Đưa xưởng may về Cùa

Đức Việt |

Khi đã trở nên khá giả với sự thành công đến từ những công việc gắn với lĩnh vực nông nghiệp thì ông bất ngờ rẽ lối thử sức với lĩnh vực may mặc. Nghĩ là làm - doanh nhân Nguyễn Văn Cảnh ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) - quyết định bỏ ra hàng tỉ đồng xây dựng một xưởng may bề thế ngay tại trục đường liên xã và tuyển công nhân về làm việc. Về lý do mở xưởng, ông Cảnh bộc bạch: “Đến tuổi 60 này rồi, nếu nghĩ đến việc nghỉ ngơi, hưởng thụ thì mình đã không mở xưởng may. Mình mở xưởng với mong ước lớn nhất là tạo được việc làm ổn định cho con em ngay ở quê mình”.

Luôn là người tiên phong

Những ngày này, trang facebook của ông Nguyễn Văn Cảnh, Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Cảnh Lộc vẫn tiếp tục đăng tải thông tin tuyển dụng công nhân may, khi khu xưởng may mới tinh tươm và hiện đại đã hoàn thành, bước đầu đi vào hoạt động ở ngay đầu thôn Mai Lộc 2. Đây được xem là xưởng may gia công lớn nhất ở vùng Cùa. Hiện là cương vị giám đốc nhưng ông vẫn thích mọi người gọi mình là người nông dân, người lính như trước, thích gọi công ty may là xưởng may cho gần gũi... “Lập công ty là để thuận tiện trong khâu giao dịch và thực hiện các chế độ cho công nhân chứ tôi không thích việc mọi người gọi mình là giám đốc, vì nghe hơi xa cách”, ông Cảnh nói.

 
Ông Cảnh hướng dẫn công nhân sửa chữa hệ thống máy móc trong xưởng -Ảnh: ĐV

Sinh ra, lớn lên và gần như suốt đời gắn bó với mảnh đất Cùa, ông Cảnh gắn bó với ruộng vườn, nương rẫy như bao người dân trong làng. Khi chiến tranh biên giới nổ ra, tháng 3/1979 ông lên đường nhập ngũ và được biên chế về đơn vị bộ đội chủ lực Sư đoàn 342, Quân khu 4. Đơn vị của ông được lệnh hành quân đi chiến trường Campuchia. Sau nhiều tháng chiến đấu tại đây, đơn vị của ông rút về tỉnh Thanh Hóa đóng quân. Năm 1984, ông xuất ngũ trở về quê hương Cam Chính, sống cùng vợ con. Rời quân ngũ về quê, ban đầu ông làm cán bộ định mức của HTX ở địa phương. Sau một thời gian thì vợ chồng ông mở tiệm may nhỏ ở quê nhà phục vụ may đồ gia dụng cho người dân trong vùng. Nhưng với bản tính năng động, luôn tìm tòi học hỏi và không chịu an phận, ông luôn khát khao chinh phục những công việc mang tính tiên phong.

Sau 10 năm làm thợ may, năm 1996 ông quyết định mở cơ sở sản xuất tinh bột sắn ngay tại vùng Cùa. Đây cũng là một trong số ít cơ sở chế biến tinh bột sắn tư nhân đầu tiên ở Quảng Trị. Ông kể, hồi đó vùng đất các xã Cam Chính, Cam Nghĩa trồng sắn rất nhiều. Ông Cảnh mua một chiếc xe tải chuyên thu mua, chở sắn nguyên liệu ở vùng Cùa và các xã lân cận vào nhập cho nhà máy ở tỉnh Thừa Thiên-Huế. “Hồi tôi vào đó thấy họ làm nhà máy tinh bột sắn hiện đại và làm ăn khá lắm. Ở Quảng Trị thời điểm ấy chưa có nhà máy chế biến tinh bột sắn nên sắn nguyên liệu toàn bộ phải nhập vào Huế. Tôi nghĩ tại sao mình không mở một cơ sở chế biến tinh bột sắn ở vùng Cùa”, ông Cảnh nhớ lại thời điểm cách nay gần 25 năm. Vậy là sau khi tìm hiểu và hợp tác làm ăn với một nhà chế biến máy tinh bột sắn ở Huế, ông đầu tư mở cơ sở chế biến tinh bột sắn và nhập sản phẩm trực tiếp cho nhà máy. Trong 10 năm hoạt động, cơ sở của ông đã tạo việc làm, thu nhập thường xuyên cho khoảng 30 lao động tại địa phương, đồng thời góp phần tiêu thụ hàng nghìn tấn sắn củ nguyên liệu cho bà con nông dân trong vùng. “Tuy vậy, khoảng từ năm 2005 trở đi, Quảng Trị đã bắt đầu xuất hiện nhiều nhà máy chế biến tinh bột sắn có quy mô lớn, hiện đại nên cơ sở chế biến nhỏ lẻ và khá thủ công như cơ sở của tôi không cạnh tranh được. Thế là tôi đóng cửa, chuyển hướng sang nuôi lợn”, ông Cảnh kể. Với tất cả vốn liếng tích góp được, ông mở trang trại chăn nuôi quy mô lớn.

Từ cơ sở ban đầu, sau nhiều năm ông đã gầy dựng được nhiều cơ sở chăn nuôi lợn nái và lợn thịt khắp vùng Cùa. Trong đó trang trại lớn nhất của ông nuôi đến 100 lợn nái và 200 lợn thịt. Cùng với đó, vợ chồng ông làm đại lý thức ăn chăn nuôi gia súc lớn trong vùng, có thời điểm như năm 2016 khi chăn nuôi lợn phát triển mạnh thì đại lý của ông có tháng bán được đến 18 tấn thức ăn. Nhờ làm ăn thuận lợi nên nhiều năm liền các trang trại và đại lý thức ăn chăn nuôi của vợ chồng ông cho thu nhập rất khá. Tuy nhiên, theo ông Cảnh, năm 2018 giá thịt lợn quá thấp do cung vượt quá cầu và xuất khẩu gặp khó khăn, đến năm 2019 thì dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên đàn lợn nghiêm trọng đã khiến ngành chăn nuôi lợn tụt dốc và chững lại. Điều này khiến gia đình ông thu hẹp quy mô trang trại, chuyển sang nuôi gia công cho các tập đoàn chăn nuôi. Hiện gia đình ông vừa tiếp tục duy trì 3 cơ sở chăn nuôi lợn gia công với quy mô tổng cộng 450 lợn thịt/lứa cho các tập đoàn, vừa duy trì đại lý thức ăn chăn nuôi.

Giấc mơ 300 việc làm cho con em quê hương

Ông Cảnh chia sẻ mình là một người năng động, không chịu ngừng nghỉ khi đã bước vào tuổi 60 và có cuộc sống khá giả. Vậy nhưng vợ chồng ông đi đến quyết định khá bất ngờ là xây dựng xưởng may gia công ngay ở vùng Cùa. Ông Cảnh cho biết: “Tôi là người nông dân vốn ham việc nên không có ý định sẽ nghỉ ngơi mà luôn muốn làm việc có ích, nhất là lợi ích cho cộng đồng. Lần này, vợ chồng tôi quyết định mở xưởng may với nhiều lý do, thứ nhất là chắp nối và phát triển nghề may mà hai vợ chồng gắn bó khi xưa. Thứ hai là chuyển hướng làm ăn khi chăn nuôi lợn đã có dấu hiệu khó khăn, chững lại. Và hơn hết chúng tôi muốn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho con em quê hương ngay chính tại quê mình. Đây có lẽ là ý định làm ăn lớn cuối cùng của cuộc đời”.
 
 Ông Nguyễn Văn Cảnh trò chuyện với công nhân may trong xưởng may của gia đình -Ảnh: Đ.V​

Một khu trang trại rộng khoảng 1 ha vốn trước đây trồng hồ tiêu và chăn nuôi lợn của gia đình ông đã được cải tạo trở thành xưởng may khang trang. Vợ chồng ông đã bỏ ra số tiền gần 5 tỉ đồng để xây dựng toàn bộ khu nhà xưởng rộng lớn với hệ thống máy móc hiện đại, đảm bảo làm việc cho 300 công nhân. Ngoài ra xưởng may còn có bếp ăn phục vụ công nhân, hiện đang xây dựng khu nhà ở cho công nhân ở xa. Sau gần một tháng đi vào hoạt động, xưởng may của gia đình ông đã tiếp nhận khoảng 30 công nhân vào làm việc với mức lương bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng, cá biệt có thợ may giỏi hưởng lương đến gần 10 triệu đồng. Công nhân làm việc tại xưởng chủ yếu ở vùng Cùa và một số xã lân cận. Đối với những thợ mới, cơ sở sẽ phối hợp với đối tác là Công ty May Hòa Thọ để đào tạo tay nghề, đồng thời sẽ trả lương mang tính hỗ trợ bước đầu cho mỗi thợ mới là 1,5 triệu đồng/người/tháng. Đối với những lao động có hợp đồng, cơ sở sẽ đóng đầy đủ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và thực hiện nhiều chế độ khác.

Trước khi mở xưởng may, vợ chồng ông rất trăn trở vì chưa bao giờ tiếp cận với công việc mới như làm xưởng may với quy mô hàng trăm công nhân như thế. “Mình phải nghiên cứu, tìm hiểu nhiều thứ lắm, từ những kiến thức về kỹ thuật, chuyên môn cho đến quản lý công nhân, chế độ tiền lương... Rồi đơn hàng nữa, ban đầu cơ sở chỉ muốn may gia công loại quần đùi cho đơn giản, nhẹ việc. Nhưng sau đó, tôi nghĩ mình phải nhận may áo jacket, bởi loại sản phẩm này khó hơn nên sẽ nâng tầm được cơ sở của mình mà công nhân cũng có việc nhiều hơn. Đến nay thì mọi việc cũng bắt đầu ổn, nhất là khi con gái tôi là cháu Nguyễn Thị Hải Yến đã quản lý tốt mọi việc của xưởng may. Đơn hàng cũng ổn định và duy trì liên tục, hiện xưởng đang làm gia công đơn hàng cho đối tác là 4.500 áo jacket…”, ông Cảnh vui vẻ cho biết. Là một trong những công nhân có tay nghề cao nhất nhì của xưởng, chị Lê Thị Lý được hưởng chế độ đãi ngộ khá tốt. Chị Lý cho biết mình quê ở Vĩnh Linh, lấy chồng rồi vào vùng Cùa lập nghiệp. “Trước đây tôi làm công nhân may ở Bình Định nhưng khi nghe tin có xưởng may ở vùng Cùa thì xin về làm việc. Làm việc ở đây gần nhà, lương cũng đỡ và có điều kiện chăm con cái tốt hơn nên rất vui”, chị Lý cho biết.

Chị Nguyễn Thị Lanh quê ở thị trấn Cửa Việt, lấy chồng ở Cùa, chia sẻ thêm: “Khi biết có xưởng may của bác Cảnh mở tại Cùa nhiều người vui lắm. Bởi ở quê không có nhiều việc làm, nếu muốn làm công nhân may thì phải đi xa. Vậy nên tôi xin vào làm ngay khi xưởng hoạt động. Làm việc ở đây có đầy đủ các chế độ, ăn uống, giờ giấc, thu nhập đảm bảo lại gần nhà nên tôi thấy yên tâm để gắn bó lâu dài”. Những ngày này, xưởng may của “doanh nhân chân đất” Nguyễn Văn Cảnh vẫn tiếp tục đón nhận công nhân vào làm việc. Nguyên vật liệu phục vụ may gia công được đưa về xưởng và sản phẩm từ xưởng được xuất giao cho đối tác… Không khí lao động sản xuất từ xưởng may gia công của ông Cảnh diễn ra hối hả ở xứ Cùa bình yên. Ước nguyện tạo việc làm cho 300 lao động địa phương của ông Cảnh đã thành hiện thực. Trên hết, nhiều lao động, công nhân may trẻ tuổi trong vùng từ đây đã có việc làm ổn định ngay tại quê để khỏi phải ly hương vất vả mưu sinh. Không chỉ là một doanh nhân tâm huyết, ông Cảnh dù bận rộn với nhiều việc nhưng vẫn đảm nhận chức Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Mai Lộc 2 và có nhiều đóng góp về vật chất, tinh thần, đặc biệt là trong công cuộc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của địa phương…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tháng 9 về làng An Thái

Xuân Dũng |

Đầu tháng 9 chúng tôi có dịp về lại một làng quê hiền hòa, nương mình ven sông Hiếu, tạo nên một một dấu ấn hương thôn lâu đời trên đất đai Cam Lộ.

Hồn non sông Việt trong không gian thiêng Quảng Trị

Phương Nam |

Ngày 13/7/2020, kỷ niệm 135 năm Ngày vua Hàm Nghi ban Dụ Cần Vương chống Pháp 13/7 (1885 - 2020), huyện Cam Lộ tổ chức Lễ khánh thành công trình Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương tại Khu di tích lịch sử quốc gia Thành Tân Sở, thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ. Trước đó, ngày 12/7/2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cùng lãnh đạo huyện Cam Lộ phối hợp Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ rước Long vị vua Hàm Nghi từ Thế Miếu trong Đại Nội Huế về an vị tại Đền tưởng niệm vua Hàm Nghi và chiến sĩ Cần Vương tại Di tích quốc gia Tân Sở. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 13 đời vua Nguyễn diễn ra lễ rước Long vị về thờ ở khu vực ngoài Đại Nội (Huế).