Xứ Cùa, vùng quê khởi sắc

Lê Trường |

Xứ Cùa là tên gọi chung của vùng đất gồm 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa, thuộc huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Vùng đất ba dan màu mỡ này là xứ sở của những rừng cao su xanh ngát, của tiêu nồng, chè thơm… Nơi đây còn mang đậm dấu ấn lịch sử, được coi là cái nôi của phong trào Cần Vương, là “kinh đô kháng chiến” của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam và là chiến khu cách mạng, nơi nổ ra phong trào đồng khởi đầu tiên ở tỉnh Quảng Trị vào năm 1964 . Trải qua biết bao mùa xuân kể từ ngày hòa bình lập lại, chiến khu Cùa năm xưa nay đã có nhiều đổi thay.


Vùng quê cách mạng

Cách đây hơn 1 thế kỷ, triều đình nhà Nguyễn đã cho xây dựng căn cứ Tân Sở tại xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, làm nơi phòng bị cho Kinh thành Huế khi thất thủ. Thành Tân Sở trở thành “Trung tâm dấy nghĩa Cần Vương” khi vị vua trẻ tuổi yêu nước Hàm Nghi ban Dụ Cần Vương vào ngày 13/7/1885 kêu gọi Nhân dân đứng lên phò vua, cứu nước, đánh đuổi giặc Pháp. Mặc dù “kinh đô kháng chiến” của triều đình nhà Nguyễn tồn tại thời gian không dài, nhưng Dụ Cần Vương và tên tuổi của nhà vua yêu nước Hàm Nghi mãi gắn liền với tên gọi Thành Tân Sở và mảnh đất Cam Lộ.

Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương tại Khu Di tích Thành Tân Sở ở thôn Mai Đàn, xã Cam Chính hứa hẹn là điểm đến du lịch hấp dẫn - Ảnh: L.T
Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương tại Khu Di tích Thành Tân Sở ở thôn Mai Đàn, xã Cam Chính hứa hẹn là điểm đến du lịch hấp dẫn - Ảnh: L.T

Giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp sau năm 1945, với lợi thế địa hình xung quanh được bao bọc bởi núi rừng hiểm trở, giáp với đồng bằng có thế công - thủ toàn diện, vùng Cùa lần nữa được chọn làm chiến khu cách mạng của huyện Cam Lộ và tỉnh Quảng Trị. Lúc bấy giờ, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Cam Lộ, nhiều cơ sở bí mật được gây dựng ở vùng Cùa, Lực lượng du kích phân tán về các thôn giúp đỡ người dân bảo vệ xóm làng, cùng với bộ đội địa phương đối phó với âm mưu, thủ đoạn của địch.

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Tại chiến khu Cùa, Chi bộ xã Cam Lộc (vùng Cùa ngày nay) đã lãnh đạo Nhân dân đứng lên chiến đấu bảo vệ những thành quả quan trọng mà Cách mạng Tháng Tám mang lại, bảo vệ chính quyền, xây dựng đời sống mới.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địch đã chọn vùng Cùa là khu tập trung, dồn dân lập ấp chiến lược để kìm kẹp, cai quản người dân. Tuy nhiên, với tinh thần cách mạng kiên cường, Nhân dân ở đây đã nhất tề đứng lên diệt ác, phá kìm, tổ chức cuộc đồng khởi Cùa vào tháng 7/1964 thắng lợi, làm bàn đạp để các lực lượng của ta tiếp tục tiến công giải phóng huyện Cam Lộ và tỉnh Quảng Trị năm 1972, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Bà Hoàng Thị Thoại, ở thôn Mai Trung, xã Cam Chính nhớ như in không khí ngày đầu giải phóng quê hương: “Vùng Cùa lúc ấy là chiến khu cách mạng, cho nên phải gánh chịu nhiều hậu quả do bom đạn để lại. Nhà cửa, nương vườn, rồi các công trình gần như bị phá hủy hết. Khắp nơi là hố bom, hố pháo, hàng rào dây kẽm gai chằng chịt. Đời sống của bà con lúc đó cực khổ và khó khăn vô cùng. Nhưng sau khi được giải phóng, ai nấy đều mừng vui, phấn khởi, quyết tâm làm lại từ đầu, sẵn sàng góp sức để xây dựng quê hương”.

“Gian khó nào rồi cũng sẽ vượt qua, chỉ cần sự đồng lòng, đồng sức”, người dân vùng Cùa luôn nhắc nhở nhau như vậy để vững bước trên hành trình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, no ấm.

 

Ngày mới trên chiến khu xưa

Thế hệ chúng tôi may mắn được lớn lên khi màu xanh đã phủ đầy trên mảnh đất xứ Cùa. Chiến tranh và đói nghèo đã lùi xa. Người dân nơi đây đã biết tận dụng lợi thế của vùng đất mình sống để phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ấm no.

Vùng Cùa hiện có 1.654 ha cây cao su. Đặc sản tiêu Cùa nổi tiếng với diện tích hơn 178 ha đã được doanh nghiệp đầu tư xây dựng thương hiệu tiêu Cùa đạt giải thưởng “Chất lượng quốc tế thế kỷ, hạng vàng”. Tổng diện tích rừng trồng của toàn vùng hơn 3.000 ha.

Nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo bước đột phá nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích, những năm qua, chính quyền 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa đã đưa vào trồng gần 40 ha cây chè vằng cung cấp nguyên liệu cho Làng nghề cao dược liệu Định Sơn; hơn 5 ha cây cà gai leo, gần 17 ha cây nghệ…

Nhờ đó, vùng Cùa đã xây dựng được nhiều sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao như: Hồ tiêu Cùa, cao chè vằng Mai Thị Thủy, gà Cùa Phương Gia Trang… Bên cạnh đó, lĩnh vực chăn nuôi được quan tâm phát triển cả về số lượng và chất lượng theo hướng tập trung gắn với an toàn dịch bệnh.

Sinh ra và lớn lên ở vùng Cùa, bản thân là bộ đội xuất ngũ, năm 1984, ông Nguyễn Văn Cảnh trở về quê hương. Sau nhiều công việc, ông Cảnh quyết tâm mở xưởng may, rồi sau đó thành lập Công ty TNHH May xuất khẩu Cảnh Lộc với mong muốn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho con em địa phương. Công ty đi vào hoạt động từ tháng 6/2020, hiện tiếp nhận khoảng 100 công nhân làm việc với mức lương bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Cảnh Lộc Nguyễn Văn Cảnh cho biết, để xây dựng được cơ ngơi như ngày hôm nay, ông phải tự mày mò, học hỏi các kiến thức về lĩnh vực may mặc trong một khoảng thời gian dài, đến các thành phố lớn để tìm hiểu công nghệ, đồng thời kêu gọi những người con của địa phương trở về quê hương gầy dựng, phát triển xưởng may.

“Điều hạnh phúc nhất của tôi không phải là bước đầu khởi nghiệp thành công, mà là việc tôi không còn chứng kiến con em ở địa phương rời quê tìm kiếm việc làm ở nơi khác. Giờ đây, những ai có nhu cầu đều có cơ hội tìm việc làm trên chính quê hương mình”, ông Cảnh bộc bạch.

Chiến khu Cùa năm xưa từng ám ảnh nhiều người bởi sự khắc nghiệt, gian khó nay trở thành một vùng đất giàu tiềm năng, gọi mời biết bao người từ các nơi khác đến đầu tư, lập nghiệp. Sự ra đời của Nhà máy chế biến mủ cao su với công suất 5.000 tấn sản phẩm/năm được đầu tư xây dựng tại xã Cam Chính gắn sản xuất với tiêu thụ, góp phần bao tiêu mủ cao su cho người dân nơi đây. Cùng với đó là thương hiệu tiêu Cùa được công nhận và vươn xa trên thị trường trong, ngoài nước. Các mô hình kinh tế trang trại, vườn đồi, vườn rừng hình thành và phát triển ngày càng nhiều, tạo thành những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa giá trị kinh tế cao.

Điểm đến du lịch hấp dẫn

Hơn 135 năm trước, vua Hàm Nghi đặt chân đến Tân Sở và ban Dụ Cần Vương chống giặc Pháp cứu nước. Để tri ân sâu sắc công lao của các bậc tiền nhân, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Cam Lộ đã trùng tu, xây dựng công trình Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương tại Khu Di tích Thành Tân Sở ở thôn Mai Đàn, xã Cam Chính.

Hiện huyện Cam Lộ và chính quyền xã Cam Chính đang nỗ lực xây dựng để Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương gắn với chuỗi các địa điểm khác của huyện thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong tương lai.

Chủ tịch UBND xã Cam Chính Nguyễn Văn Hà cho biết: “Khi đến chiến khu Cùa qua xã Cam Chính, khách du lịch sẽ đến thăm Đền thờ vua Hàm Nghi cùng hệ thống các giếng cổ, vườn chè cổ; tham quan mô hình trồng cây hồ tiêu tập trung tại vùng Lò Gạch, Cồn Trữa; thưởng thức và trải nghiệm giá trị văn hóa truyền thống về lễ hội “Phá Bàu” của làng Mai Lộc; trải nghiệm quê hương chiến khu đổi mới qua những con đường hoa kiểu mẫu gắn với các mô hình chăn nuôi; thưởng thức ẩm thực vùng chiến khu với món gà Cùa nức tiếng gần xa để hiểu hơn đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân vùng Cùa”.

Xây dựng và phát triển nông nghiệp gắn kết du lịch đang là mô hình mang lại hiệu quả tích cực, vừa quảng bá, tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp, vừa có thêm sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thân thiện với môi trường. Hướng đi mà chính quyền xã Cam Chính đang hướng đến sẽ là triển vọng cho sự phát triển trong thời gian tới.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Triệu Phong triển khai các giải pháp phát triển kinh tế

Xuân Vinh |

Năm 2021, mặc dù chịu hậu quả thiên tai năm 2020 để lại khá nặng nề cùng với diễn biến phức tạp của COVID-19 kéo dài nhưng bằng sự lãnh đạo, điều hành khoa học, linh hoạt của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực của người dân nên nền kinh tế huyện Triệu Phong (Quảng Trị) tiếp tục phát triển mạnh, có 15/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Đakrông xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng tốt yêu cầu phát triển

Thanh Lê |

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Để xây dựng đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở đủ năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu sự phát triển của địa phương, huyện Đakrông (Quảng Trị) luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị tốt và có sự tín nhiệm từ đảng viên, Nhân dân.

Nguyễn Văn Hiếu - trưởng thôn xuất sắc ở vùng Cùa

Lê Trường |

Anh Nguyễn Văn Hiếu ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), từng tốt nghiệp Khoa Lịch sử của Trường Đại học Đà Lạt, trở về quê hương làm nhiều công việc khác nhau, nhưng rồi lại “bén duyên” với một công việc không ai ngờ tới: làm trưởng thôn. Từ sự tín nhiệm, hỗ trợ của bà con trong thôn, sự nỗ lực của bản thân, anh Hiếu đã đưa nhiều phong trào của thôn Mai Lộc 2 dẫn đầu trong toàn xã.

Về vùng Cùa, thăm những vườn chè cổ thụ

Hiếu Giang |

Những vườn chè có tuổi đời hàng trăm năm tuổi đến nay vẫn được người dân một số thôn ở vùng Cùa thuộc xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) giữ gìn và khai thác. Với người dân vùng Cùa, cây chè xanh vừa là cây trồng có giá trị kinh tế, vừa là một loài cây đặc trưng, là niềm tự hào của miền quê đất đỏ ba dan này…