Tôi đi tìm những chữ G ở xứ Cùa...

Yên Mã Sơn |

Chỉ cách Quốc lộ 9 vài cây số nhưng lâu nay cứ nghĩ xứ Cùa xa xôi. Mãi tận hôm qua mới có dịp “rong ruổi xứ Cùa” như trong bút ký của nhà báo Phạm Xuân Dũng.

Nói là rong ruổi có vẻ hơi quá khi chỉ ngồi trên xe theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Cảm nhận đầu tiên xứ Cùa gần gũi như đã mặc định trong ký ức mình từ lâu. Có thể đã gặp đâu đó vì khí hậu, cảnh vật, đất đai như Khe Sanh, Tân Hợp hay xa hơn là Hướng Phùng ở Hướng Hoá.

 
 Biệt thự cổ trên đất Cùa, một địa điểm thường được các bạn trẻ đến chụp ảnh. Ảnh: YMS

Cung đường nhựa đẹp, vượt con đèo Cùa non cây số là đến xứ Cùa với vùng đất rộng lớn có nhiều di tích văn hoá, lịch sử. Vùng đất này, dường như sự bình yên có sức hút hơn cả những thứ khác. Thế nên nhiều người chức việc xứ Cam Lộ ai cũng muốn có một khoảnh đất ở Cùa để khi về hưu, cày sâu cuốc bẩm, vui thú điền viên.

 
 Chợ Cùa. Ảnh: YMS
 
Đến Cùa sẽ không xa lạ với những con đường hoa như thế này. Ảnh: Lê Văn Hưng
 

Ngang qua chợ Cùa giữa mùa dịch COVID- 19 cũng vắng vẻ như nhiều chợ khác trên đất nước này. Có tuổi đời hàng trăm năm, chợ Cùa là điểm nhấn giữa các hàng quán, bảng hiệu ngăn nắp mang dáng dấp của một phố thị hơn là một xã nông thôn.  Thầy Lê Văn Hưng, một người bạn giáo viên dạy ở Trường Tà Long (Đakrông, Quảng Trị) nhưng là dân bản địa dẫn chúng tôi đi thăm một cái giếng cổ nay bỏ hoang, đó là giếng Phượng. Theo thầy Hưng, ở xứ Cùa có nhiều giếng cổ theo mô típ lấy nước từ mạch ngầm ở các mội nước như giếng cổ Gio An. Đó là những gì còn lại của các công trình văn hoá có bóng dáng của người Chăm trên đất Cùa. Hiện nay có những giếng nước đã bị tàn phá bởi con người nhiều hơn thiên nhiên, mưa nắng. Công trình nhà thờ vua Hàm Nghi và các chí sỹ Cần Vương đang trong giai đoạn hoàn thiện. Công trình nằm trên khu đất rộng, khi xưa là căn cứ Tân Sở. Nhà văn Hoàng Hải Lâm nhấn mạnh: Cam Lộ có 2 thủ đô Sơn nhé. Đây là cái thứ 2. Là thủ đô kháng Pháp của quan quân nhà Nguyễn cách đây gần 150 năm. Giở sách sử mới hay, người kiến thiết thành Tân Sở là phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, một trong những yếu nhân của phái chủ chiến, người từng có gần 10 năm làm quan tri huyện Thành Hoá (Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hoá thuộc tỉnh Quảng Trị ngày nay). Ông đã quá hiểu rõ con người và đất đai vùng phía tây Quảng Trị. Vùng đất được cho là “hậu lộ của kinh đô Huế” khi hữu sự. Bởi vậy, cái vị trí quan trọng ấy chỉ giao cho những người thân tín đứng đầu là vậy. Được cho xây dựng từ năm 1883 đến 1885 với hàng ngàn binh lính, tù nhân, dân phu cùng với nhiều tiền của đổ về đây để xây dựng sơn phòng này. Con đường thuỷ đạo từ kinh đô Huế theo sông Ô Lâu, ra Vĩnh Định rồi ngược nguồn Hiếu Giang lên xứ Cùa là con đường vận tải quân khí, lương thực cũng như châu báu để chuẩn bị cho hậu cứ Tân Sở. Để rồi khi hữu sự, ngày 13/7/1885, vua Hàm Nghi cùng phái chủ chiến đã đến đây lưu lại khoảng 5 ngày. Trong thời gian này, chiếu dụ Cần Vương đã ban đi kêu gọi phong trào kháng Pháp trong giới sỹ phu. Tầm vóc, giá trị lịch sử to lớn thế nhưng ngày nay, thành Tân Sở chỉ còn là một bình địa với bạt ngàn caosu, cây cỏ cho đến khi chính quyền xây thêm khu đền thờ tưởng niệm.

 
 Có những con đường với hàng chè tàu xanh mướt. Ảnh: Lê Văn Hưng
 
Ảnh: Lê Văn Hưng 

Đến Cùa, đập vào mắt là những con đường hoa. Từ con lộ chính nối quốc lộ vào xứ Cùa, bắt đầu hết đèo đã thấy ngấp nghé các bồn hoa bằng vỏ lốp xe ôtô. Dưới những hàng tràm toả bóng hai bên đường là cơ man lốp xe nở hoa. Đó là những cây chuông vàng đang mùa khoe sắc, điểm thêm những nền xanh, tím hoa dại làm người qua đường nghĩ đến một công viên nào đó ở một phố thị được chăm bẫm kỳ công bởi những người làm vườn. Và khi vào đến trung tâm xã Cam Chính, những con đường nội thôn, hai bên đường đều có hoa trang trí. Các con đường đều được nhựa, bêtông hoá; sạch sẽ, chỉnh chu đến không ngờ. “Nông thôn mới là đây chứ đâu. Cuộc sống là thế, phải thế. Sau nhiều năm đổi mới, nhìn vô đó sẽ thấy ngay mức sống của người dân. Khi không còn lo việc cái bụng nữa thì sẽ nghĩ ngay đến việc “chăm sóc” tâm hồn”, chị Phụng, một người đi theo đoàn đã quả quyết bằng lời lẽ rất khâm phục.

 
 Ảnh: Lê Văn Hưng 
 Với vùng đất đỏ bazan tươi tốt, xứ Cùa được thiên nhiên ban tặng nhiều sản vật nức tiếng. Tiêu Cùa đã trở thành thương hiệu quốc tế; rồi chè lá vằng, mít, nghệ cũng là những sản phẩm nổi tiếng. Nhưng có lẽ món gà Cùa đã làm nên thương hiệu lâu nay ở xứ này. Đó là giống già ăn mối, ngủ cây đã làm nên sự khác biệt khi cho thịt thơm, chắc không nơi nào có. Gà Cùa cũng là món tiến Vua khi vua Hàm Nghi xa giá qua đây trong những ngày bôn tẩu. Hơn tất cả, giờ gà Cùa đã đi xa đến nổi, nhắc đến Cùa người ta thưởng bảo: “Gái Cùa, gà Cùa”…
 
 Đặc sản gà Cùa. Ảnh: Phạm Hữu Phương.

Gà của thì đã được… “minh triết”, còn gái Cùa dù chưa được mục sở thị nhưng đã nghe “truyền khẩu” có nước da trắng, tóc dài đen nháy. Lý giải vì sao con gái xứ Cùa được cho là đẹp hơn các xứ khác như các xã dọc đường 9 Cam An, Cam Thành…  dù chỉ cách nhau ngọn đèo Con Cui? Và họ cho biết, ngoài khí hậu mát mẻ, trong lành còn do yếu tố di truyền. Rằng ở đâu có dấu chân vua đi qua thường có mỹ nhân. Bởi các cung tần mỹ nữ có khi lưu lại đó mà lập thân lập nghiệp, lâu đời trở thành thuỷ tổ của những bậc mỹ nhân, nghiêng nước nghiêng thành thời hiện đại. Luận điểm này cần được kiểm chứng nhưng không phải không có lý. Với ý định muốn nâng câu chuyện “2G” là gái Cùa, gà Cùa lên thành “3G”, “4G” nhưng chưa có thời gian khám phá hết xứ Cùa nên không thể mạo muội. Những chữ “G” còn lại, có lẽ cần dành cho những vị khách hiếu kỳ tiếp tục tìm hiểu xứ Cùa chăng?...

 
 Ảnh: Lê Văn Hưng

Ngang qua những khu vườn xanh mướt, lặng lẽ đến nỗi có thể nghe thấy tiếng chim sâu chuyển trên cành. Ven đường có những người phụ nữ vỡ đất chuẩn bị trỉa lạc. Những thớ đất đỏ au tưởng chừng như miếng socola vừa được bẻ ra, có cả sắc lẫn hương. Mặc kệ cho phố xa xuôi ngược ngoài con đường Xuyên Á-  hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC), những con người lặng lẽ, cần mẫn với những nếp hoa ven đường, với những nương ngô đã làm nên một xứ Cùa độc đáo, khác biệt.

Đó là nơi tất cả chúng ta nên đến một lần.

TAGS

Mùa vàng đoọc khun

Lê Như Tâm |

Chúng tôi đến đất nước bạn Lào vào thời điểm nóng nhất trong năm. Nắng hạn khiến những cánh đồng khô cháy, những nhà sàn chỏng chơ, mọi người đi lại có cảm giác mệt nhọc. Đàn trâu, đàn bò nằm dưới những ngôi nhà sàn thở dốc, dọc đường vài con dê đang gặm những gì còn sót lại trên cánh đồng chỉ toàn là toóc khô, cỏ cháy. 

Đi qua miền tre trúc

Nam Việt |

Cùng đồng hành với lịch sử bi tráng của dân tộc, làng Trúc Khê (xã Cam An, Cam Lộ, Quảng Trị) ôm trong mình bao nhiêu câu chuyện xưa và nay, cứ nối nhau một cách bình thản, như dòng nước mãi miết chảy qua làng, về xuôi. Nhưng chừng ấy thời gian cũng đủ cho người Trúc Khê tạo nên những dấu ấn lịch sử -văn hóa, xưa và nay…

Tôn vinh trang phục truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô

Kô Kăn Sương |

Trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc luôn được địa phương chú trọng. Trong đó, huyện đặc biệt quan tâm đến vấn đề gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa đối với trang phục truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô.

Nhà thờ cây Da bên dòng Ô Lâu

BTV |

Nhà thờ Cây Da nằm ở thị trấn Diên Sanh (xã Hải Thọ cũ), huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.