Nông dân phấn khởi vì lúa được mùa, được giá

Võ Thái Hòa |

Vào thời điểm này nông dân toàn tỉnh đang bước vào thu hoạch rộ lúa vụ đông xuân. Trên các cánh đồng, máy gặt đập liên hợp chạy liên hồi để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cho kịp triển khai vụ hè thu tới. Niềm vui lúa được mùa, được giá hiện hữu khắp nơi.

Gia đình ông Trần Đường, ở thôn An Lộng, xã Triệu Hòa, Triệu Phong (Quảng Trị) sản xuất 2,5 ha. Cũng giống như nhiều xã viên ở đây, ông Đường chuyển hướng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ là có bón phân hữu cơ vi sinh và các loại phân đơn (đạm hạt vàng, kali và lân) cho lúa nên lúa tốt bền hơn, giảm sâu bệnh và cho năng suất cao. Ông Đường khẩn trương thu hoạch lúa trong vòng 5 ngày với tổng sản lượng thu được khoảng 157 tạ. Vụ này ông bán hết lúa thu được hơn 110 triệu đồng, trừ các khoản chi phí ông Đường lãi 60 triệu đồng. Theo ông Đường, làm ruộng hiện nay được đầu tư khá bài bản, thân thiện với môi trường nên hạn chế nhiều sâu bệnh, nếu thời tiết thuận lợi thì dễ được mùa và bền vững hơn. Làm nhiều diện tích nhưng cũng chỉ cần ít lao động, chủ yếu thuê các dịch vụ máy móc. Mỗi năm một héc ta ruộng trừ các khoản chi phí cũng lãi được khoảng 50 triệu đồng.

Thu hoạch lúa đông xuân. Ảnh: VTH
Thu hoạch lúa đông xuân. Ảnh: VTH

Toàn HTX An Lộng, Triệu Hòa, Triệu Phong gieo cấy 135,9 ha trong vụ đông xuân 2019- 2020. Ngoài gieo cấy các giống chủ lực như Khang Dân, HT1, P6… HTX còn chỉ đạo xã viên gieo cấy thử nghiệm các giống lúa mới như TBR1, TBR97, Hà Phát 3. Tất cả các giống lúa đều cho năng suất cao hơn vụ đông xuân năm ngoái, riêng các giống lúa mới cho năng suất vượt trội gần 70 tạ/ha. Bình quân năng suất toàn HTX đạt gần 63 tạ/ha, tăng 3 tạ/ha so với vụ đông xuân năm ngoái. HTX có 39 hộ sản xuất từ 2-3 ha/ vụ/hộ, vụ này lúa bội thu, lại bán được giá, nông dân rất phấn khởi. Giám đốc HTX An Lộng Đoàn Thọ Hòa cho biết: “Vụ đông xuân năm nay, nông dân phần lớn chuyển qua sản xuất theo hướng hữu cơ, không bón phân tổng hợp NPK nữa và canh tác theo quy trình tiết kiệm nước làm cho cây lúa phát triển chắc, phòng trừ được nhiều loại sâu bệnh. Hơn nữa, làm lúa bây giờ đã cơ giới hóa các khâu nên nông dân đỡ vất vả nhiều, thâm canh tốt hơn nên lúa cho năng suất cao hơn năm ngoái. Toàn HTX không có hộ nào năng suất dưới 61 tạ/ha, có hộ năng suất đạt 73 tạ/ha”.

Vụ đông xuân năm 2019- 2020, toàn tỉnh tiến hành sản xuất trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi, cộng với sự chỉ đạo sát sao mùa vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương và các HTX, sự nỗ lực của nông dân nên toàn tỉnh đã được mùa toàn diện. Toàn tỉnh gieo cấy được 21.100 ha. Năng suất bình quân đạt 59 tạ/ha. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị Nguyễn Hồng Phương cho biết: “Vụ đông xuân năm nay được mùa nhờ nhiều yếu tố thuận lợi từ thời tiết và sự chỉ đạo tốt về lịch thời vụ nên lúa đã trổ vào lúc có thời tiết đẹp, trời có nắng ấm, không mưa phùn gió bấc. Một số vùng bị nhiễm mặn lúa khó phát triển đã được các địa phương sớm chỉ đạo chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng cạn nên hạn chế được sự tổn thất. Mặt khác, nông dân hiện nay đã có nhiều sự thay đổi trong canh tác, chú trọng bón phân hữu cơ hơn, nhờ đó lúa phát triển bền, có sức chịu đựng tốt và cho năng suất cao. Phương pháp tưới cho lúa cũng có sự thay đổi theo cách tưới mới theo từng chu kỳ sinh trưởng của lúa, tích trữ được nước, đã không chỉ tiết kiệm nước mà còn giúp lúa chắc khỏe, trổ bông, vào chắc và chín tốt hơn”.

Theo sự chỉ đạo sản xuất thống nhất từ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng như chính quyền địa phương, khuyến khích nông dân canh tác theo phương pháp hữu cơ, nông dân đã bón thêm mỗi sào 10 kg phân hữu cơ vi sinh, được các công ty cung ứng chở về tận ruộng. Đồng thời, nhiều nơi nông dân bón các loại phân đơn chất lượng tốt hơn. Do đó, chi phí sản xuất lúa hiện nay có cao hơn trước đây khoảng 50-70 ngàn đồng/sào. Nhiều HTX hỗ trợ xã viên chế phẩm sinh học phân hủy gốc rơm rạ sau khi cày lật xuống ruộng đã làm cho ruộng tăng độ mùn đáng kể, góp phần làm cân bằng hệ sinh thái trên đồng ruộng, cũng là một trong những yếu tố quan trọng làm nên được mùa cho sản xuất lúa.

Vụ đông xuân năm nay, ngoài được mùa, nông dân khắp nơi trong tỉnh còn phấn khởi vì lúa bán được giá. So với cùng thời vụ năm ngoái, giá lúa vụ đông xuân năm nay cao hơn từ 600- 1.000 đồng/kg tùy theo giống lúa. Đến nay, giá lúa chất lượng gạo trung bình 6.000 đồng/kg và lúa chất lượng gạo thơm ngon 8.000 đồng/kg. Nhờ được mùa, được giá nên mỗi sào trừ các khoản chi phí, nông dân có lãi từ 1,2- 1,3 triệu đồng. Tư thương đến mua lúa tươi tại ruộng, đỡ công vận chuyển của nông dân, giúp tiết kiệm thời gian để chuẩn bị làm lại vụ sau.

Thời gian tới, theo dự báo sản xuất nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn do hạn hán. Vì vậy, nông dân nơi nào cũng tranh thủ thu hoạch lúa đông xuân để triển khai vụ hè thu càng sớm càng tốt vì phơi ruộng lâu nắng nóng dễ làm bốc hơi nước sẽ gây khô hạn. Vì thế, cùng với niềm phấn khởi được mùa được giá, nông dân khắp nơi trong tỉnh đang khẩn trương sản xuất với phương châm thu hoạch đến đâu, làm đất đến đó để triển khai nhanh vụ hè thu nhằm tranh thủ thời vụ, phòng chống hạn hán, phát huy kết quả vụ đông xuân, phấn đấu sản xuất vụ hè thu thắng lợi.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Quảng Trị thêm một vụ mùa bội thu

Bá Thuần |

Mặc dù khi triển khai sản xuất vụ Đông Xuân năm 2019-2020 gặp không ít khó khăn nhưng với việc triển khai các biện pháp khắc phục kịp thời cộng với làm tốt công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên đến thời điểm này có thể khẳng định Quảng Trị có thêm một vụ lúa được mùa. 

Từng bước xây dựng A Túc thành trung tâm cụm xã vùng Lìa

Công Điền |

Trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, xã A Túc là cái nôi cách mạng của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), đây cũng là nơi sản sinh ra những người con ưu tú cho Đảng bộ, chính quyền huyện Hướng Hóa. 

Sức sống mới ở huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng

Nguyên Lý |

Chiến dịch lịch sử Đường 9-Khe Sanh kết thúc thắng lợi vẻ vang, Hướng Hóa trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị và ở miền Nam được hoàn toàn giải phóng.

Xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản chế biến

Trần Anh Minh |

Thực hiện chủ trương phát triển ngành nghề nông thôn, tỉnh Quảng Trị hiện có nhiều cơ sở chế biến nông sản theo quy mô hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, công ty nhỏ. Các cơ sở sản xuất này ngày càng khẳng định tính hiệu quả nhờ phát huy được thế mạnh nguyên liệu sạch của địa phương để sản xuất ra sản phẩm đảm bảo chất lượng.