Mọi câu chuyện liên quan đến “bùa ngải” đều xuất phát từ rừng. Rừng là nơi sản sinh ra những thứ cây, con... để người đồng bào dân tộc thiểu số giữa đại ngàn Trường Sơn vấp phải. Đầu tiên là như thế! Sau đó đồng bào tránh chúng, rồi trở lại với chúng (có lợi hoặc có hại) cho sự sinh tồn. Chúng có thể giúp con người mạnh hơn con thú, hoặc con người mạnh hơn con người. Giữa tầng tầng lớp lớp thâm u của cây cối, người ta đã bóc tách qua chừng ấy thời gian, hàng trăm năm, thậm chí là hàng ngàn năm thì chuyện “bùa ngải” vẫn là điều mang nhiều bí ẩn.
Chuyện dọc đường xe
Khởi hành vào sáng sớm tại bến xe phía nam thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), chúng tôi đi trên chuyến xe khách mà người miền xuôi hay gọi tên là xe “Tà Rụt”. Nghe cái tên rất lạ và có chút núi rừng, chúng tôi hỏi một người hành khách có tên là Chi và được chị giải thích “Tà Rụt là trung tâm cụm xã của huyện Đakrông, nơi đó người dân sống khấm khá hơn. Xe chở khách từ bến xe phía nam đến xã Tà Rụt đều được gắn biển là Tà Rụt”.
Chuyến ngược ngàn khá lý thú, khi đi một đoạn đường chừng vài kilomet chủ xe tự động d
ừng để đón hành khách. Đa số hành khách trên xe là khách quen mà người ở đây hay gọi bằng cái tên chung là người “buôn chuyến”. Hành trình của họ ít nhất là hai ngày, nhiều thì một tuần lễ. Những người “buôn chuyến” mang tất cả các vật dụng từ chiếc dao cạo râu cho đến bộ quần áo, thực phẩm... và họ mang từ rừng về sản vật hàng hóa rừng: chuối, thơm, mật ong…
Trên hành trình đó có cả những câu chuyện nghe rất huyễn hoặc về “bùa ngải” của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô. Họ không ngần ngại kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện liên quan đến rừng, đến đồng bào ở đấy. Và chuyện “bùa ngải” được nhắc đến nhiều nhất. Với những điều họ nói là “chính mắt tôi thấy, chính tai tôi nghe, không trật vào đâu được”. Hơn 3 giờ đồng hồ, xe cứ lắc lư, người kể chuyện cứ kể, người bình luận góp thêm vài chi tiết để bổ sung cho câu chuyện. Đôi lúc họ dừng lại một vài chi tiết để giải thích thêm cho chúng tôi hiểu, về những phép thuật mà người bản dùng, về những loại cây người bản hái, cả chuyện hoán đổi thân xác từ người sang thú. Chị Tuyết, 40 tuổi nhưng có tới 20 năm đi “buôn chuyến” kể cho chúng tôi nghe câu chuyện một bà già người bản, người này cầm quá nhiều “ngải” độc cho nên cuối cùng bị hóa kiếp thành hổ. Những năm 90 người ta vẫn gặp trên đường Trường Sơn đoạn Km22 từ cầu treo Đakrông đi xã A Bung một con hổ cụt chân trước, nhìn người cứ lì lợm, xe không tránh mà người chẳng sợ. Hồi trước một người đàn bà nổi tiếng cầm “ngải” độc ở vùng này cũng cụt tay phải, sau đó biến mất một cách đáng ngờ không ai tìm thấy. Họ bảo nhau rằng do cầm quá nhiều “ngải” độc nên bị hóa hổ - chị Tuyết hồ hởi kể. Chị còn cho biết thêm “thường người ta cầm ngải độc mỗi năm phải “bỏ” vài người, nếu không chủ bị “ngải” phản lại.
Một hành khách khác có tên là Sử, 50 tuổi kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện liên quan đến bùa ngải “Xưa ni cũng nghe kể nhiều, người ta đồn đoán rứa chơ có kiểm chứng được mô. Chuyện người ni truyền tai người khác. Ở đây đủ thứ chuyện, chuyện người đàn bà hóa hổ khi cầm ngải độc, chuyện người ta nhìn trứng như thôi miên đến lúc trứng chín, chuyện người đàn ông lấy sợi dây xoáy giữa không trung nhưng lại lấy được bộ lòng lợn còn đang sống. Rồi người ta còn kể nhiều người đàn ông Vân Kiều, Pa Cô dùng bùa yêu để “bỏ bùa” nhằm lấy người con gái mình thích...”
Thực hư chuyện “bùa ngải”
Rừng Trường Sơn che chở cho con người, cho các sinh linh và cũng “lấp liếm” đi nhiều thứ khiến người càng tìm kiếm càng rơi vào mù mờ, huyễn hoặc. Trong tầng tầng lớp lớp của núi rừng Trường Sơn là có chừng ấy câu chuyện liên quan đến bí ẩn của rừng, của người sống ở rừng. Hành trình từ bản làng của các xã Pa Nang, Tà Rụt, A Vao, A Bung... (huyện Đakrông) cho đến các bản làng thuộc xã Pa Tầng, A Xing, Hướng Linh, Hướng Lập... (huyện Hướng Hóa). Chúng tôi đều được nghe những câu chuyện tương tự nhau. Ông Hồ Văn Theng (thường gọi là Vỗ Theng) ở Hướng Linh trò chuyện với chúng tôi rằng “thực chất của “bùa ngải” có hai loại, một loại ngải cứu người còn loại kia hại người. Ngải cứu người như chữa các bệnh, chữa gãy xương, rắn cắn... còn ngải hại người thì thường là thuốc độc, loại này bị cộng đồng lên án nên ngày người ta bỏ đi, nếu không bỏ thì người cầm thuốc độc bị cộng đồng kỳ thị và tách ra khỏi bản làng”.
Về bùa yêu, lang thang trên các bản miền tây Hướng Hóa đến ba ngày trời chúng tôi mới được chứng kiến “cây tình yêu” của người Pa Cô. Anh Hồ Văn Thủ, chủ nhân của “cây tình yêu” ở xã A Xing không ngần ngại cho chúng tôi được ngắm nhìn những chiếc lá được dùng để làm bùa yêu. Cây được trồng tách biệt với mặt đất, có bàn thờ và được “mang thức ăn” cho chúng hằng ngày. Anh Thủ tâm sự “đây là cây từ đời ông tôi để lại, thực hư chuyện này không rõ, gia đình trồng chỉ sợ nó thất truyền chứ lớp trẻ sau này không dùng đến cây này nữa. Hiện nay trong đồng bào cây này rất hiếm, phần do người ta không dùng nên không trồng, phần do không được truyền lại từ thế hệ trước”.
Tương truyền, chỉ cần lấy lá của cây tình yêu đặt vào ví thì muốn lấy cô gái nào có cô gái nấy, đây là bùa yêu khiến đối phương không thể chối từ.
Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi có thực không chuyện “bùa ngải” trong đồng bào Vân Kiều, Pa Cô chúng tôi được đồng bào giải thích, bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này. Đa phần câu trả lời là thực sự có chuyện “bùa ngải” trong đồng bào, nhưng đó là thời xưa. Nay cũng còn nhưng chỉ rất hiếm, kể cả “bùa ngải” có lợi và “bùa ngải” có hại, dần dần chúng bị thất truyền và giá trị của nó ngày càng giảm xuống. Loại trừ đi những câu chuyện không kiểm chứng được, như chuyện cấy sâu róm, tóc, kim chỉ, dao lam... vào cơ thể người khi “bỏ bùa”, nhất là ổ bụng thì những câu chuyện còn lại có liên quan đến triệu chứng của người bị cho là mắc “bùa ngải” trước khi chết lại trùng hợp với một số căn bệnh thường gặp như: ung thư, xơ gan cổ trướng, sốt xuất huyết, xuất huyết dạ dày, sốt rét, uốn ván... ông Hồ Văn Ria, sinh năm 1942 người dân tộc Vân Kiều ở thôn Ly Tôn, xã Tà Long, huyện Đakrông cho chúng tôi hay “tất cả “bùa ngải” đều được lấy từ rừng, bùa người Vân Kiều gọi là Apưm, cây thuốc giúp người chữa bệnh là Parlai, thuốc hại người là Rahau. Đồng bào dùng nhiều loại cây để cứu người, như bà Pỉ Vân tại thôn có loại cây chữa amidan, viêm họng rất hữu hiệu.
Còn chuyện thuốc độc trong đồng bào không có cơ sở để kiểm chứng. Với đồng bào, quan điểm người dùng thuốc độc thường là người yếu thế trong cộng đồng. Họ sợ người khác ăn cắp của cải, sợ người ta đánh đập đe dọa mới học cách dùng thuốc độc để không còn ai đụng tới. Bất cứ ở đâu, đồng bào miền xuôi hay miền ngược thì cũng có người tốt kẻ xấu. Và tương đương với chuyện đó thì nếu có thuốc giúp người thì cũng có thuốc hại người đó là cái luôn tồn tại, ông Ria cho hay.
Rời những bản làng Vân Kiều heo hút tận những bản làng xa xôi của Đakrông và Hướng Hóa, câu chuyện “bùa ngải” trong đồng bào vẫn bám riết lấy chúng tôi. Những câu chuyện nghe xa xôi như tuồng tích, giai thoại trong nhân gian của cái thủa con người đang còn chịu sự bủa vây của núi rừng. Đến những câu chuyện của thời đại bản làng sáng trưng dưới ánh đèn điện. Chuyện có phần sáng tỏ hơn nhưng khi đi tới muốn đi tới tận cùng của nó thì dường như đó là điều không thể. Vì ngày nay, khi người ta muốn chứng minh thực hư chuyện “bùa ngải” thì phải quay lại tìm kiếm những chứng cứ của những ngày xa xôi. Chứng cứ đó nằm trong những câu chuyện nghe chừng như huyền thoại. Câu chuyện về “bùa ngải” vẫn là chuyện bí ẩn, đầy cuốn hút đối với rất nhiều người.