Người tiên phong thử nghiệm nhiều cây trồng mới trên đất Cùa

Anh Vũ |

Năm nay đã 62 tuổi nhưng ông Nguyễn Ngọc Thỉnh, ở thôn Đoàn Kết, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) vẫn là một trong những hội viên nông dân tích cực, đi đầu trong đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như thử nghiệm nhiều loại cây trồng mới để nâng cao thu nhập cho gia đình, trở thành hộ nông dân sản xuất giỏi ở vùng Cùa.

Cũng như nhiều nông dân ở vùng Cùa, trước đây, kinh tế gia đình ông Thỉnh gặp không ít khó khăn do thiếu vốn, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất. Nhận thấy điểm yếu của bản thân, ông Thỉnh không ngừng tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm về các loại cây trồng, con nuôi trên mạng internet, sách, báo để áp dụng vào thực tế sản xuất. Đặc biệt, đầu những năm 2000, huyện Cam Lộ có chủ trương vận động người dân thực hiện Đề án phát triển cây cao su và cải tạo, phục hồi vườn tiêu, ông Thỉnh nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất bằng cách vay vốn ngân hàng để cải tạo lại vườn tiêu theo hướng thâm canh và trồng 2,5 ha cao su tiểu điền. Với bản tính cần cù, chịu khó, quá trình thực hiện mô hình ông luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, đặc biệt là biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây hồ tiêu, đầu tư hệ thống nước tưới vào mùa hè, thoát úng vào mùa mưa. Nhờ đó, vườn tiêu 300 gốc của gia đình ông lúc nào cũng xanh tốt, cho năng suất cao.

Ông Nguyễn Ngọc Thỉnh đang thu hoạch củ sắn dây -Ảnh: A.V
Ông Nguyễn Ngọc Thỉnh đang thu hoạch củ sắn dây -Ảnh: A.V

Không chỉ sản xuất những cây trồng truyền thống, năm 2017, khi chính quyền địa phương có chủ trương đưa cây sắn dây vào trồng thử nghiệm, ông đã tiên phong chuyển đổi 5 sào đất trồng sắn sang trồng sắn dây và duy trì cho đến nay. Ông Thỉnh cho biết, trồng sắn dây chi phí đầu tư thấp, cây ít sâu bệnh, đầu ra sản phẩm dễ dàng nên cho hiệu quả kinh tế cao. Với 5 sào sắn dây của gia đình, mỗi năm cho thu nhập 50 triệu đồng. Không dừng lại ở đây, ông Thỉnh còn thường xuyên lên mạng tìm hiểu các giống cây mới phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở địa phương để đưa về trồng thử nghiệm và nhân rộng. Cách đây 4 năm, ông ra tận tỉnh Hải Dương mua 31 cây vải U hồng về trồng thử nghiệm. Đây là loại vải chín sớm hơn so với các loại vải thông thường, ăn rất ngon nên giá bán cao gấp 2 - 3 lần. Vừa rồi, có 14 cây ra quả vụ đầu tiên. Ngoài ra, ông còn trồng 2 sào cây na dai với số lượng gần 100 gốc. Mặc dù mới trồng được hai năm nhưng hiện nay cây phát triển tốt và chuẩn bị ra quả bói.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Chính Nguyễn Ngọc Thanh cho biết: “Ông Thỉnh là hội viên nông dân sản xuất giỏi, biết phát huy lợi thế của vùng đất đỏ ba dan, gò đồi để trồng nhiều loại cây khác nhau. Đặc biệt, ông đã tìm tòi những cây trồng mới đưa về trồng để có cơ sở cho hội viên khác học tập, nhân rộng. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Thỉnh còn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, vận động các hộ gia đình khác áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, để tận dụng lợi thế từ đất đai, làm giàu trên chính đồng đất quê hương”.

Mặc dù hiện nay chỉ có cao su, hồ tiêu, sắn dây và một số cây trồng ngắn ngày khác cho thu hoạch nhưng mỗi năm gia đình ông Thỉnh có nguồn thu nhập trên 150 triệu đồng. Trong tương lai, khi cây vải U hồng, na dai đến thời kỳ thu hoạch, nguồn thu nhập của gia đình ông sẽ tăng lên đáng kể. “Trong sản xuất nông nghiệp, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đầu tư thâm canh là hết sức quan trọng. Nếu tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật dịch bệnh sẽ khó xảy ra, năng suất, chất lượng sản phẩm lại cao. Phát triển mô hình kinh tế đa cây, đa con có rất nhiều ưu điểm, đó là việc thu hoạch đan xen nhau, lúc nào mình cũng có nguồn thu nhập, đồng thời, hạn chế được rủi ro nếu có dịch bệnh xảy ra hay giá cả lên xuống”, ông Thỉnh chia sẻ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Chinh phục đèo Cùa

Nguyễn Minh Đức |

Giải Việt dã “Về nguồn”, Đại hội Thể dục Thể thao (TDTT) tỉnh Quảng Trị lần thứ VIII, năm 2021-2022 được tổ chức trên cung đường Cùa, huyện Cam Lộ vào ngày Thể thao Việt Nam 27/3. Giải quy tụ hơn 100 vận động viên (VĐV) tranh tài. Thành công từ giải đấu lần này sẽ đặt nền móng để giải Việt dã “Về nguồn” được tổ chức thường niên, trở thành một thương hiệu tại huyện Cam Lộ.

Trồng cây riềng ở vùng Cùa mang lại thu nhập cao

Lê Trường |

Vùng Cùa (gồm hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) có lợi thế là vùng đất đỏ ba dan phù hợp để phát triển nhiều loại cây. Những năm qua, bên cạnh việc chú trọng phát triển mạnh các loại cây công nghiệp lâu năm như cao su, hồ tiêu, rừng trồng…, người dân 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa còn tập trung chuyển đổi đưa vào sản xuất các loại cây trồng ngắn ngày năng suất cao thay thế dần một số cây trồng hiệu quả thấp. Trong đó, cây riềng hiện đang được người dân vùng Cùa tập trung phát triển và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xứ Cùa, vùng quê khởi sắc

Lê Trường |

Xứ Cùa là tên gọi chung của vùng đất gồm 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa, thuộc huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Vùng đất ba dan màu mỡ này là xứ sở của những rừng cao su xanh ngát, của tiêu nồng, chè thơm… Nơi đây còn mang đậm dấu ấn lịch sử, được coi là cái nôi của phong trào Cần Vương, là “kinh đô kháng chiến” của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam và là chiến khu cách mạng, nơi nổ ra phong trào đồng khởi đầu tiên ở tỉnh Quảng Trị vào năm 1964 . Trải qua biết bao mùa xuân kể từ ngày hòa bình lập lại, chiến khu Cùa năm xưa nay đã có nhiều đổi thay.

Nguyễn Văn Hiếu - trưởng thôn xuất sắc ở vùng Cùa

Lê Trường |

Anh Nguyễn Văn Hiếu ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), từng tốt nghiệp Khoa Lịch sử của Trường Đại học Đà Lạt, trở về quê hương làm nhiều công việc khác nhau, nhưng rồi lại “bén duyên” với một công việc không ai ngờ tới: làm trưởng thôn. Từ sự tín nhiệm, hỗ trợ của bà con trong thôn, sự nỗ lực của bản thân, anh Hiếu đã đưa nhiều phong trào của thôn Mai Lộc 2 dẫn đầu trong toàn xã.