Sợi dây vô hình ấy nối vào cuộc đời chị hơn 30 năm. Trong ký ức của chị Hồ Thị Liên, dân tộc Vân Kiều ở thôn Bản Chùa, xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) nó vẫn hiện rõ, đó là ký ức buồn.
Khi những niềm vui nhỏ nhoi đi qua đời chị thì “nỗi buồn lớn” này ở lại. Lấy chồng năm nào, chị Liên không nhớ. Chồng sinh năm nào, cũng không nhớ, năm sinh con đầu lòng cũng không, tuổi mình cũng không... Nhưng ngày chồng chị mất thì chị nhớ, đó là ngày 17/3/1989. Một năm sau khi chồng mất, chị Liên đi làm vợ cho... anh trai của chồng mình là Hồ Văn Ing. Nỗi đau thăm thẳm sâu giữa bản làng heo hút...
Từ cái chết của chồng
Ánh nắng cuối chiều bắt đầu tuột xuống phía sau chân đồi Fu-lơ, thôn Bản Chùa yên ắng đến lạ. Từ đầu làng đến cuối bản tôi chỉ nghe duy nhất tiếng xe gắn máy và đằng sau là lớp bụi đỏ mỏng tang từ con đường cấp phối. Lần theo con đường nhỏ uốn lượn dưới những lũy tre xanh. Ngôi nhà của chị Hồ Thị Liên nằm khiêm nhường dưới tán cây xòe lá. Khi chúng tôi dừng xe ở sân, đến khi vào nhà thì người đàn bà này vẫn cắm cúi đun nước. Màu tóc bạc vờn lên cùng khói bếp, sau câu hỏi của tôi về chuyện riêng tư, về cái hủ tục “nối dây” khiến chị Liên vừa gồng gánh trọng trách làm cha, vừa nuôi dưỡng tới 8 đứa con với vai trò người mẹ. Gạt đi giọt mồ hôi trên trán, chị Liên chép miệng “ngày 17/3/1989, Pả Hun (chồng chị, tức Hồ Văn Cửi) bị súng cướp cò rồi chết, hôm đó hắn đi săn, thằng Hun con trai đầu lòng của mẹ mang tin về nhà. Nước mắt hòa với nước mưa. Người chết đã chết còn người sống như mẹ cũng đã chết. Khóc ê rồi nín, lau nước mắt nhìn sáu đứa con không cha. Hồi đó bốn phía là rừng, chỉ có con đường mòn đi xuống đồng bằng cũng nhỏ. Người bản chôn Pả Hun ở ngay trên núi, mấy chục năm rồi giờ không ai còn nhớ chỗ chôn Pả Hun. Nhưng trong bụng thì vẫn còn thương lắm”.
Giọt nước mắt đã rớm ra khóe mắt, người đàn bà này từng là người con gái đẹp nhất núi rừng, con trai bản ai cũng muốn lấy làm vợ. Nhưng cô gái tên Liên đã chọn chàng trai tên Cửi, tính tình hiền lành lại yêu thương cô thật lòng “mẹ và bố yêu nhau, tự ưng cấy bụng rồi hai bên gia đình cũng chấp nhận ưng theo. Cưới nhau về hai vợ chồng có 6 đứa con, sau ốm chết mất hai đứa. Rồi người đàn ông của mẹ cũng chết, đau lắm con ơi”.
Câu chuyện cứ thế trôi về, rất chậm, đủ cho người kể và người nghe cảm thấy xót lòng. Bản Chùa ngày nay vẫn nghèo lắm, ông Hồ Văn Nhiên, Trưởng thôn Bản Chùa cho hay “toàn thôn hơn 303 người, thôn 100% đồng bào Vân Kiều, người nghèo nhiều lắm”.
Bản làng nằm bên núi rừng, nơi đây về đến trung tâm thành phố cũng hơn 20km. Cuộc sống ở đây hầu như tự cung tự cấp. Tôi bất giác nghĩ, thử lùi lại thời gian năm 1989 lúc chồng chị Liên mất, cái thời đó còn khốn khó biết bao nhiêu “hồi đó mẹ lấy chồng tài sản chỉ có hai cái nồi đồng để nấu cơm, hai vợ chồng cất mái nhà là cạnh con suối và những đứa con ra đời, lớn lên ở đấy. Ăn thì củ mì, ốc và cá suối. Ngày bố mất mẹ chợt rùng mình, cái suy nghĩ sẽ bị nhà chồng lấy đi 4 đứa con buộc mẹ phải lấy chồng...”.
Một người đàn bà làm vợ cho hai anh em ruột
Hàng trăng năm, sợi dây vô hình nhưng buộc chặt những người phụ nữ Vân Kiều. Và cả đàn ông, cả họ tộc cũng bị tục “nối dây” ràng buộc. Nếu nói rằng trong hủ tục “nối dây” người phụ nữ chịu thiệt thòi thôi chưa đủ. Người phụ nữ là người chịu nhiều thiệt thòi và cay đắng nhất. Đằng sau họ, người buộc phải nối dây, những người “thừa hành nghi lễ nối dây” cũng chịu nhiều áp lực dưới “bóng ma” của tiên tổ.
Sau một năm chồng mất, chị Liên nhận lời “nối dây” với anh của chồng là Hồ Văn Ing, việc làm này là để giữ con, nếu không phải trả con cho nhà chồng và điều lớn lao hơn, theo tâm sự của chị Liên “cũng không có ai nói với mẹ, không có ai đe dọa mẹ là sẽ cướp con. Nhưng người của nhà chồng đến hỏi, phải tự hiểu đây là ý của nhà chồng. Làm trái với ý nhà chồng là làm trái với ma nhà chồng. Điều này mẹ sợ. Khi chấp nhận về làm vợ cho anh của chồng là chấp nhận mẹ đã vẫn tiếp tục làm người của nhà chồng, chết cũng làm ma của nhà chồng. Khi làm vợ anh trai của chồng, mẹ đã xen vào cuộc sống của gia đình họ, cũng nhiều thứ buồn lắm! Không người đàn bà nào muốn chia sẻ chồng mình với người thứ hai, chị Luyến lúc đó cũng rất buồn”.
Người đàn bà tên Luyến trong câu chuyện này từ miền xuôi lên làm dâu ở bản. Khi chúng tôi giới thiệu vừa đi từ nhà bà Liên sang, bà Luyến liền biết ngay mục đích mà chúng tôi tìm gặp “ông Ing lên rừng thăm bẫy rồi, ôi người bản họ sống rứa, theo phong tục thôi. Hồi đó mới nghe tin chồng sẽ lấy thêm vợ, lại là vợ của em mình tôi rất buồn, sau thì chấp nhận. Cũng là phận đàn bà với nhau, cực khổ dữ lắm”
Việc chấp nhận “nối dây” là việc làm mang tính chất tâm linh, nó có lợi đối với người chịu sự chi phối của nó. Bởi trên cơ sở “nối dây” con người theo hủ tục này thỏa mãn được nhu cầu hy sinh mình. Về điều này, bà Liên tâm sự thêm “làm vợ anh chồng mẹ thấy thỏa mãn vì không sợ hãi con ma, nhưng cũng lắm cực khổ về thể xác. Khi lấy anh chồng, mẹ đẻ thêm bốn người con. Tổng cộng mẹ có 6 đứa con, một mình mẹ nuôi 6 đứa con đó. Chồng thì nuôi 4 đứa con của chồng, sống với vợ bên đó. Cuộc sống rất nghèo khổ không có chi để cho”.
Nhiều người đàn bà ở Bản Chùa cũng chịu chung cảnh ngộ như bà Liên. Khi chồng họ chết đi họ phải đi làm vợ cho anh hoặc em của chồng. Hầu hết những người đó giờ đã trở thành người thiên cổ. Tôi hỏi thăm bà Liên, hỏi khắp bản thì tìm được bà Hồ Thị Nhềng, nhân chứng cao tuổi nhất của tục “nối dây” ở Bản Chùa. Bà Nhềng tâm sự “không riêng chi phụ nữ Vân Kiều, phụ nữ Pa Cô cũng nối dây, tính của cải phải trả thì không phải, khi mẹ đi lấy chồng nhà chồng chỉ bỏ của mấy đồng bạc, tiền có thể trả, phải trả con cho nhà chồng, cũng có thể trả vì sống ở một bản mẹ vẫn được gặp con. Nhưng còn ma nhà chồng thì mẹ sợ lắm. Nó có ở khắp nơi miềng không trốn thoát được, ma có ở đất, có cả trên trời. Nối dây thì nối lên trời, nối xuống đất, miễn răng được yên thôi con ơi!”.
Trong cuộc đời, trong câu chuyện của chị Liên, bà Nhềng và bao nhiêu đàn bà khác chịu cảnh “nối dây”. Tôi đã đặt ra một câu hỏi, rằng chuyện gối chăn vợ chồng, rằng cảm giác của họ khi hai lần làm vợ trong một gia đình như thế sẽ như thế nào? Lúc này chị Liên rất buồn, trên khuôn mặt đầy vết chân chim đó hiện lên nỗi buồn bởi chuyện quá khứ, chị chia sẽ “ngủ với chồng, là người mẹ yêu thương, là người mẹ lựa chọn làm sao so sánh với người mà mình buộc phải lấy. Đêm đầu tiên làm vợ của anh trai chồng, mẹ đã khóc rất nhiều, nước mắt đó không phải là nước mắt hạnh phúc, mẹ rất buồn, buồn đến như thế”. Còn đối với bà Nhềng, nó là một điều khó khăn không thể nào tả xiết “mẹ ở với anh chồng, một hôm, hai hôm rồi rất lâu sau đó mới trở thành vợ, hình ảnh chồng cứ về khi mẹ nằm ngủ”.
Hơn 30 năm, đối với những bản làng của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô Quảng Trị thì có thể hơn, cũng có thể mới mẻ hơn thế. Vì sau chị Liên, bản làng vẫn còn người đi “nối dây”. Đâu đấy vẫn còn những “tàn dư” của hủ tục “nối dây”. Giữa thâm u của núi rừng, con người còn chịu nhiều sự chi phối của thần linh, của Yàng và của cả... con ma nhà chồng! Trao đổi với chúng tôi về hủ tục “nối dây”, ông Hồ Văn Choàng, dân tộc Vân Kiều, nguyên Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị cho hay “tục “nối dây” đã có từ lâu đời, nó tồn tại ở các dân tộc thiểu số từ trước cho tới nay. Đối với đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đó là một hủ tục mang đến nhiều hệ lụy. Cũng nhờ công tác tuyên truyền và vận động bà con nên hủ tục này dần được bỏ bớt”
Rời xa Bản Chùa trong đêm rất muộn, chúng tôi chợt thấy ấm áp hơn với nụ cười của chị Hồ Thị Liên, khi chị hồ hởi kể về cuộc sống của ngày hôm nay “giờ con mẹ lớn cả rồi, con cháu mẹ sum vầy. Hồi lấy anh chồng đẻ thêm hai đứa, lúc đó tổng cộng cả hai đời chồng mẹ có sáu đứa con. Thôi thì nghe lời vận động của cán bộ dân số thôn bản, mẹ ra Trạm Y tế xã đặt thuốc tránh thai, năm đó mẹ đẻ sinh đôi một trai một gái...”