Bí ẩn những cánh rừng ma

Hoàng Hải |

Rừng ma, chốn linh thiêng của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Là nơi còn rất nhiều bí ẩn mà người đồng bằng khi đến với bản làng vùng cao đều muốn một lần được vào rừng ma, được tự mình khám phá những bí ẩn trong đó. 

Được nhìn thấy nhiều thứ rất “tiện nghi” của người dân tộc Vân Kiều nằm rải rác bên dưới cây cổ thụ. Những cái nồi đồng quý giá, chiếc mâm đồng có in hoa văn rồng phượng, chiếc ấm nấu nước cũng bằng đồng và bao nhiêu thứ bát đĩa, dao rựa, gùi... nằm ngổn ngang bên thảm lá mục.

Rừng ma của người Vân Kiều nhìn từ phía bên ngoài. Ảnh: HH
Rừng ma của người Vân Kiều nhìn từ phía bên ngoài. Ảnh: HH

Nhà của người chết

Dẫn chúng tôi đi thăm cánh rừng ma của dòng họ nhà mình, ông Vỗ Lịch, dân tộc Vân Kiều ở thôn Pa Hy (xã Tà Long, huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị) cắm cúi đi. Đến nơi ông chỉ cho tôi thấy những nấm mồ bé nhỏ được đánh dấu bằng viên đá nhặt từ rừng “đây là mộ của một dòng họ. Nhiều người chết chôn cạnh nhau một thời gian trở thành rừng ma”. Ông Vỗ Lịch cho chúng tôi hay. Ông còn cho biết thêm, hầu hết rừng ma của người Vân Kiều ở gần làng bản, đi chừng 0,5km là đến nơi. Nhìn cỏ cây mọc um tùm mới biết rằng nơi đây từ lâu không có người lui tới. “Mỗi dòng họ của người Vân Kiều thường có ít nhất một rừng mà. Đối với đồng bào Vân Kiều, khi chôn cất xong người chết đó là lần cuối cùng giữa người thân từ biệt nhau. Sau lần đó không ai đến mộ nữa. Mối liên hệ tâm linh giữa người còn sống với người chết đó chỉ là tình cảm, là linh hồn. Khi cúng ma hoặc những cái tết cổ truyền, trong mâm cúng đã có những linh hồn đến dự”, ông Vỗ Lịch nói.

Một ngôi mộ mới được chôn cất trong rừng ma của người Vân Kiều. Ảnh: HH
Một ngôi mộ mới được chôn cất trong rừng ma của người Vân Kiều. Ảnh: HH

Khác với phong tục tùy táng của người Việt, chỉ những gia đình khá giả có trang sức như vàng bạc, châu báu... mới mang chôn theo cho người chết để tỏ lòng yêu thương. Người dân tộc Vân Kiều thường chia cho người chết một phần tài sản trong gia đình của mình. Vì với họ, khi người chết đi, ở thế giới bên kia hồn ma vẫn tiếp diễn một sự sống mới, họ cũng cần đến vật dụng của gia đình. Ông Hồ Văn Trung (tức Pả Hợp) trưởng thôn Tà Rẹc, xã Pa Nang, huyện Đa Krông cho chúng tôi hay “đồng bào Vân Kiều đa số hoàn cảnh kinh tế gia đình còn khó khăn nên không có vàng bạc, châu báu để chôn theo. Nhưng khi có người mất gia đình nào cũng đều đem chia chén bát, chia đũa, chia soong chảo, bình nước, dao rựa... những thứ vật dụng hàng ngày cho người chết. Người sống cần thì người chết cũng cần, đó cũng là tài sản khi người đó còn sống góp công làm ra. Việc đặt một số đồ dùng ở cạnh nơi chôn người chết thể hiện sự công bằng và lòng thương đối với người thân. Đối với đồng bào Vân Kiều, cho dù nghèo mấy, khó mấy thì lễ nghi này không thể bỏ bớt”.

Đối với đời sống của người Vân Kiều đã chất chứa không ít những bí ẩn xung quanh lễ nghi, phép thuật, cách giao tiếp với cộng đồng, sợi dây ràng buộc với Yàng và với rừng xanh, với các vị thần... thì rừng ma của họ cũng chất chứa nhiều bí ẩn, là nơi bất khả xâm phạm. Cũng vì thế, khi đến đây, muốn khám phá rừng ma của một dòng họ nào đó chúng tôi phải xin phép trưởng tộc. Được sự cho phép của trưởng dòng họ mới được phép vào thăm rừng ma. Quy ước này nhằm tránh những tác động bất thường đến những người đã khuất trong dòng họ, đa số là những tác động xấu gây ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe và tâm linh của những người đang sống. Ông Hồ Văn Trung cho hay “nếu ai đó vào rừng ma mà không xin phép sẽ bị phạt cúng, những người có ý đồ không tốt như vào rừng ma để chặt cây, để làm những điều trái với pháp luật tại rừng ma thì bị xử phạt nặng. Người Vân Kiều không có quy định nghiêm ngặt là cấm người lạ vào rừng ma nhưng sự xin phép trước khi vào đó là nguyên tắc tối thiểu”.

Những “tài sản” mà người Vân Kiều chia cho người chết được đặt ở cạnh mộ. Ảnh: HH
Những “tài sản” mà người Vân Kiều chia cho người chết được đặt ở cạnh mộ. Ảnh: HH

Sự báo động của các linh hồn

Qua nhiều năm, rừng ma của người Vân Kiều vẫn giữ được sự thâm u và huyền bí. Tuy nhiên, có vào tận rừng ma mới thấy có những thay đổi. “Nhiều người có kinh tế khá giả đã xây mộ, dựng bia như người Kinh, đáng vui hay đáng buồn bố cũng không biết, chỉ thấy mình như con người khác, đã đổi thay. Chuyện báo động khác là lâu lâu có người lẻn vào rừng ma lấy trộm của cải của người chết mang đi bán. Số nồi đồng, mâm đồng trước đây đã bị lấy đi sạch hết rồi. Đêm nằm mơ thấy tổ tiên báo về, lên rừng ma thì đúng như thế” - ông Vỗ Lịch tâm sự với chúng tôi trong vẻ ngậm ngùi.

Những “tài sản” mà người Vân Kiều chia cho người chết được đặt ở cạnh mộ. Ảnh: HH
Những “tài sản” mà người Vân Kiều chia cho người chết được đặt ở cạnh mộ. Ảnh: HH

Đối với người Vân Kiều, cái chết là một phần của đời người. Do đó, họ không quá đau xót hay luyến tiếc. Khi gia đình có người chết, họ làm tang lễ xong rồi tập trung những người có sức vóc trong bản làng khiêng người chết đến rừng ma chôn cất. Chôn xong người chết, họ trở về nhà và từ đó họ sẽ không trở lại đây. “Chết là trở về với rừng, rừng là chốn linh thiêng, ở đó linh hồn tiếp tục “sống”. Vì thế rừng ma cũng giống như cái nhà của người sống, có chủ quyền hẳn hoi không ai được xâm phạm, đó là quy ước có tính luật tục và cả đạo đức. Có những dòng họ, chôn người chết giữa rừng già nhưng cũng có những dòng họ chôn người chết ở những nơi không có nhiều cây, chỉ sau này cây mới mọc lên thành cây to, thành nhiều cây to rồi thành rừng già” ông Vỗ Theng, ở bản Xa Bai, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa tâm sự.

Còn với những câu chuyện huyền bí đối với rừng ma, ông Vỗ Theng cho hay “khi có người đau ốm, người Vân Kiều thường xin tổ tiên ở rừng ma phù hộ thêm cho được mau khỏe. Và người ốm được phù hộ cho sức khỏe. Rừng ma là nơi thiêng liêng, ở đây từng chứng kiến, khi trong dòng họ hoặc bản làng sắp có người chết thì ba đêm trước đó rừng ma có sự báo động lạ. Nghe như có tiếng ai hô từng đoàn, đôi lúc như có tiếng thần la. Tiếng báo động từ rừng ma là tổ tiên báo cho con cháu điềm xấu sắp xảy ra”. Ông Hồ Văn Nóng, ở thôn Pa Koong, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa cũng cho hay “nếu làng sắp có người chết thì rừng ma sẽ báo động, có âm thanh như chiêng đồng, của thần la, rồi tiếng nói, tiếng bước chân rầm rầm giữa rừng. Mấy hôm sau thì ma đến rước người đi, có nhiều trường hợp như thế mà tổ tiên báo trước. Người chết đã được rừng ma chọn từ trước đó rồi”. Còn nữa, ông Hồ Văn Nóng cho biết thêm “nhiều năm cháy rừng do dân đốt rẫy, nhiều nơi cháy nhưng rừng ma thì không. Xung quanh những cái rẫy cháy rụi như thế nhưng rừng ma vẫn là nơi cây xanh mọc um tùm”.

Câu chuyện luyện phép

Giữa không gian u ám và lặng ngắt, giữa cái mát mẻ mà vừa tiến sâu vào rừng ma càng thấy lạnh toát người. Thỉnh thoảng âm thanh của chiếc ấm nhôm, của cái ca i-nox còn sáng lóe bị chúng tôi rút dây động vào khiến rừng ma trở nên như một âm cung trên trần thế. Ông Hồ Ta Rập, bản Tà Lao, xã Tà Long, huyện Đa Krông dẫn chúng tôi vào cánh rừng ma của dòng họ nhà mình. Bản Tà Lao nằm khá biệt lập với các thôn bản, rừng ma của ông Ta Rập lại là rừng ma nằm giữa ngọn đồi cao. Khi đi hết những khu rẫy bị thiêu rụi để trỉa lúa, sự chuyển biến đột ngột của hơi nóng bốc lên hừng hực đến khi chúng tôi bước vào khu rừng xanh gần 1ha lạnh ngắt. Chúng tôi đứng nhìn hồi lâu, không phân biệt được đâu là mộ, đâu là những mô đất tự nhiên, chỉ thấy đá nhọn dựng đứng san sát bên nhau. Thấy tôi có phần ngơ ngác, ông Hồ Ta Rập giải thích “đây, những hòn đá này đánh dấu một phần mộ, cứ mỗi hòn đá như thế này là có một người chết nằm dưới. Ở đâu có đá, có những vật dụng như thế là có mộ...”

Bây giờ một số người Vân Kiều xây lăng mộ theo kiểu mai táng của người Việt nhưng vẫn được xây ở rừng ma và “tài sản” vẫn được người sống chia cho người chết. Ảnh: HH
Bây giờ một số người Vân Kiều xây lăng mộ theo kiểu mai táng của người Kinh nhưng vẫn được xây ở rừng ma và “tài sản” vẫn được người sống chia cho người chết. Ảnh: HH

“Ở đây, nếu người nào có phép giỏi tức là người đó có vào rừng ma để luyện phép” ông Ta Rập nói như thế. Và ông kể cho tôi nghe về một loạt tên người có phép giỏi nhưng toàn là người đã khuất, trong đó có mẹ ông. Tìm người để kiểm chứng cho câu chuyện luyện phép giữa rừng ma, chúng tôi phải đi ngược trở lại hơn 60km từ xã Tà Long, huyện Đa Krông đến thôn Bản Chùa, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ và được gặp bà Hồ Thị Tăng, 85 tuổi, người dân tộc Vân Kiều có phép thổi giỏi nhất vùng và biết nhiều bài thuốc gia truyền cổ xưa nhất. Bà Tăng cho chúng tôi hay “xưa, còn nhỏ, mẹ không nhớ rõ. Nhưng chưa đến 10 tuổi, mẹ của mẹ dạy phép. Ban đầu thì học cho biết cây, biết cách thổi phép. Sau muốn giỏi thì vào rừng ma để tu phép. Mẹ đã từng ngồi giữa rừng ma một đêm tròn, cứ tưởng là bị chết rồi vì sợ lắm nhưng rồi mẹ sống được, thổi được để giúp bản làng. Ngồi giữa rừng ma ban đêm, lúc đầu nghe tiếng nhiều loài vật kêu, to có nhỏ có. Hồi xưa đây nhiều rừng già, nếu gặp hổ thì chết. Đến đêm thì thấy có chi đó sáng, như là mắt người. Rồi có bàn tay, bàn chân ai đó giơ lên trước mặt, có cả cái miệng cười hung dữ. Mẹ sợ lắm. Mẹ không biết làm việc này để làm gì, người dạy phép bảo làm thì làm theo...”

Rừng ma của người Vân Kiều còn rất nhiều bí ẩn. Trong sự thâm u của những cánh rừng ma có những câu chuyện nghe rất huyễn hoặc mà với đồng bào đó là cuộc sống nối tiếp của người chết, của những linh hồn. Không ai buộc phải tin nhưng hiển nhiên nó tồn tại. Ông Hồ Văn Choàng, dân tộc Vân Kiều, Nguyên Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị trao đổi với chúng tôi về rừng ma của người Vân Kiều “rừng ma của người Vân Kiều là nơi thiêng liêng bất khả xâm phạm. Khác với người Kinh hoặc người Pa Cô có tập tục bốc mộ thì người Vân Kiều chôn cất người chết một lần đã xong. Làm xáo động đến người chết là việc làm có tội. Cũng bởi thế đồng bào đem chôn người chết giữa rừng và thay vì bảo vệ từng ngôi mộ thì người Vân Kiều bảo vệ cả một cánh rừng ma. Hiện nay tục chôn cất người chết của người Vân Kiều đã có sự giao hòa đối với tục chôn cất của người Kinh hoặc người Pa Cô khi đắp mộ to hoặc xây lăng mộ, dựng bia... nhưng nhìn chung, vị trí tâm linh của rừng ma trong đồng bào Vân Kiều vẫn không thay đổi”.

TAGS

Chùm ảnh tôn vinh người lao động trong ngày 1/5

PV |

Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886-1/5/2020) đã trở thành ngày lễ tại nhiều quốc gia trên thế giới dành để tôn vinh người lao động và thắt chặt tình đoàn kết của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

48 năm giải phóng Quảng Trị: Khát vọng vươn lên trên miền 'đất lửa'

Nguyên Lý |

Từ vùng đất bị chiến tranh tàn phá đến hoang tàn, Quảng Trị đang vươn mình khẳng định sức sống mới trên miền đất lửa, phấn đấu kết thúc giai đoạn 2015-2020, ngang mức phát triển trung bình cả nước.

Cuba trong lòng Quảng Trị

Đan Tâm |

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, có dịp lên Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, ghé thăm cầu treo Bến Tắt, ra thị trấn miền cao Bến Quan, đi trên cung đường Hồ Chí Minh êm thuận, chúng tôi lại nhớ về những người bạn Cuba đã từng đến đây, vượt qua rất nhiều gian khó, cùng chung tay với những người Việt Nam anh em xây dựng nên những cây số đầu tiên của tuyến đường Trường Sơn thời công nghiệp hóa trên đất Quảng Trị 17 năm trước.

Men của rừng

Hoàng Hải Lâm |

Về rừng lần này khác xa với những lần trước. Đa phần trong đời tôi lên rừng xuống biển là đi vì đam mê, đôi lúc đi để trốn cái cảnh đất chật người đông nơi phố thị.