Thực hiện hiệu quả mô hình canh tác lúa thông minh

Bá Thuần - Minh Kha |

Vụ Đông Xuân 2019-2020, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) gieo cấy gần 6.000 ha lúa với các loại giống ngắn ngày, có tiềm năng năng suất cao và hiện tại bà con nông dân đang khẩn trương xuống đồng thu hoạch. 

Mặc dù có bị đổ ngã do mưa lớn kèm theo gió mạnh trong những ngày qua, nhưng dự ước năng suất vẫn đạt trên 60 tạ/ha, đặc biệt những cánh đồng lớn, sản xuất lúa chất lượng cao theo mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu năng suất trên 62 tạ/ha. Ông Trương Văn Dinh, Giám đốc HTX Trung Yên, xã Triệu Độ, phấn khởi nói với chúng tôi: Sau khi thử nghiệm thành công mô hình canh tác lúa thông minh trong năm 2019, vụ Đông Xuân năm nay, HTX đã mở rộng diện tích từ 12,5 lên 17 ha. Trên cùng 1 cánh đồng liền vùng, liền thửa, các hộ tham gia mô hình đều sử dụng 1 loại giống là Bắc Thơm 7, gieo sạ cùng 1 lần, bón phân, chăm sóc cùng 1 quy trình kỹ thuật. Kết quả qua thu hoạch cho thấy, trên vùng đất phèn nhưng cây lúa vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất đạt khoảng 62 tạ/ha, cao hơn các giống lúa trước đây sử dụng 2 đến 3 tạ/ha. Mặt khác, nhờ giảm chi phí trong các khâu sản xuất nên đã làm tăng lợi nhuận trên 1 đơn vị diện tích.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh kiểm tra lúa canh tác thông minh tại Triệu Độ
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh kiểm tra lúa canh tác thông minh tại Triệu Độ

Đối với HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Triệu Thuận, ông Trần Hữu Tấn, Giám đốc HTX cho biết: Sau khi đi tham quan, học hỏi ở một số nơi, vụ Đông Xuân năm nay, HTX đã đăng ký xây dựng mô hình canh tác lúa thông minh trên diện tích 20 ha. Các hộ tham gia được cán bộ kỹ thuật của Chi cục và Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật về tận nơi tập huấn, hướng dẫn cụ thể về quy trình canh tác và kỹ thuật thâm canh theo phương thức mới. Các hộ đã sử dụng công cụ sạ hàng, tiết kiệm giống và công lao động, biết cách ủ phân hữu cơ vi sinh sử dụng chế phẩm sinh học từ xử lý môi trường khi làm đất cho đến quá trình chăm sóc. Bên cạnh đó, HTX đảm nhận khâu làm đất, cung ứng giống, điều tiết nguồn nước 1 cách hợp lý nên lúa phát triển tốt, hiện tại 20 ha đã thu hoạch xong, năng suất đạt khoảng 63 tạ/ha, gạo có chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, bán được giá, mang lại thu nhập cao hơn.

Được biết, từ năm 2016, tỉnh Quảng Trị đã triển khai hợp phần xây dựng mô hình canh tác lúa thông minh bằng những giải pháp canh tác khoa học, kết hợp linh hoạt giữa tiến bộ kỹ thuật với kinh nghiệm canh tác và thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng, ứng phó với điều kiện bất thường của thời tiết để nâng cao giá trị gia tăng trên 1 đơn vị diện tích. Cũng như ở nhiều nơi, tại Triệu Phong, các địa phương đã phối hợp khảo sát thực tế, chọn lựa địa điểm để thực hiện mô hình và cho đến nay đã mở rộng diện tích lên hơn 300 ha. Các HTX khi tham gia mô hình được hỗ trợ 50% mua công cụ gieo sạ, chế phẩm sinh học, 50% giá giống, 30% số tiền mua vật tư, phân bón, nhiều nơi còn được hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nâng cấp đường giao thông nội đồng và hệ thống kênh mương. Thực tế cho thấy, mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp và nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại nhưng nhờ các HTX thường xuyên bám sát thực tế, chỉ đạo, điều hành và bà con nông dân đã tuân thủ quy trình kỹ thuật nên đã đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao vừa góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên và cải thiện môi trường, tạo nền tảng cho sản xuất hàng hóa nông sản sạch theo hướng bền vững. Trên cơ sở đó, Chi cục khuyến cáo và tiếp tục hỗ trợ cho các HTX quy hoạch đồng ruộng, dồn điền, đổi thửa, hình thành cánh đồng lớn, xây dựng và nhân rộng mô canh tác lúa thông minh, tạo bước đột phá trong quá trình thâm canh cây lúa, thay đổi phương thức canh tác cũ bằng phương thức canh tác mới, giảm thiểu những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra và nâng cao giá trị gia tăng trên 1 đơn vị diện tích.

(Nguồn: Cổng TTĐT huyện Triệu Phong)

TAGS

Trên phòng tuyến sông Mỹ Chánh – Ngày ấy và bây giờ

Mai Trang – Thanh Châu |

Hải Lăng là địa phương cuối cùng được giải phóng của tỉnh Quảng Trị, trước khi trở thành vùng đệm để quân và dân ta tiến vào giải phóng Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng vào năm 1975. Đặc biệt, tại phòng tuyến sông Mỹ Chánh, nơi được coi là vành đai lửa trong chiến dịch năm xưa nay đã có nhiều thay đổi, nhưng tinh thần cách mạng thì vẫn còn nguyên vẹn nơi những cán bộ, chiến sĩ, dân quân du kích ngày đó và được nối tiếp cho thế hệ hôm nay.

Hướng Hóa: Người trồng chuối gặp khó khăn khi giá giảm sâu

Hoàng Hùng |

Tại huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị), nắng hạn khiến năng suất chuối xuống thấp cùng với đó là ảnh hưởng của dịch COVID- 19 đã làm thị trường tiêu thụ loại nông sản này bị thu hẹp. Hiện nay, giá chuối đang giảm sâu khiến doanh nghiệp, tiểu thương và người dân gặp nhiều khó khăn.

Nông dân phấn khởi vì lúa được mùa, được giá

Võ Thái Hòa |

Vào thời điểm này nông dân toàn tỉnh đang bước vào thu hoạch rộ lúa vụ đông xuân. Trên các cánh đồng, máy gặt đập liên hợp chạy liên hồi để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cho kịp triển khai vụ hè thu tới. Niềm vui lúa được mùa, được giá hiện hữu khắp nơi.

Câu chuyện về một bản làng

Nguyễn Việt Hà |

Bản Khe Me, xã Linh Thượng ( nay là xã Linh Trường) huyện Gio Linh (Quảng Trị) nằm giữa một thung lũng có diện tích tương đối hẹp. Tuy ở vùng đất không được thiên nhiên ưu đãi, khô căn sỏi đá nhưng với bản tính cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, người dân Khe Me đã chung sức, đồng lòng xây dựng bản làng Khe Me ngày càng no ấm, hạnh phúc.