Về vùng Cùa, thăm những vườn chè cổ thụ

Hiếu Giang |

Những vườn chè có tuổi đời hàng trăm năm tuổi đến nay vẫn được người dân một số thôn ở vùng Cùa thuộc xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) giữ gìn và khai thác. Với người dân vùng Cùa, cây chè xanh vừa là cây trồng có giá trị kinh tế, vừa là một loài cây đặc trưng, là niềm tự hào của miền quê đất đỏ ba dan này…

Những vườn chè trăm tuổi

Vùng Cùa được ghi lại trong lịch sử bởi dấu tích của thành Tân Sở, cái nôi của phong trào Cần Vương, là kinh đô kháng chiến của triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, đây là vùng đất gánh chịu những hậu quả nặng nề bởi bom đạn và chất độc da cam. Sau giải phóng, vùng Cùa nhanh chóng hồi sinh. Bây giờ, Cùa là vùng đất đỏ ba dan gồm 2 xã Cam Nghĩa và Cam Chính thuộc huyện Cam Lộ. Hiện tại Cùa là vùng đất đầy hứa hẹn của những đồi cao su, những vườn hồ tiêu xanh mướt và hơn thế nữa, sức sống của vùng Cùa còn được phủ xanh bởi những vườn chè cổ thụ hiếm có, là niềm tự hào của những ai sống ở Cùa mỗi khi giới thiệu về quê hương mình. Theo chân ông Nguyễn Văn Hiếu, một người dân am tường về vùng đất Cùa, chúng tôi ghé thăm một số vườn chè cổ thụ mà đến nay người dân vẫn còn giữ lại được.

Một vườn chè cổ thụ đặc trưng ở vùng Cùa, thuộc xã Cam Chính, huyện Cam Lộ -Ảnh: Đ.V​
Một vườn chè cổ thụ đặc trưng ở vùng Cùa, thuộc xã Cam Chính, huyện Cam Lộ -Ảnh: Đ.V​

Rợp dưới những tán lá xanh um đặc trưng của những vườn cây ở vùng Cùa, bà Nguyễn Thị Tiến (80) tuổi ở thôn Mai Trung, xã Cam Chính tranh thủ tiết trời ấm áp chống gậy ra thăm vườn chè của gia đình. Tuổi đã cao nhưng khi nhắc đến vườn chè cổ, bà Tiến tỏ ra vui vẻ kể: “Vườn chè này do ông nội của mệ trồng, lúc mệ mới lớn lên đã thấy có cây chè rồi. Tính ra đến giờ vườn chè này cũng đã hơn 100 năm tuổi”. Theo bà Tiến thì trước đây vườn của bà có hơn 100 cây nhưng qua thời gian, nhiều cây già, mục ruỗng chết dần, một số ít bị chiến tranh tàn phá rồi hư hại do mưa bão nên chỉ còn lại vài chục cây. “Mệ có 7 đứa con, 4 đứa con gái lấy chồng xa, hiện mệ đang ở với đứa con trai kế út. Dù gia đình có cuộc sống chẳng khấm khá gì nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc bán đi những cây chè cổ thụ hiện nay đang có giá khá cao. Gia đình mệ đều mong muốn giữ gìn được vườn chè cổ quý giá cho con cháu sau này”, bà Tiến tâm sự.

Gần bên nhà bà Tiến, vườn chè cổ thụ khoảng 250 cây có tuổi đời ước khoảng hơn 120 năm của gia đình bà Hoàng Thị Thoại (71 tuổi) đang bước vào thời kỳ thu hái lá. Bà Thoại cho biết, vườn chè của gia đình bà do bà nội của bà trồng. Những thân chè trăm năm tuổi lên rêu mốc thếch, nhiều thân cây già bắt đầu mục ruỗng dần. Hầu hết những cây chè đều có chiều cao trung bình từ 5 đến hơn 10 m, đường kính thân cây có những cây lên tới 30-40 cm. “Chúng tôi thường thu hái, cắt tỉa bớt cành để khống chế chiều cao. Mỗi năm gia đình tôi bán 2 lứa, mỗi lứa thu hoạch được khoảng hơn 8 tạ lá với giá thành khoảng 4.000 - 6.000 đồng/kg. Hiện nay gia đình đang bán cho thương lái, họ tự thu hái luôn tại vườn. Đặc biệt cây chè hầu như rất ít tốn công chăm sóc và chi phí đầu tư không đáng kể, cây lại thích nghi tốt với khí hậu thổ nhưỡng địa phương nên phát triển tốt. Vườn chè này vừa là vườn cây kỷ niệm, vừa cho thêm nguồn thu nhập góp phần cải thiện cuộc sống gia đình”, bà Thoại cho biết. Không chỉ vườn gia đình bà Tiến, bà Thoại mà tại xã Cam Chính hiện còn nhiều vườn chè cổ thụ có tuổi đời hơn trăm năm, vẫn đang được các gia đình ra sức giữ gìn, chăm sóc như niềm tự hào về một sản vật đặc trưng của địa phương.

Bà Thoại thu hái lá chè từ những cây chè cổ thụ trong vườn của gia đình -Ảnh: Đ.V​
Bà Thoại thu hái lá chè từ những cây chè cổ thụ trong vườn của gia đình -Ảnh: Đ.V​

Niềm tự hào xứ sở

Về vùng đất Cùa, lạc vào những vườn chè cổ thụ cao lớn rợp bóng xanh mướt, có cảm tưởng như lạc vào một miền cổ tích xa xăm. Những thân chè vững chãi lên nu sần, rêu phong đã nhuốm màu thời gian và trải qua bao thăng trầm của lịch sử tựa như những nhân chứng sống về miền đất Cùa thương mến. Mảnh đất Cùa là nơi quần cư của những người dân ở các vùng đồng bằng lên khai hoang, làm ăn sinh sống từ hàng trăm năm trước. Các bậc cao niên ở địa phương cho biết, theo bước chân khai hoang lập làng của các bậc tiền nhân, cây chè đã xuất hiện ở vùng Cùa từ lâu đời. Đã có một thời gian dài, người dân địa phương chỉ trồng chè để làm thức uống hằng ngày và làm quà biếu họ hàng, người thân mỗi khi về thăm quê. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do nhu cầu sử dụng chè của thị trường ngày một tăng lên, trong đó giá trị của lá chè từ những vườn chè cổ thụ vùng Cùa cũng thu hút khách hàng hơn so với những nơi khác. Chính vì vậy, chè xanh vùng Cùa ngày càng được ưa chuộng hơn. Ngoài ra, theo bà Thoại và nhiều người dân khác, sở dĩ chè Cùa được ưa chuộng bởi chè ở đây có vị ngọt thơm tự nhiên, nước chè có màu trong xanh, có thể pha đến nước thứ 2, thứ 3 vẫn còn đậm vị. “Để có bát nước chè xanh ngon đúng vị, người dân địa phương chúng tôi thường lấy nước ở những giếng sỏi không bị váng phèn để giữ cho màu nước không bị đỏ bầm. Khi chọn chè cũng không được chọn quá già hay quá non. Nếu lá chè non nước sẽ nhạt màu, vị không đậm đà, lá già nước không còn vị ngọt chát. Chế biến không nên vò chè quá nát, khi đun sôi không được để chè quá lâu trên bếp vì nước sẽ chuyển màu và không giữ được hương thơm của chè. Chè xanh xứ Cùa muốn thơm và đậm phải nấu cả lá lẫn cành có màu xanh”, bà Thoại chia sẻ.

Cây chè vùng Cùa ở xã Cam Chính cho ra nước có vị đậm đà, được nhiều người ưa thích -Ảnh: Đ.V​
Cây chè vùng Cùa ở xã Cam Chính cho ra nước có vị đậm đà, được nhiều người ưa thích -Ảnh: Đ.V​

Hiện nay, để giữ gìn và nhân giống chè địa phương, nhiều gia đình ở vùng Cùa cũng tiếp tục chiết cành, gieo hạt để trồng thêm những vườn chè mới. Đối với bất kỳ ai khác, mỗi khi nhắc đến chè xanh thì họ thường chỉ nghĩ đó là một loại thức uống quen thuộc. Tuy nhiên, với đa số người xứ Cùa thì cây chè xanh còn có ý nghĩa hơn thế: Đó là người dân nơi đây không đơn thuần xem cây chè là nông sản sinh lợi, mà với họ cây chè là cây trồng thân thuộc gắn bó lâu đời với quê hương và chứa nhiều kỷ niệm với mỗi gia đình. Qua tìm hiểu, lãnh đạo xã Cam Chính cho biết: Dù cây chè không nằm trong cơ cấu giống cây trồng chủ lực của xã, nhưng do là cây trồng mang đậm nét văn hóa truyền thống của địa phương nên đến nay toàn xã vẫn có khoảng hơn 30 hộ trồng chè chuyên canh, mỗi hộ có diện tích trồng chè phổ biến khoảng từ 1.000 - 1.500 m2, trong đó có khoảng 10 hộ dân hiện vẫn giữ được vườn chè cổ thụ. Những năm qua, những cây chè cổ thụ có thân lớn, dáng thế đẹp tại địa phương được nhiều du khách gần xa tìm mua về vừa để trồng làm cây cảnh, vừa lấy lá uống nên cây chè có giá trị khá cao. Tùy vào đường kính thân cây, tuổi đời, dáng thế và sở thích của khách mà mỗi cây có giá từ 3-5 triệu đồng, có những cây đẹp còn có giá cao hơn… Tuy nhiên, việc mua bán cây chè cổ thụ không diễn ra phổ biến và không nhiều gia đình có ý định bán đi loại cây trồng truyền thống này. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chắc hẳn không có nhiều vườn chè cổ thụ như ở vùng Cùa. Trên miền đất đỏ ba dan trù phú xứ Cùa, những vườn chè cổ thụ được gìn giữ qua nhiều thế hệ rồi tiếp nối thêm những vườn chè được trồng mới, đã phủ một màu xanh bất tận như mạch nguồn của tình người với đất, với loài cây gần gụi, thân thương này…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nhà giáo Ưu tú xứ Cùa

Trúc Phương |

Trong ấn tượng của các đồng nghiệp, học sinh và người dân vùng đất Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), cô giáo mầm non Lê Thị Thu không chỉ là giáo viên dạy giỏi mà còn là người luôn quan tâm, tận tụy với trẻ thơ, đặc biệt là những đứa trẻ không may bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Nhờ những thành tích xuất sắc trong hơn 25 năm công tác của mình, năm 2017, cô Thu đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và trở thành giáo viên mầm non đầu tiên của tỉnh Quảng Trị đạt được danh hiệu cao quý này.

Xây dựng thương hiệu gà Cùa từ mô hình nuôi gà thả vườn

Phan Việt Toàn |

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ đã đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi để nâng cao nguồn thu nhập, cải thiện điều kiện kinh tế gia đình.

Tấm lòng người trẻ xứ Cùa với bà con vùng lũ

Lê Trường |

Trước những thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra ở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói chung và huyện Cam Lộ nói riêng, một nhóm bạn trẻ ở 2 xã Cam Chính, Cam Nghĩa (vùng Cùa), huyện Cam Lộ đã “kết nối yêu thương” để chung tay hỗ trợ cho bà con vượt qua những khó khăn, thiệt hạị.

Đưa xưởng may về Cùa

Đức Việt |

Khi đã trở nên khá giả với sự thành công đến từ những công việc gắn với lĩnh vực nông nghiệp thì ông bất ngờ rẽ lối thử sức với lĩnh vực may mặc. Nghĩ là làm - doanh nhân Nguyễn Văn Cảnh ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) - quyết định bỏ ra hàng tỉ đồng xây dựng một xưởng may bề thế ngay tại trục đường liên xã và tuyển công nhân về làm việc. Về lý do mở xưởng, ông Cảnh bộc bạch: “Đến tuổi 60 này rồi, nếu nghĩ đến việc nghỉ ngơi, hưởng thụ thì mình đã không mở xưởng may. Mình mở xưởng với mong ước lớn nhất là tạo được việc làm ổn định cho con em ngay ở quê mình”.