Ngày mới ở Cửa Việt

Lâm Thanh |

Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị) từng là một trong những chiến trường ác liệt nhất vào những năm 1972- 1973, thời điểm Hiệp định Paris bước giai đoạn quyết định. Địa danh này gắn liền với những trận đánh lịch sử của Hải quân Nhân dân Việt Nam trước ngày đất nước thống nhất. Vậy nhưng, chiến trường Cửa Việt những năm tháng ấy giờ là phố thị đang thay da, đổi thịt từng ngày.

Đánh bắt, khai thác biển là thế mạnh của thị trấn Cửa Việt. Ảnh: LT
Đánh bắt, khai thác biển là thế mạnh của thị trấn Cửa Việt. Ảnh: LT

Đứng trên cầu Cửa Việt nhìn ra phía Bắc là vùng đất cửa biển với cảng biển tấp nập tàu thuyền, xa xa là hệ thống dịch vụ du lịch ven biển, những dãy nhà cao tầng mọc lên san sát… Thật khó để tìm thấy dấu vết của chiến trường xưa bởi sự chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ của vùng đất cửa biển. Xét ở góc độ địa lý thì Cửa Việt là điểm cuối trên con đường xuyên Á thuộc Hành lang kinh tế Đông- Tây, đồng thời là điểm kết nối tam giác du lịch Cửa Việt- Cửa Tùng và đảo Cồn Cỏ. Vậy nên, Cửa Việt hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển thành khu kinh tế năng động. Hiện Khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, bởi ở đây có những lợi thế đặc thù hơn hẳn những điểm khác. Ưu điểm này cũng được chính quyền cùng người dân địa phương khai thác hiệu quả trong những năm gần đây. Hiện nay, kết cấu hạ tầng ở thị trấn Cửa Việt được đầu tư khá đồng bộ, hiện đại. Khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt đã hình thành được các tổ hợp nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái biển, trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, các loại hình kinh doanh, dịch vụ của các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Vài năm trở lại đây, cảng Cửa Việt ngày càng đầu tư mở rộng đón những chuyến tàu lớn cập bến bốc xếp, vận chuyển lưu thông hàng hóa trong và ngoài tỉnh. Cạnh cảng biển là nhà máy đóng tàu Cửa Việt miệt mài hoạt động ngày đêm để kịp duy tu, bảo dưỡng “tiếp sức” cho những chuyến tàu vươn khơi… Tất cả, tạo nên một thị trấn Cửa Việt năng động, trẻ trung.

Điểm nhấn quan trọng nhất của thị trấn là phát triển kinh tế biển. Bên cạnh việc phát triển du lịch biển, thị trấn Cửa Việt đã hình thành ngành kinh tế mũi nhọn đó là đánh bắt khai thác biển và hậu cần nghề cá. Hiện đội tàu khai thác biển của địa phương này chiếm 50% trong tổng số tàu thuyền toàn huyện Gio Linh với tổng số 224 tàu khai thác biển, tổng công suất 42.961 CV. Trong đó, riêng tàu đánh bắt xa bờ có 97 chiếc, công suất từ 200 CV đến 800 CV. Đội tàu khai thác biển của địa phương chủ yếu hoạt động bằng nghề lưới rê, bùng nhùng, vây rút hoạt động khá hiệu quả. Sản lượng khai thác thủy sản toàn thị trấn trung bình đạt 6.500 tấn/năm. Trong đó có nhiều tàu mang lại hiệu quả kinh tế cao như tàu của các ngư dân: Võ Huynh, Võ Tứ, Hoàng Hải, Bùi Chí Đạo ở Khu phố 5, Hồ Văn Thà ở Khu phố 3, Võ Văn Hai và Hồ Văn Thu ở Khu phố 2 …

Theo Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt Trần Đình Cảm, thời gian qua được sự hỗ trợ, động viên của trung ương, tỉnh và huyện, ngư dân trên địa bàn thị trấn đã nhanh chóng tiếp cận các nguồn kinh phí để đóng mới, cải hoán tàu thuyền chuyển từ đánh bắt gần bờ sang xa bờ. Đồng thời đầu tư lắp đặt các trang thiết bị đồng bộ như sử dụng máy định vị vệ tinh, máy dò ngang để dò tìm đàn cá, sử dụng máy tời thủy lực để giảm sức lao động, tăng hiệu quả kinh kế; sử dụng các phương pháp bảo quản sản phẩm mới để tăng chất lượng sản phẩm sau khai thác. Đặc biệt các tàu lưới vây vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/ CP còn sử dụng hầm cấp đông công suất lớn, sử dụng máy thông tin liên lạc để kết nối thông tin từ biển với đất liền thông suốt, nối khoảng cách giữa biển và đất liền gần hơn. Nhờ vậy, việc ra khơi khai thác, đánh bắt thủy sản của ngư được thuận lợi hơn, ít phụ thuộc vào thời tiết. Ngư dân đã chuyển đổi đa dạng các phương thức khai thác phù hợp với từng mùa như lưới vây rút, bùng nhùng, pha xúc… từ đó cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Song song với nghề khai thác, đánh bắt thủy sản thị trấn Cửa Việt cũng phát triển đa dạng các nghề phục vụ hậu cần nghề cá. Ngoài 32 lò hấp cá, thị trấn còn 6 cơ sở sửa chữa máy thủy và điện cơ, 7 xưởng mộc, 8 xưởng cơ khí, 9 cơ sở sản xuất nước đá, 2 cơ sở sản xuất nước tinh lọc, 5 cơ sở chế biến mắm, 12 kho đông lạnh.... Những ngành nghề trên đã tạo việc làm cho khoảng 400 lao động của địa phương có nguồn thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, thị trấn Cửa Việt cũng có 788 người đang làm việc tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Theo tính toán trung bình mỗi người dành dụm gửi về cho gia đình 15 triệu đồng/tháng thì mỗi tháng có gần 12 tỉ đồng từ nước ngoài được chuyển về thị trấn để người dân trên địa bàn xây dựng nhà cửa, mua sắm trang thiết bị sinh hoạt gia đình, đầu tư cho con em học tập cũng như mở rộng các ngành nghề, dịch vụ khác.

Cùng với phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân thị trấn Cửa Việt cũng phát triển mạnh mẽ hệ thống cơ sở hạ tầng từ giao thông, chợ, các cửa hàng thương mại, dịch vụ, trung tâm sinh hoạt cộng đồng đến hệ thống giáo dục, y tế... Nhờ vậy chất lượng cuộc sống của Nhân dân vùng cửa biển không ngừng được cải thiện, thu nhập trung bình trên đầu người năm 2019 đạt 47 triệu đồng, gấp 7,8 lần so với năm 2006, thời điểm mới thành lập thị trấn.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Triệu Phong- 30 năm sau ngày lập lại huyện

XANH EWEC |

Thực hiện Nghị định số 91/HĐBT, ngày 23/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về việc chia huyện Triệu Hải thành hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng; ngày 1/5/1990 huyện Triệu Phong  (Quảng Trị) chính thức được lập lại.

Thực hiện hiệu quả mô hình canh tác lúa thông minh

Bá Thuần - Minh Kha |

Vụ Đông Xuân 2019-2020, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) gieo cấy gần 6.000 ha lúa với các loại giống ngắn ngày, có tiềm năng năng suất cao và hiện tại bà con nông dân đang khẩn trương xuống đồng thu hoạch. 

Hiệu quả từ cây lạc gò đồi ở Cam Lộ

Lâm Quang Bửu |

Lạc là cây trồng được huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị xác định nằm trong bộ sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh, mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Lúa Đông Xuân lập kỷ lục được mùa, được giá bất chấp dịch COVID- 19

Tiến Nhất |

Dù gặp khó khăn do dịch bệnh COVID- 19, nhưng vụ Đông Xuân 2019 -2020 đã đem lại niềm vui cho người nông dân Quảng Trị khi đây được xem là vụ mùa có năng suất, sản lượng và được giá cao nhất từ trước đến nay…