Người tâm huyết với thương hiệu gà Cùa

Lê Trường |

Sinh ra và lớn lên tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định nhưng anh Vũ Văn Bắc (sinh năm 1983) lại bén duyên, lập nghiệp ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) và trở thành người gắn bó với việc xây dựng, phục hồi thương hiệu gà Cùa.

Năm 2000, anh Bắc rời quê hương vào miền Nam lập nghiệp và nên duyên vợ chồng với chị Trương Thị Thanh Tâm (sinh năm 1984), quê ở thôn Đoàn Kết, xã Cam Chính. Cuộc sống nơi đất khách quê người khiến đôi vợ chồng trẻ gặp nhiều khó khăn nên cuối năm 2011, vợ chồng anh quyết định trở về quê hương vợ ở xã Cam Chính để khởi nghiệp. “Thời gian sống ở miền Nam, vợ chồng tôi từng tìm hiểu về mô hình chăn nuôi gà theo quy trình khép kín. Nhận thấy ở địa phương có nhiều tiềm năng nên quyết định trở về, làm đơn để xin cấp đất xây dựng trang trại chăn nuôi”, anh Bắc kể lại.

Mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học của anh Vũ Văn Bắc -Ảnh: LÊ TRƯỜNG
Mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học của anh Vũ Văn Bắc -Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Đầu năm 2012, sau khi được chính quyền địa phương cấp 0,7 ha đất tại thôn Đoàn Kết, vợ chồng anh đầu tư xây dựng gia trại chăn nuôi 100 con gà Cùa, 250 con vịt, 3 con bò kết hợp trồng trọt. Quá trình chăn nuôi, anh Bắc so sánh hiệu quả và nhận thấy gà Cùa có thị trường tiêu thụ lớn, lợi nhuận cao hơn nên quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi.

Đặc biệt, năm 2020, với Đề án phát triển thương hiệu gà Cùa của huyện Cam Lộ, anh Bắc mạnh dạn đề xuất và được lựa chọn thực hiện mô hình điểm chăn nuôi gà Cùa theo hướng an toàn sinh học. Đồng thời, thành lập Tổ hợp tác gà Cùa với 10 hộ tham gia do anh Bắc làm tổ trưởng. Các hộ tham gia tổ hợp tác được hỗ trợ 50% về gà giống, thuốc, vắc xin và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, quản lý và kẹp chì khi xuất bán, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ.

Theo anh Bắc, sau khi được tập huấn và xác định chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn an toàn sinh học của VietGAP, anh đã thay đổi hoàn toàn cách nuôi để đảm bảo chất lượng đúng chuẩn thương hiệu gà Cùa đã có tiếng từ trước đó.

“Quy trình chăn nuôi là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng, độ thơm ngon của thịt gà. Vì vậy, tôi đầu tư xây dựng chuồng trại quy mô, có hệ thống lọc nước tự động; tìm kiếm, chọn lọc nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương phối hợp thức ăn phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng như xay nhuyễn cỏ, bắp chuối, ngô, khoai, sắn cho gà ăn; sử dụng men và tỏi tự ủ thay cho thuốc thú y để phòng ngừa dịch bệnh”, anh Bắc thông tin.

Có quyết tâm và được hỗ trợ từ địa phương, vợ chồng anh Bắc được tiếp sức để xây dựng, phục hồi thương hiệu gà Cùa. Với trách nhiệm của tổ trưởng tổ hợp tác, ngoài chăn nuôi trên 3.500 con gà Cùa, anh Bắc cung cấp toàn bộ gà giống, thức ăn và đầu ra sản phẩm cho 9 hộ hội viên còn lại với trung bình mỗi hộ nuôi từ 1.000 - 2.000 con/lứa.

Anh Bắc cho biết: “Trung bình mỗi tháng, các hộ trong tổ hợp tác chúng tôi xuất đi khoảng 3.000 con gà thịt. Thị trường chủ yếu là các nhà hàng, quán ăn ở TP. Đông Hà, thị trấn Khe Sanh, Lao Bảo, ngoài ra còn có một số đơn hàng ở Huế, TP. Hồ Chí Minh. Đầu ra sản phẩm tương đối ổn định nên các thành viên trong tổ hợp tác chăn nuôi gà thay nhau gối lứa để đủ nguồn cung và đảm bảo chất lượng sản phẩm thịt gà cho khách hàng. Riêng đối với gia đình tôi, một năm nuôi gối vụ khoảng 4-5 lứa, mỗi lứa khoảng 1.400-1.500 con”.

Chủ tịch UBND xã Cam Chính Nguyễn Văn Hà cho biết, một trong những yếu tố làm nên thành công trong mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học của gia đình anh Bắc và Tổ hợp tác gà Cùa chính là chất lượng và thương hiệu của sản phẩm. Sau nhiều năm nỗ lực, năm 2021, sản phẩm Gà Cùa Tâm Bắc đã được chứng nhận đạt hạng 3 sao Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Quảng Trị.

Đây là hướng phát triển sản xuất theo đúng mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương, vừa tạo sinh kế, thu nhập ổn định, vừa thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đi đôi với xây dựng sản phẩm OCOP mang tính đặc thù của địa phương. Xã sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ để nâng hạng cho sản phẩm, đồng thời triển khai nhân rộng mô hình, tiến tới xây dựng thương hiệu gà Cùa đúng chuẩn từ việc cung cấp giống, quy trình nuôi với sản phẩm gà sạch đóng gói đưa ra thị trường trong thời gian tới.

“Trải qua nhiều khó khăn, kết quả có được là sự đón nhận của người tiêu dùng đối với sản phẩm gà sạch xứ Cùa. Tôi mong muốn được hỗ trợ, đồng hành để nghiên cứu, lai tạo thành công giống gà Cùa chuẩn gốc với nguồn gen trội là gà bản địa. Thời gian tới, tôi tiếp tục đầu tư để xây dựng lò ấp trứng và mở rộng quy mô chuồng trại nuôi thêm gà Cùa sinh sản để đảm bảo nguồn gà giống cung cấp cho người dân trong và ngoài địa phương nhằm đưa giống gà bản địa và thương hiệu gà Cùa càng ngày càng đi xa hơn”, anh Bắc chia sẻ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Người tiên phong thử nghiệm nhiều cây trồng mới trên đất Cùa

Anh Vũ |

Năm nay đã 62 tuổi nhưng ông Nguyễn Ngọc Thỉnh, ở thôn Đoàn Kết, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) vẫn là một trong những hội viên nông dân tích cực, đi đầu trong đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như thử nghiệm nhiều loại cây trồng mới để nâng cao thu nhập cho gia đình, trở thành hộ nông dân sản xuất giỏi ở vùng Cùa.

Trao tặng 30 máy vi tính cho học sinh vùng Cùa

Lê Trường |

Ngày 2/4, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh đến thăm và trao tặng 30 bộ máy vi tính cho học sinh các trường trên địa bàn xã Cam Chính và Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị).

Trồng cây riềng ở vùng Cùa mang lại thu nhập cao

Lê Trường |

Vùng Cùa (gồm hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) có lợi thế là vùng đất đỏ ba dan phù hợp để phát triển nhiều loại cây. Những năm qua, bên cạnh việc chú trọng phát triển mạnh các loại cây công nghiệp lâu năm như cao su, hồ tiêu, rừng trồng…, người dân 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa còn tập trung chuyển đổi đưa vào sản xuất các loại cây trồng ngắn ngày năng suất cao thay thế dần một số cây trồng hiệu quả thấp. Trong đó, cây riềng hiện đang được người dân vùng Cùa tập trung phát triển và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xứ Cùa, vùng quê khởi sắc

Lê Trường |

Xứ Cùa là tên gọi chung của vùng đất gồm 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa, thuộc huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Vùng đất ba dan màu mỡ này là xứ sở của những rừng cao su xanh ngát, của tiêu nồng, chè thơm… Nơi đây còn mang đậm dấu ấn lịch sử, được coi là cái nôi của phong trào Cần Vương, là “kinh đô kháng chiến” của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam và là chiến khu cách mạng, nơi nổ ra phong trào đồng khởi đầu tiên ở tỉnh Quảng Trị vào năm 1964 . Trải qua biết bao mùa xuân kể từ ngày hòa bình lập lại, chiến khu Cùa năm xưa nay đã có nhiều đổi thay.