Nhớ mãi hình ảnh Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nơi vùng “rốn lũ” Hải Lăng năm ấy

Đào Tâm Thanh |

Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Lê Khả Phiêu, (sinh năm 1931), nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đã từ trần vào hồi 2 giờ 52 phút ngày 7 tháng 8 năm 2020 tại Hà Nội. Bài viết nhỏ này ghi lại những thời khắc hơn 20 năm về trước trong chuyến công tác của Tổng Bí thư tại Hải Lăng như nén tâm hương tưởng nhớ đồng chí Lê Khả Phiêu, người đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  

Khi hậu quả của cơn bão số 9 gây thiệt hại khá nặng nề trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chưa khắc phục xong thì trong suốt những ngày đầu tháng 11/1999, lũ lụt khốc liệt chưa từng có gần 100 năm trở lại đây đã hoành hành dữ dội dọc dãi đất miền Trung, kéo dài từ Quảng Bình đến Bình Định, trong đó Quảng Trị là một trong những vùng trọng điểm của thiên tai. Cơn đại hồng thủy cuối thế kỷ XX đã gây ra thảm họa đặc biệt nghiêm trọng đối với tính mạng con người, tài sản, phá hủy phần lớn thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị giành được trong mấy mươi năm qua.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (hàng đầu, thứ 2 từ phải sang) trò chuyện với cán bộ và Nhân dân xã Hải Hòa, Hải Lăng, ngày 14/11/1999. Ảnh: TL
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (hàng đầu, thứ 2 từ phải sang) trò chuyện với cán bộ và Nhân dân xã Hải Hòa, Hải Lăng, ngày 14/11/1999. Ảnh: TL

Trong mất mát, gian nan, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và đồng bào cả nước đã hướng về khúc ruột miền Trung yêu dấu, huy động tổng lực tinh thần và vật chất để góp phần chia sớt nỗi đau, san sẻ ngọt bùi, tiếp thêm nguồn động viên, hỗ trợ mạnh mẽ để dãi đất này tự tin vượt qua thiên tai, hồi sinh và đi lên cùng cả nước. 

Sinh thời, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn quan tâm và dành những tình cảm đặc biệt đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị. Vào cuối tháng 7/1998, Quảng Trị bị ảnh hưởng nặng bởi đợt hạn hán lịch sử, huyện Vĩnh Linh là địa bàn tâm điểm của hạn hán, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cùng đoàn công tác Trung ương đã đến thăm Vĩnh Linh. Hình ảnh Tổng Bí thư đầu trần, phăm phăm bước trên đồng ruộng xã Vĩnh Lâm nứt nẻ, qua vườn cao su Vĩnh Hòa xơ xác, lặng nhìn hồ La Ngà cạn khô không một giọt nước… đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với người dân Vĩnh Linh, người dân Quảng Trị. Đầu tháng 11/1999, Quảng Trị lại bị trận lũ lụt lịch sử tàn phá. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lại về thăm vùng “rốn lũ” Hải Lăng, chia sẻ và động viên người dân vươt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.​

Trong sổ tay công tác của tôi còn ghi rõ, ngay sau khi bỏ phiếu thực hiện quyền công dân tại một số đơn vị bầu cử TP. Hà Nội, vào sáng ngày 14/11/1999, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã lên đường thăm và khảo sát tình hình thiệt hại sau cơn lũ lớn tại các tỉnh miền Trung. 16 giờ cùng ngày, sau khi thăm tỉnh Thừa Thiên Huế, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đáp trực thăng xuống thị trấn Diên Sanh, lên ô tô, về thăm các xã vùng “rốn lũ” huyện Hải Lăng. Đến xã Hải Hòa, Tổng Bí thư xuống ngay thuyền máy, tìm về với dân.

Vẫn đầu trần, dép nhựa, bộ quần áo bình dị và phong thái khẩn trương của một cựu tướng lĩnh từng xông pha nơi tuyến đầu ở những chiến trường khốc liệt nhất trong các cuộc trường chinh cứu nước, Tổng Bí thư ghé thăm một điểm tiếp nhận hàng cứu trợ lũ lụt, lặng lẽ nhìn bà con nhận từ tay cán bộ xã một ít gạo, mì ăn liền với nỗi niềm cảm thông sâu sắc. Tổng Bí thư quay sang hỏi chị Nguyễn Thị Linh, ở thôn Phú Kinh, xã Hải Hòa:

- Đã nhận được gạo lần nào chưa?

- Dạ, cũng được vài lần.

- Nhà còn gì ăn không?

- Dạ, lũ lụt quá lớn, đồ đạc thóc gạo trong nhà trôi hết, chừ chỉ nhờ vào nguồn gạo cứu trợ…

Do quá bất ngờ, người phụ nữ chân chất này chưa biết mình đang trò chuyện và cảm nhận sự quan tâm sâu sắc của vị lãnh đạo cao nhất của Đảng ta. Khi vỡ lẽ, chị ôm bì gạo trong tay mà trào nước mắt.

Trong căn nhà nhỏ, thấp, nghe tin Tổng Bí thư đến thăm, cụ Nguyễn Thanh Tâm, bố của liệt sĩ đang bị bệnh, trở mình ngồi dậy, phấn chấn trong niềm vinh dự lớn. Cụ nắm chặt tay Tổng Bí thư, nghẹn ngào, xúc động khi nghe hỏi:

- Mấy ngày nước lũ ngập sâu, cụ ở đâu?

Cụ Tâm mau mắn: Nhà bị nước ngập trên mét hai nên tôi được bà con đưa lên ghe chuyển đến chỗ cao.

- Nhà cụ còn thóc ăn không?

- Thưa, còn chục thúng lúa đặt trên “tra”, may nước chưa lên tới nên cũng còn cái ăn.

Cầm món quà Tổng Bí thư tặng, cụ Tâm thành kính đặt lên bàn thờ, nơi trang trọng, cao ráo nhất và thắp một nén hương. Mắt cụ ngấn lệ.

Giữa đông đảo người dân tụ hội lại từ những ngả làng, Tổng Bí thư ân cần đặt tay lên vai anh Phạm Ngọc Ái, Bí thư Chi bộ thôn Phú Kinh. Đợt lũ vừa qua, anh Ái đã chấp nhận gạt 7 tấn lúa xuống dòng nước bạc, lấy chỗ trên tầng hai nhà mình để đưa hàng chục hộ dân trong làng lên trú lũ. Khi được hỏi: “Vì sao làm được như vậy?”, anh Phạm Ngọc Ái đứng nghiêm, thưa với Tổng Bí thư: “Tôi là một đảng viên, một bí thư chi bộ. Trước khi vào Đảng, tôi đã tự nguyện viết đơn, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đảng viên, phải biết hy sinh quyền lợi cá nhân của mình vì lợi ích của dân, của Đảng…”.

Tổng Bí thư chân thành ướm hỏi:“Nhưng lúa mất hết, lấy gì mà ăn?”

- Thưa, trong lúc thiên tai, tôi xác định bằng mọi cách phải cứu cho được con người trước đã. Con người làm ra của cải vật chất, còn người thì còn của - Anh Ái trả lời, giọng chắc nịch.

Tổng Bí thư ôn tồn hỏi thăm việc xử lý môi trường nơi ăn, ở, sinh hoạt cho hàng chục người dân nơi căn gác hai chật hẹp của nhà anh Ái trong suốt những ngày mưa lũ dữ dội. Quay sang các đồng chí cùng đi, Tổng Bí thư nói: “Chúng ta đã được thấy rõ ràng rằng, những đảng viên của chúng ta trong lúc nguy nan nhất đã nghĩ về dân, lo cho dân trước hết. Nếu bảo vệ được dân thì cũng chính là bảo vệ được mình, bảo vệ Đảng. Qua cuộc thử thách với với lũ lụt lần này, dân càng tin Đảng và Đảng càng khăng khít với dân hơn. Dân quý trọng Đảng và Đảng càng thấy trách nhiệm nặng nề trước dân. Như đồng chí Ái đây là môt tấm gương thể hiện sự tận tụy hết mình vì dân. Người đảng viên như thế là rất xứng đáng. Tôi mong toàn thể đảng viên của Đảng chúng ta ngày càng có nhiều những hành động cao đẹp như vậy…”.

Tổng Bí thư hướng về bà con, khẳng định: “Nhân dân ta cũng hết sức cưu mang nhau. Nếu không có tình tương thân, tương ái, đùm bọc yêu thương nhau, chia sẻ khó khăn, hoạn nạn cùng nhau thì Nhà nước cũng không có cách gì để giúp dân một cách bao quát, hiệu quả được. Lũ lụt xảy ra trên diện rộng, chia cắt địa bàn rất phức tạp nhưng nhờ dân biết tự cứu nhau, với sự hỗ trợ tối đa của Trung ương, tỉnh, huyện và chính quyền cơ sở nên đã hạn chế một phần thiệt hại do thiên tai gây ra…”.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo xã Hải Hòa ngay trên mặt sân còn lấp đầy bùn non, Tổng Bí thư căn dặn: “Trước mắt, chính quyền địa phương phải ưu tiên cứu đói cho dân, giúp dân khôi phục lại nhà cửa, xử lý môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh, có phương án tổ chức sản xuất thật tốt để ổn định đời sống Nhân dân. Trong điều kiện hiện tại, khả năng khắc phục được như vậy là rất cố gắng. Một điều cần chú ý là trong cấp phát hàng cứu trợ phải đến tận tay người dân. Phải quản lý và phân phối hàng cứu trợ một cách tốt nhất, đừng để có một sơ suất dù nhỏ xảy ra…”.

Rời Hải Hòa khi màn đêm buông xuống, người dân hai bên đường vẫn nán lại rất lâu vẫy tay chào và như muốn lưu lại hình ảnh bình dị của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đến với quê hương họ trong khó khăn chồng chất sau thiên tai khốc liệt. Ngoài kia, sông Ô Lâu qua cơn cuồng nộ đang chảy lặng lờ, bình yên giữa nhịp tháng ngày. Nghe tiếng ai hò dô dựng lại ngôi nhà mới, tôi biết cuộc sống đang hối hả hồi sinh từ sau khốn khó, như thêm một ngôi nhà tinh khôi nữa, sáng mai lên chờ đón mặt trời…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Mở lối đến thành công

Trương Quang Hiệp |

Rời ghế nhà trường ở tuổi còn bồng bột, nhiều người cho rằng, anh Phan Quốc Thịnh (sinh năm 1985), hiện trú tại phường Đông Lương, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã khóa trái cánh cửa tương lai. Ít ai ngờ, với niềm đam mê và sự nỗ lực không ngừng, anh Thịnh đã tự mở lối đến thành công, sản xuất ra những chiếc máy có giá trị hàng trăm triệu đồng, được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Võ Văn Hoa phiêu bồng với cỏ phiêu bồng

Phạm Xuân Dũng |

“Cỏ phiêu bồng”* là tập thơ thứ tư của nhà thơ Võ Văn Hoa. Kể từ thuở hoa niên tập tành cầm bút đến nay cũng đã gần nửa thế kỷ gắn bó với thi ca. Mặc dù nghệ thuật không cứ phải câu thúc chuyện thâm niên dài ngắn, song để đi hết con đường đã chọn cũng phải là người tình chung thủy với Nàng Thơ. Vì phải là người vượt qua được những eo sèo cơm áo, những gập gềnh nhân sinh và cả những nổi chìm thế sự mới có thể thăng hoa, chưa kể phải vượt qua chính bản thân mình; một cửa ải xưa nay luôn thử thách các anh hùng và thi nhân. Thân tâm không nhẹ thì luận chi được chuyện phiêu bồng.

Nguyễn Hoàn: Ký giả và văn nhân

Phạm Xuân Dũng |

Nhà báo Nguyễn Hoàn vốn là một sinh viên văn khoa học hành cần mẫn, giỏi giang được giữ lại trường làm giảng viên đại học. Nếu anh không muốn xê dịch chắc chúng ta sẽ có thêm một nhà khoa học đầy đủ học hàm, học vị, nghiên cứu phê bình văn chương đúng nghĩa. Nhưng nghề báo và quê hương đã vẫy gọi anh về làm ký giả.

25 năm Việt Nam-Hoa Kỳ: Những người hồi sinh vùng ''đất chết''

Nguyên Lý |

Tại Quảng Trị - vùng đất khói lửa chiến tranh - có những con người bao năm qua vẫn đang cần mẫn thực hiện công việc thầm lặng mà vô cùng nguy hiểm: rà phá bom mìn để hồi sinh những "vùng đất chết."