Tưởng nhớ nhạc sỹ người Quảng Trị Trần Quang Lộc:

Cuộc trò chuyện gần 30 năm trước với nhạc sỹ "Về đây nghe em"

Lê Thiên Minh Khoa |

Nhạc sỹ Trần Quang Lộc sinh năm 1945 tại làng Vạn Kim, Gio Sơn (Gio Linh, Quảng Trị). Tác giả của những bản nhạc nổi tiếng như "Về đây nghe em", "Có phải em là mùa thu Hà Nội"... vừa qua đời lúc 17h40 ngày 07.6.2020 tại TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Xanh EWEC trân trọng giới thiệu bài nói chuyện của nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa với nhạc sỹ Trần Quang Lộc gần 30 năm trước.

Bà Rịa năm 1992. Tôi ngồi đối diện với chàng nhạc sĩ nghèo mà tài hoa ấy trong một căn nhà nhỏ cạnh nhà Tròn Bà Rịa. Chiều xuống, tôi vừa nghe anh hát "Muôn trùng có nhớ'', vừa hồi tưởng lại thuở anh viết ''Về đây nghe em'', ''Có phải em mùa thu Hà Nội'', ''Em theo đoàn lưu dân''....  Và cùng anh trò chuyện, nghe anh tâm tình.

NS Trần Quang Lộc hát ở Hội quán Sinh viên
Nhạc sỹ Trần Quang Lộc hát ở Hội quán Sinh viên


- “Về đây nghe em, về đây mặc áo the đi guốc mộc, kể chuyện tình bằng lời ca dao, kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai, kể chuyện tình bằng hạt lúa mới…”. Dường như có âm hưởng hoài niệm cội nguồn trong đó. Phải không anh?

- Tôi viết “VỀ ĐÂY NGHE EM” trong bối cảnh Sài Gòn 1968. Hồi ấy, quân viễn chinh Mỹ đầy rẫy Sài Gòn và nếp sống Mỹ cũng bén rễ trong nhiều tầng lớp dân đô thị. Snack bar, hộp đêm mọc lên khắp nơi. Nhiều em gái bỏ học, mặc mini jip ngắn củn, đi làm vũ nữ hay sở Mỹ, chất Đông Phương của dân tộc nhạt phai dần. Từ sự ray rứt đó, gặp bài thơ của nhà thơ A Khuê, bạn tôi từ hồi còn sống với nhau ở Đà Nẵng, tôi phổ thành “VỀ ĐÂY NGHE EM”, muốn góp tiếng nói bằng âm nhạc, thức tỉnh họ chớ quên cội nguồn dân tộc, hãy trở về với câu ca dao, lũy tre làng…

bis Dinh Tiên Hoàng Sài Gòn 1969
Nhạc sỹ Trần Quang Lộc và danh ca Thái Thanh

- Nhiều người tưởng rằng anh viết “Về đây nghe em” sau 1975?

- Nhiều người, nhất là giới trẻ thường tưởng lầm như vậy. Mà không chỉ bài hát đó đâu! Nếu “VỀ ĐÂY NGHE EM” bị hiểu như là lời kêu gọi Việt kiều về thăm quê hương, thì bài hát “EM THEO ĐOÀN LƯU DÂN” (phổ thơ Phạm Hòa Việt) viết năm 1973 được hiểu là nói về những người rời bỏ đất nước sau 1975, những “thuyền nhân”. Thực ra đó là những cảm xúc của tôi về cuộc sống của những người dân Quảng Trị quê mình di dân vào Nam, về Bình Tuy, sau mùa hè 1972. Bài “CÓ PHẢI EM MÙA THU HÀ NỘI” tôi phổ thơ Tô Như Châu năm 1972, cũng vậy, rung cảm trước giọng nói và nhan sắc một cô gái đẹp, đẹp như “tháng tám mùa thu, lá rơi vàng…” trong thơ Tô Như Châu và chỉ dừng lại ở đó thôi. Nhưng có người tưởng tôi viết sau ngày giải phóng. Thôi thì cứ để cho giai điệu, ca từ trả lời…

- Xin dừng lại ở bài “CÓ PHẢI EM MÙA THU HÀ NỘI” một tí. Tôi đã nghe danh ca Thái Thanh hát với chất giọng cao vút, thánh thót chấp thêm đôi cánh để bay cao hơn, nhưng rồi lại gặp số phận không may...

- Do đây là ca khúc viết về Hà Nội, lại là Hà Nội mùa thu với những ca từ dễ gợi nhớ tới “Mùa thu tháng Tám” lịch sử của dân tộc và dễ suy diễn theo chiều hướng quy chụp nên sau khi được phổ biến và nổi tiếng một thời gian thì bị chính quyền chế độ cũ cấm hát, cho thu hồi cả bản ghi âm, ghi hình. Đồng thời, tôi cũng bị gọi lên “chỉnh đốn” vì cho là “thân cộng”...

- Tôi nghe nhiều băng nhạc hải ngoại có các ca khúc cũ của anh. Trong đó, có một băng nhạc về riêng anh do một gia đình âm nhạc nổi tiếng thực hiện. Hỏi thật, anh có nhận được tiền bản quyền không?

- Trần Quang Lộc (cười buồn): Về Sài Gòn, bạn bè tôi cũng thường hỏi tôi như vậy. Nghe vừa buồn vừa… quê ghê! Thực ra, tôi chỉ nghe nhạc của mình được thực hiện, chứ có nhận được đồng xu nào đâu! Thậm chí, họ cũng chẳng tặng cho một cuốn băng nữa. Anh hỏi: Sao không đòi hả? Biết đòi ở đâu bây giờ! Luôn tiện, kể cho anh nghe chuyện này. Trong một tập nhạc in khá đẹp, đang bán ở hiệu sách có tựa là “Mười tình khúc của Đức Huy” lại có bài “Về đây nghe em” của tôi. Cách phổ biến như vậy làm người ta tin chắc tác giả là Quang Huy. Rồi nhiều băng, đĩa thực hiện ca khúc của tôi, nhưng lại ghi là Lê Quang Lộc. Anh thấy đó! Tên tuổi còn bị người ta đánh cắp huống chi là tiền…

TQL và ca sĩ Thu Phương
Nhạc sỹ Trần Quang Lộc và vợ Nguyễn Thị Thuận.

- Sau Thống nhất, nghe nói lặng im một vài năm, anh lại viết khá nhiều. Anh có ý định phổ biến không?

- Khoảng hơn 200 ca khúc, mà phần lớn là tình khúc. Thôi thì, thỉnh thoảng đem ra hát cho… mình nghe vậy!

Và Trần Quang Lộc quay ra phía sau lấy cây đàn guitar đánh tango hát cho tôi nghe bài Muôn trùng có nhớ mà anh mới viết sau này. Giọng hát của anh vẫn trầm ấm như thưở nào: “Nơi muôn trùng em có nhớ gì tôi? Nụ cười xưa thơm hoa bưởi trên môi. Mái tóc em bay nhớ hương chanh đầu ngõ… Em xa quê đã mấy mùa mưa nắng. Mà trong tôi chưa thấy Tết bao giờ…”

Rồi anh cất đàn, tiếp tục trả lời câu hỏi của tôi: Mấy lần anh về Sài Gòn, bạn bè hỏi sáng tác mới. Có bài hát nào mang theo, anh lại lôi ra đưa và ít hôm sau được giới thiệu trong chương trình ca khúc mới của đài truyền hình TP. HCM. Bạn anh, nhạc sĩ Quốc Dũng, chồng ca sĩ Bảo Yến, khuyến khích anh nên ra một Album nhạc, nhưng với anh, mấy triệu đồng để thuê mướn nhạc công, trả tiền ca sĩ, người phối âm, phối khí, dàn dựng … là quá lớn. Thôi thì cứ để yên trong ngăn kéo, chờ thời gian thuận tiện hẵn ra.

- Nhiều người vẫn lấy làm lạ, tại sao anh lại chọn Bà Rịa - Vũng Tàu để ở và cam phận làm anh giáo dạy nhạc thay vì ở lại Sài Gòn có đất dụng võ?

- Năm 1985, tôi từ Sài Gòn về xã Phú Mỹ thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai chơi, gặp Nguyễn Thành Ngọc, chủ tịch xã, gọi mời, tôi cao hứng ở lại. Năm 1986, lang thang về Bà Rịa dạy nhạc, thấy đất này hay hay, tôi quyết định “nhập cư” luôn. Được cái, mấy anh ở Ủy ban Thị trấn quý anh em, tôi bèn phụ vô xây dựng phong trào văn nghệ ở địa phương, gọi là đáp đền “ơn tri kỷ”. Bây giờ đã 47 tuổi rồi (Trần Quang Lộc sinh năm 1945), lại vợ con đùm đề, tôi chẳng muốn bon chen gì nữa. Thôi thì cứ ở đây mở đất dạy nhạc cho đàn em cũng là niềm an ủi rồi…

Vợ chồng TQL, LTMK và VNS thân hữu, Bà Rịa 2019
Vợ chồng Trần Quang Lộc, Lê Thiên Minh Khoa và văn nghệ sỹ thân hữu tại Bà Rịa 2019.

10 giờ tối. Bỗng nhiên điện cúp đột xuất. Phòng khách đã chật chội lại tối và nóng. “Thôi thì” chia tay. Trong lúc trò chuyện, anh hay dùng từ “thôi thì” như là thái độ đành phận chấp nhận của người nghệ sĩ trước bao nghịch lý xã hội, giữa bao thăng giáng cuộc đời. “Trong có phải em mùa thu Hà Nội”, anh cũng “thôi thì”:

“Thôi thì có em đời ta hy vọng/ Thôi thì có em sương khói môi mềm/ Có phải em là mùa thu Hà Nội/ Nghe đâu đây lá úa và mi xanh/ Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát…”.

Phạm Duy trong ca khúc nổi tiếng “Đưa em tìm động hoa vàng” phổ thơ Phạm Thiên Thư cũng dùng điệp ngữ “thôi thì” để biểu hiện sắc thái biểu cảm đành lòng, chấp nhận và thể hiện sắc thái ý nghĩa “đành phận” trước thực tại cuộc đời “bất hòa” với khát vọng, hoài mong của nhân vật trữ tình: “Thôi thì thôi đừng ngại mưa mau/ Đưa nhau ra tới bên cầu nước xuôi…/ Thôi thì em chẳng còn yêu tôi/ Thôi thì thôi mộ nhé... đoạn trường thế thôi…/ Thôi thì thôi để mặc mây trôi/ Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan/ Thôi thì thôi chỉ là phù vân/ Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi…”.

TQL và ca sĩ Thu Phương
Nhạc sỹ Trần Quang Lộc và ca sĩ Thu Phương

“Thôi thì” chia tay, “có ngần ấy thôi”! Để tiễn tôi, anh hát tặng bài “Về đây nghe em” (anh còn là ca sĩ “chuyên trị” ca khúc của mình mà!). Với ca từ mộc mạc, đơn giản, rất đời thường và giai điệu nhẹ nhàng, êm đềm, chậm rãi như kể chuyện, với cái giọng khàn đục, hơi nhừa nhựa mà trầm ấm, có lúc giọng anh chùng xuống, rưng rưng nước mắt ở những câu thấm đậm tâm can, rồi lại vút cao như thánh ca khi anh vào điệp khúc: “Này hồn ơi lên cao lên cao/ Đem ánh sáng hân hoan trên trời/ Rọi vào đời cho ta tinh cầu yêu thương/ Này thịt xương ta chưa mang theo/ Khi ngã xuống miên man tủi hờn/ Và về đây nghe nhau thở dài trong đêm…”

Những lời hát vẫn còn nhiều ý nghĩa.

Bà Rịa, 28.8.1992

Người suýt bị chôn sống

Lê Minh Hà |

Hơn hai mươi sáu năm trôi qua, câu chuyện về người con gái suýt bị chôn sống vẫn là ám ảnh buồn của đồng bào dân tộc Vân Kiều ở xã Tà Long (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị). 

Phóng sự ảnh: Mùa lúa rẫy

Phan Tân Lâm |

Gieo trồng cây lúa rẫy là phương thức sản xuất truyền thống từ lâu đời của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở khu vực miền núi Quảng Trị. 

Kỹ thuật xây dựng giếng Chăm vùng Quảng Trị

Yến Thọ |

Hệ thống các công trình khai thác nước cổ ở Quảng Trị rất phong phú và đa dạng theo sự ảnh hưởng của điều kiện địa hình. Nếu không tính các công trình khai thác nước thuộc sản phẩm riêng biệt của người Việt giai đoạn sau này thì hệ thống khai thác nước cổ mà chúng tôi cho rằng thuộc sản phẩm của người Chăm hoặc theo kỹ thuật Chăm ở Quảng Trị bao gồm 2 nhóm loại hình với các đặc điểm và kỹ thuật xây dựng sau đây:

Phần thưởng của Bác Hồ tặng thiếu nhi Vĩnh Linh

Lan Phương |

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thiếu nhi tỉnh Quảng Trị nói chung và thiếu nhi huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) nói riêng đã cùng thiếu nhi cả nước đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đánh bại kẻ thù để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.