Đang thời điểm đại dịch, cách ly toàn xã hội, hạn chế đi lại với thông điệp giản đơn mà sâu sắc “ở nhà là yêu nước”, ấy vậy mà tôi lại không cưỡng nổi lời rủ rê “đi Vĩnh Ô” của gã bạn.
… Một ngày mưa rả rích, tôi trở lại Vĩnh Ô.
Chuyến ngược rừng quá đỗi bình yên nhưng với tôi, đó không phải là điều quá bất ngờ. Tôi biết Vĩnh Ô giờ đã đổi khác hơn xưa nhiều rồi. Tuy vậy, trong trí tưởng tượng dẫu rất lạc quan tôi vẫn không thể hình dung nổi sự chuyển mình đến kinh ngạc về diện mạo ở chốn miền núi rừng vốn rất xa xôi cách trở này. Mới hay, năm tháng trôi qua, sự xoay vần chiếc bánh xe thời gian đã khiến mọi thứ vật đổi sao dời, đổi thay thật chóng vánh và ngoạn mục. Vĩnh Ô của năm xưa và Vĩnh Ô bây giờ quả thực là hai bức tranh khác biệt đến ngỡ ngàng. Nhưng, đó là sự lột xác đi lên thật đáng vui mừng.
Chợt nhớ hơn mười năm trước, tôi lần đầu đến đây trong một chuyến tháp tùng lãnh đạo huyện Vĩnh Linh dự lễ mừng sự kiện Đảng bộ và nhân dân xã Vĩnh Ô đón nhận danh hiệu đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang cho những thành tích xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chính từ những chuyến công tác như này lớp cán bộ trẻ chúng tôi mới có cơ hội chứng kiến tận mắt cuộc sống ở những miền quê xa xôi mà vốn dĩ trong suy nghĩ giản đơn là dẫu có khó khăn, nghèo đói nhưng cũng… đâu đến nỗi nào; để rồi, khi đối diện với con người và cuộc sống nơi đây, mới hay cái sự nông nổi, bốc đồng của tuổi trẻ nó giản đơn và hời hợt đến nhường nào. Trên đỉnh Trường Sơn xa xôi ấy là một Vĩnh Ô hoàn toàn biệt lập với bên ngoài. Một xã mà cái đói nghèo đang quấn riết, nơi duy nhất của Vĩnh Linh lúc ấy là địa phương thuộc diện “nhiều không”, thực sự quá sức tưởng tượng: Không điện, không đường, không nước sạch, không sóng điện thoại, truyền hình và dịch vụ y tế cũng bằng không. Thôi, khoan hãy nói về cuộc sống khó khăn với những tập tục lạ kỳ nơi miền núi rừng cách trở này. Đó là câu chuyện dài, thật dài và thật buồn...
Hãy nói về hành trình nối miền xuôi với miền ngược Vĩnh Ô của một thập kỷ về trước. Đó là một cuộc hành xác đúng nghĩa. Quãng đường từ phố huyện lên Vĩnh Ô chỉ gần bốn chục cây số nhưng để nuốt hết nó phải mất hơn 8 giờ đồng hồ. Nghĩa là mang tiếng đi ô tô nhưng tốc độ còn chậm hơn việc rảo bộ trong công viên. Tầm 3 giờ sáng, khi chưa một tiếng gà eo óc gáy, thì hành trình đã bắt đầu. Chúng tôi quần là áo lượt được… nhét lên thùng một chiếc xe Reo, một loại xe đặc chủng chuyên chở gỗ nhưng là thứ phương tiện duy nhất lúc ấy có thể vượt được cung đường khủng khiếp này để đặt chân đến những bản làng Vĩnh Ô. Hết địa phận thị trấn sơn cước Bến Quan, bắt đầu từ khe suối Ba Buôi đẹp như tranh vẽ, nơi giáp ranh với xã Vĩnh Hà, con đường đất đỏ bình thường đã biến mất, thay vào đó là một lối mòn sâu lút hiện ra như cái miệng hang khổng lồ, lúc ẩn lúc hiện giữa bạt ngàn cây cối, lau sậy. Đến đây, tôi chợt nhớ đại văn hào Lỗ Tấn có nói, đại ý rằng “thực ra trên thế gian làm gì có sẵn đường, chẳng qua do con người đi hoài đi mãi nên thành đường đó thôi”, xem ra lại không đúng lắm trong hoàn cảnh này. Cái thứ mà chúng tôi phải vượt qua trước mặt không thể gọi là đường. Đó chỉ là hai cái rãnh sâu hoắm cắm xuống mặt đất, đỏ ngầu màu nước trộn lẫn bùn đất, bò ngoằn ngoèo và dài bất tận giữa núi rừng. Đây là dấu vết/tác phẩm của những chuyến xe Reo cõng gỗ về xuôi. Những bánh xe nặng nề ấy vô tình trở thành hai cái máy đào, biến con đường thành một cặp mương chạy song song với bùn đất nhão nhoét trét lên những tảng đá, hòn cuội khổng lồ bày ra la liệt như thiên la địa võng. Những chuyến xe sau cứ theo hai vết lõm ấy mà bò và khoét sâu thêm, cứ vậy mà đi, tuyệt không một lối nào khác nữa. Những cơn quăng quật nghiêng ngả trời đất tưởng không có điểm dừng, những quả gầm rú đinh tai nhức óc của tiếng động cơ vật lộn với dốc núi chênh vênh, những con suối sâu hút với la liệt những đá tảng vừa sắc cạnh vừa trơn như bôi mỡ. Trùm lên chuyến xe bão táp ấy luôn là mịt mù khói đen và mùi khét lẹt của lốp caosu cháy khi chà xát với la liệt những hòn đá tảng trên những cung đường đầy hiểm nguy, những con dốc “tử thần” như Lộng Gió, Cổng Trời, Khe Dẻ…
Nhưng kinh khủng nhất là thời khắc khi đang vật lộn ngả nghiêng, bất chợt chiếc xe dừng lại và đứng lặng im. Chắn ngang trước mặt là một quả núi, cao chênh vênh. Cả không gian lúc ấy như cô đặc lại trong tiếng rột roạt vòng quay ròng rọc. Người ta đang ì ạch kéo cáp tời xe lên trên đỉnh dốc. Sợi dây cứu cánh ấy sẽ được quấn vào thân một gốc cổ thụ nào đó trên đỉnh núi xa tít kia. Xe nổ máy nhưng chỉ để khởi động và chạy trục tời quấn cáp, “cuốn” chiếc xe leo lên đỉnh núi. Khi xuống vực sâu cũng vậy nhưng sợi cáp lại có tác dụng ngược lại, tức là hãm xe không để trôi tuột xuống vực. Một cách di chuyển lạ lùng lần đầu tiên tôi thấy trong đời. Nếu ai đã từng trải qua những phút giây kỳ dị này trong quãng đời xê dịch của mình, tôi đồ rằng đều chung một cảm giác, là sợ hãi đến thót tim. Chiếc xe nặng hàng chục tấn gần như được “treo” lên chỉ bằng một sợi cáp và nhích từng đoạn để leo lên dốc đá gần như dựng đứng, chậm chạp theo từng vòng quay của cuộn tời gắn đầu mõm, nhìn tựa như con ve sầu lột xác yếu ớt, đang nặng nề, mệt nhọc gắng gượng bò trên thân cây. Số phận của hơn chục con người trong chiếc xe ấy phụ thuộc hoàn toàn vào sợi cáp mỏng manh trước mặt và sự vững chãi của gốc cổ thụ trên đỉnh dốc. Nếu một trong hai thứ này có sự cố, chiếc xe sẽ rơi tự do như một hòn đá lở xuống từ đỉnh, nghĩa là mọi thứ sẽ vĩnh viễn nằm lại dưới vực sâu hun hút…
Chẳng nói đâu xa, ngay hôm trước chuyến đi của chúng tôi, cũng một chuyến xe chở 20 thanh niên tình nguyện lên trước để giúp bà con dân bản và ủy ban xã chuẩn bị mọi thứ cho buổi lễ, khi leo dốc Khe Dẻ đã bị tuột, do máy tời cáp bất ngờ trở chứng nhả dây, không chịu cuốn trục nữa. Thật may mắn là xe chưa leo quá cao, nên khi trôi xuống dưới một đoạn thì được một gốc cổ thụ vô tình ngáng lại. Hai chục thanh niên đã thoát chết trong gang tấc, đành bỏ xe, mang vác đồ, cuốc bộ thêm gần hai chục cây số lên với bản làng. Ngang qua đó, nhìn chiếc xe Reo “vật chứng” còn nguyên trạng, nằm vật nghiêng sườn, bốn hàng bánh chỏng chơ. Cảnh tượng ấy khiến ai cũng thấy lạnh toát người...
Đó là thứ cảm giác mạnh đúng nghĩa, còn hơn cả một nỗi ám ảnh đối với những ai lần đầu đến đây. Hành trình gian khổ ấy kết thúc lúc 11 giờ trưa nắng chát. Xe dừng trước một dãy nhà cấp 4 lợp tôn trông thật cũ kỹ và nhếch nhác nhưng là công trình “hoành tráng” nhất ở chốn bản làng xa xôi này - UBND xã Vĩnh Ô lúc đó. Cái gọi là nghèo đói, thiếu thốn trăm bề, dẫu chỉ là nhu cầu thiết yếu hằng ngày của cuộc sống như cái ăn, cái mặc… mới thực sự bày ra trước mắt chúng tôi.
Giờ thì đường đến với Vĩnh Ô thật êm đềm. Nhựa trải mượt, phẳng phiu. Vẫn quanh co, uốn lượn ngoằn ngoèo; cũng đổ dốc sâu, leo đèo cao song chẳng còn chút khó khăn, phút thót tim như trước nữa. Những dốc núi chênh vênh, những quả đồi cao, những khúc cua tay áo đã bị san ủi thoai thoải và nắn thẳng. Bạt taluy kè sát chân núi đá, đắp những thảm cỏ mượt lẫn giữa một miền lau trắng đang vào mùa trổ bông phất phơ theo làn gió, trông thật bình an. Cây cối tốt tươi trải điệp trùng trên những triền đồi, xanh ngút ngàn tầm mắt. Nếu ngày xưa, hai bên đường là nham nhở những cánh rừng già với cành lá bị đốn hạ ngổn ngang, là những quả đồi đang cháy xém bốc khói đen mịt mù, là những dòng suối bị biến dạng bởi màu của chất độc xianua của dân vàng tặc đào đãi đâu đó trên phía thượng nguồn…
Thì nay là những vuông tràm xanh bạt ngàn, những rừng cao su ngay hàng thẳng lối kéo dài bất tận. Những cây cầu nhỏ vượt suối được làm bằng bê tông cốt thép vĩnh cữu nối tiếp nhau còn tươi rói màu sơn, nên bánh xe lăn lên Vĩnh Ô giờ không thể chạm nổi một giọt nước suối, không biết đọ sức gay go với những hòn cuội trơn tuột, những tảng đá sắc như dao... Cao su, nhất là tràm (keo lai) đang chiếm lĩnh toàn bộ không gian miền rừng này. Chính sự hiện diện của những thứ cây công nghiệp này, gần một thập kỷ qua đã trở thành động lực tạo nên cuộc lột xác cuộc sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều trên vùng rẻo cao vốn dĩ rất khó khăn này. Chợt nhớ trong chuyến công tác mười năm trước, trong đoàn đi có anh Hà Sỹ Đồng, lúc đó đang là Giám đốc công ty Lâm nghiệp Bến Hải (tiền thân là Lâm trường Bến Hải - đơn vị anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới). Suốt hành trình cũng như sau buổi lễ, câu chuyện của anh với các đồng chí lãnh đạo huyện Vĩnh Linh lúc đó luôn đau đáu xoay quanh việc tìm hướng để tạo sinh kế cho đồng bào Vĩnh Ô thoát nghèo một cách bền vững. Lối đi sáng nhất và có lẽ cũng là duy nhất lúc ấy của miền núi rừng này chính là việc khai thác hơn 8.500 héc-ta đất rừng màu mỡ nhưng đang bị bỏ hoang một cách hết sức vô lý. Rừng tự nhiên đã bị khai thác kiệt quệ từ hàng thập kỷ trước song chưa có một thứ cây nào thay thế, nên trên cái vùng rừng mênh mông ấy chỉ toàn lau sậy và cây gai lúp xúp, gọi là rừng nghèo. Việc quản lý quỹ đất rừng khổng lồ này thời điểm ấy cũng rất phức tạp. Hơn ba phần tư đất rừng Vĩnh Ô thuộc về diện tích rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải (7.687 ha/8.594 ha), tức là trên danh nghĩa diện tích rừng này cần được giữ nguyên hiện trạng, không được phép khai thác hay canh tác gì. Cho nên mới có thực tế ngược đời là sống giữa mênh mông rừng núi nhưng người dân Vĩnh Ô lại thiếu… đất sản xuất.
Với nguồn lực và tập quán “phát, cốt, đốt, trỉa”, du canh du cư của người Vân Kiều nơi đây thì nguồn tài nguyên bất tận này mãi không bao giờ cựa mình nổi. Tám bản làng của xã Vĩnh Ô lúc ấy với hơn 320 hộ dân và gần hai ngàn dân, sống rải rác dọc theo thượng nguồn dòng Bến Hải, nhưng tỷ lệ hộ nghèo ở mức khủng khiếp: 98%. Lối đi nào để Vĩnh Ô thoát nghèo đói, vươn lên là một bài toán vô cùng nan giải được đặt ra cho cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã. Cái cần tháo gỡ đầu tiên chính là việc kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chuyển một phần diện tích thuộc rừng phòng hộ cho người dân nơi này để canh tác. Tiếp nữa, phải có một đơn vị đủ mạnh về nguồn lực và am hiểu thổ nhưỡng, tập quán vùng miền, cùng với sự giúp sức đắc lực từ chính quyền địa phương mới tạo được “cú hích” cho vùng khó khăn này. Chính sách, đề án được ban hành với những lối “mở” chưa có trong tiền lệ tạo điều kiện khá thuận lợi. Quan trọng nhất chính là việc vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã trong công tác tuyên truyền, vận động bà con dân bản thuận theo chủ trương, từ bỏ lối canh tác lạc hậu, kém hiệu quả, cùng đồng lòng bắt tay với nhà nước, doanh nghiệp thực hiện chủ trương này. Mọi vướng mắc đã nhanh chóng được tháo gỡ. Lâm trường Bến Hải trở thành đơn vị tiên phong chủ lực, đã vào cuộc một cách quyết liệt và hiệu quả. Đơn vị đã dốc toàn lực để vực dậy sức sống của miền rừng rộng lớn này. Cây giống, phân bón, cán bộ khung và kỹ thuật canh tác của lâm trường cộng với công lao động của bà con dân bản, cứ vậy, kiên trì, nhẫn nại từng tháng từng năm, cuối cùng đã cho ra kết quả mỹ mãn. Những rừng keo lai phủ kín các đồi trọc chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch đợt 2. Những vùng cao su chuyên canh lên xanh mơn mởn, được quy hoạch thành ô thửa vuông vức, đang cho những dòng mủ trắng đầu tiên...
Bên cạnh đó, 75 ha lúa nước và mấy chục ha đất trồng ngô, sắn ở các bản cũng được chuyển đổi phương thức canh tác, đầu tư thâm canh mang lại kết quả cao. Thực hiện đề án 1695 về “giảm nghèo bền vững cho các thôn, bản đặc biệt khó khăn”, toàn huyện Vĩnh Linh đã chung tay góp sức giúp Vĩnh Ô thoát nghèo đi lên. Cách làm rất thiết thực, cụ thể theo lối “bắt tay chỉ việc” và “làm gương”: cứ hai xã đồng bằng và ba, bốn cơ quan đơn vị cấp phòng ban huyện sẽ đỡ đầu, giúp cho một bản của Vĩnh Ô các mặt về quản lý nguồn đầu tư từ các chương trình, dự án, vận động hỗ trợ về tài chính, vật tư, cây, con giống, xây dựng và triển khai các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả phù hợp với từng địa bàn...
Tận dụng tối đa nguồn lực từ các chương trình lớn như 134, 135, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để từng bước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa cộng đồng, hệ thống trường học. Nhờ đó xã có bước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể. Vĩnh Ô đã chấm dứt tình trạng du canh du cư, cơ bản xóa được nhà ở tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo. Tất cả các thôn đã có điện phục vụ sản xuất và đời sống. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng phát triển, nhiều hủ tục lạc hậu dần xóa bỏ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững, hệ thống chính trị được củng cố xây dựng vững mạnh. Chiếc áo mới của miền núi rừng Vĩnh Ô sau hơn mười năm đã thay đổi ngoạn mục như vậy.
Chuyến xe thiện nguyện của bạn vẫn tiếp tục leo đèo lội suối, men theo bờ dòng suối lớn được xem thượng nguồn sông Bến Hải. Dòng suối trong vắt và lắm ghềnh thác này bao đời nay đã trở thành “vật chủ” của bản làng, dẫu có khi cũng cuồng nộ cuốn phăng mọi thứ, cũng có khi phải quằn quại đau đớn bởi nhiễm độc xianua vàng khé…
Song, nó luôn là chứng nhân vĩnh cửu về sự trường tồn, về những thăng trầm lịch sử của cộng đồng ít ỏi và cách biệt này. Vĩnh Ô có 8 bản, với những cái tên nghe thật lạ lùng: Lền, Thúc, Mít, Cây Tăm, Xà Lời, Xà Nin… chạy dọc theo hai bờ dòng nước này. Để dễ phân biệt, người ta thống nhất gọi các bản làng ở đây theo số thứ tự, bắt đầu từ dưới lên trên: bản 1, bản 2, bản 3,… bản 8. Bản 8 là nơi xa nhất, tiếp giáp với xã Hướng Lập (Hướng Hóa), thuộc vùng biên giới. Điều khá đặc biệt là 5/8 bản của Vĩnh Ô nằm ở bờ nam sông Bến Hải, theo bản đồ 364 thì thuộc địa giới quản lý hành chính của huyện Gio Linh. Một thời vì cái éo le “đất một nơi, người một nẻo” này mà gần hai phần ba số hộ dân Vĩnh Ô không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nói dân dã là cái sổ đỏ. Muốn thoát nghèo đi lên, người dân phải có thứ “bảo bối” này để vay vốn, thế chấp, xét chế độ này nọ… Nhưng tranh cãi xoay quanh hai mấy chữ “thẩm quyền của ai?” không tìm ra lời giải, khiến mọi thứ cứ đứng yên, người dân đành mòn mỏi chờ đợi. Mãi sau này chính quyền hai bên với sự trung gian của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đã ngồi lại tháo dỡ xong cái nút thắt oái oăm này.
Chúng tôi dừng ở bản 5 (Xà Nin), một trong những nơi khó khăn nhất của Vĩnh Ô. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên bởi mười năm trước, ngoài việc dự lễ ở trung tâm xã, bản này là nơi duy nhất tôi được đến, với dấu ấn đậm sâu nhất chính là cái buổi chiều muộn cùng lãnh đạo huyện mang quà đến tặng cho một bà mẹ nghèo, sống neo đơn, có tên là Cà-riên. Bạn đọc có thể tưởng tượng được rằng khi đất trời đang giữa tháng sáu, nắng nóng như đổ lửa bên ngoài, nhưng trong căn nhà sàn lẻ loi nằm chênh vênh bên bờ suối ấy là một mẹ già quấn áo khăn kín mít, ngồi bất động bên bếp lửa đang cháy rừng rực. Một người đàn bà Vân Kiều không biết tuổi, không biết mình là ai, không nghe thấy gì và không còn cảm nhận được gì xung quanh nữa. Cái gọi là sự sống hình như chỉ còn ở đôi mắt, thi thoảng chớp chớp. Thế thôi. Hộp quà để lại bên cạnh bà với lời cam đoan của trưởng bản là sẽ nhận, sẽ chuyển cho đứa con gái duy nhất, hình như đang lấy chồng sống ở đâu đó trên vùng cao Hướng Hóa…
Chính hình ảnh đó khắc sâu vào trí nhớ và ám ảnh tôi suốt một thời gian dài. Bây giờ, trở lại với Xà Nin, đã có những đổi thay đáng kể thật đáng trân trọng. Cái xác xơ, nhếch nhác xưa đã không còn. Mẹ Cà-riên chắc cũng đã mất. Bản đã đông và rộn ràng hơn xưa. Song dẫu đường giao thông, điện lưới, phương tiện nghe nhìn khá đầy đủ nhưng vì quá cách trở nên đời sống bà con ở đây vẫn rất khó khăn. Hộ nghèo và cận nghèo vẫn chiếm đến hơn hai phần ba. Cơ ngơi quanh quẩn vẫn chỉ là những căn nhà sàn cũ kỹ và một vài ruộng lúa, ngô chẳng lấy gì làm xanh tốt. Rõ ràng là không thể ngày một ngày hai có thể đưa Xà Nin, đưa Vĩnh Ô đi lên nhanh chóng như kỳ vọng được. Phải cần một lộ trình dài hơi, một cách làm phù hợp, một sự nhẫn nại, kiên trì, lâu dài... Hồ Đàn - Trưởng công an xã đồng thời là Bí thư chi bộ của bản sau khi nói qua về tình hình đời sống dân bản, vẫn tỏ ra lạc quan: “So với trước đây là khá hơn hẳn rồi, mấy chú ạ. Có được như này Vĩnh Ô biết ơn huyện, các xã, các phòng ban miền xuôi nhiều lắm. Vài năm nữa là hết nghèo, hết khổ thôi, tin miềng đi”. Ừ, thì tin là vậy, sẽ là vậy. Nhìn đám nhỏ tuổi mầm non, được một cô giáo dẫn qua nhận quà, tay phất phơ chéo cờ đỏ tung tăng reo hò, háo hức đón từng cây viết, tập vở, cuốn truyện tranh, lòng cũng chợt thấy ấm lên. Mai này, chúng sẽ là những chủ nhân tương lai của miền núi rừng xa xôi này. Miền quê ấy chắc chắn sẽ hết đói nghèo, sẽ không còn những cách trở, dị biệt nữa. Bởi hôm nay, những viên gạch nền móng đầu tiên đã và đang được lát xuống để nâng bước chân các em, xem ra cũng thật chắc chắn đó rồi.
Chiều buông. Xe dừng lại bên cây cầu nhỏ. Chúng tôi lội suối ngắm cảnh, cũng để thu nạp lại chút năng lượng sau một ngày vất vả hoàn thành chuyến công tác đặc biệt. Năm gã đàn ông xắn quần ngâm nước lạnh, đứng ngẩn ngơ nhìn núi ngắm rừng. Phóng hết tầm mắt mới thấy đại ngàn Trường Sơn quả thật mênh mông và kì bí. Chợt nghĩ, ở đâu giữa phố xá bạn có thể thoải mái bì bõm, đạp dưới chân những hòn cuội tròn xoe của một dòng suối tự nhiên mát trong như vậy. Chốn nào để bạn trở thành một dấu chấm nhỏ giữa một khuôn rừng nhuộm ráng vàng của hoàng hôn, đẹp mê ly đến thế? Và, ở đâu bạn vô tình được thưởng thức một bản hòa tấu của trăm thứ tiếng chim rừng đang ẩn mình trong những tán cây quanh bờ suối vắng...
Lý do là ngoài cái bản tính ưa xê dịch đây đó, thích khám phá, trải nghiệm; tôi còn cảm phục trước mục đích chuyến hành trình của những gã trai nhìn bề ngoài cơ chừng cũng phong trần, bụi bặm lắm, hóa ra lại mang những trái tim hồng của lòng trắc ẩn, đẫm tính nhân văn. Bạn đứng đầu một nhóm thiện nguyện trên facebook, chuyên kêu gọi lòng hảo tâm để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, gặp rủi ro trong cuộc sống. Chuyến này, nhóm của bạn gom góp được một ít gạo, thuốc men, quần áo, sách vở và vài loại nhu yếu phẩm khác đem mang tặng đồng bào một bản hẻo lánh nào đó của xã Vĩnh Ô xa tít tắp giữa đại ngàn Trường Sơn, nơi mà theo lời bạn nghe thật éo le “chỉ 34 nóc nhà sàn nhưng 100% là hộ nghèo, mày ạ. Nhiều hoàn cảnh tội lắm…”.
Đang đắm chìm trong khung cảnh như tranh, tiếng bạn chợt rổn rảng bên tai. “Mai mốt tao kết hợp trao quà từ thiện với thử nghiệm luôn cái tour du lịch trải nghiệm thăm thú núi rừng, lội suối Vĩnh Ô… coi bộ ổn không mày?”. Trời ạ, những lúc như này mà nó còn nghĩ đến công việc, đến kinh doanh, buôn bán, lãi lời nữa kìa? Nhưng nghĩ kỹ thấy lời bạn cũng có lý, cơ chừng có khi cũng thêm một hướng mở nữa cho sự chuyển mình của miền núi rừng xa xôi, nhiều cách trở và còn lắm khó khăn này…
Những tia nắng yếu ớt cuối cùng đã tắt sau đỉnh Trường Sơn hùng vĩ. Không gian núi rừng như chùng xuống, nghe thật yên ắng, thâm u và cô tịch.
Vĩnh Ô chầm chậm về đêm. Chúng tôi chầm chậm về xuôi.
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)