Lần theo dòng nước mặn

HTS |

Càng bước vào các tháng cao điểm của mùa khô hạn, những người làm công tác khí tượng thủy văn phải luôn có mặt từng phút, từng giờ trên nhiều khúc sông để làm công việc lần theo dòng nước mặn xâm nhập vào các con sông. Việc xâm nhập mặn trong mùa khô hạn luôn tác động tiêu cực đến cuộc sống, sinh hoạt cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc canh tác, sản xuất nông nghiệp của người dân.

Khoảng 1 giờ đêm, khi tất cả mọi người đều chìm sâu vào giấc ngủ, thì anh Nguyễn Thanh Hải bắt đầu trở dậy chuẩn bị dụng cụ gồm áo bảo hộ, máy đo độ mặn rồi đi bộ gần 1 km từ Trạm Thủy văn thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đến điểm lấy nước mặn ở khúc sông Hiếu (chảy qua địa phận thành phố Đông Hà). Dưới ánh sáng phát ra từ cây đèn pin, bằng thao tác nhanh gọn, anh Hải thả chiếc chai thủy tinh được bọc một lớp xi măng dày xuống lòng sông. Khoảng 5 phút sau, anh kéo chai thủy tinh lên rồi lấy nước ở trong chai đổ vào máy đo độ mặn và sau đó trở lại Trạm Thủy văn thành phố Đông Hà để đọc kết quả. Anh Hải cẩn thận ghi chép vào cuốn sổ từng con số hiển thị trên màn hình chiếc máy đo độ mặn. Bằng sự am tường nghề khí tượng thủy văn, anh Hải giảng giải cho tôi hiểu rằng chỉ cần độ mặn của nguồn nước sông vượt quá 1 phần ngàn là không thể sử dụng được cho sinh hoạt cũng như tưới tiêu cho ruộng đồng.
Anh Văn Đình Tiến đang lấy nước đo độ mặn. Ảnh: HTS
Anh Văn Đình Tiến đang lấy nước đo độ mặn. Ảnh: HTS

Anh Nguyễn Thanh Hải chia sẻ, quê anh ở tận tỉnh Hà Nam và gắn bó với mảnh đất Quảng Trị, với nghề khí tượng thủy văn gần 10 năm (từ năm 2010 đến nay). Và cũng chừng ấy thời gian, anh âm thầm làm công việc đo độ mặn, ngọt, vơi đầy của dòng sông Bến Hải (Trạm Thuỷ văn Gia Vòng), sông Hiếu (Trạm Thủy văn thành phố Đông Hà) để hằng ngày cần mẫn báo cáo số liệu chính xác về Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Trị. Bởi xác định làm nghề khí tượng thủy văn thì phải chấp nhận không bao giờ có ngày nghỉ, kể cả các dịp lễ, tết (vì phải trực tại trạm thủy văn 24/24 giờ trong ngày). “Bây giờ, công việc quan trắc lượng mưa, đo gió, đo mực nước, độ mặn của nước sông không còn nặng nhọc bởi đã có máy móc, thiết bị hiện đại như máy đo độ mặn, máy tự báo mực nước, máy tự ghi mực nước… Chứ nghe các đồng nghiệp trong nghề khí tượng thủy văn kể lại, trước đây công việc này nặng nhọc, vất vả và nguy hiểm lắm. Cứ đến mùa mưa lũ, đang đêm nước lũ lên nhanh, anh em làm nghề khí tượng thủy văn phải có mặt tại các điểm đặt máy để lấy số liệu báo về Đài khí tượng thủy văn. Nhiều hôm xảy ra sự cố như lũ cuốn cột đo mực nước, lúc đó các anh em phải mặc áo phao, buộc dây vào người rồi liều mình bơi trong dòng nước lũ cuồn cuộn để dựng lại cột, vớt rác bám vào cột”.

Ghé thăm Trạm Thuỷ văn Cửa Việt (xã Gio Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị), dù khá bận rộn với công việc tổng hợp số liệu để báo về Đài Khí tượng thủy văn, anh Văn Đình Tiến vẫn dành ít phút để trò chuyện với tôi. Anh Tiến cho biết, làm công việc đo độ mặn về mùa khô hạn cũng nhọc nhằn, vất vả nên đòi hỏi mỗi nhân viên của các trạm thủy văn ở các khúc sông phải có lòng kiên nhẫn và yêu công việc mới đảm đương tốt nhiệm vụ được giao. Nói nhọc nhằn, vất vả là bởi giữa trưa nắng đến 38 - 39 độ C mà phải mặc áo phao dày cộp lên thuyền ra giữa sông để lấy nước rồi cho vào máy đo độ mặn lấy kết quả sau đó báo về Đài Khí tượng thủy văn Quảng Trị nhằm phục vụ cho việc dự báo tình trạng xâm nhập mặn, mưa, bão, lũ... cũng như những diễn biến bất thường của khí hậu, thời tiết. “Nhiều hôm đọc xong kết quả là mắt mờ, mồ hôi chảy ròng ròng như tắm. Mà có phải một ngày chỉ ra sông lấy nước đo độ mặn có một lần đâu, có đợt nắng nóng kéo dài, tôi ra sông đo độ mặn 5 - 6 lần trong ngày là chuyện thường tình. Và khi đo độ mặn phải di chuyển nhiều đoạn trên khúc sông để có kết quả tốt báo về Đài Khí tượng thủy văn”.

Theo anh Văn Đình Tiến được biết thì do thiếu hụt lượng mưa từ cuối mùa mưa năm 2019, nên sang mùa khô hạn năm 2020 dự báo tình hình xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn mọi năm. Đến ngày 12/3/2020, trên sông Hiếu mặn đã xâm nhập đến chân cầu Đuồi, huyện Cam Lộ, độ mặn dao động từ 0,09-0,12 phần ngàn; trên sông Thạch Hãn khu vực chân đập Trấm đã bị tác động bởi xâm nhập mặn, độ mặn đo được 4,3-5,6 phần ngàn; trên sông Bến Hải, mặn đã xâm nhập đến cầu An Tiêm, độ mặn đo được dao động từ 11,1-15,2 phần ngàn. Với xu thế thời tiết như hiện nay, thời gian tới có khả năng xảy ra thiếu nước, hạn hán và xâm nhập mặn trên diện rộng. Tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân…

Để có được số liệu dự báo chính xác tình hình xâm nhập mặn là kết quả của những người làm nghề khí tượng thủy văn đang ngày đêm “lần theo dòng nước mặn”. Số liệu từ các trạm thủy văn ở các con sông trên địa bàn tỉnh gửi về, Đài Khí tượng thủy văn Quảng Trị sẽ tổng hợp lại để đưa ra dự báo tình trạng xâm nhập mặn trên các sông. Những dự báo đó sẽ góp phần giúp ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh chủ động trong việc đưa ra các giải pháp nhằm phòng chống hạn, mặn hiệu quả như xây dựng kế hoạch, phương án cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh; vận hành tích nước các hồ chứa nhằm cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ nguồn nước, tích trữ nước và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước…; hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là tại các khu vực không chủ động nguồn nước, thường xuyên bị hạn hán, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng, phù hợp…; hướng dẫn, phổ biến cho người dân kinh nghiệm tưới tiêu tiên tiến, tiết kiệm nước; hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp cấp nước hộ gia đình và công trình cấp nước tập trung; rà soát quy định về quản lý chất lượng nước sinh hoạt nông thôn; kiểm tra tình hình cấp nước khu vực nông thôn… và nhiều giải pháp khác.

“Dù vất vả là vậy, tôi cũng như anh em làm nghề khí tượng thủy văn luôn cố gắng nỗ lực làm tốt nhiệm vụ được giao. Tất cả anh em làm công tác khí tượng thủy văn luôn mong muốn đóng góp chút tâm huyết, sức lực cùng với ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh ngăn mặn, giữ ngọt cho ruộng đồng có những vụ mùa bội thu”, anh Văn Đình Tiến chia sẻ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Lúa Đông Xuân lập kỷ lục được mùa, được giá bất chấp dịch COVID- 19

Tiến Nhất |

Dù gặp khó khăn do dịch bệnh COVID- 19, nhưng vụ Đông Xuân 2019 -2020 đã đem lại niềm vui cho người nông dân Quảng Trị khi đây được xem là vụ mùa có năng suất, sản lượng và được giá cao nhất từ trước đến nay…

Trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất 20 tấn/ha

Anh Vũ |

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung của huyện Cam Lộ (Quảng Trị), anh Hoàng Ngọc Khánh, ở thị trấn Cam Lộ đã đầu tư mô hình trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau hơn 2 tháng xuống giống, đến nay dưa hấu đã cho thu hoạch với năng suất đạt 20 tấn/ha.

Hiệu quả từ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng sen

Phan Việt Toàn |

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thời gian qua xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây con có giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng, nhằm nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích trong đó việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen đã đưa lại hiệu quả thiết thực.

Phát hành bộ tem nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh V.I.Lenin

Ng. Bích |

Tem được thiết kế nhằm tôn vinh vị lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, người đã phát triển học thuyết của Karl Marx và Engels và là người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản.