Mỗi khi xe từ quốc lộ 1A đi ngang qua địa danh thị xã Quảng Trị, tôi thường dừng lại để ngắm nhìn sông Thạch Hãn hiền hòa, chầm chậm xuôi dòng về phía những bãi bờ, xóm làng xanh thẫm, nao nao đến vô cùng. Vì lẽ đó mà 14 năm trước, mê đắm “nhan sắc” này, tôi đã ở lại mảnh đất miền Trung tràn nắng gió. Năm ấy, cũng là mùa hè, trời thì xanh cao vời vợi, từng đám mây trắng bồng bềnh trôi theo cơn gió, và ảo diệu thay trên trời như thế nào dưới làn nước trong xanh cũng từng đám mây trắng bập bềnh theo dòng nước.
Khi đọc bài viết của tôi về Thạch Hãn, sếp tôi thốt lên rằng: “Thôi rồi, con này hỏng” (sau này tôi mới hiểu rằng chỉ mấy câu đơn giản thôi, ông biết tôi “phải lòng” đất này và đồng nghĩa với việc “mất lính” ruột). Ngày đó, tôi đến với Thạch Hãn với tâm thế của một người trẻ tuổi đi đó đây để khám phá những miền đất mình chưa đặt chân đến, những vấn đề khác liên quan đến Thạch Hãn hoàn toàn không biết. Thế nên, khi ở lại hẳn đất Quảng Trị, tôi vẫn đi tìm kiếm câu trả lời vì sao ở lần đầu tiên đó, tôi đã hòa vào Thạch Hãn một cách đầy rung động như vậy? Mãi 14 năm sau, tôi mới tìm ra được lời giải đáp ấy bởi vị thế và câu chuyện đặc biệt được viết nên bởi Thạch Hãn. Người xưa có câu: “Địa linh sinh nhân kiệt” nhưng ngược lại, cũng có những con người đã làm cho vùng đất trở thành bất tử, thành tiếng gọi thiêng liêng cho mọi miền đất nước.
Người ta thường định lượng, định tính dòng sông bằng lượng phù sa làm mỡ màu cho đồng bằng nhưng Thạch Hãn lại là một trường hợp khác biệt. Với chiều dài khoảng 155km, lượng phù sa do sông mang đến không nhiều. Thế nhưng từ xưa cho tới nay, sông Thạch Hãn luôn đóng vai trò quan trọng trong huyết mạch giao thông đường thủy và cung cấp nguồn nước cho vựa lúa vùng đồng bằng Triệu Hải với những bãi bồi trù phú xanh tươi. Sách “Ðại Nam nhất thống chí” chép rằng: “Sông Thạch Hãn , từ nguồn Viên Kiều ở Bảo Trấn Lao (Lao Bảo) chảy về đông… qua phía bắc tỉnh thành Quảng Trị thì mang tên sông Thạch Hãn, đến ngã ba Cổ Thành chia làm hai nhánh. Một nhánh chảy lên đông bắc đến ngã ba Phú Ông, gặp sông Ái Tử (Vĩnh Phước) ở phía tây chảy vào, qua huyện Ðăng Xương (tức huyện Triệu Phong ngày nay), rồi ngã ba Ðại Ðộ gặp sông Ðiếu Ngao (sông Ðiếu Ngao qua cửa Ðiếu Ngao, đến xã Cam Lộ thì gọi là sông Cam Lộ), rồi qua ngã ba Giáo Liêm đổ ra Cửa Việt. Một nhánh chảy xuống đông nam, chảy vào sông Vĩnh Ðịnh, gặp sông Nhùng (Mai Ðàn) từ phía tây tới, rồi theo hướng nam tới huyện lỵ Phong Ðiền thì gặp sông Ô Lâu (Thác Ma), sau đó chảy ra phá Tam Giang”. Nhìn trên google maps, sông Thạch Hãn ôm cả một vùng rộng lớn mang hình cái vạc to. Thực tế, nó cũng là dòng sông có dòng chảy rộng dài đi qua nhiều vùng địa hình, từ rừng xuống biển; từ đồi núi xuống đồng bằng; từ thượng nguồn về hạ lưu; từ núi đồi của các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số qua các làng mạc miền xuôi trước khi hợp lưu với sông Hiếu ở ngã ba Gia Độ để tuôn ra biển lớn. Truyền thuyết kể rằng, có một thế lực to lớn cưỡng bức các mạch nguồn ấy không cho hội tụ về Đại Việt. Cho nên nó phải đi vòng vèo để lẩn trốn, rồi “thay tên đổi họ” nhiều lần, nhiều khúc mới tìm về được với biển.
Qua hàng trăm năm hưng tồn cùng lịch sử, sông Thạch Hãn còn là dòng sông chứa đựng nhiều dấu ấn lịch sử, văn hoá, nơi chứng kiến bao nổi thăng trầm dâu bể của đời người và chiến cuộc. Thế nên nhiều người gọi nó là sông Quảng Trị. Xưa, nhà Nguyễn đã am tường sự lợi hại của “dòng sông đá” này như một hào thành tự nhiên bảo vệ thành Quảng Trị. Lịch sử của tỉnh Quảng Trị cũng gắn liền với lịch sử của dòng sông Thạch Hãn. Riêng Thạch Hãn lại gắn bó với thị xã Quảng Trị với một dấu ấn đặc biệt bởi sự nhỏ nhắn, nên thơ. Tuy là vùng đất hẹp, ít ruộng nương màu mỡ nhưng nơi đây là cái nôi của các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đây cũng là nơi sinh ra nhiều thế hệ chiến sỹ cách mạng kiệt xuất và cũng là khúc tráng ca cho những thiên sử ký bi hùng.
Nếu được chọn lựa, tôi nghĩ không vùng đất nào muốn ghi danh vào lịch sử với tên gọi bi hùng của chiến trận. Sau một trận thắng, dù ở phía nào cũng vẫn là nhức nhối, là day dứt. Thậm chí, người ngoài cuộc chứng kiến cảnh người chết còn đau đớn, ám ảnh hơn cả người đã mất. Chị Q.A, phóng viên của VTV8 vừa nghỉ hưu kể cho tôi nghe một câu chuyện tâm linh liên quan. Chị vốn sợ ma nhưng đi đến đâu cũng “thấy ma”. Nhìn theo góc độ khác, người mất vẫn còn một tần số rung động mà vì lý do nào đó nó vẫn còn hoạt động trong nhịp sống của dương thế. Có lẽ những người đã qua bên kia trời vẫn còn điều lưu luyến hiện tại và muốn nhờ người cùng tần số với họ để nhắn gửi lại. Rất nhiều người mẹ mất con, vợ mất chồng, anh em trong dòng họ, con tìm ra bố mẹ cũng từ lần “gửi gắm” ấy. Khi đoàn của chị đi qua Thạch Hãn vào buổi trưa nắng (lúc đó chị không biết là Thạch Hãn), chị nhìn ra ngoài cửa thấy bóng hình “chú bộ đội” đang đứng hai bên bờ sông. Buổi chiều xong việc, đoàn quay về lúc gần 17 giờ chiều, chị nhìn lại hai bên bờ sông, vẫn các “chú bộ đội” đứng dài trên bờ và dưới nước nhìn về phía chị. Để mở đường Nam tiến dưới mưa bom bão đạn, con số người ở lại dưới lòng sông xanh thẳm này có lẽ không bao giờ thống kê được. Nhắc đến Thạch Hãn, đồng đội của họ luôn ray rứt. Có những khoảnh khắc thần giao cách cảm mà khoa học chưa thể lý giải. Có những vùng đất, những dòng sông nặng dấu ấn tâm linh và huyền thoại. Thạch Hãn là như thế bởi sự hy sinh của hàng ngàn người lính trẻ quân giải phóng trên dòng sông này là sự kiện có thật. Trẻ và quá trẻ, mãi mãi tuổi đôi mươi nằm lại giữ bãi bồi, sông nước, với biết bao khát vọng thanh xuân. Thế nên, từ trách nhiệm và sự tri ân sâu sắc trước linh hồn liệt sĩ, Cấp ủy, chính quyền thị xã Quảng Trị đã ban hành chủ trương, kế hoạch tổ chức Chương trình “Đêm hoa đăng” tri ân các Anh hùng - Liệt sỹ trên sông Thạch Hãn vào đêm 14 âm lịch hàng tháng với phương thức xã hội hóa. Chương trình đã thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân, cựu chiến binh trong và ngoài địa bàn hưởng ứng tham gia, đã tạo nề nếp và dấu ấn văn hóa - du lịch tâm linh độc đáo trong chuỗi các hoạt động lễ hội của vùng đất thiêng Thành Cổ.
Có thể nói, chương trình “Đêm hoa đăng” là một trong những điểm nhấn mới của thị xã Quảng Trị. Mỗi chương trình Đêm hoa đăng thường xuyên trên sông Thạch Hãn đã thu hút khoảng 1.500 người tham dự, vào các dịp lễ lớn như kỷ niệm ngày lễ trọng đại quê hương, đất nước ngày 30/4, tri ân kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7, chương trình lễ hội, các chương trình Trung ương và tỉnh tổ chức… thu hút từ 3.000 - 5.000 người tham dự và đã được mọi tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao. Hơn 8 năm triển khai chương trình này, vóc dáng thị xã Quảng Trị thay đổi rõ nét và dòng Thạch Hãn về đêm khoác lên một diện mạo mới lung linh.
Anh Lê Phương Bắc, Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị có lời hẹn hò với tôi về một chuyến du ca ngược dòng Thạch Hãn. Với tâm hồn của một nhạc sĩ, Thạch Hãn gợi nhiều cảm xúc trong anh. Nhớ có lần anh khoe rằng, làm việc ở thị xã Quảng Trị đặc biệt hơn nơi khác. Đó là có tiếng chuông từ Thành Cổ luôn báo hiệu mỗi ngày. Nó hơn cả lời nhắc nhở, nhắn nhủ. “Vẫn có rất nhiều việc xoay quanh chương trình Đêm hoa đăng nói riêng và xây dựng, phát triển thị xã Quảng Trị về văn hóa, xã hội nói chung. Ví dụ như vẫn có nhiều ý kiến về đèn thả hoa đăng. Lãnh đạo thị xã tổ chức nhiều chuyến tham quan ở nhiều địa phương có cùng hình thức tổ chức như thế này để tìm hiểu cách làm của họ, đảm bảo vừa mang yếu tố tâm linh, phát triển du lịch nhưng cũng phải đảm bảo yếu tố về môi trường. Chúng tôi nói vui với nhau đó là đảm bảo không gian xanh cho cả người đang sống và người đã khuất”. Trong dự thảo văn kiện Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ VII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tập trung làm rõ và nhấn mạnh yếu tố xây dựng thị xã trở thành địa điểm tổ chức trang trọng, chu đáo, có thương hiệu các sự kiện chính trị, lịch sử, văn hóa, xã hội, hướng tới xây dựng thị xã trở thành đô thị Hòa bình. Huy động nguồn lực đầu tư khu quy hoạch “Trung tâm Thành Cổ và vùng phụ cận, Công viên Hòa bình”. Thực hiện Đề án phát triển các sản phẩm du lịch thị xã với điểm nhấn là khai thác có hiệu quả các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn và khu vực lân cận.
Ngày 29/5/2020, Văn phòng Chính phủ có công văn cho biết, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về việc tổ chức Festival với thông điệp Vì Hòa bình tại Quảng Trị. Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc, hướng dẫn UBND tỉnh Quảng Trị thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 - 8 - 2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội. Theo đó, Festival sẽ bao gồm nhiều hoạt động như: Hoạt động tưởng niệm, tri ân, tôn vinh ở Thành Cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Đường 9 và các Nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh như: Chương trình “Huyền thoại Trường Sơn”; thắp nến tri ân, Lễ hội hoa đăng trên sông Thạch Hãn…; Hoạt động cầu siêu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, các nạn nhân chiến tranh và cầu nguyện thế giới hòa bình, quốc thái dân an. Festival Vì Hòa bình được tổ chức với không gian mở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; trong đó thị xã Quảng Trị là một trong những không gian chính. Do đó, Thạch Hãn trở thành điểm nhấn chính, điểm chủ chốt cho toàn bộ hoạt động tâm linh, lễ hội và văn hóa của thị xã Quảng Trị.
“Để muôn đời đồng đội vẫn keo sơn / Ôi Thạch Hãn mộ chung các anh nằm lại / Tôi trở về viếng bạn giữa dòng sông” (Trên dòng Thạch Hãn - Hồ Quang Sơn). Khát vọng hòa bình của thế hệ hôm nay và mai sau cũng chính là nói lên tâm nguyện của hàng chục vạn anh linh liệt sĩ, các nạn nhân chiến tranh đang ở trong lòng đất mẹ Quảng Trị. Cao hơn sự chia cắt chính là nơi chứng kiến sự chia cắt và nơi đau đớn này của dân tộc cũng chính là nơi thể hiện cụ thể nhất, day dứt nhất khát vọng đoàn tụ, thống nhất trọn vẹn. Chính vì thế, trong bước đi sắp tới của thị xã Quảng Trị, cần chú trọng khai thác “tính thiêng” và thực hiện trùng tu, tôn tạo hệ thống di tích lịch sử chiến tranh ở Quảng Trị để phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của di tích đối với “Festival Vì Hòa bình”; nghiên cứu đầu tư xây dựng các biểu tượng về hòa bình nhằm xây dựng Quảng Trị thành một không gian văn hóa vì Hòa bình.
Anh Lê Phương Bắc cũng phác thảo lên một chương trình mới cho Đêm hoa đăng. Không chỉ là đến thả hoa, thả đèn nối nhịp tâm linh mà còn là trải nghiệm văn hóa độc đáo của Quảng Trị chính trên dòng Thạch Hãn. “Chúng tôi sẽ có những đội thuyền phục vụ nhu cầu quý khách muốn tìm hiểu về văn hóa Quảng Trị…” - Anh nhấn mạnh.
Tôi nghĩ, mỗi ngọn đèn thả xuống đây, những câu ca cất lên từ dòng sông này với tiếng du ca mang đầy âm sắc âm nhạc của Quảng Trị làm người ta hiểu hơn về giá trị của Hòa Bình. Mỗi người dân Quảng Trị hôm nay thấu hiểu sâu sắc nỗi đau thương, mất mát của chiến tranh, thấu hiểu giá trị vĩnh hằng của Hòa Bình. Nếu như chiến tranh chỉ gieo rắc cho con người những nỗi khổ đau thì hòa bình mang đến cho con người niềm vui và hạnh phúc.
Thạch Hãn hoàn toàn đủ sức trở thành những mùa trăng bến hẹn đắm say lòng người. Người bên kia trời và người bên đây có thể cùng giao cảm trên khúc sông ấy. Tôi đứng trên cầu nhìn xuống dòng Thạch Hãn chảy im im theo từng gợn trăng. Nơi ta đứng sẽ là mùa trăng bến hẹn…
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)