Mở lối đến thành công

Trương Quang Hiệp |

Rời ghế nhà trường ở tuổi còn bồng bột, nhiều người cho rằng, anh Phan Quốc Thịnh (sinh năm 1985), hiện trú tại phường Đông Lương, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã khóa trái cánh cửa tương lai. Ít ai ngờ, với niềm đam mê và sự nỗ lực không ngừng, anh Thịnh đã tự mở lối đến thành công, sản xuất ra những chiếc máy có giá trị hàng trăm triệu đồng, được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Bước ngoặt cuộc đời

Những ngày hè, xưởng sản xuất của Công ty TNHH Quốc Thịnh nhộn nhịp khách vào ra. Nhiều người dân tìm đến anh Phan Quốc Thịnh, tin tưởng đặt mua những chiếc máy làm đá viên trị giá hàng trăm triệu đồng. Ngồi ở ghế chờ, một khách hàng đứng tuổi chia sẻ với chúng tôi, trước kia, ông từng đặt mua một chiếc máy làm đá viên ở ngoài Bắc. Tuy nhiên, sử dụng một thời gian ngắn, chiếc máy hư hỏng khiến việc sản xuất bị gián đoạn. Sau nhiều lần xoay xở, cuối cùng, nghe lời giới thiệu của một người quen, ông liền tìm đến anh Thịnh để nhờ sửa chữa, thay mới một số bộ phận. Nhờ thế, chiếc máy tưởng chừng bỏ đi đã hoạt động hiệu quả hơn. Việc làm ăn của gia đình ông từ ấy cũng trở nên thuận lợi. Đó là động lực thôi thúc ông chủ cơ sở sản xuất đá viên đặt mua thêm một chiếc máy ở anh Thịnh. “Thanh niên Quảng Trị thật giỏi, làm ra cả chiếc máy trị giá hàng trăm triệu đồng, hiệu quả sản xuất lại cao”, vị khách khen ngợi.

Công việc tuy vất vả nhưng mang lại nhiều điều ý nghĩa trong cuộc sống của anh Thịnh. Ảnh: Q.H
Công việc tuy vất vả nhưng mang lại nhiều điều ý nghĩa trong cuộc sống của anh Thịnh. Ảnh: Q.H

Quanh năm miệt mài chế tạo, anh Phan Quốc Thịnh chưa tập trung nhiều đến khâu quảng bá sản phẩm mình làm ra. Vậy mà, truyền tai nhau, khách hàng đến với anh khá đông. Lần đầu gặp mặt, ai cũng ngạc nhiên khi người làm ra chiếc máy sản xuất đá viên có giá hàng trăm triệu đồng lại là một chàng trai chỉ mới 35 tuổi. Sự ngạc nhiên nhân đôi khi họ biết về con đường khởi nghiệp không bằng phẳng của ông chủ trẻ. Anh Phan Quốc Thịnh sinh ra và lớn lên ở Bình Phước, nơi ba mẹ anh chọn để lập nghiệp sau ngày rời Quảng Trị. Mẹ là giáo viên mầm non, bố làm kế toán, chỉ có hai người con nên mọi kỳ vọng bố mẹ đều đặt cả vào anh Thịnh. Từ bé, những thiết bị điện đã có một sức hút đặc biệt với anh. Lên 5 tuổi, anh Thịnh đã lượm lặt, lắp ráp từng chiếc mô tơ, con vít… làm đồ chơi.

Điều khiến bố mẹ anh lo lắng là ngoài Vật lý, những môn học khác ở trường không mấy thu hút con trai anh. Ngoài gặp gỡ, giao lưu bạn bè, niềm vui lớn nhất của anh là mày mò, tìm hiểu các thiết bị điện. Năm lớp 10, anh Thịnh ngừng việc đèn sách, chuyển hướng sang học nghề. Bước rẽ ấy là cú sốc lớn đối với bố mẹ anh. Đi lên từ sách vở, ông bà hiểu, đây là con đường bằng phẳng, thuận lợi cho người trẻ tiến vào đời. Hơn nữa, bố mẹ anh Thịnh sợ con trai dễ trượt ngã ở cái tuổi còn sốc nổi, bồng bột. Sau nhiều lần bàn tính, biết không thể ép con, ba mẹ gửi anh ra Huế học nghề. Điều khiến ông bà không ngờ là việc học thứ mình thích khiến con trai chuyển biến theo hướng tích cực. Chỉ một năm sau ngày học nghề, anh Thịnh đã “tốt nghiệp” với nhiều lời khen. 18 tuổi, anh tự kiếm ra tiền và sản xuất được chiếc máy đầu tiên dùng để làm giá đỗ. 20 tuổi, anh Thịnh mở công ty riêng trong sự ngạc nhiên của nhiều người.

Thương trường đúng là một “trận chiến” đối với chàng trai chưa có nhiều kinh nghiệm. Thế nhưng, mọi sóng gió không ngăn được bước chân anh Phan Quốc Thịnh. Công ty chuyên sửa chữa, mua bán thiết bị cơ điện của anh ngày càng ăn nên làm ra. Chàng trai tuổi đôi mươi tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động. Việc làm ăn đang trên đà tiến tới, anh Thịnh lại có một quyết định táo bạo là “lấn sân” sang ngành gỗ. Trên nẻo đường làm ăn, cơ duyên đưa anh về quê cũ. Thấy nhiều người dân ở đây “ôm nợ” vì lỡ mua máy làm đá viên không rõ nguồn gốc, chất lượng, anh quyết định khâu nối bà con với những cơ sở sản xuất uy tín. Trong thời gian làm trung gian, anh Thịnh mày mò, tìm hiểu, quyết tâm sản xuất máy làm đá viên.

Về quê lập nghiệp

Nếm đủ mùi vị của cuộc đời, ở tuổi 33, mong muốn lập nghiệp ở quê cha, đất tổ trào dâng trong anh Phan Quốc Thịnh. Năm 2018, dồn toàn bộ tiền, anh Thịnh về quê thuê đất xây dựng nhà xưởng sản xuất máy làm đá viên. Đây là quyết định liều lĩnh của anh Thịnh bởi bấy giờ anh vẫn chưa sản xuất được chiếc máy nào. May mắn mĩm cười khi có người quen đặt anh làm một chiếc máy sản xuất đá viên đúng vào thời điểm nhà xưởng gần hoàn thiện. Ứng tiền từ khách, anh Thịnh mua máy móc, thiết bị về rồi vùi đầu vào mày mò, chế tạo. Sau khoảng 1 tháng trời, anh Thịnh vui như con trẻ khi chiếc máy hoàn thành, được khách hàng đánh giá cao. Từ lần “vượt rào” ấy, anh rút ra nhiều kinh nghiệm, sản xuất nên những chiếc máy ngày càng hiện đại, đẹp mắt, hoạt động hiệu quả.

Anh Phan Quốc Thịnh tận tình chỉ bảo cho những thanh niên mới học nghề. Ảnh: Q.H
Anh Phan Quốc Thịnh tận tình chỉ bảo cho những thanh niên mới học nghề. Ảnh: Q.H

Từ lúc theo đuổi ngành nghề mới, anh Phan Quốc Thịnh đã xác định, công việc của mình không “đãi” người lười lao động. Trong gần một tháng trời chế tạo một chiếc máy, anh và 4, 5 người thợ phải làm việc không ngừng nghỉ. Mỗi công đoạn từ tiện, hàn ghép, bắt điện, lắp ghép hệ thống động cơ… đến “làm đẹp” đều đòi hỏi người thợ phải cẩn thận từng chi tiết. Hiểu đặc thù của công việc, anh luôn quán triệt nhân viên tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn lao động bởi tai nạn có thể xảy ra chỉ vì một chút bất cẩn.

Vất vả nhiều nên niềm vui lớn nhất của anh Phan Quốc Thịnh là những chiếc máy sản xuất đá viên hoàn thành, được khách hàng hài lòng. Hiện tại, anh Thịnh và nhân viên trong công ty đã chế tạo thành công ba loại máy sản xuất đá viên. Tùy theo lượng đá sản xuất được trong ngày mà mỗi máy có một giá thành khác nhau. Loại sản xuất 5 tấn đá/ngày có giá 350 triệu đồng; loại sản xuất 10 tấn đá/ngày có giá 510 triệu đồng, còn loại sản xuất 20 tấn đá/ngày có giá 920 triệu đồng. Sản phẩm của anh Thịnh giờ đây đã đến với hàng chục khách hàng trong và ngoài tỉnh. Mua máy sản xuất đá viên của anh Thịnh, khách hàng không chỉ hài lòng về chất lượng, mẫu mã, giá cả… mà còn yên tâm về chế độ bảo hành. Hễ rảnh rỗi, anh Thịnh lại thu xếp đến các cơ sở sản xuất mua máy của mình để kiểm tra, sửa chữa khi cần thiết. Cũng nhờ thế, khách hàng gửi gắm sự tin tưởng cho ông chủ trẻ ngày càng đông. Việc sản xuất thuận lợi giúp anh Thịnh có điều kiện mua các loại máy móc, thiết bị hiện đại; sắm xe; dạy nghề, tạo việc làm cho nhiều lao động nghèo… Em Nguyễn Hữu Quý, trú tại xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, cho biết: “Em xin vào học nghề ở công ty của anh Thịnh từ năm 2019. Không chỉ được chỉ dẫn tận tình, em còn được anh Thịnh trả lương và xem như người thân trong gia đình”.

Cách đây không lâu, anh Phan Quốc Thịnh đón một cán bộ Sở Công thương đến tìm hiểu chiếc máy làm đá viên. Thấy máy hoạt động hiệu quả, vị khách liền động viên anh tham gia chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Khi làm hồ sơ, rồi gửi lên hội đồng, anh Thịnh chỉ mong sản phẩm mình làm ra được nhiều người biết hơn. Vì thế, tin máy sản xuất đá viên của công ty được Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh lần thứ 5, năm 2020 lựa chọn và trao giải Nhất khiến anh Thịnh vỡ òa. “Lâu nay, tôi chỉ biết sản xuất, kinh doanh, chưa bao giờ nghĩ đến chuyện thi thố. Thật không ngờ ngay cuộc thi đầu tiên, tôi đã đoạt giải Nhất. Đây là niềm hạnh phúc quá lớn đối với tôi”, anh Thịnh chia sẻ.

Anh Phan Quốc Thịnh trao đổi kinh nghiệm với các nhân viên. Ảnh: Q.H
Anh Phan Quốc Thịnh trao đổi kinh nghiệm với các nhân viên. Ảnh: Q.H

Giải Nhất do Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh công nhận, cùng sự tin tưởng của khách hàng chính là động lực to lớn thôi thúc anh Phan Quốc Thịnh nỗ lực nhiều hơn. Hiện nay, anh đang tập trung cải tiến máy móc; sản xuất thêm các loại máy khác; chú trọng quảng bá sản phẩm… Chuỗi ngày trưởng thành từ gian khó giúp anh Thịnh nhận thức sâu sắc rằng, chiếc chìa khóa mở cánh cửa thành công chính là quyết tâm, niềm đam mê, sự nỗ lực. Vì thế, anh tự nhủ sẽ tiếp tục vươn tới, khai mở những lối đi cho riêng mình.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Văn nhân Lê Đức Dục

Phạm Xuân Dũng |

Lê Đức Dục là một trong những nhà báo năng động, xông xáo của báo Tuổi Trẻ, giành được nhiều giải thưởng báo chí quan trọng.

Nguyễn Hoàn: Ký giả và văn nhân

Phạm Xuân Dũng |

Nhà báo Nguyễn Hoàn vốn là một sinh viên văn khoa học hành cần mẫn, giỏi giang được giữ lại trường làm giảng viên đại học. Nếu anh không muốn xê dịch chắc chúng ta sẽ có thêm một nhà khoa học đầy đủ học hàm, học vị, nghiên cứu phê bình văn chương đúng nghĩa. Nhưng nghề báo và quê hương đã vẫy gọi anh về làm ký giả.

Biên viễn miền Tây

Phạm Xuân Dũng |

Bên cạnh Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, ở Quảng Trị có thêm cửa khẩu quốc tế thứ hai là La Lay, một vùng biên viễn phên dậu trọng yếu miền tây của Tổ quốc vẫn đêm ngày bình yên giữa đại ngàn. La Lay là một thôn bản đồng bào dân tộc Pa Kô thuộc xã A Ngo, huyện Đakrông (Quảng Trị), cách Đông Hà khoảng 120 cây số. Tên cửa khẩu quốc tế cũng lấy từ tên bản.

Phóng sự ảnh: Đông Hà ngày mới

Trần Tuyền |

Đông Hà - thành phố tỉnh lỵ của Quảng Trị - ngày càng “thay da đổi thịt”, tràn đầy sức sống. Từ bộn bề khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP. Đông Hà chung sức, đồng lòng dựng xây nên thành phố xanh - sạch - đẹp như bây giờ.