Võ Văn Hoa phiêu bồng với cỏ phiêu bồng

Phạm Xuân Dũng |

“Cỏ phiêu bồng”* là tập thơ thứ tư của nhà thơ Võ Văn Hoa. Kể từ thuở hoa niên tập tành cầm bút đến nay cũng đã gần nửa thế kỷ gắn bó với thi ca. Mặc dù nghệ thuật không cứ phải câu thúc chuyện thâm niên dài ngắn, song để đi hết con đường đã chọn cũng phải là người tình chung thủy với Nàng Thơ. Vì phải là người vượt qua được những eo sèo cơm áo, những gập gềnh nhân sinh và cả những nổi chìm thế sự mới có thể thăng hoa, chưa kể phải vượt qua chính bản thân mình; một cửa ải xưa nay luôn thử thách các anh hùng và thi nhân. Thân tâm không nhẹ thì luận chi được chuyện phiêu bồng.

Tôi có cơ duyên dõi theo đường thơ thi sĩ Võ Văn Hoa nên cũng lấy làm vui mừng khi thức nhận thêm một điều rằng đây là tập thơ vừa khả thủ lại vừa khả biến. Bên cạnh diện mạo thi nhân đa cảm, nặng lòng với quê nhà và tha nhân là những tìm tòi mới về thi pháp thể hiện, đặc biệt là sự tiết chế cần thiết để đạt đến sự hàm ngôn, ý tại ngôn ngoại và thay đổi cấu trúc thơ quen thuộc nhằm hướng tới những bứt phá ấn tượng. Thơ anh, vì vậy từ hướng ngoại và đối thoại là ưu thế đã có thêm xu thế hướng nội và nhiều khi như là độc thoại, khiến cái tôi trữ tình của thi nhân thêm phong phú, nhiều cung bậc và góc cạnh. Để đạt được điều này trong thơ tất nhiên không dễ, nhất là với một người quảng giao và trải rộng lòng mình yêu mến nhân gian như Võ Văn Hoa. Nghĩa là cần phải có thêm người thơ thứ hai ngay trong anh, biết cách phân thân giữa cõi hồng trần.

 

Có một Võ Văn Hoa luôn thương nguồn nhớ cội. Bạn đọc nhớ tới anh như nhớ về những bức tranh quê quen thuộc hiện lên trong thơ và ám ảnh lâu nay về một người-thơ-tự-tình-thôn-dã: “Còn ngôi đình chứng tích với thời gian/Cây sanh cổ kể bao điều kỳ tích/ Người ở dưới noốc lên/Người từ miền trên lại/Chợ gạo cá, bốn mùa hoa trái/Cứ vây quanh khu chợ thập thành”.

Tác giả tự hóa thân mình thành chợ, đây là mô tipthường thấy trong folklore (văn hóa dân gian), nhất là truyện cổ tích được nhà thơ vận dụng khá nhuần nhuyễn trong sáng tác thi ca và đem lại những hiệu ứng mỹ cảm thuận chiều. “Tôi như người cổ sơ/Đi chân đất đầu trần qua chợ/Thấy tráng sĩ dừng ngựa/Thấy nho sinh ghé trạm dừng chân/Cho hành trình vượt cây đa vào kinh ứng thí”.

Khi thực tại kéo người thơ từ hoài niệm trở về thì cũng là lúc thơ bật mầm xanh nuối tiếc: “Chợ Diên Sanh hôm nay/Người qua chợ có vô tình như thể/Tôi xót đắng-cây Sanh chiều tuổi xế/Như lãng quên năm tháng ở quanh mình”.

Đồng dạng trong cung bậc cảm xúc và bút pháp thể hiện với bài thơ này là những thi phẩm như: “Đầm Chuồn”, “Phố giờ xanh trở lại” hoặc đắm đuối quê nhà nhưng cách lập ngôn đã có phần lạ hơn như trong “Bức tranh gà”...Nhưng tập thơ này không chỉ là ngần ấy, dù rằng như vậy cũng đủ làm nên một Võ Văn Hoa thi sĩ. Đã có sự chuyển động muốn vượt thoát ra khỏi cám dỗ của thói quen dịu ngọt để từng bước tự làm mới mình. Hình như cảm quan nghệ thuật này đã vận vào ngay từ tên bài thơ như “Tầm nhìn” chẳng hạn. Những con số thi ca hiện lên trong sáng tác mang bóng dáng của phép đếm khải huyền, truyền đi những tín hiệu/ chỉ dấu tâm linh: “54 dân tộc/63 tỉnh thành/Đền Hạ lên Đền Trung/18 đời Vua Hùng/Những con số 9 biết nói/ Những con số thăng hoa”...

Những thi phẩm ngắn trong đó có thơ bốn câu của Võ Văn Hoa trong tập thơ này cũng có nét duyên thơ riêng có khi như ký họa thơ xinh xắn, có khi như thể phút chốc chợt nghĩ qua đường nhưng không trôi tuột qua trong cảm xúc người đọc. Một tứ tuyệt dung dị mang tên chữ của tập thơ “Như phiêu bồng thảo”, tên một loài cỏ thi vị: “Chẳng cần kích hoạt thơ bật tứ/ Vành đai châu thổ biếc lên ngôi/Ta cứ thâm canh đồng ruộng chữ/Như phiêu bồng thảo lặng lờ trôi”.

Hay có khi cũng ý tứ lục bát nền nã nhưng đột nhiên lại phá cách khi biến thể sáu/tám trong câu đầu và câu cuối cũng là một điểm nhấn mà người viết dành cho người đọc một bất ngờ thú vị: “Dừng lâu trong rừng khộp già/Nhìn cây hóa thạch nhìn ta hóa người/Nhìn hóa công nói bao lời/Oằn mình cây Mường Phìn ơi... Mường Phìn!”.

Cũng viết về dấu xưa hoài niệm khi nhớ về vương quốc Chăm Pa nhưng “Dấu Tháp” là một cách thể nghiệm mới. Bài thơ kiệm ngôn, chưa đến bốn mươi chữ. Bố cục chặt, câu ngắn và rất ngắn dồn nén hình ảnh và cảm xúc , cách xuống hàng đầy dụng ý gây ấn tượng đã làm cho bài thơ có dáng vẻ riêng, đập mạnh vào tri giác, tạo nên một mỹ cảm mới, một trường liên tưởng lạ trong thi pháp biểu hiện, cả sự sắp đặt của nghệ thuật thị giác khi trình bày bài thơ trên mặt giấy, cộng hưởng cảm thụ giữa tai và mắt. Theo tôi, đây là bài thơ thành công thể hiện bút lực và nỗ lực làm mới mình của thi sĩ Võ Văn Hoa.

Còn lại huyền tích

Tháp Po Klong Garai

Tháp lửa!

Đồi Trầu...

Người canh cửa

Về đâu?

Tôi chìm trong màn sương vỏ đục

Dấu tháp đến lạ kỳ

Người đời sau

Shihavanman

Huyền Trân

Mưa

Nghiêng

Tháp cổ...

Người thơ thì có đứng lâu một chỗ, thậm chí hóa thạch nhưng còn thơ phải luôn vận động, phải cựa quậy, sinh sắc và tiến về phía trước. Không phải theo kiểu cơ học mà theo hành trình riêng biệt và sinh động của thi ca. Nhà thơ Võ Văn Hoa đã không dừng lại mà vẫn tiếp tục đi, vẫn đồng hành cùng Nàng Thơ có lẽ cho đến lúc da mồi tóc bạc. Một sóng đôi như thế thì thơ luôn trẻ lại và tươi mới. Và người thơ đôi lúc có thể như một lão ngoan đồng gần gụi mà hấp dẫn. Nếu không thế thì làm sao có thể thăng hoa Võ Văn Hoa, phiêu bồng theo cỏ phiêu bồng kia chứ!

*Tập thơ “Cỏ phiêu bồng” của Võ Văn Hoa, NXB Hội Nhà văn, 2020

TAGS

Hình ảnh những người nông dân Việt Nam trồng rau trên đất Nga

PV |

Khu vực quân Ramen là nơi tập trung khá nhiều người Việt trồng trọt, làm nông nghiệp. Những người Việt trồng rau nơi đây hầu hết đều không có đủ giấy tờ hợp pháp.

Nhà cách mạng Hồ Xuân Lưu: Một con người, hai tên đường

Phạm Xuân Dũng |

Đây là sự lạ, trường hợp đặc biệt hi hữu của một nhà cách mạng Việt Nam. Nhân bài viết này, chúng tôi cũng muốn chuyển tải một số thông tin với nhiều người vẫn còn mới mẻ. Đó là những câu chuyện liên quan đến chiến sĩ cộng sản Hồ Xuân Lưu (Trần Quốc Thảo) quê Quảng Trị.

Nhà văn Xuân Đức - Người đi xa khuất, bóng hình còn đây…

Đào Tâm Thanh |

Đối với miền đất Quảng Trị, trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến hôm nay, nhà văn Xuân Đức là một nhân vật rất đặc biệt. Với tư cách là một người lính, ông thuộc thế hệ “tài hoa ra trận”, bám trụ kiên cường trên quê hương mình để đánh giặc, giữ đất, giữ làng. Từ cuộc sống, chiến đấu sôi động và thấm đẫm chất anh hùng ca, ông trở thành nhà văn, nhà viết kịch, nhà biên kịch lừng danh của đất nước. Và chất tài hoa này càng mặn mà hơn, thăng hoa hơn trong suốt những năm ông đảm trách cương vị người đứng đầu ngành văn hóa - thông tin tỉnh Quảng Trị. Ngay cả khi về hưu, chọn một góc nhỏ nơi miền chân sóng quê nhà để thư thái sớm hôm trồng rau hoa, nhớ lại, suy nghĩ và sáng tạo, chất tài hoa vẫn vận vào ông để tiếp tục sinh thành những tác phẩm ngày càng đi vào độ chín hơn, đẳng cấp hơn…

Bác sỹ Việt Nam với những kỳ tích cứu chữa bệnh nhân COVID-19

PV |

Thời gian qua, sự hồi sinh của bệnh nhân 19 và bệnh nhân 91 được coi là những kỳ tích chứng minh cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ y bác sỹ Việt Nam.