Người suýt bị chôn sống

Lê Minh Hà |

Hơn hai mươi sáu năm trôi qua, câu chuyện về người con gái suýt bị chôn sống vẫn là ám ảnh buồn của đồng bào dân tộc Vân Kiều ở xã Tà Long (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị). 

Trong ngôi nhà mới cất lọt thỏm giữa núi rừng Trường Sơn, Giả Hương (tức Hồ Thị Đia), người đàn bà hiền từ đức độ ấy cùng chồng mình đã vượt qua nhiều rào cản về mặt tâm linh, luật tục để giành lại sự sống cho đứa bé gái mới sinh rồi họ nhận về làm con nuôi.

Ngày nay, đứa bé ấy có tên khai sinh đầy đủ là Hồ Thị Đanh. Cầm trên tay sự sống hai mươi sáu năm qua, giọt nước mắt chị Hồ Thị Đanh nhỏ xuống như sự hàm ơn đối với bố mẹ nuôi, chị Đanh nói rằng chị may mắn khi còn được sống...

Giả Hương - mẹ nuôi của cô gái suýt bị chôn sống Hồ Thị Đanh
Giả Hương - mẹ nuôi của cô gái suýt bị chôn sống Hồ Thị Đanh

Những câu chuyện rừng

Mẹ hắn (tức mẹ ruột của Hồ Thị Đanh) chết khi mới sinh hắn 7 ngày. Sót nhau, chảy nhiều máu rồi chết để lại ba đứa con, kể cả con mới sinh đỏ như chuột. Thương Pỉ Lăng lắm! Giả Hương thốt lên nghẹn ngào, chuyện như mới vừa xảy ra.

Thôn Tà Lao, xã Tà Long (huyện Đakrông) cách trung tâm xã hơn 5 km. Đó là nơi Giả Hương sống cùng các con. Với nụ cười hiền từ, đôi mắt sáng và giọng nói vẫn trong khi đã bước vào tuổi 75. “Đanh - người suýt bị chôn sống không có ở đây nữa, đi theo chồng lâu rồi”. Tôi ngồi nghe Giả Hương kể chuyện, xung quanh cuộc đời của Pỉ Lăng (mẹ ruột của Đanh): "Mẹ của Đanh có tên là Thìn, Hồ Thị Thìn. Pỉ Lăng là lấy tên con đầu là Lăng, Pỉ là mẹ, Pả là cha, người Vân Kiều lấy tên theo con cháu".

“Năm 1989, mẹ nhớ, nhưng có thể năm 87, 88, thua thì không có. Pỉ Lăng có hai đứa con với Pả Lăng, hai vợ chồng hắn giận nhau nên Pỉ Lăng quay về nhà mẹ đẻ. Sau Pả Lăng có về đón, Pỉ Lăng muốn theo nhưng mẹ đẻ không cho theo. Pỉ Lăng sinh con rồi chết, Pả Lăng không biết đâu...”, Giả Hương kể, giọng rất buồn.

Câu chuyện về hành trình “vượt cạn” của những người đàn bà vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn chúng tôi đã được nghe, nhưng chuyện sinh đẻ của phụ nữ Vân Kiều cách đây không xa khiến tôi không khỏi bàng hoàng. Pỉ Lăng chết sau khi sinh con - Giả Hương nói. Lúc đó, mẹ của Pỉ Lăng đòi chôn luôn đứa cháu gái của mình theo với lý do không có chi để nuôi. Nếu lặng im là chôn thiệt, họ chuẩn bị cả rồi, định gói chiếu chung với Pỉ Lăng. Đó không phải là tục lệ, đó là sự cực khổ. Mẹ cũng sợ lắm! Nếu mang đứa bé mới sinh chưa “sạch sẽ” về nhà mình sợ tổ tiên phạt lắm. Nhưng thương thì mang về, mình thương thì tổ tiên mình cũng thương, Yàng cũng sẽ hiểu. Tôi hỏi thêm về công việc của Pả Lăng thì Giả Hương nói: Pả Lăng làm bác sỹ ở thị trấn của huyện!

Miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều đổi thay nhưng cái nghèo đói vẫn còn “vận vào” đời sống đồng bào. Thiếu đất sản xuất là lý do hàng đầu khiến đồng bào ở đây dai dẳng nghèo khó. Dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, khi đi qua các xã Tà Long, Húc Nghì, A Bung, A Ngo, Tà Rụt, A Vao... hầu hết nhà ở của đồng bào là những ngôi nhà sàn được hỗ trợ từ chương trình nhà ở của Chính phủ. Đời sống của đồng bào cũng còn nhiều thứ cay nồng. Căn nhà của Hồ Thị Đanh, ngó trước nhìn sau mà căn nhà vẫn trống không, lấy chồng hơn 10 năm nay, cắm nhà ở riêng, gia sản hiện có của gia đình Hồ Thị Đanh là những bộ quần áo của vợ chồng, của con cái. Thứ đồ cũ mốc cũ mò phơi ra một căn, một cái cặp học sinh lòi ra khi tôi nhờ xem cái chứng minh nhân dân và hai chiếc can lấy nước bằng nhựa, mỗi cái 20 lít.

Cái sống rất lạ.

Có lẽ, Hồ Thị Đanh được bố mẹ nuôi giành lại sự sống cho nên chị nói nhiều đến cái sống. Cái sống nó rất lạ, như sự xuất hiện của tôi ở đây. Trong căn nhà nghèo đến mức nhìn sơ qua đã thấy buồn tại khu định cư mới ra khỏi vùng sạt lỡ của thôn Húc Nghì (xã Húc Nghì, huyện Đakrông) cách xã Tà Long 8km chị Đanh nở nụ cười đón tôi.

Chị Hồ Thị Đanh - cô gái suýt bị chôn sống bên cạnh những đứa con của mình.
Chị Hồ Thị Đanh - cô gái suýt bị chôn sống bên cạnh những đứa con của mình.

Điểm định cư mới thôn Húc Nghì nằm ở ngọn đồi đã được san ủi bên dòng sông, cái nắng 40 độ C khiến dòng sông gần như trơ đáy. Cả bản hơn một trăm ngôi nhà không có lấy cái cây xanh, không có sự hiện diện của 1 cọng rau lang dại. Chị Đanh tâm sự, cái sống rất lạ, chút nữa chị bị chôn thì hôm nay em không gặp được. Và chị không ở đây, không lấy chồng, không có những đứa con. Chị sẽ không được cười, còn khóc thì chắc có người sống bị chôn xuống đất thì phải khóc chứ, khóc ngặt!

Câu chuyện hơn 30 năm, Hồ Thị Đanh chỉ có thể là người nghe kể về thân phận của mình. Nói như đứa em trai cùng tuổi lớn lên dưới một mái nhà với chị Đanh thì: cái thời đó ở đây lấy mô ra bác sỹ, cái thời cóc mò than. Mà nếu có bác sỹ, có trạm xá thì người đẻ cũng không tìm tới. Chuyện chết chóc rất bình thường, nhưng chuyện định chôn một đứa bé theo mẹ hắn thì không bình thường, nó được coi là cái ác nên người ta nhớ và rùng mình. Bố mẹ hồi đó đã bỏ qua nhiều rào cản trong luật tục để nuôi Đanh, em thấy thương...

Những người có liên quan đến thân phận của chị Hồ Thị Đanh đã trở thành người thiên cổ, bố nuôi chị, bà ngoại, mẹ chị, bố đẻ... đã chết hết. Chị Đanh có một người anh và một người chị ở xa, thỉnh thoảng họ vẫn về thăm nhau. Câu chuyện về “cái chết hụt” của chị vẫn được mọi người nhắc. Khi đến địa bàn một số xã lân cận ở Tà Long như Húc Nghì, Đakrông, Tà Rụt, A Bung, A Ngo... nhiều người vẫn biết đến câu chuyện này dù thời gian đã trôi đi thật xa. Chia tay người con gái Vân Kiều suýt bị chôn sống, tôi chợt thấy giọt nước mắt rơi trên má chị. Chị nói: "Nhiều thứ lạ ở trên đời này nó rất hạnh phúc. Như mẹ nuôi chị đã cứu chị, đấy là một phép màu".

TAGS

Thực hư chuyện “bùa ngải” trong đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô

Lê Minh Hà |

Mọi câu chuyện liên quan đến “bùa ngải” đều xuất phát từ rừng. Rừng là nơi sản sinh ra những thứ cây, con... để người đồng bào dân tộc thiểu số giữa đại ngàn Trường Sơn vấp phải. Đầu tiên là như thế! Sau đó đồng bào tránh chúng, rồi trở lại với chúng (có lợi hoặc có hại) cho sự sinh tồn. Chúng có thể giúp con người mạnh hơn con thú, hoặc con người mạnh hơn con người. Giữa tầng tầng lớp lớp thâm u của cây cối, người ta đã bóc tách qua chừng ấy thời gian, hàng trăm năm, thậm chí là hàng ngàn năm thì chuyện “bùa ngải” vẫn là điều mang nhiều bí ẩn.

Chùm ảnh tôn vinh người lao động trong ngày 1/5

PV |

Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886-1/5/2020) đã trở thành ngày lễ tại nhiều quốc gia trên thế giới dành để tôn vinh người lao động và thắt chặt tình đoàn kết của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

48 năm giải phóng Quảng Trị: Khát vọng vươn lên trên miền 'đất lửa'

Nguyên Lý |

Từ vùng đất bị chiến tranh tàn phá đến hoang tàn, Quảng Trị đang vươn mình khẳng định sức sống mới trên miền đất lửa, phấn đấu kết thúc giai đoạn 2015-2020, ngang mức phát triển trung bình cả nước.

Những hình ảnh đặc biệt về Sài Gòn tháng 5 năm 1975

PV |

Màu cờ đỏ và màu áo xanh của các chiến sĩ Giải phóng tạo nên nét đặc trưng của các đường phố Sài Gòn tháng 5 năm 1975.