Đối với miền đất Quảng Trị, trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến hôm nay, nhà văn Xuân Đức là một nhân vật rất đặc biệt. Với tư cách là một người lính, ông thuộc thế hệ “tài hoa ra trận”, bám trụ kiên cường trên quê hương mình để đánh giặc, giữ đất, giữ làng. Từ cuộc sống, chiến đấu sôi động và thấm đẫm chất anh hùng ca, ông trở thành nhà văn, nhà viết kịch, nhà biên kịch lừng danh của đất nước. Và chất tài hoa này càng mặn mà hơn, thăng hoa hơn trong suốt những năm ông đảm trách cương vị người đứng đầu ngành văn hóa - thông tin tỉnh Quảng Trị. Ngay cả khi về hưu, chọn một góc nhỏ nơi miền chân sóng quê nhà để thư thái sớm hôm trồng rau hoa, nhớ lại, suy nghĩ và sáng tạo, chất tài hoa vẫn vận vào ông để tiếp tục sinh thành những tác phẩm ngày càng đi vào độ chín hơn, đẳng cấp hơn…
Hơn nửa thế kỷ trước, vào năm 1965, chàng trai trẻ Xuân Đức trong đội hình những học sinh cuối khóa của Trường cấp ba Vĩnh Linh bổ sung vào Tiểu đoàn 47 bộ đội địa phương Vĩnh Linh vượt vĩ tuyến 17 chi viện cho chiến trường Quảng Trị. Sống và chiến đấu trên quê hương với trùng trùng gian khổ, hy sinh, Xuân Đức tự mình cảm nhận được, để vượt lên tất cả, đồng đội luôn phải giữ được sự lạc quan và niềm tin sắt son vào thắng lợi cuối cùng. Với năng khiếu thiên bẩm, sự sắc nhạy của một tư duy văn chương hiếm có, những mẩu tấu, vè, những món ăn tinh thần đậm chất lính luôn được Xuân Đức sáng tác và “xuất khẩu” ngay nơi trận địa, trên đường hành quân ngày ấy đã đưa Xuân Đức dần đến với nghề văn, nghiệp văn.
Trong bút ký: “Chiến tranh - Đời lính và những trang văn đầu tiên” đăng trên Tạp chí Cửa Việt, Xuân Đức kể lại: “… Thế là từ hôm đó, tôi được nghỉ hẳn nhiệm vụ đào giao thông hào để tập văn nghệ. Sau khi tập xong màn hoạt cảnh “Đường hào diệt Mỹ”, tôi viết tiếp một vở kịch ngắn cũng bằng dân ca, lại tiếp tục tập. Chương trình văn nghệ của Đại đội 2 đạt giải Nhất hội diễn tiểu đoàn. Sau đó, tiểu đoàn chọn Đại đội 2 đại diện đi dự hội diễn toàn Bộ Tư lệnh. Chương trình của Tiểu đoàn 47 cũng đạt giải Nhất. Sau đợt hội diễn ấy, Bộ Tư lệnh Vĩnh Linh quyết định thành lập một đội Tuyên truyền văn hóa, gọi tắt là đội Tuyên Văn. Việc ra đời đội Tuyên Văn không phải sáng kiến riêng của Bộ Tư lệnh Vĩnh Linh. Vào thời kỳ ấy, hầu như tất cả các tỉnh đội trên tuyến lửa Quân khu 4 đều thành lập đội Tuyên Văn.
Nhà văn Xuân Đức tên thật là Nguyễn Xuân Đức, sinh năm 1947 tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị; trú quán tại Khu phố 5, Phường 1, thành phố Đông Hà; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; nguyên Giám đốc Sở Văn hóa- Thông tin, nguyên Tổng Thư ký Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cửa Việt, Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng. Ông sáng tác và đóng góp chủ yếu ở lĩnh vực tiểu thuyết, kế đó là kịch nói. Ông đã giành nhiều giải thưởng văn học Trung ương và địa phương. Một số tác phẩm chính của ông như: “Cửa gió” (hai tập, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 1982), “ Người không mang họ” (giải thưởng Vì an ninh Tổ quốc của Bộ Nội vụ, 1983), “Tượng đồng đen một chân” (1987), “Bến đò xưa lặng lẽ” (Giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 2002-2004)... Ông được trao tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho ba tác phẩm: “Cửa gió”, “Người không mang họ” và “Tượng đồng đen một chân”. Sau một tai nạn bất ngờ, nhà văn Xuân Đức đã tạ thế vào lúc 21 giờ ngày 20/6/2020, hưởng thọ 75 tuổi.
Phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” ra đời vào những ngày tháng đó. Dĩ nhiên, tôi là cái tên được điều động đầu tiên lên đội để đảm nhận nhiệm vụ sáng tác. Thế là bắt đầu từ đó, tôi trở thành người sáng tác văn nghệ chuyên nghiệp, có quay trở lại Tiểu đoàn 47 tham gia chiến đấu nhưng với tư cách là tác giả đi thực tế. Sau ba năm gắn bó với đội Tuyên Văn Vĩnh Linh, tôi được điều ra làm cán bộ sáng tác cho Đoàn Văn công Quân khu 4. Rồi sau bảy năm ở Quân khu 4, tôi lại được Tổng cục Chính trị điều ra Hà Nội phối hợp với tác giả Đào Hồng Cẩm để viết vở “Tổ quốc” cho Đoàn kịch Tổng cục Chính trị biểu diễn phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV. Rồi chuyển về trại sáng tác Vân Hồ, học khóa 1 Trường viết văn Nguyễn Du. Tốt nghiệp, lại trở về Ban sáng tác của Nhà hát nghệ thuật quân đội cho đến cuối năm 1989, chuyển ngành về Quảng Trị”...
Có thể nói, nhà văn Xuân Đức là người con luôn nặng lòng với quê hương. Đọc tác phẩm của Xuân Đức, mỗi một người dân Quảng Trị đều thấy bóng dáng quê hương mình, thân phận mình trong đó, cả những niềm vui hay đau khổ, chia xa hay sum vầy, bi kịch hay hạnh ngộ, đều được khi hiển hiện, khi day dứt, khi bức bối, khi tỏ bày trong từng trang viết của ông… Năm 1982 cuốn tiểu thuyết đầu tay hai tập mang tên “Cửa gió” của ông viết về con người và mảnh đất đôi bờ Hiền Lương đã được Hội Nhà văn trao giải thưởng. 22 năm sau, với “Bến đò xưa lặng lẽ” ông cũng lấy bối cảnh ấy, cuộc sống ấy ở đôi bờ sông ấy làm đề tài và lại được giải A tại cuộc thi tiểu thuyết lần thứ hai của Hội Nhà văn Việt Nam.
Có lần, trò chuyện với tôi như trò chuyện với một cậu học trò nhỏ, khi biết tôi quê ở Cam Lộ, nhà văn Xuân Đức bộc bạch rằng, nơi đó cũng chính là một trong những chốn khởi đầu những tác phẩm của ông về chiến tranh cách mạng. Sau này, trong bút ký: “Cam Lộ và những trang viết của tôi”, Xuân Đức tỏ bày: “Những bạn đọc quan tâm đến sáng tác của tôi, nhìn vào các tác phẩm chủ yếu (hai tiểu thuyết quan trọng nhất là “Cửa gió”, “Bến đò xưa lặng lẽ” và một loạt các kịch bản sân khấu, điện ảnh) thường có hai luồng nhận định. Một là, cái nhà ông này giỏi bịa, ông ta chỉ là lính cậu (tức là lính văn nghệ đâu có biết gì đánh đấm), hai là ngược lại, cho rằng tôi là anh lính chiến hàng chục năm cầm súng đánh giặc trên đất Cam Lộ, nếu không thì làm sao có thể có được vốn sống sâu sắc về đất ấy đến như vậy? Đặc biệt là những tên làng, tên đất như Ba Thung, Quật Xá, An Hưng, Tân Định, Phước Tuyền... những bến lội sông Hiếu, xóm nhỏ Quai Mọ… chắc chắn tôi phải ăn dầm nằm dề bao nhiêu năm mới có thể có ấn tượng sâu sắc đến như thế. Thực ra, đất Cam Lộ chỉ gắn bó với tôi vẻn vẹn chừng bốn tháng. Tôi là một trong những thằng lính có mặt đầu tiên khi Tiểu đoàn 47- Bộ đội địa phương Vĩnh Linh thành lập ngày 26/5/1965. Đầu năm 1966 đơn vị được lệnh lên đường vào chiến trường…”.
Trong bút ký kể trên, nhà văn Xuân Đức đã ghi lại những cảm xúc về lần đầu lội qua dòng sông Hiếu, vào trong những mảnh làng trù phú dọc triền bắp đậu xanh mướt, gặp những con người Cam Lộ kiên cường mà đôn hậu, cùng về giữa lòng dân với “Hùm xám đường số Chín” Nguyễn Minh Kỳ khi tứ bề giặc tuần tra, vây ráp. Xuân Đức đã vào kết câu chuyện rất xúc động: “ Con người ta, ký ức cũng như tiền của, tư trang vật dụng, hoặc là ảnh chụp lưu niệm, nếu nhiều quá đôi khi nó nhòa đi, không sao nhớ hết. Nhưng với riêng tôi, những ký ức như thế là của hiếm, cũng như những mảnh làng Cam Lộ, dù chỉ gắn bó với tôi mấy tháng thôi, nhưng mãi mãi lấp lánh trong tâm thức tôi như những mảnh trăng, cứ vằng vặc suốt cuộc đời và trong từng trang viết”...
Sau vở “Tổ quốc” viết chung với Đào Hồng Cẩm, giới sân khấu biết đến ông với những tác phẩm đoạt giải “đúp” như “Người mất tích” Giải A- Bộ Quốc phòng năm 1990; “Cái chết chẳng dễ dàng gì”, Giải A- Bộ Quốc phòng năm 1995, Giải thưởng Hội Nghệ sĩ Sân khấu, Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1995; “Chứng chỉ thời gian” Giải A Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật; “Ám ảnh” Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995, Giải thưởng Hội nghệ sĩ sân khấu 1995; “Chuyện đời thường vớ vẩn” Giải thưởng kịch bản sân khấu nhỏ Hội Nghệ sĩ sân khấu, Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990; “Chuyện dài thế kỷ” Giải thưởng Hội Nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1999, Huy chương Bạc Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1999… Ở mảng văn xuôi, sau hai tập tiểu thuyết đầu tay “Cửa gió” vừa trình làng đã đạt giải thưởng của Hội Nhà văn, Xuân Đức viết tiếp “Người không mang họ”, Giải thưởng Bộ Nội vụ... rồi hàng loạt tiểu thuyết nối nhau đến tay bạn đọc như “Tượng đồng đen một chân”, “Hồ sơ một con người”, “Những mảnh làng”, “Bến đò xưa lặng lẽ”...
Những đóng góp của nhà văn Xuân Đức cho quê hương, đất nước không chỉ có gia tài đồ sộ là các tác phẩm văn học, kịch bản có giá trị. Với cương vị là Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Trị, ông đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực mà ông rất rành rẽ và tâm huyết. Mọi người vẫn còn nhớ năm 2000, lần đầu tiên Quảng Trị tổ chức Lễ hội Thống nhất non sông, ngành văn hóa gặp quá nhiều khó khăn vì liên quan đến truyền hình trực tiếp trên sóng đài truyền hình quốc gia. Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Xuân Đức muốn nhân dịp này quảng bá mảnh đất, con người Quảng Trị anh hùng từng chịu nhiều hy sinh, mất mát trong chiến tranh đang hồi sinh từng ngày đến với Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Vì không thể truyền hình trực tiếp vào ngày 30/4 nên sau khi tính toan, suy nghĩ, ông trình Thường vụ Tỉnh ủy xin cho làm vào ngày 1/5. Đó không chỉ là ngày Quốc tế Lao động mà còn là ngày đoàn tụ, sum họp. Ý tưởng này được tỉnh chấp thuận và trình lên trung ương. Đáng mừng là ngay sau đó, Ban Bí thư có công văn phúc đáp đồng ý và còn cử cán bộ lãnh đạo vào dự.
Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị chia sẻ: Trong những tháng gần đây, nhà văn Xuân Đức vẫn dồn tâm huyết hoàn thành cuốn tiểu thuyết “Cõi rừng rú” mà anh ấp ủ đã 10 năm nay và vừa mới hoàn thành vở kịch “Những đứa con thời loạn”, vở ca kịch “Những cô gái sông Bồ” do Đoàn Ca kịch Huế và Đoàn kịch Tổng cục Chính trị đang dàn dựng công diễn. Mới đây thôi, nhà văn Xuân Đức đã có lời căn dặn lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chú trọng xét Giải thưởng Chế Lan Viên về văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ II chu đáo, chất lượng. Như thế đủ để nói lên rằng: Từ buổi đầu đến với văn chương cho đến lúc từ giã cõi đời, nhà văn tài năng của chúng ta vẫn sống và sáng tác với tận cùng của niềm đam mê! Mất mát lớn lao của gia đình nhà văn cũng là mất mát của giới văn nghệ sĩ nước nhà, của nền văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị và chắc chắn còn rất lâu nữa, chúng ta mới có một văn nghệ sĩ đa năng, đa tài thành công trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật như nhà văn Xuân Đức.
Vậy là, vào năm 2000, tỉnh Quảng Trị lần đầu tiên tổ chức thành công Lễ hội “Thống nhất non sông” tại Khu di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Một nghi lễ được tiến hành có sự phối, kết hợp giữa các nghi thức truyền thống với sự cải biên để phù hợp với loại hình lễ hội mới - lễ hội cách mạng - mang nội dung tri ân, tưởng niệm những chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống hai bên bờ sông tuyến trong gần 20 năm chia cắt: Một hương án đã được thiết lập dưới dạng một lễ tế giang sơn tại bờ Nam cầu Hiền Lương; chủ tế là Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Xuân Đức. Sau khi đã làm các thủ tục bái lạy thần linh và các chư hương linh, chủ tế đã phụng xướng một áng văn tế liệt sĩ đôi bờ sông Hiền Lương (do chính nhà văn Xuân Đức chấp bút) trước sự chứng giám của các vị đại biểu và Nhân dân đôi bờ. Nội dung bài văn tế có những đoạn gây xúc động tâm can: Quê ta/ Trập trùng núi thẳm, dãy Trường Sơn quằn nặng gánh sơn hà. Chấp chới cát vàng, “đại trường sa” gồng mình ôm đất nước/ Trên có trời xanh/ Dưới là nước biếc/ Thổ thần một bến sông Hiền/ Văn nhân đôi bờ hào kiệt.
Nhớ xưa kia:... Bên này bờ Bắc: Đất đỏ lòng vàng/ Bên ấy bờ Nam: Địa linh, nhân kiệt/ Châu Minh Linh thủa trước chung mái nhà đôi huyện Bắc - Nam/ Sông Bến Hải thời nay bắc câu hò thuỷ chung thắm thiết... Kể từ năm 2000, Lễ hội Thống nhất non sông lần đầu tiên và sau đó được tổ chức liên tục cho đến nay. Với tầm vóc và giá trị lịch sử của di tích cũng như sự hình thành và phát triển bền vững của lễ hội, được sự cho phép của Chính phủ, từ năm 2010, Lễ hội Thống nhất non sông được nâng lên quy mô lễ hội quốc gia. Với nhà quản lý văn hóa Xuân Đức, vai trò quan trọng và là người đặt dấu ấn vào các chương trình, lễ hội hoành tráng: Nhịp cầu xuyên Á, huyền thoại Trường Sơn, Liên hoan Tiếng hát Đường 9 xanh… đã được công chúng ghi nhận…
Khi tôi ngồi viết những dòng này thì nhà văn Xuân Đức đã đi vào cõi thiên thu sau một tai nạn bất ngờ. Ông mất đi, nhưng như lẽ thường với những người hằng yêu mến, ngưỡng mộ ông, người đi xa khuất, bóng hình còn đây. Xin được ghi lại mấy dòng thơ cuối của nhà thơ Nguyễn Hữu Thắng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Trị, một đồng nghiệp và là người em thân thiết với nhà văn Xuân Đức viết ngay sau khi nghe tin ông thanh thản ra đi, như một sự tỏ bày trước mất mát to lớn này:
Vái lên trời cao xanh
Cúi đầu cùng cỏ dại
Anh Xuân Đức ơi, nhớ anh mãi mãi
“Bến đò xưa” in dấu
Một Con Người!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)