Hiệu quả từ cây lạc gò đồi ở Cam Lộ

Lâm Quang Bửu |

Lạc là cây trồng được huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị xác định nằm trong bộ sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh, mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Hàng trăm ha lạc đang được thu hoạch.
Hàng trăm ha lạc đang được thu hoạch.

Từ bao đời nay, cây lạc luôn gắn bó với người nông dân Cam Lộ. Trên những biền bãi mênh mông, ngọt vị phù sa dọc sông Hiếu, những ruộng lạc xanh tươi đã dâng hiến cho con người những vụ mùa bội thu.

Hạt lạc nơi đây đã xuất đi khắp nơi mang tiền về làm thay đổi bao cuộc đời lam lũ. Tuy nhiên, do mãi trồng lạc với phương pháp thủ công nên cây lạc cho năng suất thấp. Năm được mùa có lúc đạt trên 22 tạ/ha, nhưng năm thấp chỉ đạt bình quân 13 tạ/ha/vụ.

Tất cả đã thay đổi từ khi huyện Cam Lộ đã xây dựng đề án nâng cao hiệu quả cây lạc. Mục tiêu đề ra là từng bước thay đổi tập quán canh tác của người dân bằng việc mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất với công thức thâm canh tiến bộ.

Huyện Cam Lộ phấn đấu hoàn chỉnh quy hoạch vùng trồng lạc, tổ chức đánh giá các mô hình thâm canh, thực hiện nhân rộng các mô hình trồng lạc hiệu quả. Cố gắng phục hồi diện tích lạc đạt năng suất trên 2 tấn/ha/vụ, liên kết sản xuất với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm.

Trước hết, huyện liên kết với Công ty Thương mại Quảng Trị triển khai mô hình trồng lạc bằng phương pháp lên luống phủ bạt ni lông và sử dụng phân hữu cơ vi sinh tại HTX Quật Xá, xã Cam Thành. Sau mấy mùa thử nghiệm, mô hình này khá thuyết phục, nhiều nông dân quan tâm.

Rồi huyện Cam Lộ được dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới” thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu đầu tư các mô hình sản xuất lạc theo phương pháp mới, mang lại hiệu quả tích cực, hình thành tập quán canh tác tiến bộ cho nông dân.

Kết quả lạc phát triển tốt hơn, không bị cỏ dại cạnh tranh chất dinh dưỡng nên năng suất và hiệu quả kinh tế cao, lãi cao hơn trồng lạc truyền thống 7 triệu đồng/ha.

Trong niềm vui được mùa lạc, nông dân Nguyễn Ngọc Du tại thôn Ba Thung, xã Cam Tuyền cho biết, gia đình ông vụ này trồng 8 sào lạc (4.000m2) theo kiểu truyền thống, năng suất đạt gần 120 kg/sào (tương đường 2,4 tấn/ha) lạc khô. Với giá ở thời điểm hiện tại, sau khi trừ các chi phí, gia đình ông Du lãi 7 triệu/ ha.

Lạc Cam Lộ cho hạt to tròn và hàm lượng tinh dầu cao.
Lạc Cam Lộ cho hạt to tròn và hàm lượng tinh dầu cao.

Ông Hoàng Liên Sơn, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền cho biết, vụ này nông dân trong xã trồng 160 ha lạc, tập trung ở các thôn dọc bờ sông Hiếu như Ba Thung, An Mỹ… đem lại hiệu quả cao, lợi nhuận mỗi ha trồng lạc gấp 2- 3 lần trồng lúa.

Tuy nhiên, do thời tiết khô hạn từ năm trước đến nay nên năng suất mặc dù cao vẫn không như dự kiến. Đặc biệt ở Cam Tuyền người dân trồng lạc xen canh cây ngô, sắn để nhân đôi nguồn lợi trên cùng một diện tích. Ông Sơn cho hay, bây giờ thương lái tìm đến tận ruộng để thu mua lạc, người dân không cần mất công tìm đầu ra cho sản phẩm. 

Mô hình trồng lạc hữu cơ của ông Từ Linh Nhân, Giám đốc Công ty TNHH Từ Phong ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ là nổi bật nhất. Ông Nhân chia sẻ, lạc là cây trồng thế mạnh của huyện Cam Lộ, mang lại nguồn thu nhập chính của người dân địa phương.

Thay vì canh tác theo phương thức truyền thống, ông Nhân tập trung phát triển cây lạc theo hướng hữu cơ, hỗ trợ nông dân trong vùng về nguồn giống, phân bón và thu mua sản phẩm sau khi thu hoạch. Với phương thức canh tác hiện đại, có sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật trong canh tác và tưới tiêu, 30 ha lạc của công ty trồng ở xã Cam Thành đạt năng suất gần 4 tấn lạc/ha, nên lãi  45- 50 triệu đồng/ha.

Ngoài chế biến sản phẩm lạc tự trồng, mỗi năm công ty còn thu mua thêm lạc của nông dân chế biến hàng trăm tấn tinh dầu lạc (khoảng 100.000 chai) cùng nhiều sản phẩm khác như bơ lạc, kẹo đậu phộng…có nhãn hiệu Super Green, mang lại doanh thu hàng trăm triệu mỗi tháng và giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động địa phương.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cam Lộ Phạm Viết Thanh cho biết: Lạc được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của huyện, vụ này tổng diện tích trồng lạc trên địa bàn huyện hơn 500 ha, tập trung chủ yếu ở xã Cam Thành, Cam Tuyền, Cam Thủy, thị trấn Cam Lộ.  

Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Ngô Quang Chiến cho biết, nhằm tạo điều kiện phát triển vùng chuyên canh lạc hữu cơ, huyện có chính sách khuyến khích doanh nghiệp thuê đất, huyện đầu tư hệ thống kênh tưới tiêu, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch.

Cam Lộ kỳ vọng mô hình liên kết thâm canh lạc hữu cơ cũng như chuyên canh cây lạc trên diện rộng sẽ mở ra hướng đi phù hợp, giúp doanh nghiệp và nông dân liên kết, mạnh dạn hơn nữa trong ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất lạc để nâng cao năng suất, chất lượng, thương hiệu lạc Cam Lộ.

Huyện phấn đấu phát triển hơn 1.000 ha lạc, qua đó nâng cao hơn nữa thu nhập cho các hộ nông dân trồng lạc.

(Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam)

TAGS

Trên phòng tuyến sông Mỹ Chánh – Ngày ấy và bây giờ

Mai Trang – Thanh Châu |

Hải Lăng là địa phương cuối cùng được giải phóng của tỉnh Quảng Trị, trước khi trở thành vùng đệm để quân và dân ta tiến vào giải phóng Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng vào năm 1975. Đặc biệt, tại phòng tuyến sông Mỹ Chánh, nơi được coi là vành đai lửa trong chiến dịch năm xưa nay đã có nhiều thay đổi, nhưng tinh thần cách mạng thì vẫn còn nguyên vẹn nơi những cán bộ, chiến sĩ, dân quân du kích ngày đó và được nối tiếp cho thế hệ hôm nay.

Triển vọng từ nghề nuôi cá lồng ở Triệu Phước

Phú Hải |

Nhằm phát huy thế mạnh mà thiên nhiên ban tặng cho vùng cửa lạch, khoảng 2 năm trở lại đây UBND xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người dân trên địa bàn phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông. 

Nông dân phấn khởi vì lúa được mùa, được giá

Võ Thái Hòa |

Vào thời điểm này nông dân toàn tỉnh đang bước vào thu hoạch rộ lúa vụ đông xuân. Trên các cánh đồng, máy gặt đập liên hợp chạy liên hồi để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cho kịp triển khai vụ hè thu tới. Niềm vui lúa được mùa, được giá hiện hữu khắp nơi.

Quảng Trị thêm một vụ mùa bội thu

Bá Thuần |

Mặc dù khi triển khai sản xuất vụ Đông Xuân năm 2019-2020 gặp không ít khó khăn nhưng với việc triển khai các biện pháp khắc phục kịp thời cộng với làm tốt công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên đến thời điểm này có thể khẳng định Quảng Trị có thêm một vụ lúa được mùa.