Hải Lăng là địa phương cuối cùng được giải phóng của tỉnh Quảng Trị, trước khi trở thành vùng đệm để quân và dân ta tiến vào giải phóng Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng vào năm 1975. Đặc biệt, tại phòng tuyến sông Mỹ Chánh, nơi được coi là vành đai lửa trong chiến dịch năm xưa nay đã có nhiều thay đổi, nhưng tinh thần cách mạng thì vẫn còn nguyên vẹn nơi những cán bộ, chiến sĩ, dân quân du kích ngày đó và được nối tiếp cho thế hệ hôm nay.
Bà Lê Thị Em từng là một trong những nữ dân quân du kích mưu trí, gan dạ của cánh quân phía Nam Quảng Trị trong chiến dịch giải phóng quê hương tháng 3/1975. Được xây dựng nên từ đội quân tổng hợp của Tỉnh đội, Huyện đội Hải Lăng, Thị đội an ninh Quảng Hà và cán bộ, chiến sĩ các xã Tân, Hoà, Sơn, Chánh, Trường, nhiệm vụ của cánh quân phía Nam lúc bấy giờ là mở đợt tấn công toàn diện để giải phóng những xã cuối cùng của huyện Hải Lăng do địch tái chiếm. Cuộc chiến đấu trên phòng tuyến sông Mỹ Chánh khi đó vô cùng gian khổ, ác liệt, ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh nhưng không làm chùn bước cán bộ, chiến sĩ và những nữ du kích như bà. “Ao ước mấy mươi năm rồi mới được tới ngày giải phóng nên khi đó anh em du kích, cán bộ, chiến sỹ cứ vậy mà xông lên thôi, không sợ gì nữa’’- bà hồ hởi nói.
Trong chiến dịch năm 1975, Hải Sơn là một trong những xã được giải phóng cuối cùng của huyện Hải Lăng. Giờ đây, ở xã Hải Sơn, bên bờ sông Mỹ Chánh, thế hệ những cán bộ, chiến sỹ từng chiến đấu trong chiến dịch giải phóng Hải Lăng, Quảng Trị và con em quê hương đã lập nên một nhà bia tưởng niệm những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống ngay tại phòng tuyến này. Sự quả cảm, gan lì và những hy sinh của thế hệ cha anh, những người như nữ du kích Lê Thị Em trong những năm tháng đó đã trở thành niềm tự hào, là động lực thôi thúc lớp lớp thế hệ con cháu hôm nay giữ gìn và phát huy thành quả cách mạng quý báu. Ông Lê Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng cho biết: “Là thế hệ sinh ra sau năm 1975, phát huy truyền thống anh hùng của cha anh quê hương, hiện nay chính quyền và nhân dân địa phương đã tập trung toàn lực cho phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông sản sạch, quan tâm đến đời sống dân sinh, tập trung kêu gọi thu hút đầu tư cho dự án khai thác du lịch ở thượng nguồn Thác Ma…Sau nhiều năm, Hải Sơn hiện nay đã có nhiều đổi thay. Mức thu nhập bình quân đầu người năm 1990 của xã chỉ đạt 19 triệu đồng/người/năm, con số này đã tăng lên mức 57 triệu đồng/người/năm vào năm 2019. Xã cũng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới và sẽ đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020 này”.
45 năm sau chiến dịch lịch sử năm 1975, một màu xanh no ấm đã phủ lên trên miền quê cách mạng. Ngay tại nơi từng là vành đai lửa - phòng tuyến Mỹ Chánh, Ô Lâu, sự đổi thay đã rõ lên từng ngày và hứa hẹn sẽ còn nhiều phát triển hơn nữa. Có được điều đó một phần là nhờ sự kế thừa, phát huy truyền thống của lớp lớp thế hệ những người con của quê hương cách mạng anh hùng.
(Nguồn: QRTV)