Đặc ân của biển

Trần Thanh |

Không giống vùng cửa lạch phải bỏ ra tiền tỉ để sắm tàu to, máy lớn, ngư dân vùng biển bãi ngang chỉ với dụng cụ thô sơ cũng có thể đánh bắt được những loại hải sản tuy dân dã nhưng lại rất ngon. Và, mặc dù không thu lại lợi nhuận cao nhưng ngư dân bãi ngang được biển cả ưu đãi quanh năm bởi “mùa nào thức ấy”.

Sứa là một loại động vật nhuyễn thể, giàu dinh dưỡng, sống trôi nổi, lênh đênh theo con nước. Hằng năm, cứ vào quãng tháng 2 đến tháng 6 dương lịch, ngư dân vùng biển bãi ngang dùng thuyền hoặc đi bộ dọc bờ biển để bắt sứa. Nếu đánh bắt bằng thuyền, ngư dân sẽ cho thuyền ra khơi khoảng 2-5 hải lý rồi thả lưới hoặc dùng vợt bắt sứa. Đối với những người không có ghe, thuyền thì đợi sứa trôi dạt vào gần bờ rồi lội ra bắt sứa bằng tay; tiếp đó rửa sạch sứa bằng nước biển, loại bỏ đi những mảng bám, chất nhờn rồi lấy phần chân (móng sứa) và phần thân sứa.

Ngư dân bãi ngang cào chần chần dọc bãi biển. Ảnh: Trần Tuyền
Ngư dân bãi ngang cào chần chần dọc bãi biển. Ảnh: Trần Tuyền

Sau khi đem sứa về nhà, những người đàn ông mang theo dao rựa đi ra phía rặng phi lao để đẽo gọt lớp vỏ thân cây phi lao già, còn những người phụ nữ thì tìm hái lá ổi, lá mưng (lá cây lộc vừng) non, quả chuối xanh… Muốn con sứa săn chắc, bớt vị mặn của biển thì người ta ngâm sứa với hỗn hợp này chừng hơn 1 buổi đến 1 ngày.

Khi thân sứa đã săn cứng, những người phụ nữ khéo léo vớt ra, rửa sạch rồi thái nhỏ. Tùy theo mục đích chế biến mà thái sứa theo kiểu khác nhau. Nếu để chấm thì thái lát to bằng ngón tay cái người lớn. Nếu trộn với rau sống thì thái nhỏ thành sợ dài. Đã ăn sứa thì không thể thiếu rau sống và nước lèo. Rau sống gồm những loại rau dân dã dễ kiếm như rau đắng, rau má, rau diếp cá, rau xà lách, bắp chuối, khế ngọt… Tiếp đến là nước lèo. Nước lèo ngon là phải pha chế từ nước mắm ruốc với đậu lạc rang, hành phi, ớt tươi sao cho vừa ngọt, vừa sền sệt. Trong bữa cơm, món sứa được ăn kèm với cơm trắng. Người sành ăn nhất cũng phải mê mẩn món sứa bởi vị mặn giòn của sứa, vị đắng chát của rau và ngọt thơm của nước lèo.

Ruốc là một loài giáp xác nhỏ, thường thường xuất hiện nhiều ở vùng gần bờ khi con nước thay đổi từ đầy sang cạn hoặc ngược lại. Từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau ngư dân vùng biển bãi ngang đánh giã cách bờ vài trăm mét hoặc kéo mức gần trong bờ để đánh bắt ruốc.

Con ruốc tuy nhỏ nhưng có thể chế biến được rất nhiều món ăn khác nhau và món nào cũng hấp dẫn thực khách. Ruốc sau khi đưa lên bờ sẽ được phơi khô, chế biến thành ruốc khuyếc hoặc làm gỏi. Ruốc khô dùng để nấu canh hoặc rim đường, xào tỏi ớt. Còn ruốc khuyếc dùng để làm gia vị nêm nếm trong các bữa ăn hoặc dùng làm nước chấm (như chấm sứa). Những ai lần đầu ăn thử ruốc có thể sẽ thấy lạ miệng bởi ruốc có vị ngọt thanh, độ mặn vừa phải và thơm nhẹ. Đặc biệt, món gỏi ruốc thì được liệt vào hàng “đặc sản”, bởi chỉ người dân vùng biển mới được thưởng thức món ăn dân dã nhưng không kém phần kỳ công này.

Ruốc tươi sau khi được rửa sạch, để ráo nước sẽ được vắt thêm tý chanh. Tiếp đó, thực khách có thể cho thêm rau sống và chan nước lèo được làm từ nước mắm phi với hành ớt, đậu lạc rang. Đối với món sứa, nước lèo được làm từ ruốc khuyếc thì món gỏi ruốc, nước lèo được làm từ nước mắm cá nấu loãng với dầu, ớt, hành tỏi phi, đậu lạc rang và một ít đường. Nước lèo đạt chuẩn là có độ sệt vừa phải.

Từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch hằng năm, chần chần (một loài ốc nhỏ có nhiều màu sắc rất bắt mắt) thường quần tụ dưới lớp cát biển gần bờ biển. Để bắt được chần chần, những ngư dân vạm vỡ dùng vợt để cào như kiểu cào ngao, hến ở vùng nước lợ. Vợt cào chần chần được làm bằng thép hình tam giác nhọn. Bao bọc quanh khung thép là túi lưới dài mắt nhỏ. Phía đỉnh của khung thép được gắn chặt vào đoạn tre dài từ 1,5-2 m. Khi cào chần chần, cánh đàn ông thường cầm cây vợt đi giật lùi dọc bờ biển.

Chần chần sau khi đưa lên bờ phải ngâm và làm sạch kỹ bằng nước biển. Thường là ngâm một buổi hoặc một ngày cho ốc nhả hết cát. Khi ốc đã sạch, người ta luộc ốc bằng nước sạch, kèm theo lá chanh, vài tép sả để dậy mùi thơm. Sau khi chần chần được luộc chính thì tiếp đến là công đoạn trộn ốc với gia vị. Người nấu sẽ trộn thêm dầu, muối ớt, sả tươi băm nhỏ, tiêu tươi trên lửa nhỏ cho ốc ngấm gia vị. Thân chần chần có kích thước chỉ bằng hạt gạo (có nơi gọi là ốc gạo). Mặc dù nhỏ “không đủ dính kẽ răng” nhưng món chần chần lại khiến các bà, các mẹ “nghiện” đến nỗi ngồi khêu ốc suốt ngày không biết chán.

Món cuối cùng tôi muốn kể đến là còng rim bơ tỏi. Còng hay còn gọi là dã tràng. Ngư dân có cách phân biệt giữa loài còng gió và còng động. Còng gió to bằng ngón chân cái người lớn và có màu trắng đục, đào hang sát mép mước. Còn còng động có kích thước nhỏ hơn, màu vàng xám, thường sinh sống dọc rặng phi lao gần bãi biển. Ngư dân bãi ngang chỉ đào bắt còng gió về chế biến thành món ăn. Tuy nhiên, bắt được còng gió còn tùy theo… may rủi từng ngày.

Còng gió sau khi bị bắt rất nhanh chết, vì thế phải chế biến trong thời gian sớm nhất có thể. Đầu tiên, còng được rửa sạch, bỏ đi lớp vỏ cứng và chần qua nước sôi. Sau đó, đợi cho bơ (hoặc dầu) nóng lên thì cho tỏi ớt vào. Bước cuối cùng là cho còng vào chảo dầu rồi đảo đều và cho thêm gia vị. Còng có vị giòn vừa phải, ngọt và béo hơn ghẹ. Vì còng là món “hiếm có, khó tìm” nên không phải người dân bãi ngang cũng được thưởng thức. Nhưng, chỉ cần nếm thử một lần, chắc chắn thực khách sẽ nhớ mãi không quên!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cuộc trò chuyện gần 30 năm trước với nhạc sỹ "Về đây nghe em"

Lê Thiên Minh Khoa |

Nhạc sỹ Trần Quang Lộc sinh năm 1945 tại làng Vạn Kim, Gio Sơn (Gio Linh, Quảng Trị). Tác giả của những bản nhạc nổi tiếng như "Về đây nghe em", "Có phải em là mùa thu Hà Nội"... vừa qua đời lúc 17h40 ngày 07.6.2020 tại TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Xanh EWEC trân trọng giới thiệu bài nói chuyện của nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa với nhạc sỹ Trần Quang Lộc gần 30 năm trước.

Chuyện sinh đẻ ở vùng cao

Lê Minh Hà |

Lâu nay chúng ta cứ nghĩ rằng, khi mạng lưới truyền thông về tận thôn bản, đài báo thông tin rộng khắp mọi nơi thì việc tuyên truyền gặp nhiều thuận lợi và hiệu quả tỉ lệ thuận với nó. Cả việc truyền thông cho vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, vấn đề bình đẳng giới, sức khỏe bà mẹ trẻ em... gặt hái được những kết quả “tưng bừng”. 

Pa-điền-xang: Chiếc mâm lễ nghĩa của người Bru - Vân Kiều

Nguyễn Tiến Dũng |

Với việc nhấn nhá lên các sản phẩm mây tre đan đơn điệu bằng những hoa văn bình dị cùng đường nét, màu sắc tinh tế, người Bru - Vân Kiều đã tạo ra được dấu ấn văn hóa riêng biệt từ nghề mây tre đan truyền thống. Sản phẩm người Bru - Vân Kiều đan từ mây tre chủng loại không nhiều nhưng đó luôn là những công cụ phục vụ hữu hiệu cho nhu cầu sinh hoạt của đồng bào. Một trong những dụng cụ tiêu biểu cho sự thông dụng và đa năng ấy chính là pa-điền-xang, chiếc mâm truyền thống của người Bru - Vân Kiều.

Những di tích gắn với năm tháng tuổi thơ của Bác Hồ ở Huế

PV |

Thừa Thiên-Huế tự hào là mảnh đất đã gắn bó với thời gian niên thiếu của Hồ Chủ tịch trong khoảng 10 năm (1895-1901 và 1906-1909), khi Bác và gia đình đến sinh sống, lao động, học tập tại Kinh đô.