Hải Lăng, đất đai là tương lai

Đào Tâm Thanh |

Mỗi lần đi xa trở về, trên dặm dài thiên lý Bắc - Nam, chạm tấm biển màu xanh ghi cô đọng những dòng chữ, số “Địa phận Quảng Trị- Km 791A+500” đặt nơi địa đầu mảnh đất Hải Lăng, giáp với tỉnh Thừa Thiên Huế, lòng chúng tôi lại reo vui một lời ân nghĩa lấy từ cảm hứng của tiêu đề bài xã luận đăng trên số Báo Quảng Trị đầu tiên sau ngày lập lại tỉnh: “Kính chào đất mẹ anh hùng!”, rồi thở phào nhẹ nhõm: “Đã về đến nhà mình rồi đây”!

Lãnh đạo huyện Hải Lăng khảo sát vùng quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Ảnh: PV
Lãnh đạo huyện Hải Lăng khảo sát vùng quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Ảnh: PV

Nhà mình, trong mỗi chúng ta có thể là mảnh đất Vĩnh Linh, Gio Linh thuần hậu; Hướng Hóa, Đakrông xanh giữa đại ngàn; Cam Lộ, Triệu Phong đẹp như một bức tranh thủy mặc; thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị với phố phường tươi mới… Riêng tôi, khi nghĩ về Hải Lăng lại luôn dành một tình cảm sâu nặng không thể đo đếm, chưa thể cắt nghĩa. Mảnh đất thân thương này một thời đánh giặc là nơi luôn ở tuyến trước, lấy thân mình làm phên dậu, che chắn cho cả một vùng rộng lớn nơi cực Nam của tỉnh, nhưng lại là nơi hưởng yên ấm, thái bình sau cùng. Cũng chính nơi đây, thời đổi mới, lại đang nhận lãnh trách nhiệm lớn lao là xây dựng một khu kinh tế động lực, có vai trò “đầu tàu” thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Quảng Trị. Xác định trọng trách trước lịch sử, cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai, Hải Lăng phải có trong mình bản lĩnh kiên cường, khả năng sáng tạo, tầm chiến lược sắc bén và nội lực vững chãi ít nơi nào sánh được.

Thời cứu nước, đất này đi trước về sau

Vào thời gian này 48 năm về trước, trong chiến dịch Quảng Trị năm 1972, bằng lối đánh thọc sâu, vu hồi, quân và dân Hải Lăng đã cùng với các lực lượng phối hợp tấn công nổi dậy đồng loạt khiến cho địch phải chịu thất bại nặng nề. Các lực lượng của ta đã giáng một đòn chí tử vào tàn quân của địch rút chạy từ Đông Hà, Ái Tử vào Thừa Thiên Huế; đánh phá, tiêu diệt gần như toàn bộ sinh lực địch, từ quân số đến xe pháo, vũ khí, máy móc, phương tiện chiến tranh, làm cho đoạn đường từ thị xã Quảng Trị vào đến Mỹ Chánh trở thành nỗi ám ảnh của địch mang tên “Đại lộ kinh hoàng”.

Tiếp đó, trong khí thế tiến công của chiến dịch xuân- hè 1975 rực lửa trên chiến trường Trị - Thiên Huế; dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Khu ủy Trị - Thiên Huế, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị cùng với các quân, binh chủng chủ lực tiến hành chiến dịch tổng hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa ba thứ quân, tạo thành ba mũi giáp công, vây ép và tiêu diệt một loạt căn cứ của địch từ Triệu Sơn, Triệu Tài, phát triển tiến công theo đường 68; từ Thanh Hội, Gia Đẳng đánh thẳng vào Mỹ Thủy, Thâm Khê; từ Tích Tường, Như Lệ, Phước Môn đánh chiếm Thành Cổ Quảng Trị; từ Long Hưng, Thượng Xá thọc sâu vào Diên Sanh, đánh chiếm Trung Đơn, Phước Điền, An Nhơn, qua Phong Hòa, Phong Bình (Thừa Thiên - Huế) đập tan hệ thống phòng ngự kiên cố của Mỹ - ngụy trên tuyến phòng thủ địa đầu của chúng ở miền Nam, giải phóng hoàn toàn huyện Hải Lăng vào ngày 19/3/1975. Đây là lần đầu tiên tại một tỉnh miền Nam, tuyến đầu “bất khả xâm phạm” như Mỹ - ngụy từng rêu rao đã bị ta đánh quỵ. Hải Lăng xứng đáng là “lá chắn thép”, ngăn không cho giặc tiếp tục phản kích, lấn chiếm vùng giải phóng, giữ liền mạch giữa Quảng Trị với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, trở thành hậu phương trực tiếp của cách mạng miền Nam.

Để cùng cả dân tộc đi đến ngày toàn thắng, 3.513 người con ưu tú của Hải Lăng đã ngã xuống, được suy tôn liệt sĩ; 2.072 thương binh; 1.390 gia đình có công với cách mạng. Nghĩa trang liệt sĩ trung tâm huyện và 11 nghĩa trang xã là nơi yên nghỉ trên 8.000 liệt sĩ trong cả nước. Cán bộ và Nhân dân Hải Lăng được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ở vùng gò đồi Hải Lăng, ngoài những “tỉ phú nông dân” như anh Cáp Quốc Hà ở xã Hải Chánh còn có những nông dân tiên phong phát triển cây cam trên vùng đồi K4 ở xã Hải Phú như các ông: Trần Ngọc Nhơn, Văn Ngọc Sở, Trần Ngọc Trung, Văn Ngọc Chúng, Trần Lợi… Sau 20 năm bám trụ và tâm huyết với loại cây trồng này, giờ đây mỗi năm họ có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ những vườn cam, từng bước xây dựng thương hiệu cam K4 nức tiếng trong và ngoài tỉnh.​

Có một thực tế rất cảm động là bây giờ đây, nhiều doanh nghiệp khi đến triển khai đầu tư tại Khu kinh tế Đông Nam đều sắp xếp thời gian đến thắp hương trên bàn thờ nữ anh hùng liệt sĩ Trần Thị Tâm, ở một góc làng cận bờ cát trắng xã Hải Khê. Hôm chúng tôi ghé nhà tưởng niệm của chị Tâm, đã có rất đông người đến viếng chị, mùi hương tỏa lan, ấm áp trong căn nhà nhỏ. Vùng đất duyên hải Đông Nam Quảng Trị này là nơi chôn rau cắt rốn của chị Tâm, lúc bấy giờ mới 24 tuổi đã là Huyện đội phó Hải Lăng. Giữa năm tháng ác liệt nhất, Mỹ - ngụy tràn ra khắp vùng Hải Lăng, Triệu Phong. Quân chủ lực của ta phải rút về rừng xanh. Các cơ sở đảng bị tổn thất lớn. Quê Tâm kẹt giữa hỏa lực Mỹ ở vùng cảng Mỹ Thủy, quân cơ động ngụy trên trục tỉnh lộ, các loại phóng pháo, trực thăng bủa kín vòm trời… Trần Thị Tâm là một trong số cán bộ cốt cán bám trụ làng Thâm Khê vì ở đó còn gần hai mươi thương binh chưa có liên lạc để cõng cáng lên rừng… Thương binh được giấu ngoài động cát sát mép biển. Hầm đào kề những lăng mộ xây cao, có dứa dại và xương rồng lúp xúp che chở khá an toàn. Chị Tâm nhặt được bộ rằn ri của lính ngụy, đêm đêm vào xóm kiếm bất cứ cái gì ăn được để mang về hầm nuôi thương binh. Nguồn lương thực này sớm cạn vì dân chài Thâm Khê quá nghèo. Chị chỉ còn cách cạo vỏ cây xương rồng rồi nhai phần lõi để cầm hơi, cứu thương binh và đánh giặc. Trong những năm tháng đó, chị đã chiến đấu hết sức quả cảm và ngã xuống đất quê hương khi tuổi đời còn rất trẻ…

Thu hoạch cam trên vùng đồi K4, Hải Phú, Hải Lăng. Ảnh: PV
Thu hoạch cam trên vùng đồi K4, Hải Phú, Hải Lăng (Quảng Trị). Ảnh: PV

Câu chuyện của chị Tâm là truyền kỳ của đất này về sự tích bám làng, bám dân, chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, trung trinh như lòng người dân Hải Lăng với cách mạng, với đất nước.

Thời đổi mới, Hải Lăng đi trước đón đầu

Có thể thấy trong quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị được phân thành 4 khu vực phát triển, thì ở khu vực 1 có diện tích khoảng 11.469 ha, vị trí ở phía Đông Nam Khu kinh tế, địa bàn huyện Hải Lăng chiếm phần lớn. Nơi đây là khu vực trọng tâm phát triển, bố trí các dự án động lực của toàn khu kinh tế như: Trung tâm điện lực, khu phức hợp năng lượng, khu công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ công cộng, khu hành chính, cảng biển nước sâu và khu phi thuế quan.

Để dự liệu được công việc trước mắt và cầm nắm được tương lai, khi dự án mới khởi động, cán bộ các xã thuộc vùng dự án và lãnh đạo các ban, ngành liên quan huyện Hải Lăng đã có chuyến công tác sang Thái Lan, có dịp mục sở thị Khu công nghiệp nặng Mattaphut và Khu công nghiệp nhẹ Laemchabang. Đây là các khu công nghiệp gắn với cảng biển tương tự như mô hình sắp được triển khai tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện, các ban, ngành liên quan và lãnh đạo các xã của Hải Lăng trong chuyến sang Thái Lan đã kết hợp tìm hiểu mô hình trang trại tổng hợp trên 100 ha, bao gồm nuôi bò Brahman gắn với trồng cỏ nuôi bò, hướng tới việc nhập tinh bò Brahman, phối giống với bò vàng, bò lai thể trạng tốt trong các hộ gia đình để cho ra đời con lai có chất lượng cao; tìm hiểu về giống mít Thonmalê cho vùng đồi Hải Lăng. Đó cũng có thể xem là bước “đi trước, đón đầu” để thúc đẩy phát triển kinh tế trên các vùng trọng điểm của huyện sau này.

Một góc thị trấn Diên Sanh, Hải Lăng . Ảnh: PV
Một góc thị trấn Diên Sanh, Hải Lăng (Quảng Trị). Ảnh: PV

Do đặc trưng của địa hình Hải Lăng nghiêng từ Tây sang Đông, vùng đồi núi và ven biển bị chia cắt bởi các sông, suối, một số khu vực đồng bằng có địa hình thấp trũng, do đó việc tổ chức sản xuất gặp nhiều khó khăn. Để biến thách thức thành lợi thế, huyện đã tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nônglâm- ngư trên cả 3 vùng: Đồng bằng, gò đồi và vùng cát với tổng giá trị sản xuất trong năm 2019 đạt 2.449 tỉ đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 8,6 vạn tấn; giá trị sản xuất đất canh tác đạt 88,7 triệu đồng/ha, tăng 14,38 triệu đồng. Riêng đối với cây lúa, huyện Hải Lăng vẫn vững vàng đứng ở vị trí vùng trọng điểm với diện tích gieo cấy hằng năm trên 13.500 ha, trong đó lúa chất lượng cao 8.290,5 ha, lúa giống 536,6 ha; năng suất lúa cả năm đạt 61,98 tạ/ha trong năm 2019, cao nhất từ trước đến nay. Huyện cũng đã tích tụ ruộng đất được 14,1 ha; xây dựng cánh đồng lớn 1.364 ha, diện tích tối thiểu 20 ha/cánh đồng, trong đó liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa hữu cơ với tổng diện tích 104,07 ha. Tổ chức sản xuất và từng bước đưa sản phẩm thương hiệu “Gạo Hải Lăng” ra thị trường. Đối với vùng cát, huyện chỉ đạo phát triển các mô hình sản xuất tập trung cho hiệu quả kinh tế cao như: Sản xuất ném xen sắn vùng cát Hải Dương; trồng mướp đắng tập trung tại vùng cát Hải Ba, Hải Dương; trồng rau gia vị tại Hải Quy, thị trấn Diên Sanh.

Từ một khu vực phải oằn mình vì bom đạn, nhiều năm bỏ hoang hóa do ô nhiễm bom mìn quá lớn, huyện Hải Lăng đã tập trung khai thác vùng gò đồi. Duy trì ở đây diện tích trồng tiêu 71 ha, trong đó 67 ha đã cho thu hoạch. Chỉ đạo xây dựng, quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ đất phát triển rừng. Tích cực vận động trồng rừng gỗ lớn, rừng chứng chỉ FSC, đến nay có 512,7 ha đăng ký tham gia, tăng thêm 236,2 ha. Tỉ lệ che phủ rừng đã đạt 46%. Đặc biệt cây ăn quả có múi đã được ưu tiên phát triển có quy mô tập trung, sản xuất theo hướng sản phẩm sạch. Đến nay, diện tích trồng cam tập trung toàn huyện là 71,1 ha, trong đó 20 ha đã cho thu hoạch, hiệu quả kinh tế cao. Các vườn cam tại Hải Lâm đã có thu hoạch, các vườn cam tại Hải Sơn, Hải Thượng đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Huyện cũng đang hoàn thành phương án phát triển vùng trồng cam tập trung gắn với du lịch sinh thái tại vùng Khe Khế, xã Hải Phú, trình UBND tỉnh phê duyệt. Thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, từng bước chuyển đổi và nâng cao năng suất cây trồng vùng gò đồi, những năm qua, huyện Hải Lăng đã chú trọng phát triển cây trồng, vật nuôi, với phương châm lấy chất lượng làm trọng. Các mô hình vườn đồi, vườn rừng, mô hình vườn - ao - chuồng với những loại cây trồng, con nuôi chủ lực ở vùng đồi như cây cam, cây tiêu, cây cao su, nuôi bò lai… được khuyến khích, hỗ trợ phát triển.

Đối với những ai nặng lòng với sự hồi sinh của quê hương, từ đất đai mà đi lên, đều tâm đắc với câu nói của tiền nhân: “thân thổ bất nhị” (người với đất là một). Điều này rất đúng với người và đất Hải Lăng trong suốt hành trình bám đất giữ làng, bám đất làm giàu, tự mình tổ chức cuộc sống một cách tự tin, đàng hoàng, tiến bộ, xứng đáng với truyền thống địa linh nhân kiệt mà ông cha từng đắp bồi, kỳ vọng. Với tiềm năng và lợi thế của mình, đối với Hải Lăng, đất đai từ rừng xuống biển từng thắm máu đào bao anh hùng liệt sĩ trong những năm tháng đánh giặc cứu nước còn là vốn liếng dành cho tương lai để xây đắp lên những ước vọng đẹp giàu phía trước.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Men của rừng

Hoàng Hải Lâm |

Về rừng lần này khác xa với những lần trước. Đa phần trong đời tôi lên rừng xuống biển là đi vì đam mê, đôi lúc đi để trốn cái cảnh đất chật người đông nơi phố thị.

Nắng vàng mùa lúa rẫy

Minh Hà |

Lúc tôi hỏi, đồng bào dân tộc Pa Cô sống ở xã A Bung (huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị) về nguồn gốc lúa rẫy mọi người đều mĩm cười. “Đi tìm nguồn gốc của lúa rẫy ở nơi đây cũng như đi tìm cội nguồn của cây dâu da giữa Trường Sơn, khó lắm".

Khi lan rừng xuống phố

Hoàng Hải Lâm |

Tôi còn nhớ, hình ảnh ngày trước đã in sâu vào tâm trí mỗi người. Khi người lính từ rừng về, trên lưng mang ba lô và nhánh lan rừng.

44 năm mới làm xong đám cưới

Minh Hà |

Câu chuyện xảy ra với hơn 65 ngàn đồng bào dân tộc Vân Kiều trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.