Cây cam do người dân du nhập vào trồng tại Quảng Trị từ đầu những năm 1990, tập trung chủ yếu ở vùng phía Tây của huyện Hải Lăng. Những năm gần đây, cây cam đã dần khẳng định sự thích nghi và mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất vì vậy diện tích đang ngày càng được mở rộng ra nhiều địa phương. Để giúp người dân làm giàu trên mảnh đất của mình, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển giá trị sản phẩm từ cây cam là rất cần thiết.
Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có hơn 190 ha cam, sản lượng đạt trên 2.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh và Cam Lộ... với các giống cam chủ yếu như: Cam Vân Du, Xã Đoài, ….
Kỹ thuật trồng cam chủ yếu do người dân tự tìm tòi, học hỏi quy trình từ các vùng trồng cam nổi tiếng và tự áp dụng vào vườn cam. Năng suất bình quân của các giống cam đạt trung bình từ 10 - 15 tấn/ha, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người sản xuất. Tuy vậy, do chưa có quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh phù hợp đã dẫn đến tình trạng vườn cây có năng suất, chất lượng không cao (độ ngọt thấp), đặc biệt sâu bệnh phát sinh và gậy hại nặng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng quả. Hàng năm, bước vào mùa mưa, mùa thu hoạch, các vườn cam đều có tỉ lệ rụng quả rất lớn (30-40%) do sâu bệnh gây hại, dinh dưỡng không cân đối.
Trước yêu cầu bức thiết của người sản xuất, để kịp thời hỗ trợ người dân nắm bắt kỹ thuật canh tác, chăm sóc, hạn chế tối đa sự gây hại của sâu bệnh, hướng tới xây dựng các vùng sản xuất cam đảm bảo an toàn thực phẩm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị đã triển khai nghiên cứu “Ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phát triển sản phẩm Cam hữu cơ, cam đảm bảo an toàn thực phẩm của tỉnh Quảng Trị” trong 02 năm 2018 - 2020.
Kết quả qua 02 năm đã thực hành và hoàn chỉnh được Quy trình sản xuất cam đảm bảo an toàn thực phẩm và Quy trình sản xuất cam theo hướng hữu cơ, đặc biệt đã tìm ra giải pháp phòng trừ các loại côn trùng phá hoại hiệu quả bằng sử dụng bẫy lồng tự thiết kế và sản xuất. Vườn Cam canh tác theo quy trình hữu cơ cho quả Cam ngọt hơn, ngoài ra mẫu mã quả cũng đẹp hơn (vỏ mỏng, bóng hơn) so với vườn cam canh tác theo quy trình truyền thống. Hiệu quả kinh tế của sản xuất cam hữu cơ cao gấp 1,2 - 1,5 lần so với canh tác truyền thống.
Theo đó, thông qua việc hoàn thiện quy trình trồng cam hữu cơ, ngành Nông nghiệp Quảng Trị đang đẩy nhanh việc tư liệu hóa thành cẩm nang quy trình để chuyển giao cho nông dân toàn tỉnh giúp người trồng cam mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng các vùng sản xuất cam tập trung, mở ra hướng đi mới phát triển kinh tế vùng gò đồi của tỉnh Quảng Trị.
Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Gám đốc Sở NN và PTNT Quảng Trị cho biết: “Để phát triển cây cam nói riêng và cây có múi nói chung một cách bền vững, nâng cao hiệu quả giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích ngành nông nghiệp Quảng Trị sẽ chủ động phối hợp với các địa phương rà soát lại quy hoạch sử dụng đất, xây dựng kế hoạch, chiến lược cây ăn quả đặc sản giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030 để lựa chọn một số giống ăn quả có lợi thế cạnh tranh nhằm đề xuất phương án, chiến lược phát triển dài hạn, hướng đến hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung; tiến hành tuyển chọn, đánh giá một số giống cây trồng mới như (Cam Cara, Bưởi Diễn…) nhằm đa dạng các đối tượng cây trồng cũng như nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến cây ăn quả trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên ứng dụng các quy trình sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, chứng nhận hữu cơ của Việt Nam và thế giới, cùng với đó là tăng cường công tác truyền thông, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm cây ăn quả chủ lực của tỉnh”.
(Nguồn: QRTV)