Từ tháng giêng đến tháng 6 hàng năm, thời tiết bước vào mùa khô cũng là mùa thu hoạch rong câu tự nhiên ở các ao, hồ, đầm nước lợ.
Nhiều năm trở lại đây, việc thu hoach rong câu đem lại giá trị kinh tế lớn cho các chủ đầm nuôi trồng thuỷ sản và lao động thời vụ ở địa bàn huyện Triệu Phong (Quảng Trị).
Rong câu sinh sống tự nhiên trong các ao đầm nước lợ chuyên nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã Triệu Phước, tập trung nhiều nhất ở Bắc Phước. Hàng năm vào mùa vụ, các chủ đầm sẽ liên tục thu hoạch rong câu, sau đó làm sạch sơ lược, phơi khô 2 nắng rồi bán cho các thương lái đến từ Phú Yên, Đà Nẵng với giá dao động từ 8.000 – 10.000 đồng/kg. Chị Đỗ Thị Luyện, ở thôn Hà La, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong chia sẻ: "Tôi thấy việc thu hoạch rong câu đem lại giá trị cao hơn trồng lúa, mỗi vụ nhà tôi thu hoạch 20-25 tấn, tạo việc làm cho nhiều lao động thời vụ là anh em trong nhà".
Rong câu thường mọc dưới đầm phá nước lợ chừng 1 đến 1,5m; với đặc tính thanh nhiệt, rong câu được dùng để chế biến thành nhiều món ăn hoặc dùng làm nguyên liệu trong công nghiệp chế biến thực phẩm. Mỗi năm, trung bình các hộ nuôi trồng thuỷ sản ở Triệu Phước thu hoạch từ 25 đến 30 tấn rong câu tự nhiên, đem lại thu nhập từ 200 đến 250 triệu đồng. Ngoài nuôi trồng thuỷ sản thì thu hoạch rong câu cũng là một nghề đặc trưng của người dân Triệu Phước, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương theo mùa vụ.
Ông Nguyễn Hữu Lân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Phước huyện Triệu Phong cho biết: Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, theo chỉ đạo từ UBND huyện Triệu Phong thì tại Triệu Phước chọn xây dựng thương hiệu rong câu chỉ vàng. Do vậy, cũng mong muốn tỉnh, huyện quan tâm giúp đỡ cho xã phát triển sản phẩm này để tạo thu nhập ổn định cho nông dân.
Hiện nay, mặc dù với giá bán 10.000 đồng/kg nguyên liệu thô đã cho lợi nhuận về kinh tế, tuy nhiên rong câu nếu được chế biến qua nhiều công đoạn để có sản phẩm tinh thì sẽ được bán với giá 250.000 đồng/kg, gấp nhiều lần so với khi chưa chế biến. Do vậy, để nâng cao hiệu quả kinh tế và xây dựng thương hiệu, người dân Triệu Phước cũng mong muốn có thêm nhiều chương trình hỗ trợ về công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch để sản phẩm rong câu chỉ vàng của địa phương ngày càng phát triển.
(Nguồn: QRTV)