Triển vọng từ nghề nuôi cá lồng ở Triệu Phước

Phú Hải |

Nhằm phát huy thế mạnh mà thiên nhiên ban tặng cho vùng cửa lạch, khoảng 2 năm trở lại đây UBND xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người dân trên địa bàn phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông. 

Mặc dù là nghề mới hình thành chưa lâu nhưng bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giúp nhiều hộ dân ổn định kinh tế, từng bước vươn lên làm giàu...

Nghề nuôi cá lồng trên sông ở xã Triệu Phước mang lại hiệu quả cao. Ảnh: PH
Nghề nuôi cá lồng trên sông ở xã Triệu Phước mang lại hiệu quả cao. Ảnh: PH

Xã Triệu Phước là vùng cửa lạch, có sông Thạch Hãn chảy qua mang nhiều phù sa nên vùng đất này luôn có lợi thế về phát triển trồng lúa, hoa màu và nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh phát triển nghề trồng lúa, hoa màu thì nuôi trồng thủy sản được xem là thế mạnh trong phát triển kinh tế nơi đây. Việc phát triển nuôi trồng thủy sản trong các ao, đầm tự nhiên hay ao, hồ nước lợ nhân tạo đã mang lại hiệu quả cao, góp phần giúp người dân vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, nhiều năm về trước, một bộ phận người dân xã Triệu Phước có phát triển nghề đánh bắt hải sản ở các ngư trường lớn trên biển nhưng dần mai một vì nhiều lý do. Một bộ phận ngư dân này đã chuyển sang nghề đánh bắt thủy sản trên sông và nuôi trồng thủy sản trong ao hồ nước lợ. Đặc biệt 2 năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở thôn An Hà đã đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông và đã đem lại hiệu quả tích cực, tạo ra hướng đi mới đầy triển vọng trong phát triển kinh tế.

Thôn An Hà nằm sát nhánh sông Thạch Hãn, cách cửa biển Cửa Việt khoảng 5 km theo đường sông, có 124 hộ dân với 946 nhân khẩu. Thôn này có quỹ đất sản xuất nông nghiệp hạn hẹp nên từ xưa đến nay vẫn lấy nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản làm nghề chính. Những năm trở lại đây, việc đánh bắt thủy sản trên sông gặp nhiều khó khăn nên một số hộ dân đã nghĩ ra hướng đi mới đó là nuôi cá lồng trên sông để phát triển kinh tế. Bí thư Chi bộ thôn An Hà Trần Văn Quang cho biết: “Từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, nghề nuôi cá lồng trên sông bắt đầu phát triển và thu hút nhiều hộ dân trong thôn tham gia. Đến nay, trong thôn có 17 hộ nuôi với hơn 30 lồng cá các loại như đù sóc, nâu, dìa, vược, hồng ...với tổng thể tích hơn 1.200 mét khối và đã chứng minh được đây là nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên, đem lại thu nhập khá cao cho người dân”.

Việc phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông của người dân nơi đây không chỉ xuất phát từ mối duyên nợ với sông nước mà còn gắn với ý chí vươn lên, nỗ lực tìm tòi những cách làm hay từ thực tế. Qua nhiều lần tìm hiểu từ các vùng nuôi cá lồng, xem thông tin trên ti vi, sách báo, internet, đầu năm 2018, vợ chồng anh Lê Văn Bình (46 tuổi), chị Nguyễn Thị Huê (46 tuổi), ở thôn An Hà đã quyết định đầu tư 5 lồng nuôi cá vược, bớp, đù sóc, hồng, nâu. Thời gian nuôi đến khi thu hoạch khoảng từ 3 - 7 tháng tùy theo loại cá, bình quân thu nhập mỗi lồng khoảng 200 - 300 triệu đồng, trong đó lãi ròng mỗi lồng cá khoảng 20 - 30 triệu đồng. “Nếu có thị trường đầu ra ổn định hơn và có thương lái thu mua sỉ theo vựa thì người nuôi cá lồng như chúng tôi có thể lãi cao hơn mức 20 - 30 triệu/lồng. Hiện nay, người nuôi cá lồng nơi đây chủ yếu bán lẻ cho khách hàng ở các chợ trong vùng và một số tiểu thương thu mua nhỏ lẻ nên hiệu quả mang lại chưa cao. Chúng tôi luôn mong muốn các cấp, ngành cần hỗ trợ hơn nữa trong việc tìm thị trường đầu ra tiềm năng để người dân yên tâm gắn bó, phát triển nghề”, chị Nguyễn Thị Huê cho biết.

Dù là chủ của một cơ sở sản xuất, gia công cơ khí quy mô ở thôn An Hà thế nhưng anh Văn Ngọc Lộc (34 tuổi) vẫn hùn vốn cùng em trai Văn Ngọc Huỳnh (30 tuổi) đầu tư nuôi cá lồng. “Sau khi học tập kinh nghiệm từ các chuyến đi thực tế, tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi và em trai cũng nắm được cơ bản kỹ thuật nuôi cá lồng trên sông và cuối tháng 2/2018 đã quyết định đầu tư 5 lồng nuôi thử nghiệm. Vụ đầu tiên, mỗi người cũng lãi ròng 50 triệu đồng nên có thêm động lực để mở rộng phát triển nghề này. Hiện nay anh em tôi đang nuôi gần 3.000 con cá giống các loại và khi cá lớn sẽ tiến hành tách ra lồng lớn để nuôi. Hơn 2 năm qua, tôi thấy nghề nuôi cá lồng rất phù hợp với vùng cửa lạch. Nước ở đây trong sạch, chảy lên xuống ổn định theo thủy triều vì thế cá nuôi ít dịch bệnh và phát triển nhanh nên hiệu quả kinh tế mang lại khá cao”, anh Văn Ngọc Lộc chia sẻ.

Những lồng cá nơi đây được hàn bằng sắt có chiều rộng bình quân từ 4 - 6 m, chiều dài 6 - 8 m và cao tầm 2,5 - 3,5 m, tùy theo ý đồ của người nuôi. Lồng cá được vây quanh bằng lưới cước dày để tránh cá thoát ra ngoài tự nhiên, mỗi lồng cá có thể nuôi từ 700 - 1.000 con cá giống. Khi cá giống đã lớn sẽ tách ra các lồng khác để nuôi nhằm đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật giúp cá phát triển nhanh. Nguồn cá giống chủ yếu được người dân đặt mua từ các trại giống có uy tín trong nước và thu mua con giống tự nhiên do người dân làm nghề đánh bắt thủy sản trên sông bán lại. Thức ăn của cá nuôi lồng chủ yếu là cá nhỏ, các loại cá biển, cá sông được cắt nhỏ, xay nhuyễn. Tùy theo trọng lượng của cá để người nuôi chế biến thức ăn phù hợp, tránh lãng phí nguồn thức ăn.

Bình quân mỗi năm, nghề nuôi cá lồng ở xã Triệu Phước cho sản lượng khoảng 15 tấn với doanh thu trên 1,4 tỉ đồng. Để nghề nuôi cá lồng đạt hiệu quả cao, UBND xã Triệu Phước đã nhiều lần tổ chức các lớp tập huấn giúp người nuôi cá lồng nắm vững hơn về kỹ thuật nuôi, các biện pháp phòng bệnh. Thông qua các lớp tập huấn, người nuôi cá lồng càng tự tin hơn về hướng đi mới này và nhiều người đã mạnh dạn mở rộng quy mô nuôi, đem lại hiệu quả rõ nét.

Nhận xét về nghề nuôi cá lồng trên sông ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Phước Nguyễn Văn Vui cho biết: “Qua hơn 2 năm phát triển nghề nuôi cá lồng trên địa bàn, chúng tôi thấy đây là một hướng đi mới, hiệu quả trong làm kinh tế và có thể nhân rộng ra một số thôn trong xã. Nghề nuôi cá lồng này đã giúp nhiều gia đình thoát khỏi khó khăn, dần tích lũy vươn lên làm giàu bền vững. Trong thời gian tới, UBND xã Triệu Phước sẽ tăng cường các lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ, hướng dẫn người dân tìm đầu ra ổn định cho thủy sản, trong đó có cá nuôi lồng để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nữa”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hướng Hóa: Người trồng chuối gặp khó khăn khi giá giảm sâu

Hoàng Hùng |

Tại huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị), nắng hạn khiến năng suất chuối xuống thấp cùng với đó là ảnh hưởng của dịch COVID- 19 đã làm thị trường tiêu thụ loại nông sản này bị thu hẹp. Hiện nay, giá chuối đang giảm sâu khiến doanh nghiệp, tiểu thương và người dân gặp nhiều khó khăn.

Lần theo dòng nước mặn

HTS |

Càng bước vào các tháng cao điểm của mùa khô hạn, những người làm công tác khí tượng thủy văn phải luôn có mặt từng phút, từng giờ trên nhiều khúc sông để làm công việc lần theo dòng nước mặn xâm nhập vào các con sông. Việc xâm nhập mặn trong mùa khô hạn luôn tác động tiêu cực đến cuộc sống, sinh hoạt cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc canh tác, sản xuất nông nghiệp của người dân.

Câu chuyện về một bản làng

Nguyễn Việt Hà |

Bản Khe Me, xã Linh Thượng ( nay là xã Linh Trường) huyện Gio Linh (Quảng Trị) nằm giữa một thung lũng có diện tích tương đối hẹp. Tuy ở vùng đất không được thiên nhiên ưu đãi, khô căn sỏi đá nhưng với bản tính cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, người dân Khe Me đã chung sức, đồng lòng xây dựng bản làng Khe Me ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Từng bước xây dựng A Túc thành trung tâm cụm xã vùng Lìa

Công Điền |

Trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, xã A Túc là cái nôi cách mạng của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), đây cũng là nơi sản sinh ra những người con ưu tú cho Đảng bộ, chính quyền huyện Hướng Hóa.