Câu chuyện sưu tầm trống đồng Trà Lộc 22 năm trước

Hoàng Táo |

Năm 1998, một người đàn ông làm nghề rà tìm phế liệu tìm thấy trên rú cát làng Trà Lộc một cái “nồi đồng”. Câu chuyện nhanh chóng thu hút giới buôn cổ vật đổ về ngôi làng cát nhỏ bé đó. Nhận được thông tin, ngành Văn hóa tỉnh Quảng Trị xác định đây là trống đồng thuộc nền văn hóa Đông Sơn, là cổ vật quý giá. 

Từ đó, tỉnh Quảng Trị vào cuộc kịp thời và quyết liệt, huy động Công an ngăn giới buôn cổ vật, đồng thời trích 50 triệu đồng để khen thưởng người đàn ông tìm phế liệu và các đơn vị có công trong việc sưu tầm thành công cổ vật này.

Ông Trương Sỹ Tiến, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay giữ được trống đồng Trà Lộc nhờ sự vào cuộc kịp thời của chính quyền các cấp. Ảnh: Hoàng Táo
Ông Trương Sỹ Tiến, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay giữ được trống đồng Trà Lộc nhờ sự vào cuộc kịp thời của chính quyền các cấp. Ảnh: Hoàng Táo

Ngày 15/1/2020, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 88/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia đợt 8. Theo quyết định này, toàn quốc có thêm 27 bảo vật quốc gia, trong đó Quảng Trị có trống đồng Trà Lộc được công nhận là bảo vật quốc gia. Trống đồng Trà Lộc có niên đại văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.500 năm. Hiện, trống đồng Trà Lộc được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, thuộc Trung tâm quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị.

Ít ai biết, việc sưu tập thành công chiếc trống đồng này là cả một câu chuyện ly kỳ, với sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền địa phương cho đến cấp tỉnh, huy động cả Công an lẫn ngành Bảo tàng.

Tháng 3/1998, trong lúc rà tìm phế liệu chiến tranh, ông Hoàng Công Sơn, trú tại thôn Trà Lộc, xã Hải Xuân (nay là xã Hải Hưng) huyện Hải Lăng, phát hiện ở rú cát Trà Lộc một hiện vật cổ bằng đồng quý hiếm. Ông mang cổ vật này đi cất giấu, rồi ít lâu sau mang lễ vật lên đây cúng tạ ơn. Dân làng thấy lạ lẫm, tò mò hỏi thăm biết ông này đào được vật bằng đồng, phía mặt trên có ngôi sao, dưới có quai nên họ gọi là “cái nồi đồng”. Thông tin này được xã nắm rồi báo lên trên.

Lúc bấy giờ, ông Lê Đức Thọ, hiện là Phó giám đốc Trung tâm quản lý Di tích và Bảo tàng Quảng Trị, là một trong những người ở ngành Bảo tàng có mặt từ đầu trong việc tiếp xúc với người đàn ông rà tìm phế liệu để nắm bắt thông tin về cổ vật. Ông Thọ cho hay, qua thông tin ban đầu từ ông này cung cấp, dưới con mắt chuyên môn thì nghi là trống đồng. “Tuy nhiên, ông Sơn nói đã bán vật này rồi”, ông Thọ kể lại.

Sau này, Công an huyện Hải Lăng và chính quyền địa phương xác minh thì được biết hiện vật vẫn đang còn. Bằng sự vận động của Công an và sự tuyên truyền về giá trị cổ vật của ngành Bảo tàng, ông Sơn thừa nhận còn cất giữ “nồi đồng”. Nghe tin ông Sơn đào được cổ vật, giới buôn cổ vật từ TP. Huế, Đà Nẵng và cả Hà Nội đổ xô về làng cát để tranh mua tranh bán.

Ông Trương Sỹ Tiến, nay 81 tuổi, trú tại TP. Đông Hà, lúc bấy giờ là Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho hay khi nhận được tin về việc phát hiện một cổ vật có giá trị ở Trà Lộc và đang bị giới buôn đồ cổ tìm cách trao đổi, UBND tỉnh nhanh chóng huy động các ngành vào cuộc.

Trống đồng Trà Lộc trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hoàng Táo
Trống đồng Trà Lộc trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hoàng Táo

Thời gian đã lâu nhưng ông Tiến vẫn nhớ rất kỹ vì đây là một sự kiện lớn với tỉnh lúc bấy giờ. Ông Trương Sỹ Tiến kể thời điểm đó đang họp ở huyện Hướng Hóa thì nhận tin báo của địa phương, xác định hiện vật vẫn còn trong dân, ông điện thoại chỉ đạo huyện Hải Lăng và Công an huyện cho người canh gác ở nhà người đàn ông này. Ông Tiến kể: “Đây là bảo vật không thể tuỳ tiện mua bán nên phải canh gác cẩn thận”. Sau khi có chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, địa phương kiên quyết hơn trong việc ngăn chặn giới buôn cổ vật, kết hợp tuyên truyền người dân. “May mắn là mình chỉ đạo nhanh chóng, kiên quyết, anh em ở dưới bảo vệ chu đáo, có trách nhiệm nên mới giữ được bảo vật”, ông Tiến nói.

Ngày hôm sau, Bảo tàng tỉnh Quảng Trị có văn bản gửi Sở Văn hóa Thông tin (cũ) để gửi UBND tỉnh Quảng Trị có biện pháp nhằm giữ lại cổ vật này. Bấy giờ, Luật Di sản Văn hóa chưa ra đời nên chế độ để khen thưởng cho người phát hiện chưa có. Dù vậy, tỉnh Quảng Trị cấp 50 triệu đồng để chi trả một phần cho công lao của ông Hoàng Công Sơn và khen thưởng cho các đơn vị khác, cũng như làm công tác thu hồi cổ vật.

Được sự vận động đây là hiện vật lưu giữ giá trị văn hóa của dân tộc, hơn nữa pháp luật quy định tài sản không xác định chủ sở hữu thuộc tài sản quốc gia, ông Sơn đồng ý trao chiếc “nồi đồng” cho tỉnh Quảng Trị. Ông Thọ nhớ lúc đó, tỉnh Quảng Trị chi cho ông Sơn hơn 10 triệu đồng, là một số tiền lớn vào thời điểm 22 năm trước.

Như vậy, chỉ 3 ngày sau khi có thông tin chiếc “nồi đồng” vẫn còn, tỉnh Quảng Trị đã thu hồi thành công và đưa về Bảo tàng tỉnh. Đến nay, ông Tiến bộc bạch: “Mình chỉ làm nhiệm vụ bình thường của người quản lý Nhà nước, chứ không có công lao gì”. Ông Trương Sỹ Tiến đánh giá chiếc trống đồng phản ánh quá trình giao thoa văn hóa hai miền Nam Bắc, có ý nghĩa về mặt lịch sử, mang lại cho con người hiểu biết về văn hóa dân tộc, từ đó thêm tự hào, yêu mến dân tộc.

Bảo tàng Quảng Trị. Ảnh: Duy Lê
Bảo tàng Quảng Trị. Ảnh: Duy Lê

Ông Thọ cho rằng việc phát hiện trống đồng ở rú cát làng Trà Lộc là có cơ sở. Những năm trước đó, tại khu vực này, ngành khảo cổ phát hiện nhiều di vật của giai đoạn hậu kỳ đá mới, sơn kỳ kim khí cách đây 2.000 - 5.000 năm. Người dân nhiều lần vô tình tìm thấy các thỏi bạc ở đây. Khu vực cồn cát quanh trằm Trà Lộc là khu vực tồn lưu nhiều dấu ấn văn hóa thời kỳ tiền sơ sử. Chiếc trống đồng này có thể được chủ nhân là văn hóa Đông Sơn đưa vào vùng đất Quảng Trị trong quá trình giao lưu văn hóa - kinh tế.

Đến tháng 5/2008, trống đồng Trà Lộc được đưa ra trưng bày ở Bảo tàng Quảng Trị và phát huy tác dụng đến nay. Năm 2019, tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận hai chiếc trống đồng An Khê và Trà Lộc là bảo vật quốc gia.

Từ sự phát hiện tình cờ của một người rà tìm phế liệu chiến tranh, UBND tỉnh Quảng Trị nhanh chóng vào cuộc, ngăn chặn việc mua bán hiện vật này, đồng thời xuất tiền để trả công người phát hiện. Nhờ sự vào cuộc kịp thời và quyết liệt của ngành Văn hóa cũng như lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ, Quảng Trị mới giữ gìn được trống đồng Trà Lộc. Sau 22 năm, chiếc trống niên đại 2.500 năm trở thành bảo vật quốc gia.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tôi đi tìm những chữ G ở xứ Cùa...

Yên Mã Sơn |

Chỉ cách Quốc lộ 9 vài cây số nhưng lâu nay cứ nghĩ xứ Cùa xa xôi. Mãi tận hôm qua mới có dịp “rong ruổi xứ Cùa” như trong bút ký của nhà báo Phạm Xuân Dũng.

Mùa vàng đoọc khun

Lê Như Tâm |

Chúng tôi đến đất nước bạn Lào vào thời điểm nóng nhất trong năm. Nắng hạn khiến những cánh đồng khô cháy, những nhà sàn chỏng chơ, mọi người đi lại có cảm giác mệt nhọc. Đàn trâu, đàn bò nằm dưới những ngôi nhà sàn thở dốc, dọc đường vài con dê đang gặm những gì còn sót lại trên cánh đồng chỉ toàn là toóc khô, cỏ cháy. 

Đi qua miền tre trúc

Nam Việt |

Cùng đồng hành với lịch sử bi tráng của dân tộc, làng Trúc Khê (xã Cam An, Cam Lộ, Quảng Trị) ôm trong mình bao nhiêu câu chuyện xưa và nay, cứ nối nhau một cách bình thản, như dòng nước mãi miết chảy qua làng, về xuôi. Nhưng chừng ấy thời gian cũng đủ cho người Trúc Khê tạo nên những dấu ấn lịch sử -văn hóa, xưa và nay…

“Ai có về Phước Thị, Gio Linh”

Việt Hà |

Phước Thị là một làng cổ của Huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Trãi qua bao nhiêu biến cố thăng trầm của lịch sử, ngày nay làng Phước Thị ngày càng đổi thay và phát triển.