Lâu nay chúng ta cứ nghĩ rằng, khi mạng lưới truyền thông về tận thôn bản, đài báo thông tin rộng khắp mọi nơi thì việc tuyên truyền gặp nhiều thuận lợi và hiệu quả tỉ lệ thuận với nó. Cả việc truyền thông cho vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, vấn đề bình đẳng giới, sức khỏe bà mẹ trẻ em... gặt hái được những kết quả “tưng bừng”.
Nhưng không, qua sự tìm hiểu của chúng tôi khi về tận thôn bản vùng cao của Quảng Trị mới thấy hết những cam go ở nơi đây. Khổ nhất là các bà đỡ đẻ, các Y Bác sỹ Trạm Y tế khi tiếp nhận những ca sinh đẻ có một không hai này.
Tháng có... ngày 34!
Xã Húc Nghì, huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) cách trung tâm huyện 38km, gồm 4 thôn bản là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn không phải vì giao thông đi lại còn khó khăn mà bởi tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn, thiếu đất sản xuất. Là vùng thuộc núi đá và độ dốc lớn. Đồng bào sống chủ yếu nhờ vào thu nhập từ nương rẫy.
Chị Hồ Thị Bảy, nữ hộ sinh Trạm Y tế xã Húc Nghì không ngần ngại chia sẻ với chúng tôi “Tôi bắt đầu làm công việc nữ hộ sinh từ năm 1997, bao nhiêu câu chuyện buồn vui đều có hết. Những bà mẹ chăm lo cho sức khỏe của đứa con trong bụng mình thì cũng có nhiều. Nhưng điều kiện nào để chăm, không có tiền để mua thức ăn bồi dưỡng cho mẹ và bé nói gì đến sữa bầu và các thực phẩm hỗ trợ trong thời kỳ mang thai. Muốn con khỏe cũng chịu”.
Trao đổi với chúng tôi về chuyện buồn vui trong nghề nghiệp, chị Hồ Thị Bảy cho hay “Công tác truyền thông nhiều, cũng đã có bà mẹ làm theo. Làm bà đỡ rất vui khi thấy những đứa bé ra đời khỏe mạnh. Có nhiều chuyện buồn, không ít bà mẹ đã không xem việc chăm sóc con cái là thiết yếu vì phải lo làm rẫy. Một số bà mẹ khi đến khám tại Trạm Y tế xã, chúng tôi bảo rằng họ đã mang thai nhưng họ không thừa nhận, đã có những trường hợp nói với chúng tôi rằng, ngày 34 tháng này em mới "tắt kinh" làm sao có thai tới 3 tháng. Cũng có trường hợp bảo chu kì kinh nguyệt của họ là ngày thứ 36 trong tháng. Lúc đó chúng tôi chỉ biết cười thôi”.
Những chuyện buồn vui trong nghề làm “bà đỡ” được chị Hồ Thị Bảy chia sẻ chân thành. Chúng tôi đã có dịp đến nhà Hồ Thị Th. thôn La Tó, xã Húc Nghì. Là nhân vật chính trong câu chuyện “tháng có ngày 34”, chị Th vẻ e thẹn khi tiếp xúc với người lạ, cũng vì thế câu chuyện diễn ra hết sức ngắn ngủi. Chị Th bảo rằng “Ai biết được khi nào mang thai, lúc khám nghe y tá bảo mang thai vừa mừng vừa sợ cuống lên hết, cũng không biết phụ nữ có thai bao nhiêu tháng thì sinh. Đến ngày đẻ thì con nó ra”.
Những bà mẹ tuổi vị thành niên
Có hàng ngàn vị thành niên tảo hôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, mà chủ yếu rơi vào vùng miền núi. Cũng do đó rất nhiều bà mẹ trong độ tuổi vị thành niên. Gặp rất nhiều người trong số họ tại các xã A Ngo, Tà Rụt, Tà Long, Ba Nang (huyện Đakrông) và xã Ba Tầng, A Túc, Hướng Lập, Hướng Linh (huyện Hướng Hóa) chúng tôi mới thấy ngỡ ngàng với nhận thức vấn đề sức khỏe ở nơi đây. Bà mẹ trẻ Hồ Thị T, 14 tuổi ở thôn Cooc, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa cho rằng con của chị khỏe mạnh bình thường khi cháu Hồ Văn B đã 4 tuổi tròn nhưng mới chỉ có 9kg. Còn bà mẹ trẻ Hồ Thị V, thôn Ba Nang, xã Ba Nang, huyện Đakrông buồn rầu tâm sự với chúng tôi khi nhìn hai đứa con “Con em cháu lớn 5 tuổi còn cháu nhỏ 4 tuổi, trạm y tế bảo hai đứa bị suy dinh dưỡng nhưng không phải, cháu không có chi để ăn nên mới gầy”.
Không khó để tìm gặp những bà mẹ khi đang còn là “trẻ con” ở vùng cao Quảng Trị. Tiếp chúng tôi ở nhà riêng tại thôn Tà Rụt 1, xã Tà Rụt, huyện Đakrông bà mẹ trẻ Hồ Thị D, 15 tuổi tâm sự “Em học hết lớp 6 thì bỏ học. Không còn đi học nữa thì đi chơi, gặp con trai tìm hiểu yêu rồi lấy nhau, rồi sinh con. Hiện giờ hai vợ chồng em sống với bố mẹ, con em hơn 1 tuổi. Bố mẹ làm rẫy, chồng em cũng phụ giúp làm rẫy còn em thì bận nuôi con...”. Còn bà mẹ Hồ Thị R, 16 tuổi ở thôn 37, xã Húc Nghì cho hay “Em lấy chồng 2 năm, con em hai tuổi. Ở miền núi sang tuổi 20 không còn ai lấy nữa”.Chị Hồ Thị Bảy, nữ hộ sinh Trạm Y tế xã Húc Nghì cho biết: "Nhiều thôn bản những đứa trẻ lấy chồng sớm. Họ đón con nhỏ ra đời trong khi kiến thức làm mẹ chưa được tìm hiểu cơ bản. Không ít trường hợp bà mẹ đang là vị thành niên, khi cơ thể họ chưa phát triển nên họ buộc phải “ép” theo. Tức là ăn ít để con nhỏ cho dễ sinh. Hầu hết những trường hợp bà mẹ là vị thành niên chúng tôi đều chuyển lên tuyến huyện, trừ trường hợp không chuyển kịp mới để sinh tại Trạm Y tế xã chứ cực kỳ nguy hiểm cho bà mẹ và trẻ em khi họ thiếu sức khỏe”.
Xã Tà Long, huyện Đakrông cách trung tâm huyện thị 30km. Ở đây không thiếu những bà mẹ đang trong lứa tuổi vị thành niên. Những cái tên như Hồ Thị Th, Hồ Thị L... hỏi ai cũng biết. Bởi đây là những trường hợp bà mẹ còn “rất trẻ con” và hoàn cảnh kinh tế gia đình thì vô cùng khó khăn. Hồ Thị Th, lấy chồng năm 16 tuổi, đã có 2 đứa con, bốn người trong một gia đình với mái nhà tạm xiêu vẹo. Chung cảnh ngộ đó là Hồ Thị L, bà mẹ “trẻ con” này suốt ngày quần quật lao động để nuôi con nhỏ trong khi đó người chồng “trẻ con” lại miệt mài đi chơi. Do nhận thức kém nên nhiều trẻ em, kể cả người lớn không hiểu đến Luật Hôn nhân và gia đình dẫn đến tảo hôn. Nhiều bà mẹ trong độ tuổi vị thành niên cơ thể phát triển chưa hoàn thiện ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sinh sản, nhiều đứa trẻ đã suy dinh dưỡng ngay từ trong bào thai.
Vẫn còn lắm nhọc nhằn
Tuyên truyền nối tiếp tuyên truyền, những cán bộ dân số thôn bản, y tế thôn bản, y tế xã... mòn vẹt chân đến những bản làng xa xôi nhất của vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền nhưng xem chừng vấn đề hiệu quả mang lại như mong đợi vẫn còn nan giải lắm. Chừng nào nạn tảo hôn vẫn còn tồn tại, vấn đề bình đẳng giới chưa được thực hiện, đời sống còn quá khó khăn... thì chuyện sinh đẻ ở vùng cao vẫn là câu chuyện buồn chưa có hồi kết. Những nơi mà chúng tôi tìm hiểu, vẫn còn phổ biến những ông chồng chở vợ đến trạm y tế xã rồi bỏ vợ ở đó cho cán bộ y tế lo đẻ cho vợ mình “trọn gói”. Có những bà mẹ khi đến đẻ ở trạm mới biết mình mang thai, họ cứ ngỡ mình bị trễ chu kì kinh nguyệt hơn 9 tháng! Không hiếm những bà mẹ “đẻ rớt” con mình trên nương rẫy rồi chuyện “đẻ phong tục” (đẻ ở nhà) vẫn còn tồn tại. Nhiều người phụ nữ xem chuyện mang thai là điều tế nhị vì “có quan hệ tình dục thì mới mang thai” nên giấu chuyện có thai với chồng, với gia đình và giấu luôn trạm y tế xã. Chỉ khi họ đến trạm y tế xã khám vì một bệnh tật nào đó, bác sĩ mới biết được họ đã mang thai. Chia sẻ với chúng tôi về điều này, chị Hồ Thị Bảy cho hay “Do họ giấu chuyện mang thai nên việc khám thai 3 tháng đầu tiên là rất khó. Mà đây là giai đoạn rất quan trọng cho sự phát triển của thai nhi. Với người phụ nữ Vân Kiều, Pa Cô họ rất ngại nói chuyện mình mang bầu. Họ giấu hết tất cả mọi người, kể cả cán bộ y tế. Thường thì họ đến khám vị ốm đau, chúng tôi mới phát hiện họ có bầu. Có những trường hợp chưa kết hôn cũng có thai sau đó mới về yêu cầu gia đình bên nhà trai đến cưới”.