Về Phương Lang tìm "nếp sống muôn đời của tổ tông"

Trúc An |

1. Rằm tháng Năm năm Canh Tý. Tôi đến Phương Lang trời mới bắt đầu hửng sáng. Trong ban mai tinh khiết, đường vào làng hiện ra với hai cây cổ thụ nằm trước chợ. Hai cây bông gòn chắc đã mọc mầm ở đất này ngót cả thế kỷ. Gốc cây to cỡ mười người ôm, bám chặt xuống đất vững chãi. Tán cây vươn lên tầm hai chục mét. Lủng lẳng giữa bầu trời những chùm bông vừa bật khỏi vỏ quả gòn, như những bàn tay đưa ra vốc nắm mây trắng.

Trưng bày các dụng cụ nghề làng - Ảnh: T.A
Trưng bày các dụng cụ nghề làng - Ảnh: T.A

Làng cổ bao giờ cũng gắn liền với những cây cổ thụ và dòng sông cổ tích. Thì đây, hai cây gòn như là sự minh chứng cho sức sống lâu bền của đất, của tạo vật. Thì đây, một dòng sông Trường Giang biểu tượng cho dòng chảy cội nguồn từ thăm thẳm buổi mở đất vẫn còn đến hôm nay. Sông ấy bây giờ được gọi là Cựu Hà, một cái tên gợi nhớ những tuồng tích xưa cũ. Qua bao biến thiên, sông buổi tôi về một màu xanh lục của trầm tích thực vật. Những lùm cây rậm rạp đắm mình ven mạn nước, nhìn vào không thấy bờ bãi. Tàng cây xõa trên mặt sông như những mảng rêu nổi lềnh bềnh.

Ở phía Đông làng, phù sa ngàn năm bồi tụ thành một bãi đất rộng, cây cối được sức mọc lên thành một lùm xanh Rì Rì làm nơi chim về trú ngụ. Nhiều nhất là cò trắng, lúc nào ở tràm chim cũng có cả ngàn con, ban ngày cả đàn vờn quanh đồng làng, đẹp đến nao lòng. Tràm chim ấy cũng là nơi dừng chân cho các loài chim di cư. Đến độ thu đông, có loài sếu phương Bắc thường ghé lại. Thật đúng nghĩa đất lành chim đậu.

Theo vết chim di thê của dặm dài Nam tiến, có hai anh em họ Võ từ xứ Nghệ đã vào đây khai khẩn lập nên làng Phương Lang. Ngót ba mươi năm ở đây chỉ có gia đình hai anh em nhà họ Võ giữa mênh mông chi xứ, con cái đã lớn khôn có thể dựng vợ gả chồng mà xung quanh không có ai. Thế rồi người em cải thành họ Khổng để sau này các đời hậu thế có thể lấy vợ gả chồng cho nhau. Hai anh em lập đàn vọng tế, dựng phan chiêu hồn cha để lập một ngôi mộ chiêm tưởng. Ngôi mộ này bây giờ vẫn còn ở Phương Lang. Đấy là lệ tục của những người di cư thuở đầu, thờ vọng như một cách báo hiếu ân sinh. (Thông tin này khiến chúng tôi mở ra lời giải đáp cho rất nhiều nơi khác. Một số làng ở Quảng Trị hiện nay vẫn có mộ cha, hoặc mộ ông nội của ngài khai khẩn làng. Lẽ ra nếu có ông nội, hoặc cha vào cùng mở đất thì đó phải là người khai khẩn chứ? Nên rất có thể các làng có ngôi mộ như đã nói đều là mộ vía vọng, mộ gió mà thôi).

Tôi đi một vòng quanh làng. Phương Lang chiết tự là “đất thơm”, hay “cau thơm”, thì cũng trong cái nội hàm của tinh túy đất trời ban tặng. Ruộng vườn xanh mướt, biển cận kề đưa gió mát lên, thong thả mà đi giữa nắng gắt ngày hè vẫn không thấy mệt. Các ngôi từ đường họ tộc nằm trên một con đường nội thôn, cùng với đình làng, chùa, các miếu mạo tạo nên sự mật tập của các chốn thiêng: Miếu ngũ hành, miếu Chùa Ngọc, miếu Trà sơn Trấn quốc, miếu Bà, miếu Phủ Ông.

Vào thăm miếu Phủ Ông nằm giữa một lùm cây xanh mát, cạnh dòng sông Cựu Hà. Ngôi miếu nhỏ nhưng có kiến trúc dạng một miếu-võ, tức là miếu nằm trong căn nhà vuông bốn phía trống trải. Bốn mái miếu lợp ngói hài, hoạt tiết trang trí mang dáng dấp kiến trúc cung đình, khác lạ so với các miếu thờ khác trong làng. Tục truyền rằng khi xưa có một vị tướng đi qua làng Phương Lang thì bị thương nên dừng chân nằm nghỉ, máu của Ngài đã thấm vào đất này. Về sau vua ban lệnh hễ làng nào có dấu máu vương tướng thì phải lập nơi thờ tự, thế là Phương Lang có miếu Phủ Ông.

Đấy là chuyện sự tích, lưu truyền từ đời này qua đời khác về một điểm thờ tự của làng. Nhưng chuyện sau đây thì đúng là truyền thuyết được truyền khẩu, chúng tôi được nghe một số người làng kể lại, nên cũng có thể xem là một câu chuyện dân gian được viết tiếp.

Chuyện rằng lúc vị tướng nằm nghỉ thì có đám trẻ chăn trâu đi qua. Tướng hỏi ta bị chảy máu thế này có chết không? Trẻ nít trả lời không chết đâu. Lúc sau có một người đàn bà đi qua, vị tướng lại hỏi câu trên thì người đàn bà bảo chắc sẽ chết. Thế nên về sau này, hễ trẻ con làng đến leo lên miếu Phủ Ông chơi thì không sao. Nhưng đàn bà mà tới miếu thì về sẽ có chuyện không hay. Rất có thể đấy là một câu chuyện được thêu dệt nên để răn người đời, như xưa nay phụ nữ vẫn thường được khuyên tránh đến nơi đình đền miếu mạo. Thực hư thế nào có lẽ không thể xác minh, vì đấy là một câu chuyện mang dáng dấp tín ngưỡng dân gian.

2. Trong ban mai thanh khiết, đang mơ tưởng về những tuồng tích xưa cũ thì tiếng chiêng đồng đã khiến tôi giật mình. Vội vàng trở về đình làng để dự lễ rước Thành hoàng. Đây là phần lễ quan trọng trong lễ Tế làng được tổ chức thường niên vào ngày rằm tháng Năm. Cần phải nói rằng nghi lễ này không nhiều làng có, hoặc không nhiều nơi giữ được. Thứ nhất, không phải làng nào cũng có Thành hoàng, vị thần được người dân xưng tụng hoặc được vua sắc phong. Thứ nữa, nếu có Thành hoàng làng thì thường được thờ cúng tại đình làng, không phải rước nữa. Hai điều đó khiến cho lễ nghi thức rước Thành hoàng là một lễ ít có, chỉ rải rác ở một số làng quê Bắc bộ. Thế nên khi hay tin Phương Lang rước Thành hoàng làng, chúng tôi tò mò và háo hức, không ngờ ở Quảng Trị cũng còn lễ này.

Sáu giờ sáng, đoàn rước đã sắp sẵn đội hình trước đình làng chuẩn bị di chuyển về miếu thờ Thành hoàng. Đi đầu là mười người mặc áo quần đỏ, tay cầm cờ hội và giáo mác. Tiếp theo là đội chiêng trống nhạc lễ. Ở giữa là kiệu rước. Kế đó là các vị cao niên trong ban điều hành làng, các họ tộc, các cụ ông đều mặc lễ phục truyền thống. Cuối cùng là thần dân làng. Sau khi chỉnh chu đội hình, làng cử lệnh để đoàn rước đi đến miếu thờ Thành hoàng.

Nghi lễ cúng tại miếu Thành hoàng gồm đầy đủ ba phần là sơ - á - chung hiến lễ. Một tấm chúc vị (cáo văn) viết trên nền giấy bổi vàng được đặt vào miếu. Sau phần lễ cáo thì vị chánh tế sẽ xin ba cây nhang từ miếu Thành hoàng để cắm vào bát nhang trong kiệu rước. Ba cây nhang tượng trưng cho Thành hoàng đã nhập linh vào. Đoàn rước đưa bát nhang này về, đi qua cổng làng và đặt vào trong đình để chuẩn bị cho lễ tế.

Cũng như bao làng quê đồng bằng duyên hải khác, trồng lúa là nghề chính từ xưa đến nay ở Phương Lang. Bên cạnh đó, các nghề khác liên quan đến lúa nước cũng đã được mang vào đây trong suốt quá trình di cư lập ấp như nghề làm bánh ướt nức tiếng, nghề làm bánh đa, nghề làm bún, nghề đan lát… Dẫu trong số này có nghề thịnh nghề suy, nghề biến đổi hội nhập được cùng phương thức sản xuất mới, hay mất dấu theo thời cuộc thì tất cả đã được tái hiện lại trong hội làng lần này.

Ngay tại đình làng là một không gian mô phỏng hoạt động làng quê trong dòng chảy văn minh lúa nước. Đó là các vật dụng nhà nông gồm xe đạp nước, cày, bừa, gàu, oi, chơm, rọ, câu, quang gánh… khiến nhiều người bồi hồi ký ức về một thời thương khó. Và thích thú hơn cả là mô hình nhà xưa gồm một mái tranh, người cày trâu, hai người giã gạo cối chày, một người xay lúa, một người xay bột gạo. Các hình người được mặc áo bà ba, đang trình diễn hoạt động bằng động cơ, trong tiếng nhạc hò đối đáp giao duyên đặc trưng Quảng Trị. Toàn bộ các hoạt động trong mô hình đều liên quan đến nghề của làng, chẳng hạn cối xay lúa và cối xay bột là đặc trưng cho nghề làm bánh. Người về dự được tham gia tráng bánh ướt bằng lò hấp xưa, trong bùi ngùi khói than và ăn miếng bánh nóng hổi đắp bên lò.

Tôi ấn tượng với cối xay lúa bằng tre mộc mạc. Đang nghĩ chắc chỉ trưng bày cho vui thì một cụ ông bước tới, xúc lúa đổ vào, tay vận trục quay, tiếng cối nghiến lúa lụp cụp, ngay lập tức gạo ra đằng gạo trấu ra đằng trấu. Hóa đấy là cụ Nguyễn Trường, người làm ra cái cối này. Năm nay cụ đã tám mươi ba tuổi và mấy chục năm nay vẫn bền bỉ làm cối, giữ nghề truyền thống của gia đình. Cụ kể khi lên mười đã theo ông nội đi khắp vùng đóng cối cho người ta. Lúc đó đóng cối không nhận tiền công mà nhận bằng lúa. Bây giờ thì chẳng ai dùng cối xay này, nhưng cụ vẫn nhận làm thường xuyên cho các khu du lịch, các bảo tàng và người sưu tập trong nước. Mỗi cái cụ làm tầm tám ngày thì xong, và tiền họ trả cũng khá lắm. Cụ móm mém cười, nói thù lao cao hơn xưa nhiều, nhưng không phải ai cũng làm được đâu. Làm cái này đòi hỏi chọn tre và gỗ thật kỹ, rồi tỉ mẩn từng chi tiết nó mới xay ra gạo được. Dù là hàng trưng bày, nhưng cụ giữ nguyên các “tiêu chuẩn kỹ thuật” của bí quyết gia truyền.

Chao ôi, những người muôn năm cũ, họ sống như những biểu tượng tinh thần để rồi truyền lại tình yêu quê hương cho các thế hệ hôm sau. Như cô gái Nguyễn Thị Dương hôm tôi gặp ở hội làng. Mặc chiếc áo dài truyền thống, Dương vừa dịu dàng mà vẫn năng động trong vai trò trưởng ban văn hóa của hội làng lần này. Tôi bất ngờ định hỏi sao con gái mà lại được giao việc làng, nhưng rồi chợt nghĩ, có khi đấy là sự tiến bộ mà chúng ta thường nói đến lâu nay, về vai trò của phụ nữ trong chuyện làng chuyện nước. Nó cũng chứng minh trách nhiệm, tình yêu dành cho làng quê là không thuộc về riêng ai. Dương cho biết nửa tháng qua làng tổ chức các hoạt động thể dục thể thao như bóng đá, kéo co, bóng chuyền, cầu lông… Bên cạnh đó là cuộc thi tìm hiểu lịch sử làng để nhắc nhớ mọi người về truyền thống.

Cả ngàn người về dự hội làng, tôi cố gắng bắt chuyện, và bất cứ ai gặp cũng tỏ một vẻ thiết tha với làng mạc. Chú Mai Đức Quảng đã xa làng vào sống tận Đồng Nai ba mươi năm nay. Thế mà năm nào chú cũng đưa cha mẹ về làng. Ở nơi xa xứ ấy, chú vẫn thường kể chuyện quê cho các con nghe. Nói đến đấy chú đưa tay lên xem giờ, xong vói lấy cây dù đã chuẩn bị sẵn. “Hôm trước tôi đã đưa cha mẹ đã ngoài tám mươi về. Sáng nay còn thêm thằng con trai, con dâu, thêm đứa cháu nội mới chín tháng tuổi cũng bay về đã tới đầu làng. Giờ tôi phải mang dù ra che cho cháu nội vào đình”. Sự kế tục đó, hẳn cũng là một tự tính của nếp sống bền vững, ly hương bất ly tổ.

3. Chúng tôi vào chiêm bái ngôi chùa làng nằm giữa bốn phía cánh đồng. Cổng chùa tam tòa hai tầng chồng lên nhau khiến tôi bỡ ngỡ. Đấy là lối kiến trúc của những ngôi tổ đình, hoặc chùa cổ. Vào trước chính điện mới thấy bức hoành đề bốn chữ “Phương Lang cổ tự”. Đại đức trụ trì cho biết đúng là ngôi chùa này có từ xưa lắm rồi, sau những biến cố thời gian có chuyển dời qua hai địa điểm khác, nhưng đây mới chính là xuất xứ chùa làng Phương Lang.

Giá trị hàm định của một ngôi tổ đình hay chùa cổ là nơi xuất xứ của những bậc danh tăng. Thì đây, Phương Lang chính là nơi bước đầu học đạo của hòa thượng Thích Mãn Giác những năm đầu thế kỷ XX. Sau thời gian du học ở nước ngoài, nhà sư trở về được mời giảng dạy tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, rồi làm Phó Viện trưởng điều hành Viện Đại học Vạn Hạnh. Hòa thượng Mãn Giác sinh thời cũng là một thi sĩ với bút danh Huyền Không, có nhiều bài thơ hay.

Hai câu thơ của thi sĩ Huyền Không được thuộc nhiều, được trích dẫn nhiều, nếu không muốn nói là nhiều nhất khi nhắc đến mái chùa làng quê. Nó cũng được truyền tụng không chỉ trong giới nhà Phật biết mà đông đảo bạn đọc, bạn viết đều nhớ: Mái chùa che chở hồn dân tộc / Nếp sống muôn đời của tổ tông (Nhớ chùa, 1956). Một thời gian dài nhiều người nhầm tưởng hai câu thơ này viết về ngôi chùa xứ Huế, vì hòa thượng Mãn Giác có thời gian dài tu hành ở Huế. Mãi sau này trong tùy bút Phương Lang, quê tôi, hòa thượng mới nói rõ: Tình quê của tôi nó thâm nhập như vậy, nên chi trong thời chiến tranh về thăm làng không được, vào năm 1956 tôi đã sáng tác bài thơ “Nhớ chùa”. Ở nhà quê, làng nào cũng có chùa, chùa nào cũng có hương hỏa phụng thờ, nơi gửi gắm bao đời của tổ tiên.

Chỉ hai câu thơ mà nói lên cả một hồn cốt làng quê mình, cũng như bao làng quê khác của xứ sở. Và đoạn tùy bút như là nỗi lòng ấy của thi sĩ thiền sư cũng để chứng minh cho cái ý nghĩa che chở của mái chùa quê. Buổi chiều trước ngày hội, làng đã tổ chức lễ rước Thần chủ từ chùa cổ Phương Lang về đình làng. Tại sao lại có lễ này, và tại sao trong tùy bút trên thi sĩ Huyền Không đã nói đến việc hương hỏa phụng thờ ở chùa làng? Đấy lại là một nét đặc trưng trong lối thờ phụng truyền thống của làng quê Việt.

Theo lễ nghi thờ cúng, người Việt chỉ cúng giỗ bốn đời liền kề mình gồm cha - ông - cố - cao. Từ đời thứ năm trở về trước thì không thờ cúng riêng nữa mà gộp thờ một nơi (gọi là hợp tự) và đặt chung một cái bài vị (gọi là thần chủ). Nơi hợp tự đặt thần chủ là các nhà thờ họ tộc, nhà thờ phái, nhà thờ chi… Có khi thần chủ lại được thờ tại các ngôi chùa làng. Ấy là do đạo Phật du nhập vào Việt Nam và hòa quyện trong lối sống tín ngưỡng, phong tục với người dân. Những quan niệm về Thần - Phật từ đó có sự tương nghĩa nhau. Và cách thờ tự trong chùa làng bao giờ cũng bao hàm cả thờ Phật và thờ thần/linh, gọi là kiến trúc tiền Phật hậu linh. Phương Lang qua bao biến cố chiến tranh nhà thờ họ tộc và đình làng bị tàn phá, nên các bài vị (thần chủ) của tám dòng họ được đặt thờ tại chùa làng. Lễ rước Thần chủ là một nghi thức sao bản bài vị cung rước từ chùa làng về đặt tại đình làng.

Quá nửa thiên niên kỷ mà một ngôi làng vẫn giữ được bao điều đáng quý, những thiết chế đình chùa miếu vũ, những tín ngưỡng dân gian, những lễ hội truyền thống. Phải chăng cái “nếp sống muôn đời của tổ tông” ấy đã làm nên một Phương Lang mãi là vùng đất thơm hương như chiết tự tên làng.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Hồn non sông Việt trong không gian thiêng Quảng Trị

Phương Nam |

Ngày 13/7/2020, kỷ niệm 135 năm Ngày vua Hàm Nghi ban Dụ Cần Vương chống Pháp 13/7 (1885 - 2020), huyện Cam Lộ tổ chức Lễ khánh thành công trình Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương tại Khu di tích lịch sử quốc gia Thành Tân Sở, thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ. Trước đó, ngày 12/7/2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cùng lãnh đạo huyện Cam Lộ phối hợp Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ rước Long vị vua Hàm Nghi từ Thế Miếu trong Đại Nội Huế về an vị tại Đền tưởng niệm vua Hàm Nghi và chiến sĩ Cần Vương tại Di tích quốc gia Tân Sở. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 13 đời vua Nguyễn diễn ra lễ rước Long vị về thờ ở khu vực ngoài Đại Nội (Huế).

Món ốc bươu đen sông Ô Lâu

Phi Tân |

Cách đây mấy hôm tôi về quê ghé thăm nhà người bạn. Bạn nói, tau tưởng mi về quê ở lại thì hai thằng lên làng Vân Trình (Phong Bình, Phong Điền, Thừa Thiên Huế) làm mấy chai... Chỉ cần nhắc đến hai chữ Vân Trình là tôi nghĩ ngay đến cái quán nhậu của anh Phú đen bên cạnh ngã ba sông Ô Lâu gần cầu Vân Trình luôn  có sẵn món ốc bươu đen chính hiệu...

Lễ hội ARiêu Ping của người Pa Cô

Lê Văn Hà |

Lễ hội A riêu Ping của đồng bào Pa Cô ở miền tây Quảng Trị là một lễ hội tưng bừng, hoành tráng, trang trọng, chu đáo hơn so với các lễ hội khác, nhất  là lễ hội này được tổ chức chính thống 10 năm một lần của họ trên những cánh rừng đại ngàn Trường Sơn bao la, hùng vĩ.             

Ba Lòng, miền thơm thảo ngọt lành

Cẩm Nhung |

Tôi vẫn nghĩ rằng Ba Lòng là một ân tứ của thiên nhiên đền bồi cho xứ sở đồi núi vừa hiểm trở lại khó nghèo Đakrông - vùng đất phía tây nam Quảng Trị. Đã nhiều lần Kim Oanh, cô bạn thân của tôi mời mọc: “Mày hãy đến thăm quê tao. Quê hương tao là một thung lũng xanh mỡ màu, thơ mộng và bình yên lắm”. Ba Lòng miền non xanh nước biếc, và không chỉ có thế, Ba Lòng sớm vươn dậy là đất anh hùng, chuyện ấy mọi người nói đã nhiều, đâu phải bạn tôi tự nhiên tự hào về quê hương của nó.