Xuôi dòng Thạch Hãn, chúng tôi tìm đến làng Gia Độ (xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).
Hơn 500 năm hình thành làng, cuộc sống người dân trải qua bao thế hệ, bên cạnh gắn với nghề nông, làng cũng có thêm nhiều nghề truyền thống như nghề mộc vang danh một thời, nay trước nguy cơ xóa sổ.
Làng Gia Độ có truyền thống tạo dựng, lắp ghép các ngôi nhà rường cổ nổi tiếng khắp các tỉnh miền Trung. Tại đây đã hình thành nhiều tốp thợ mộc quanh năm suốt tháng có mặt ở các làng xã và trung tâm đô thị để làm nghề. Những ngôi nhà rường cũng như các sản phẩm mộc dân dụng khác do bàn tay người thợ xuất thân từ làng này đã trở thành những sản phẩm nức tiếng.Cứ mỗi tốp như vậy có khi đi hàng tháng, hàng năm trời để tạc, dựng tạo nên những căn nhà rường đẳng cấp lúc bấy giờ. Tuy “lừng danh” một thời như thế, hiện nay làng nghề này không còn phát triển mạnh như trước.
Theo các bô lão trong làng, để phục dựng một làng nghề là vô cùng khó, trong đó con người là nhân tố quan trọng. Trước đây, ngoài việc làm đồng áng, các nhóm thợ mộc thường xuyên đi làm hàng tháng trời, ăn ở tại nhà các gia đình địa chủ giàu có, mỗi căn nhà rường được dựng lên phải mất 2 đến 4 tháng tùy thuộc vào quy mô, chi tiết của ngôi nhà.Ghé nhà ông Hoàng Công Phỏng, thợ mộc có hơn 45 năm trong nghề. Ông chia sẻ: “Tôi đi làm thợ mộc từ những năm 20 tuổi cho đến bây giờ, thời trước đồ nghề còn rất thô sơ, chỉ có đục, cưa, bào… Điểm tôi nhớ nhất là thay vì dùng giấy nhám để làm bóng gỗ như thời nay thì sử dụng dây mây, đập dẹp ra, sau đó dùng tay để kéo, chà cho những cột gỗ bóng láng. Nhà tôi có 8 đứa con, 4 nam 4 nữ, hiện 4 con trai tôi đều theo nghề mộc. Những năm trở lại đây, thị trường có xu hướng xây dựng nhà rường trở lại khá nhiều, với kinh nghiệm nhiều năm, gia đình tôi nhận được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt”.
Tuy nhiên, việc thanh niên trẻ trong làng theo nghề, yêu nghề và có tay nghề như những người con ông Phỏng chỉ vỏn vẹn trên đầu ngón tay.