Bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử

Trần Anh Minh |

Trong thời đại công nghệ số, mua hàng trực tuyến hiện nay đang trở thành xu thế phát triển mới, nhanh và có phần nào lấn át mô hình kinh doanh truyền thống. 

Với những tiện lợi đưa lại nên thương mại điện tử (TMĐT) đã nhanh chóng thu hút sự tham gia của người tiêu dùng (NTD). Tuy nhiên, tham gia TMĐT cũng có nhiều rủi ro khi NTD không chọn đúng website bán hàng online có uy tín. Do đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn các Hội địa phương và các đơn vị trực thuộc triển khai kế hoạch thực hiện nhân Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới năm 2020 với chủ đề “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử”, góp phần nâng cao nhận thức, giúp NTD chủ động đối phó, hạn chế thiệt hại, rủi ro khi tham gia TMĐT. 

 
 Hàng hóa kinh doanh tại Siêu thị Co.op mart Đông Hà đảm bảo chất lượng. Ảnh: Trần Anh Minh

Chỉ cần vào internet đặt mua hàng online là có thể mua được vô vàn thứ hàng NTD cần và đúng giá. Hàng được ship đến tận nhà mà không cần phải tốn công sức, thời gian hay chi phí xăng xe cho việc đi mua hàng tại chợ, trung tâm thương mại hay siêu thị. Với sự tiện lợi đó nên mua hàng qua mạng ngày càng được nhiều NTD lựa chọn, nhất là khách hàng trẻ tuổi. Em Trần Văn Khánh, (17 tuổi), ở khu phố Tây Trì, Phường 1, Đông Hà rất thành thạo trong việc mua hàng qua internet. Gần như tất cả các đồ dùng của em đều đặt mua qua mạng như đồ dùng học tập, áo quần, giày dép, dụng cụ và chất tẩy rửa vệ sinh… với giá cả hợp lý, mẫu mã đẹp. Em Khánh cho biết: “Chọn các trang bán hàng có uy tín để đặt mua và tìm hiểu loại hàng cần đặt mua như thế nào cho đúng. Thường các trang bán hàng online có uy tín thì hàng như thế nào họ quảng cáo như thế đó, ít khi nói quá lên. Hơn nữa, mua hàng qua mạng tiện lợi, khỏi phải ra cửa hàng, mà nhiều hàng ở thị trường tỉnh mình không có”.

Việc mua, bán hàng online không chỉ phát triển ở khu vực thành thị mà hiện nay đã lan về nông thôn, kéo theo dịch vụ giao hàng nhanh phát triển. Nhiều website bán hàng qua mạng uy tín nhanh chóng “ăn nên làm ra” như Sen đỏ, Lazada, Tiki, Shoppee… Hầu hết các hãng sản xuất, các đại lý, nhà phân phối các hàng tiêu dùng, điện máy, thời trang… đều có website giới thiệu sản phẩm và bán hàng. Điều này đã tạo ra sự thuận lợi cho NTD có nhiều cơ hội mua sắm tại thị trường hàng hóa rộng mở, đa dạng trong cả nước chứ không bó hẹp tại địa phương đang sống. Bán hàng qua mạng cũng thu hút sự tham gia của rất nhiều đối tượng chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp thông qua các trang mạng xã hội, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho họ.

Tuy nhiên, mua hàng qua mạng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro mà thiệt hại lúc nào cũng về phía NTD. Đối với những website bán hàng có uy tín thì có quy định cụ thể trong thể thức giao hàng, đổi, trả hàng, quảng cáo hàng, thanh toán để NTD tham khảo, lựa chọn và sử dụng dịch vụ. Nhưng cũng có những người bán hàng qua mạng (sử dụng mạng xã hội) đã quảng cáo quá mức về chất lượng, hình ảnh, kiểu dáng hàng hóa làm cho nhiều người chưa có kinh nghiệm mua hàng online nhầm tưởng, đặt mua rồi “tiền mất, tật mang”. Đó là chưa kể một số trường hợp lừa đảo bán hàng qua mạng, quảng cáo hàng một đường mà giao hàng một nẻo, lợi dụng người mua thiếu kinh nghiệm hoặc sơ suất trong khâu nào đó để chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Chị V.T.N ở Khu phố 6, Phường 1, Đông Hà thấy mẫu váy quảng cáo ở một nickname trên facebook là “Xưởng chuyên váy giá rẻ” khá đẹp nhưng giá rẻ liền đặt mua 6 cái với tổng giá 540 ngàn đồng. 5 ngày sau, chị N được người giao hàng đưa đến 1 gói hàng, trên đó có ghi 1 dòng chữ nhỏ là “Trả tiền trước khi xem hàng”. Chị N. không để ý tới dòng chữ đó và đã mở ra xem hàng thì trong đó toàn là đồ cũ, bẩn. Chị N. không trả tiền mua hàng nhưng người giao hàng bảo “nếu cô không trả thì cháu phải đền tiền” vì trên gói hàng đã có ghi rõ rồi. Gọi lại cho người bán hàng trên mạng giao dịch lúc đăng ký mua thì thuê bao không liên lạc được. Chị N. đành phải trả 540 ngàn đồng và tự hứa: “Bữa nay về sau không mua hàng trên mạng nữa”.

Mua, bán hàng qua internet là giao dịch thương mại văn minh, hiện đại nhưng cần có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm. Bởi thế mạnh của TMĐT là thuận tiện, nhiều loại hàng hóa, ít tốn thời gian… Nhưng mặt hạn chế của TMĐT cũng không ít như: Hàng hóa được “đánh bóng” nhờ kỹ thuật chụp ảnh; hàng không sờ, nắm tận tay nên không biết rõ về chất liệu, một số hàng giá trị lớn như hàng điện máy thì chế độ bảo hành khó khăn hơn… Vì vậy, NTD cần hiểu rõ và có kinh nghiệm (như thỏa thuận theo yêu cầu của mình trước khi đặt hàng) khi tham gia đặt mua hàng online thì mới tiêu dùng bền vững được.

Hưởng ứng triển khai kế hoạch của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam về thực hiện chủ đề Ngày Quyền của người tiêu dùng trong năm 2020, ngành Công thương và Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Quảng Trị đã triển khai những hoạt động trọng tâm vào dịp nhân Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới 15/3 và cả năm 2020, trong đó cao điểm là trong các dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý… như: Tổ chức tuyên truyền, hội thảo, biên soạn cuốn sách “Cẩm nang tiêu dùng”, tổ chức các cuộc doanh nghiệp tri ân khách hàng, các phiên chợ hàng Việt… Công tác tuyên truyền được thực hiện trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, treo băng rôn, khẩu hiệu, mít tinh… nhằm thu hút sự quan tâm của toàn xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi NTD, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh.

Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Hoạt động tuyên truyền và hướng dẫn cho người tiêu dùng biết cách tiêu dùng bền vững là hoạt động thường xuyên của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh và các ngành liên quan. Hội cũng có Văn phòng Khiếu nại nhằm giúp giải quyết các tranh chấp giữa người tiêu dùng với các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa. Vì vậy, người tiêu dùng trong tỉnh cần đến Văn phòng Khiếu nại để được hỗ trợ ngay cả khi giá trị tranh chấp không lớn, mua hàng theo bất cứ hình thức nào”.

Công tác tuyên truyền về bảo vệ NTD bao gồm rất nhiều nội dung như: Phổ biến pháp luật, đưa luật và các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi NTD vào trong cuộc sống; nâng cao hiệu quả công tác thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh; tuyên tuyền về chống hàng giả, hàng kém chất lượng; cách hướng dẫn NTD nhận biết hàng thật và phân biệt hàng giả, hàng nhái; thông báo về thủ đoạn vi phạm pháp luật, các hành vi lừa dối, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng; công khai thông tin về tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tuyên truyền về các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới năm 2020… Đồng thời, tích cực kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức các chương trình khuyến mại, tri ân các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới năm 2020 như tặng quà, giảm giá, hỗ trợ bảo hành, bảo trì sản phẩm, tư vấn sử dụng sản phẩm tiêu dùng an toàn, tiết kiệm…

Với việc tăng cường tổ chức các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD nhằm huy động sự hưởng ứng, tham gia của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đối với công tác bảo vệ quyền lợi NTD. Qua đó, nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD, nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bảo vệ quyền lợi NTD trong mọi giao dịch thương mại, trong đó có TMĐT. Hiện nay, TMĐT có mức tăng trưởng nhanh chóng, việc kinh doanh và tiêu dùng lành mạnh bằng phương tiện số không chỉ góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển mà còn tác động tạo ra những dịch vụ khác, tạo thêm việc làm cho xã hội.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đề xuất xây dựng khu đô thị xanh và thông minh tại Quảng Trị

Tiến Nhất |

UBND tỉnh Quảng Trị vừa có buổi làm việc với Công ty Cổ phần đầu tư TNG Holdings Việt Nam về đề xuất đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố Đông Hà.

Nhiều địa phương ở Quảng Trị trồng thử nghiệm cây sâm Bố Chính

Lâm Hạnh |

Sâm Bố Chính là một loài thực vật có hoa, thuộc họ cẩm quỳ, là loại sâm hoang dã bản địa của Việt Nam. 

Nghèo nhất bản, vẫn xung phong ra khỏi hộ nghèo

Hưng Thơ |

Hướng Lập là xã nghèo nhất ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), còn A Xóc - Cha Lỳ là bản làng nghèo nhất ở Hướng Lập. Ở bản, có 2 người phụ nữ đơn thân suốt ngày cắm mặt trên rẫy làm lụng gánh vác cả gia đình, và là hộ nghèo nhất bản. Vậy mà, trong cuộc họp diễn ra gần đây ở xã, 2 cánh tay đen nhẻm, gầy guộc và chai sạn của 2 người phụ nữ thẳng thớm đưa lên, xin rút ra khỏi hộ nghèo trong ánh mắt ngỡ ngàng của mọi người.

Thêm hai dự án điện gió tại Quảng Trị về tay Xây lắp điện 1

Thanh Thủy |

Sau thương vụ M&A Công ty Điện gió Liên Lập với giá hơn 195 tỷ đồng, CTCP Xây lắp điện 1 (PCC1, mã PC1) tiếp tục bỏ vốn đầu tư vào hai doanh nghiệp điện gió khác, cũng đều đang sở hữu các dự án tại Quảng Trị.