Gặp người Quảng Trị ở Cà Mau

Trần Đăng Mậu |

Không hẹn mà nên, trong chuyến công tác ở tỉnh Cà Mau, anh Trần Hiếu Hùng (nguyên quán Khu phố Thượng Viên, thị trấn Cam Lộ tỉnh Quảng Trị), Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh Cà Mau nói với đoàn Hội Nhà báo Quảng Trị rằng: Ngày mai trên đường về Đất Mũi, đoàn nên ghé Điểm dừng chân Tư Tỵ, chủ cơ sở là bà mẹ người Gio Linh - Quảng Trị để điểm tâm bát bánh canh cua, rất đậm đà hương vị quê hương.


Gặp bà mẹ Gio Linh

Theo đường Hồ Chí Minh, quãng đường từ TP. Cà Mau về Đất Mũi dài 120 km, xe chạy khoảng 90 phút là đến Điểm dừng chân Tư Tỵ (ấp Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) du khách sẽ đắm chìm trong một không gian xanh mướt, thơ mộng của vùng đất cuối trời cực Nam, nơi nhà văn Nguyễn Tuân từng ví như “Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” của Tổ quốc.

Bát bánh canh cua đậm đà hương vị quê hương -Ảnh: ĐĂNG MẬU​
Bát bánh canh cua đậm đà hương vị quê hương -Ảnh: ĐĂNG MẬU​

Xe vừa dừng trước sân, ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi là một ngôi nhà 3 gian thoáng mát, nền nhà được tôn cao nhờ có bậc tam cấp. Đây là sự khác biệt so với những nếp nhà ở vùng đất cuối trời Nam, mà chỉ có cư dân từ miền Trung vào lập nghiệp mới tạo dựng cho mình nét đặc trưng như ở chốn quê nhà. Bao quanh khuôn viên điểm dừng chân là những lều quán được lợp bằng những cánh dừa nước, sàn là những tấm ván được lát trên mặt nước, khiến khách ở xa đến có cảm giác dễ chịu sau những giờ vượt đường dài để đến đây thưởng thức món đặc sản bánh canh cua.

Bà Hoàng Thị Cầm (67 tuổi), nguyên quán thôn Hà Thượng, xã Gio Châu, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị rất vui vì được gặp người đồng hương cùng huyện - anh Nguyễn Quốc Hòa, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị. Với chất giọng Quảng Trị đặc sệt, bà Cầm cho biết, năm 1979, vợ chồng bà dắt 3 con nhỏ, theo người chú là ông Lê Văn Tưởng - cựu binh của Đoàn tàu không số (nguyên là đại úy trợ lý thông tin Trung đoàn 962, Quân khu 9) vào tận Đất Mũi lập nghiệp.

Để có điểm dừng chân Tư Tỵ, với một không gian thoáng mát, đậm chất thiên nhiên nơi cuối cùng của dãy đất hình chữ S thân yêu này, vào những năm đầu thập niên 80, thế kỷ XX, khi chưa có đường Hồ Chí Minh vào tận đây, gia đình bà Cầm đã phải mưu sinh, vật lộn với những vuông đất ngập nước quanh năm; nơi chỉ có những cây đước, cây mắm, cây bần nương theo phù sa màu mỡ mà phát triển. Phương tiện đi lại phụ thuộc vào cơn nước lớn, nước ròng mà sử dụng bằng xuồng chèo hay đi cầu khỉ. Ngôi nhà là những túp lều chênh vênh bốn mùa lộng gió, sống qua tháng ngày mà tránh nắng trốn mưa. Xa đất liền, xa trường học, những đứa con của bà Cầm đã phải đi mò cua, bắt ốc giữa mênh mông rừng đước để kiếm sống qua ngày.

Đầu năm 2016, một sự kiện làm thỏa lòng mong ước bấy lâu của người dân Cà Mau khi về Đất Mũi không còn phải chịu cảnh đò giang cách trở, là lễ thông xe đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi đã nối thông toàn tuyến đường bộ từ Pắc Bó (Cao Bằng) - điểm đầu đến Mũi Cà Mau - điểm cuối cùng của đất nước. Bà Cầm nhớ lại: Hơn 10 năm về trước, khi điểm cuối con đường vừa được phóng tuyến, tuy ở xa hơn 10 km nhưng gia đình tôi đã nắm lấy cơ hội, đặt chân đến chốn hoang vu “khỉ ho cò gáy” này, chọn cho mình những vuông đất phù hợp để cắm cột dựng nhà, sinh cơ lập nghiệp.

Bà Cầm cũng không quên giới thiệu với chúng tôi về người con trai thứ 4 chuyên chế biến những món đặc sản cho du khách là anh Lê Minh Tỵ (Tư Tỵ). Bà đã lấy tên con Tư Tỵ để đặt tên cho điểm dừng chân ở tận cuối trời cực Nam của Tổ quốc.

Bà Hoàng Thị Cầm trò chuyện với ông Nguyễn Quốc Hòa, đồng hương huyện Gio Linh -Ảnh: ĐĂNG MẬU​
Bà Hoàng Thị Cầm trò chuyện với ông Nguyễn Quốc Hòa, đồng hương huyện Gio Linh -Ảnh: ĐĂNG MẬU​

Điểm dừng chân Tư Tỵ

Nói về lý do đặt tên cho điểm dừng chân của mình, anh Tư Tỵ lý giải: “Đây là du lịch sinh thái, cộng đồng cho nên tôi muốn lấy một cái tên thật đậm chất dân dã để đặt tên cho cơ sở của mình. Tôi nghĩ mình sinh thứ 4, tên Tỵ thì đặt là Tư Tỵ cho dễ nhớ. Đơn giản thế thôi, để du khách phương xa sẽ nhớ đến mình mỗi khi đặt chân tới nơi đây”. Thật vậy, qua lần đầu tiếp xúc với anh Tư Tỵ - một con người mến khách, chân chất đậm nghĩa tình, ai gặp rồi chắc cũng lưu luyến và nhớ mãi.

Năm 2017, khi đường giao thông đã thông tuyến, thẳng tắp chạy giữa những tán rừng U Minh Hạ, thì Điểm dừng chân Tư Tỵ - điểm đến lý tưởng của du khách khi đến vùng đất cuối trời cực Nam của Tổ quốc cũng được hình thành, trở thành cơ sở kinh doanh các mặt hàng đặc sản về hải sản, ăn sáng, ăn trưa cùng dịch vụ trải nghiệm như bắt cua, săn cá thòi lòi, bắt ba khía, xổ vuông… rất thú vị.

Khi vừa bước xuống xe, tôi đã tranh thủ thu vào ống kính của mình khuôn hình “Điểm dừng chân Tư Tỵ” và tự nhủ, cái tên Tư Tỵ phải là một ông già cao niên, với dáng vóc tầm thước, mái tóc hoa râm. Vậy mà, khi bước chân vào gian chế biến, trước mặt tôi là một người đàn ông trung niên, tầm thước, bình dị, nụ cười luôn thường trực trên môi, bởi anh Tư Tỵ chỉ mới ngoài 45 tuổi.

Theo “kịch bản” đã phác thảo của Giám đốc Sở VH, TT và DL Cà Mau Trần Hiếu Hùng từ tối hôm trước là theo đường Hồ Chí Minh mà thẳng tiến, đi qua những địa danh nức tiếng một thời như Năm Căn, Ngọc Hiển, vượt qua những cánh rừng đước, rừng tràm, qua bao chiếc cầu được xây mới trên sông rạch đỏ ngầu phù sa để về Đất Mũi, đúng 7 giờ 30 phút, đoàn Hội Nhà báo Quảng Trị đặt chân đến Điểm dừng chân Tư Tỵ để điểm tâm sáng, mà theo anh Hùng chỉ có thể là món đặc sản bát bánh canh cua nức tiếng gần xa. Mỗi thành viên trong đoàn vừa điểm tâm, vừa được anh Tư Tỵ giới thiệu về bát bánh canh cua: “Cua phải là cua gạch chất lượng, đạt tiêu chuẩn được bắt tận vuông nuôi của điểm dừng chân Tư Tỵ, quý anh chị có thể nhâm nhi thêm với bánh phồng tôm làm bằng tôm tươi cùng với nguyên liệu bột, trứng vịt, gia vị đậm đà phù hợp với người miền Trung quê miềng”. Anh Tư Tỵ còn trải lòng mình với khách quê: “Những mặt hàng tôi bán đều là hàng tươi sống, chất lượng. Tôi luôn đặt chất lượng sản phẩm, sự hài lòng của thực khách lên hàng đầu, nhờ thế mà điểm dừng chân Tư Tỵ trở thành địa chỉ tin cậy của du khách”. Chỉ chừng ấy lời thuyết minh với đoàn cũng đã khiến anh bạn Trịnh Hoàng Nghiệp, cán bộ văn phòng Hội Nhà báo Cà Mau “ghen tỵ” rồi thốt lên: “Ôi, tôi cũng đã dẫn nhiều đoàn vào đây ăn sáng, ăn trưa rồi; hôm nay mới nghe anh Tư Tỵ giới thiệu với đoàn Quảng Trị về những món đặc sản cùng những sản phẩm du lịch chu đáo quá, thật thắm tình đồng hương”.

Du khách đến từ Quảng Trị trước quầy hàng bán các sản phẩm đặc sản Cà Mau -Ảnh: ĐĂNG MẬU​
Du khách đến từ Quảng Trị trước quầy hàng bán các sản phẩm đặc sản Cà Mau -Ảnh: ĐĂNG MẬU​

Điểm dừng chân Tư Tỵ có cơ sở hạ tầng khá đồng bộ, khép kín, thuận đường giao thông. Có bãi đậu xe, khu nhà hàng thủy tạ, cây xanh hệ sinh thái rừng ngập mặn, điểm bán các sản phẩm đặc sản Cà Mau như: Cá khô bổi, tôm khô, dưa bồn bồn, mật ong, chuối khô, bánh phồng tôm, cua Năm Căn, đũa đước Cà Mau… Tôi không quên mua cho mình mấy hộp đũa đước Cà Mau mang về làm kỷ niệm, để mai này cứ mỗi lần dùng đôi đũa đước, sẽ ấn tượng về một Cà Mau xa xôi, nghĩa tình. Đây cũng là một hình thức xúc tiến thương mại tại chỗ, chủ động phục vụ khách du lịch đến với Cà Mau của điểm dừng chân Tư Tỵ.

“Yêu thiên nhiên, mời ghé Điểm dừng chân Tư Tỵ” là lời mời gọi chân tình gửi tới quý du khách, để thưởng ngoạn với những món ăn dân dã, đậm đà hương vị thiên nhiên. “Nghe nói Cà Mau xa lắm…”, tuy xa mà gần, bởi trong đời mình, có ai đó muốn trải nghiệm, hãy làm chuyến hành trình trên đường thiên lý Bắc - Nam, để lưu lại những nét hồn quê ở vùng đất cuối trời của Tổ quốc yêu thương…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đakrông - xứ của đại bàng

Xuân Đức |

Đakrông (Quảng Trị), miệt đất nối liền mạch những vùng đồi bán sơn địa của Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong lên với núi rừng Trường Sơn hùng vĩ phía tây Quảng Trị. Trước ngày 17 tháng 2 năm 1996, địa danh Đakrông chỉ là tên một xã miền núi không hề có chút ấn tượng gì khác lạ để người khác chú ý. 

Nhớ mãi hình ảnh Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nơi vùng “rốn lũ” Hải Lăng năm ấy

Đào Tâm Thanh |

Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Lê Khả Phiêu, (sinh năm 1931), nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đã từ trần vào hồi 2 giờ 52 phút ngày 7 tháng 8 năm 2020 tại Hà Nội. Bài viết nhỏ này ghi lại những thời khắc hơn 20 năm về trước trong chuyến công tác của Tổng Bí thư tại Hải Lăng như nén tâm hương tưởng nhớ đồng chí Lê Khả Phiêu, người đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  

“Nguồn sáng” của người khiếm thị

Tây Long |

Suốt 25 năm thành lập, các thế hệ cán bộ Hội Người mù tỉnh đã tiếp nối nhau kiếm tìm, nhân lên những điển hình người khiếm thị. Việc làm nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa ấy đã tạo động lực cho nhiều hội viên vươn lên, bước ra từ bóng tối.

"Huyền thoại Thành Cổ Quảng Trị"

Xuân Dũng |

Trong những cuốn sách quý hiếm bây giờ có một ấn phẩm vào loại kỳ thư mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng, cao cả, đó là tác phẩm "Huyền thoại Thành Cổ Quảng Trị".