Tôi vẫn nghĩ rằng Ba Lòng là một ân tứ của thiên nhiên đền bồi cho xứ sở đồi núi vừa hiểm trở lại khó nghèo Đakrông - vùng đất phía tây nam Quảng Trị. Đã nhiều lần Kim Oanh, cô bạn thân của tôi mời mọc: “Mày hãy đến thăm quê tao. Quê hương tao là một thung lũng xanh mỡ màu, thơ mộng và bình yên lắm”. Ba Lòng miền non xanh nước biếc, và không chỉ có thế, Ba Lòng sớm vươn dậy là đất anh hùng, chuyện ấy mọi người nói đã nhiều, đâu phải bạn tôi tự nhiên tự hào về quê hương của nó.
Thiên nhiên tạo ra Ba Lòng có kiểu địa hình thung lũng lòng chảo rộng lớn với bề mặt tương đối bằng phẳng. Địa hình Ba Lòng hoàn toàn khác biệt so với phần lớn diện tích là đồi núi cao của huyện Đakrông và có lẽ khắp nơi trong dãy núi Trường Sơn thật hiếm có những thung lũng phì nhiêu màu mỡ như vậy. Không biết tôi có lãng mạn quá không khi nghĩ rằng, có lẽ do buồn tủi trước cái việc tạo hóa đã ném mình vào cao nguyên khiến địa hình chỗ nào cũng toàn là đồi và núi điệp trùng hiểm trở, vùng đất Đakrông đã đấu tranh giữ lại bằng được một phần vẻ thơ mộng rồi đem về cất giấu tận trên sườn núi phía đông làm của để dành. Vì vậy mà có Ba Lòng.
Về tên gọi Ba Lòng đã được kể theo nhiều giả thuyết khác nhau. Khi xưa khu vực thung lũng này là địa bàn cư trú của người Pa Cô, Bru - Vân Kiều, đồng bào nấu rượu để dùng. Rượu tiếng Vân Kiều gọi là “Biơng”, người Pháp khi vẽ bản đồ đã phiên âm sang tiếng Việt là “Ba Lòng”. Lại có tích rằng, ở vùng này có một con suối lớn gồm ba nhánh hợp lại trước khi đổ ra sông Thạch Hãn, dân địa phương gọi là khe “Ba Dòng”, sau đọc chệch thành “Ba Lòng”. Cũng như sông Thạch Hãn khi chảy vào địa phận Ba Lòng mang tên là sông Ba Lòng. Tôi tìm hiểu thì biết, con sông này khởi nguyên tại biên giới Việt - Lào, trên đường về đồng bằng sông len lỏi uốn mình giữa các sườn núi cao, nhận thêm nước nhiều khe suối đổ đến và khi tới dưới chân đèo Khe Sanh, đoạn gặp sông Rào Quán thì mở rộng dòng thành một con sông rộng lớn. Tiếp tục chảy đến đụng phải đèo Sên nên phải đổi hướng đông nam xuôi về thung lũng Ba Lòng thì lưu tốc nhỏ dần, khoan thai, xanh mát bình yên trong trẻo vô cùng. Theo các bản đồ và tài liệu, từ thung lũng Ba Lòng xuôi về biển sông mới chính thức mang tên Thạch Hãn; còn từ đây trở lên phía thượng nguồn, trong khu vực cư trú của đồng bào miền núi Bru - Vân Kiều, Pa Cô thì sông mang tên là Đakrông. Vậy ra có thể coi vùng Ba Lòng như là điểm ranh giới phân định về tên gọi của con sông dài nhất, lớn nhất tỉnh Quảng Trị: Đakrông - Thạch Hãn. Ba Lòng là điểm kết thúc hành trình cường ngạnh qua lắm ghềnh thác và gồ ghề đá của sông Đakrông, và là điểm bắt đầu của dòng Thạch Hãn trong xanh êm ả xuôi về Cửa Việt…
Vào giai đoạn tranh đấu của khu vực Trị Thiên chống lại các cuộc càn quét của thực dân Pháp, tuyến đường sông Ba Lòng về đồng bằng đã trở thành tuyến vận tải chiến lược với phong trào cách mạng toàn khu. Tôi nhớ bài thơ “Cô lái đò” của Lương An có những câu: Đò em lên xuống Ba Lòng / Chở người cán bộ lên vùng chiến khu…/ Tây lên mấy chuyến Ba Lòng / Đò em dận nước cũng từng ấy phen. Với địa thế của vùng thung lũng biệt lập, lại được bao bọc xung quanh là đồi núi cao tạo thành bức trường thành bảo vệ, quân dân ta “tiến có thể đánh, lui có thể giữ”, những năm 1947 - 1954 Ba Lòng được xây dựng thành hậu cứ vững chắc cho phong trào cách mạng Quảng Trị, là nơi tập trung cơ quan đầu não kháng chiến của tỉnh và cả các cơ quan phân khu bộ Bình Trị Thiên. Cuộc sống và chiến đấu của quân dân Quảng Trị ở chiến khu Ba Lòng trong thời kỳ này đã được phản ánh một cách khá đầy đủ trong nhiều sách vở tài liệu hay trong các hồi ký, nghĩ không cần nhắc lại làm gì. Điều thú vị đối với tôi khi đọc lại, ấy là khi quyết định chuyển toàn bộ cơ quan đầu não của tỉnh từ đồng bằng lên Ba Lòng xây dựng căn cứ địa lâu dài, Tỉnh ủy Quảng Trị đã nhận định Ba Lòng đất đai màu mỡ, nguồn nước và lâm thổ sản dồi dào, bảo đảm cho lực lượng kháng chiến ở đây có thể sản xuất, tự cung tự cấp trong điều kiện bị cắt đứt liên lạc với bên ngoài. Và quả thực trong mấy năm là chiến khu, phong trào sản xuất diễn ra sôi nổi ở Ba Lòng, thu về những mùa bội thu lương thực không chỉ góp phần cung cấp đầy đủ cho toàn quân, dân trong chiến khu, mà còn cứu trợ đồng bào vùng đồng bằng Trị Thiên trong những lần hạn hán, mất mùa lúa. Thế mới thấy tính chiến lược và thế mạnh của thung lũng Ba Lòng.
Với tôi, từ bé đến trường phổ thông, tôi quả thực chưa biết chút hình dáng của mảnh đất ấy ở thượng nguồn Thạch Hãn, ngoại trừ một vài trang sử đã đọc. Sau nay tôi gặp Oanh ở lớp đại học và trong những năm thân thiết sống cạnh nhau ở Huế, bạn chia sẻ với tôi nhiều điều về cuộc sống của cộng đồng người Kinh, người Thượng, chuyện dựng xây cuộc sống mới ở chiến khu xưa. Tôi được thưởng thức vị hương và dinh dưỡng của bắp, của lạc, đều là những thức quà thơm thảo lắng đọng phù sa sông Ba Lòng mà bạn thường mang vào sau ba lô mỗi lần có dịp về thăm nhà… Rồi cứ thế, hai tiếng Ba Lòng gieo vào lòng tôi một cảm xúc thương mến lạ lùng, dù tôi chưa đặt chân đến mảnh đất ấy lần nào.
*
Một ngày vào cuối tháng sáu năm nay, tôi lên Đakrông để tìm hiểu thực tế hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo của huyện miền núi này. Nhớ ra Kim Oanh bây giờ là bí thư đoàn xã Ba Lòng - xã nông thôn miền núi đang có nhiều khởi sắc của huyện Đakrông. Chỉ sau cú điện thoại, bạn nói từ chỗ cây số Bốn Mốt thị trấn huyện lỵ Krông Klang vào trung tâm xã đường sá dễ đi, đến nơi thì gọi sẽ ra đón. Tôi thật mừng hết chỗ nói. Vậy là rong ruổi bằng xe máy trong ngày hè Trường Sơn trong xanh nắng đẹp, rạo rực đến một địa chỉ xanh nổi tiếng.
Trong cảm nhận của tôi đấy phải là xã rất xa, rất sâu giữa rừng già hẻo lánh. Đi rồi mới chợt nhận ra Ba Lòng xa thì chưa hẳn xa, vì tôi vừa đi vừa đo quãng đường thì chưa quá 20 cây số. Nhưng mười mấy năm về trước, để vào được Ba Lòng sẽ đi đò dọc từ thị xã Quảng Trị ngược dòng Thạch Hãn, phải mất tới một ngày. Mùa mưa lũ thì đường về Ba Lòng luôn tắc nghẽn. Giờ có đường rải nhựa rộng đi thẳng từ quốc lộ 9 vào Ba Lòng, xe chạy bon bon tốc độ trung bình 50 cây số giờ chỉ mất khoảng ba mươi phút là đến nơi. Đây chính là mũi đột phá sớm nhất của huyện Đakrông để tạo ra cú hích phát triển cho vùng đất rộng lớn nằm sâu phía đông huyện là Triệu Nguyên và Ba Lòng. Cùng với con đường là một cây cầu vững chãi bắc qua sông đã giúp Ba Lòng phá thế cô lập bị sông nước bao vây ba mặt.
Đón tôi ở trụ sở ủy ban xã, Oanh nói ngay, Ba Lòng vừa tổ chức xong đại hội đảng bộ xã, hôm nay tôi lên coi như gặp may chứ như mọi ngày thì cán bộ xã tất bật với công tác chuẩn bị đại hội. Thêm nữa việc sáp nhập xã Hải Phúc vào xã Ba Lòng đến nay đã cơ bản hoàn tất mọi công việc cần thiết, từng bước đi vào nền nếp. Oanh mấy tháng nay lăn lộn lo xây dựng xã mới sau sáp nhập. Gặp lại Oanh, tôi có chút ngạc nhiên, dường như công tác đoàn làm cho bạn trông sôi nổi, năng động hơn xưa. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành báo chí, không chọn trở thành nhà báo, bạn quyết định trở về làm việc ở quê nhà mà Oanh bảo là “để khỏi nhớ quê”. Oanh lớn lên nhờ cây ngô ngoài bãi, đàn bò trên đồi, và nằm trong số ít những học sinh ở xã miền núi này đậu đại học mười năm trước. Hồi ấy, Ba Lòng biệt lập với nhịp sống bên ngoài thung lũng, đời sống khó khăn nên đa số gia đình cho con nghỉ học sớm đi làm kiếm tiền, người nào cho con cái đi học cũng là khác người rồi, như thế mà ba mạ bạn vẫn quyết tâm cho con cái đi học cả. Ba mạ Oanh giỏi giang, chất phác, thuộc thế hệ cư dân đồng bằng đi kinh tế mới lên Ba Lòng những năm sau giải phóng. Họ là thế hệ người Kinh thứ hai đi khai phá đất này tiếp theo thế hệ thứ nhất là các nhóm dân cư vùng đồng bằng Triệu Phong, Hải Lăng mở rộng địa bàn cư trú lên phía tây theo hướng dọc sông Thạch Hãn để hình thành nên các làng xã người Việt ở thung lũng Ba Lòng khoảng cuối thế kỷ 17. Ngoài ra còn có những cuộc di cư tự do sau này khi nhận thấy cơ hội phát triển kinh tế và thay đổi cuộc sống ở Ba Lòng. Và dĩ nhiên là còn có dân tộc Bru - Vân Kiều và Pa Cô, họ là chủ nhân bình nguyên Ba Lòng thuở sơ khai. Sau khi người Pa Cô di chuyển khỏi vùng Ba Lòng để tìm nơi cư trú mới, ở đây còn lại các xóm thôn người Việt sinh sống xen cư với các bản làng thưa thớt của người Bru - Vân Kiều. Để tồn tại được trên vùng đất mới, người Kinh đã đồng tâm hiệp lực cùng với người Bru - Vân Kiều bạt đồi vỡ đất, xây dựng làng xã, góp phần không nhỏ thay đổi nhận thức của người đồng bào về nuôi con gì, trồng cây gì để cùng nhau phát triển. Giờ con cháu họ cần cù trên đất này, đã cho vườn xanh trái ngọt.
Chúng tôi đứng trên tầng hai trụ sở ủy ban xã trông ra một miền xanh mênh mông đang vỡ vạc những hi vọng no ấm cho Ba Lòng. Oanh kể nhiều câu chuyện xung quanh sự thay da đổi thịt của quê hương và cung cấp cho tôi báo cáo kinh tế xã hội, nhưng để tôi được thực mục sở thị, bạn đưa tôi đi lòng vòng quanh Ba Lòng. Xã Ba Lòng có diện tích hơn 157 km2, rộng gấp vài lần so với một xã ở đồng bằng, đất đai thì mênh mông, trong khi dân số chỉ khoảng gần 3.700 người. Các khu dân cư lại phân bố không đồng đều cách xa nhau và nhiều thôn nằm xa trung tâm xã. Lang thang nửa ngày bằng xe máy qua nhiều đèo dốc mới hết một lượt, vậy nhưng thôn nào dù xa xôi đến mấy đường rải nhựa, lát bê tông cũng đến từng ngõ nhà dân. Sắc diện của một đời sống ấm no đã lồ lộ ngay trong những ngôi nhà khang trang đầy đủ tiện nghi. Ở đây, những trường học, trạm xá và các công trình phúc lợi xây còn đẹp hơn cả nhiều nơi dưới xuôi. Tôi có về thăm trạm xá ở Ba Lòng, bà con được chăm sóc sức khỏe đầy đủ theo các chương trình mục tiêu quốc gia. Cũng ghé vào thăm trường mầm non, cấp một, cấp hai được thiết kế theo kiểu dáng những khu nhà hiện đại, đủ đầy các phương tiện học tập, tất cả con em địa phương đến tuổi đi học đều đến trường. Trạm xá và các trường học đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, và Ba Lòng cũng là xã duy nhất của huyện Đakrông đạt chuẩn về phổ cập giáo dục trung học. Càng vui hơn khi Oanh cho tôi biết đầu năm 2020, Ba Lòng đã hoàn thành mục tiêu chương trình 135 của Chính phủ, chính thức ra khỏi diện xã đặc biệt khó khăn, khẳng định sức vươn lên mạnh mẽ của vùng đất đã một thời không hề từ nan bất cứ sự hi sinh nào vì sự nghiệp kháng chiến.
Không cần đi đâu xa, từ trung tâm xã, mất vài phút đi xe máy theo con đường nhựa uốn lượn rất ngon lành chúng tôi đã vào thôn Năm. Thôn Năm là một trong ba thôn là địa bàn cư trú của người Bru - Vân Kiều, hai thôn kia là Tà Lang và Mai Sơn. Dân tộc Bru - Vân Kiều cư trú trên những sườn đồi thoải thoải, chiếm 22% dân số xã. Có một lý do đặc biệt khiến chúng tôi tìm vào thôn Năm, đó là câu chuyện về thôn người Vân Kiều anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ. Những năm 1960, khi chiến khu Ba Lòng trở thành mục tiêu trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ, nhân dân quanh khu vực được lệnh đi sơ tán, thì năm hộ gia đình Hồ Mó, Hồ Nang, Hồ Ka Nung, Hồ Vang, Hồ Nhing vẫn quyết tâm bám trụ trên năm quả đồi quanh khu vực Khe Su để giúp đỡ các lực lượng kháng chiến. Nhờ thông thạo địa hình nên việc đưa đón cán bộ, vận chuyển lương thực, thuốc men, vũ khí… qua lại vùng chiến khu của các hộ dân này đều bảo đảm bí mật, an toàn, làm thất bại âm mưu tiêu diệt các cơ quan cách mạng của tỉnh Quảng Trị tại Ba Lòng. Sau giải phóng, địa phương lấy câu chuyện của năm hộ gia đình này đặt tên thôn là Năm nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ con cháu sau này. Và gần đây, khi thôn Năm và thôn Văn Vận sáp nhập lại, người dân vẫn biểu quyết lấy tên thôn mới là thôn Năm, nguyện một lòng theo Đảng. Dạo quanh thôn Năm một lượt, thấy cuộc sống đồng bào thật sự khởi sắc, no ấm yên lành. Tất cả nhà sàn cột kê, lợp tôn vững chãi; dưới gầm nhà dựng đầy xe máy, xe đạp; trên nóc nhà, ăng-ten chảo ti-vi sáng bạc. Ruộng ở đây không nhiều nên lúa cũng chỉ đủ ăn, chưa dư dôi lắm. Được cái bù lại, nhà nào ở thôn Năm cũng có dăm héc-ta rừng trồng; những vườn cây ăn quả; rồi còn trâu bò, gà, lợn… Tôi đã gặp anh Hồ Văn Phùng một nông dân Vân Kiều có một rừng keo cùng một vườn cây ăn quả, nay có hai con vào đại học ở xa, ngoài ra còn có một cháu học trung học tại chỗ. Nói chuyện với chúng tôi, anh Phùng vẫn tự hào rằng gia đình mình là gia đình Vân Kiều hiếu học nhất trong vùng. Lại gặp anh Hồ Văn Cư gia đình có đến hai héc-ta rừng trồng, sáu sào lúa nước hai vụ cùng ba sào sắn và một trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Anh Cư nói đất ở đây rộng rãi và tốt lắm, cứ chăm chỉ cắm cây gieo hạt xuống đất là có ăn, và có thể làm giàu.
Quả thực, Ba Lòng miền núi xa xôi nhưng không nghèo tài nguyên. Đây là xã có diện tích đất sản xuất lớn, lại được thiên nhiên ưu đãi: có rừng, có bán sơn địa, có đất bồi, đất bãi... Cho dù tôi lưu lại ở vùng đất này trong thời gian ít ỏi, như kiểu “cưỡi ngựa, xem hoa” nhưng ngồi gỡ từng miếng đất bám vào đế giày sau ngày lang thang cuối bãi đầu non, tôi cảm nhận rất rõ dòng sông hào phóng bồi lắng và đất đai vùng đồi mênh mông chính là hai lợi thế của xã Ba Lòng hiện nay.
Xã Ba Lòng nằm dọc theo hai bên bờ sông Ba Lòng, vốn là địa hình thung lũng bao quanh là đồi núi nên lâu nay vẫn được xem là vùng rốn lũ, nhưng bù lại sau lũ, dòng sông được tích hợp một lượng phù sa từ phía thượng nguồn của sông Đakrông và các khe suối đổ về đã bồi đắp nên những bãi đất phì nhiêu hai bên bờ. Các bãi đất này bằng phẳng, có độ cao trung bình khoảng 3 - 5 mét so với mặt nước sông, là dải đất giàu dinh dưỡng dành cho gieo trồng các loại cây đặc sản của Ba Lòng là đậu xanh, lạc, bắp hoặc làm đồng cỏ chăn nuôi. Cứ sau mùa mưa lũ, khi phù sa thấm đẫm đồng bãi, khoảng cuối tháng mười hai bà con vỡ đất trồng xen cây lạc với bắp, qua tháng ba thu hoạch. Từ đầu tháng tư đến tháng sáu trồng cây đậu đỗ. Toàn xã Ba Lòng hiện có 314 héc-ta lạc, 292 héc-ta đậu đỗ, gần 90 héc-ta ngô với tổng sản lượng 365,7 tấn mỗi năm. Phải nói rằng, những đặc điểm thổ nhưỡng khí hậu và chất nước ở đây là điều đầu tiên khiến các loại cây hoa màu trồng xuống là liên tục bội thu. Chính quyền xã đang kêu gọi nông dân chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa nương kém hiệu quả sang trồng các loại cây hoa màu cho chất lượng cao này. Bữa tôi về Ba Lòng đúng vào mùa thu hoạch đậu xanh, không khí lao động sổi nổi phía triền sông. Tôi có xuống bến đò Đá Nổi, ngồi nhờ đò của anh Trịnh Minh Vương ở thôn Đá Nổi sang tả ngạn hái đậu. Lội giữa những bãi đậu xanh mướt sai trái, sục bàn chân vào lớp đất mỡ màng, nghe anh hào hứng tính toán: Giá đậu xanh đang lên cao hơn vụ trước, hai héc-ta sẽ thu về gần trăm rưỡi triệu, với nhà nông đó là con số mơ ước. Anh Vương thuê mười nhân công thu hoạch đậu xanh, đậu sau khi hái được chất lên đò quay về bến, có máy tuốt vỏ ngay tại bờ sông và các đầu mối thu mua đợi sẵn để chuyển ngay lên thùng xe tải đi khắp mọi nẻo đường. Anh Vương bảo cái “thương hiệu” đậu xanh Ba Lòng không cần quảng cáo cũng đã nổi tiếng rồi. Tôi cho rằng đúng vậy. Bởi đã từng được ăn đậu xanh, bắp, lạc của đất này và biết những tặng vật này ngon hiếm nơi đâu bì được.
Cuối tháng 6, nông dân thu hoạch đậu xanh trên cánh đồng ven sông Ba Lòng - Ảnh CN
Ngoài đất bồi, đất bãi màu mỡ ven sông, thì đất đai vùng đồi núi mênh mông cũng là lợi thế của xã Ba Lòng. Địa hình vùng này chủ yếu là những đồi đất nhô lên khá cao dạng đồi bát úp hoặc dạng đồi bán bình nguyên, địa chất thổ nhưỡng gồm đất nâu tím và đất đỏ vàng, tập trung ở phía bắc và phía tây nam xã. Đây là hai loại đất khá thích hợp cho phát triển trồng rừng, chủ yếu là cây keo lá tràm. Được biết, diện tích rừng trồng đến tuổi khai thác và đưa vào trồng mới ở Ba Lòng mỗi năm trên 100 héc-ta, tổng thu nhập từ rừng trồng hằng năm khoảng 1,2 tỷ đồng. Rừng Jbic trồng từ giai đoạn năm 2003 - 2005 đã được cấp phép cho khai thác 204 héc-ta. Có thể nói, cây keo đang lan nhanh trên đất này, chưa có cây nào trồng đại trà nhanh thế. Theo kế hoạch thời gian tới sẽ khai thác và trồng mới hơn 200 héc-ta rừng mỗi năm. Chỉ tính diện tích đáng kể bây giờ, tán lá đã che mát đất.
Bên sắc xanh của những cánh rừng keo, không thể không kể đến một sắc xanh rất mới ở Ba Lòng: màu xanh của sả. Tôi đã gắng theo chân Oanh đến thăm mô hình trồng sả chiết tinh dầu của Hợp tác xã VanPa - là mô hình kinh tế tập thể đầu tiên của huyện Đakrông nằm khá xa trung tâm xã để mong biết thêm một câu chuyện khởi nghiệp từ đất. VanPa là tên viết tắt của hai từ Vân Kiều và Pa Cô, hai dân tộc thiểu số sống ở vùng núi Quảng Trị. Giám đốc là anh Đoàn Hữu Linh, còn trẻ trung, yêu quê hương, tâm huyết với việc mình đang làm, ngày đêm đổ mồ hôi cống hiến trên vạt đồi khô cằn. Sau đợt trồng thí điểm giữa năm 2017 trên diện tích 10 héc-ta ở Ba Lòng, cây sả có tỷ lệ sống rất cao, chiết xuất ra tinh dầu hàm lượng tốt. Cho dù một nhà máy chiết suất tinh dầu cỡ lớn chưa hình thành nhưng với những nồi chiết xuất thủ công cũng đã cho ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn, nhận phản hồi tích cực từ thị trường. Dự án trồng sả của VanPa đang gặp một vài trở ngại, nhưng không nghi ngờ gì đây là hướng đi mới phù hợp với điều kiện khí hậu đất đai vùng cao đồng thời tạo việc làm cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Tôi tin rằng không chỉ dừng lại ở diện tích ít ỏi 10 héc-ta bây giờ, mà con số ấy sẽ còn lớn hơn. Nếu có chính sách khuyến khích hợp lý sẽ có nhiều người đầu tư cho cây dược liệu, hoặc các loại cây có giá trị kinh tế cao. Đứng trên đồi sả của VanPa, nhìn về phía những dải đồi nhấp nhô xung quanh vẫn còn nhiều diện tích đất đang là đồi trọc trong khi dân thì đủ sức để khỏa lấp diện tích đất bị bỏ hoang ấy.
Tôi rất sốt ruột muốn giải đáp ngay mấy câu hỏi đang lăn tăn trong đầu nên quay trở lại ủy ban xã gặp đồng chí bí thư Lê Quang Hiền. Khi nghe tôi muốn tìm hiểu phương hướng phát triển kinh tế của địa phương trong những năm tới, bí thư Hiền giới thiệu điều kiện tự nhiên và thành tựu phát triển kinh tế của xã những năm qua, Ba Lòng xác định hai thế mạnh chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi. Tôi nói, nếu chỉ có thế thì sau một ngày thâm nhập địa bàn tôi cũng đã hình dung ra, và biết những năm gần đây xã trở thành điểm sáng của huyện Đakrông. Vấn đề là thực tế đất sản xuất chưa sử dụng của xã có khá nhiều. Đây thực sự là một tiềm năng rất lớn và rất hiếm trong thời buổi này.
Bí thư Hiền nói ngay:
- Đảng bộ và chính quyền đang tập trung hỗ trợ bà con khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích. Chú trọng phát triển cây trồng chủ lực của địa phương, chuyển đổi sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Tiếp thu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng. Đối với vùng đồi núi, xã đang nghiên cứu thêm nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao như các loại cây dược liệu, cây gia vị để xem khả năng phù hợp với vùng. Trên cơ sở tiềm năng của từng vùng đất phải tách bạch riêng ra, đầu tư cho có hiệu quả.
Thì ra là vậy, tôi lại hỏi:
- Các cây trồng chủ lực của địa phương là lạc và đậu xanh đã khẳng định được chất lượng. Nhưng theo như tôi được biết thì các mặt hàng nông sản này chưa có liên doanh liên kết tiêu thụ sản phẩm, và vẫn đang loay hoay xây dựng thương hiệu...
Bí thư Hiền ngắt lời tôi:
- Đây đúng là điều chúng tôi đang trăn trở, tâm tư. Những năm gần đây xã dồn nhiều tâm huyết để xây dựng thương hiệu Đậu xanh Ba Lòng và Lạc vùng chiến khu Ba Lòng theo tiêu chuẩn của chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Chúng tôi hỗ trợ người dân sử dụng giống mới có năng suất chất lượng cao, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, thiết kế logo thương hiệu,… nhưng kết quả đến nay thì như chị biết rồi đó.
- Vậy thì khó khăn nằm ở đâu?
- Khó khăn thì nhiều, đầu tiên vẫn là vốn. Tiềm năng thì thấy rõ, kế hoạch cũng đã có. Nhưng nếu không đầu tư thì sẽ chẳng có gì. Một khó khăn nữa là từ phía chủ thể chính của sân chơi này là nông dân. Dù rất hào hứng với OCOP, nhưng cách thức tổ chức sản xuất, tư duy và thói quen sản xuất kiểu cũ, nhỏ lẻ, manh mún, không quan tâm đến thị trường cần gì là sức ì lớn cản trở đà vươn lên của nông dân và diện mạo nông thôn.
Tôi hiểu để xây dựng thương hiệu thành công chỉ mình chính quyền nỗ lực là chưa đủ. Tôi hỏi tiếp:
- Thời gian tới sẽ thế nào?
Bí thư Hiền tự tin nói:
- Chúng tôi sẽ còn rất nhiều công việc, cố gắng rồi mọi chuyện cũng qua khi đã quyết tâm. Hy vọng không lâu Ba Lòng sẽ chạm đến những cột mốc xã đã đặt ra như cái đích sẽ tham dự các hội chợ thương mại, đưa được đặc sản địa phương đóng gói đẹp mắt, có nhãn mác đầy đủ trưng bày trang trọng trên các quầy hàng để giới thiệu và bán tới khách hàng mọi miền. Khi ấy, đậu xanh, lạc Ba Lòng và có thể còn có tinh dầu sả Ba Lòng đã có một vị trí xứng đáng của thương hiệu Quảng Trị, thương hiệu quốc gia…
Dẫu biết đường đến ngày mai không phải là một hành trình dễ dàng. Nhưng tôi tin, dần dà chắc các anh sẽ giải quyết hết khó khăn, bởi tôi thấy bộ máy lãnh đạo của xã đều trẻ trung và có trình độ. Tôi nhìn ra ở mỗi con người quanh tôi, bí thư Dương Quang Hiền, giám đốc Đoàn Hữu Linh, Kim Oanh bạn tôi trĩu nặng một nỗi lòng đau đáu với quê, năng lực lao động sáng tạo đang cống cho quê hương mỗi người một lĩnh vực, mỗi người một khả năng riêng có. Khi tôi ngồi viết những dòng này, thì facebook nhận được tin nhắn của Oanh, nội dung là một bức ảnh chụp ba mạ đang nở nụ cười tươi trên cánh đồng bội thu. Nếu khi con người hết lòng tận hiến, thì đất sẽ trả lại cho những thơm thảo ngọt lành.
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)