò Ó - Triệu Nguyên, đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đường tránh thành phố Đông Hà về phía Đông, đường Sa Trầm - Palin, trục đường trung tâm Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; một số hạng mục quan trọng kết nối Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với Hành lang kinh tế Đông Tây, tam giác du lịch biển Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ cũng được bổ sung vào quy hoạch và đang từng bước triển khai thực hiện.
Cùng với hạ tầng giao thông, kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp từng bước được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư và triển khai thực hiện các dự án. Hệ thống hạ tầng thủy lợi được đầu tư, nâng cấp cơ bản đồng bộ; hệ thống đê điều đầu tư khép kín với nhiều công trình trọng điểm, chủ động tưới, tiêu, phục vụ sản xuất, đảm bảo tưới chủ động cho 85% diện tích lúa 2 vụ, tiêu úng cho 7.500 ha, cấp nước cho 1.975 ha nuôi trồng thủy sản, ngăn mặn, ngăn lũ cho 13.000 ha. Đồng thời hệ thống kè sông, kè biển được tập trung đầu tư tại các vị trí sạt lở cấp bách, nguy hiểm, góp phần chủ động phòng, chống thiên tai, ổn định đời sống dân cư, cải thiện cảnh quan đô thị và nông thôn vùng ven sông, ven biển.
Ngoài ra, công tác đầu tư kỹ thuật hạ tầng đô thị cũng góp phần thay đổi diện mạo các thị trấn, thị xã và đặc biệt là thành phố Đông Hà trong những năm gần đây. Tỉnh đã tập trung ưu tiên thành phố Đông Hà xây dựng và phát triển nhiều khu đô thị mới, hệ thống hạ tầng đô thị thiết yếu từng bước hoàn thiện, nhiều công trình hạ tầng xã hội được xây dựng như: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Phân hiệu Đại học Huế, Nhà văn hóa Trung tâm thành phố, Trung tâm Thể dục - Thể thao thành phố, Công viên Fidel, hệ thống các công viên, vườn hoa, bệnh viện, nhà văn hóa khu phố và các thiết chế văn hóa khác… làm cho diện mạo đô thị Đông Hà ngày càng phát triển năng động, hiện đại.
Để tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới, tỉnh cần nguồn lực đầu tư rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, việc huy động đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đang dần thắt chặt, giảm chi đầu tư công, kế hoạch vốn hằng năm phải tập trung xử lý nợ đọng, hạn chế thấp nhất việc triển khai đầu tư mới… Vì vậy, nhiệm kỳ tới tỉnh Quảng Trị xác định tiếp tục triển khai nhiều giải pháp làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn thuộc các chương trình khác nhau nhằm dồn sức huy động cao nhất các nguồn lực từ ngân sách trung ương, các thành phần kinh tế và toàn xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đồng thời sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án để bố trí nguồn lực đầu tư dứt điểm, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng, tránh tình trạng đầu tư dàn trải.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Quảng Trị Nguyễn Đức Hà, nhiệm vụ trọng tâm của ngành giao thông trong những năm tới là tập trung hoàn thành một số dự án trọng điểm, động lực, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là các công trình giao thông quan trọng kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, các Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay với cảng Cửa Việt, cảng Mỹ Thủy và hệ thống giao thông quốc gia; xây dựng cơ sở hạ tầng các đô thị trên địa bàn tỉnh, trong đó sẽ ưu tiên thực hiện dự án Quốc lộ 15D; đốc thúc đẩy nhanh quá trình đầu tư để đưa vào khai thác cảng biển Mỹ Thủy; cảng Cửa Việt bờ Nam; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ Quốc lộ 1 về cảng Cửa Việt; mở rộng Quốc lộ 9 đoạn tránh phía Nam Đông Hà; trục động lực phát triển kinh tế - xã hội nối thành phố Đông Hà với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị… Đầu tư hoàn thiện, đưa vào sử dụng các công trình đầu tư dở dang, kéo dài nhiều năm.
Về hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu công nghiệp Quán Ngang, Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá và các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu tại khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay; đẩy nhanh triển khai dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp VSIP8… Về hạ tầng đô thị, từng bước phát triển hạ tầng đô thị hiện đại, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu xây dựng quy hoạch và phát triển đô thị ven biển để phát triển kinh tế biển, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Về hạ tầng nông nghiệp và phát triển nông thôn, nâng cấp các công trình thủy lợi đảm bảo tưới tiêu chủ động; các công trình đê, kè phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; các khu neo đậu tránh trú bão, dịch vụ hậu cần nghề cá. Từng bước hoàn thành các tiêu chí về kết cấu hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)