Từ ngàn đời nay, đồng bào Vân Kiều, Pa Cô giữa đại ngàn Trường Sơn đã biết dùng nhiều loại dược liệu thiên nhiên để trị bệnh cho mình và cộng đồng xung quanh. Trong các phương thuốc nổi tiếng của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị): trị rắn độc cắn, đau dạ dày, bong gân, xương khớp... thì phương thuốc phổ biến đối với phụ nữ sau khi sinh mà người miền xuôi thường gọi là “thần dược” được lan truyền khắp nơi. Từ thời tổ tiên cho đến ngay nay vẫn được lưu truyền và nó đã trở thành bài thuốc gia truyền độc đáo cho phụ nữ sau khi sinh ở vùng bản.
Biết dựa vào rừng
Đồng bào Vân Kiều, Pa Cô thường sống men theo những triền đồi, bên những con suối. Cuộc sống của họ gắn liền với núi rừng. Từ lá rau trên rừng, con nai ở núi cho đến con cá dưới sông. Họ xin từ thiên nhiên và có ý thức để cho thiên nhiên tái tạo.
Đối với cây dược liệu cũng thế, người Vân Kiều, Pa Cô chỉ lấy đủ để phục vụ cho mình, không phải vì thương mại hóa thị trường mà khai thác cạn kiệt. Sống giữa núi rừng, để chóng chọi với bệnh tật hoặc những rủi ro bất thường xảy ra nên người Vân Kiều, Pa Cô rất giỏi nghề thuốc.
Một đốt xương gãy, những vết do bò sát cắn nhiễm độc thông thường cho đến những vết cắn cực độc của loài hổ mang chúa... đều là những “tai nạn” rất đỗi bình thường được đồng bào xử lý tốt.
Pỉ Thuần, ở thôn Pa Hy, xã Tà Long là người nắm giữ nhiều phương thuốc gia truyền. Từ các phép “thổi” cho đến những phương thuốc dùng lá cây rừng Pỉ Thuần đều được người mẹ truyền cho. Bà tâm sự với chúng tôi rằng “trước ông cha khổ, tổ tiên cực không có chi ăn, bản làng sống giữa rừng. Sống ở rừng thì phải biết dựa vào rừng. Từ những cái mà rừng ban phát khi nhận phải biết ơn. Và những thứ rừng trừng phạt thì cũng phải biết nhận. Không biết dùng thuốc thì chết, không biết dùng lá cây, thân cây thì không khỏi được. Một người học cách tự cứu mình thì có hai người biết, người này biết thì nói với người kia, dần dà nhiều người biết.”
Tính cố kết cộng đồng của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô rất cao. Cũng nhờ đó họ chống chọi được với thiên nhiên, với thú dữ, với dịch bệnh, với các chứng bệnh đối với mình và mọi người xung quanh.
Đa số phương thuốc gia truyền của đồng bào được truyền cho đàn bà nhiều hơn cho đàn ông. Giải thích căn nguyên của vấn đề này, Pỉ Thuần cho hay “đàn bà được biết, được truyền nhiều phương thuốc gia truyền hơn đàn ông là do đàn bà hay lên nương, lên rẫy. Trên đó gặp nhiều rắn rít, họ tiếp xúc với chúng nên thường bị rủi ro. Cũng do đó họ tiếp xúc với cây cỏ nhiều hơn đàn ông nên tìm được nhiều cây thuốc. Đàn ông chỉ hay biết cây gỗ nào tốt, con thú nào to thôi”.
Nói về bài thuốc dưỡng sinh cho phụ nữ sau khi sinh, Pỉ Thuần chia sẻ “đàn bà là người đẻ con, là người biết rõ những thay đổi tốt xấu trong người mình và họ biết cần cây gì, rễ gì để dùng tốt cho sức khỏe. Với thuốc cho phụ nữ sau khi sinh con, đàn bà cũng biết nhiều hơn đàn ông”
Thuốc dưỡng sinh cho sản phụ
Giờ phụ nữ miền núi Đakrông sinh nở hầu hết họ tìm đến Trạm Y tế xã. Tuy nhiên vẫn còn trường hợp “đẻ phong tục”. Khi phụ nữ đến kỳ sinh nở tự xoay sở để đẻ con. Những thứ cần chuẩn bị cho một ca đẻ gồm: vật dụng cắt nhau rốn, nước ấm để tắm cho trẻ sơ sinh và lửa để sưởi ấm. Đồng thời với nó là lá tắm cho sản phụ.
Liều thuốc dưỡng sinh cho sản phụ sau sinh thì phải chuẩn bị từ trước đó một tháng trời. Bà Hồ Thị Ta Pưng, người dân tộc Vân Kiều ở thôn Tà Lao (xã Tà Long) được xem là thầy thuốc của thôn bản khi bà nắm được trong tay nhiều bài thuốc quý, trong đó có thuốc dưỡng sinh cho phụ nữ sau khi sinh “đàn bà miền núi trước khi đẻ khoảng một tháng phải tìm trước rễ để uống. Khi sinh xong phải uống ngay. Bài thuốc này có tác dụng bồi bổ khí huyết, tăng cường sinh lực và đặc biệt nó có tác dụng trị thương, đẩy hết các tạp chất trong cơ thể ra ngoài. Khí huyết động cũng được đẩy ra. Đàn bà khi sinh phải kiêng khem đủ thứ nhưng khi uống thuốc này cứ ăn uống tự do. Sau ba ngày có thể lên nương, lên rẫy, thậm chí có thể lặn nước đánh cá” bà Ta Pưng chia sẻ.
Bài thuốc dưỡng sinh cho sản phụ khi sinh được gọi là “Rê Quairoi” (rễ của người đẻ) bao gồm các loại rễ quý. Ông Hồ Kêng, ở thôn Pa Hy, xã Tà Long, người có hơn 40 năm kinh nghiệm làm thuốc cho phụ nữ sau sinh cho chúng tôi biết “bài thuốc cho phụ nữ uống sau khi sinh bao gồm các loại như: “A ham”, một loại cây dây leo có tác dụng bổ máu. Cây này dùng thân nó, chất dưỡng sinh có màu đỏ như máu, rất dễ uống. Cây “R nân” là loại cây có chất bổ dưỡng cao, rễ của nó có tác dụng bồi bổ sinh lực cho phụ nữ, “R coi” là cây chữa các chứng đau bụng, co thắt cổ tử cung. Phụ nữ khi sinh thường dễ bị chứng đau bụng, cổ tử cung cũng giãn ra và bị tổn thương. Ngoài tác dụng đó, rễ cây “R coi” còn có tác dụng làm cho bụng sản phụ thon gọn hơn. Ngoài các loài chính đó, một số cây như “Cu rai”, “Ra han”, “Ap lum”, “Va cu teng”, “Ta ve”... cũng có tác dụng bổ trợ dưỡng sinh cho đàn bà khi sinh”.
“Thần dược” của phụ nữ sau khi sinh được dùng phổ biến hầu hết ở Quảng Trị. Tiếng lành đồn xa. Và, qua thực tế đã chứng minh được tác dụng của nó nên người miền xuôi khi lên vùng Hướng Hóa, Đakrông đều đặt mua từ những người thầy lang ở bản làng. Thuốc rất dễ uống mà công dụng thấy rõ. Người trên bản thường uống loại rễ này cả tháng trời, còn ở miền xuôi chỉ uống trong vòng một tuần lễ.
Hình ảnh những người phụ nữ sau sinh chỉ mới ba ngày đã có thể lên rẫy trồng ngô, phát rẫy, trỉa lúa, gùi cũi... như những phụ nữ bình thường đã có lời giải đáp. Chính bài thuốc quý từ ngàn đời nay của tổ tiên đã hỗ trợ và dưỡng sinh cho họ - “Rê Quairoi” . Ông Hồ Ta Rập, thôn Tà Lao, xã Tà Long tâm sự “các loài rễ cây cho phụ nữ khi sinh không khó tìm ở vùng Trường Sơn. Nhưng nó mọc tận rừng sâu, đường đi thì lại xa lắm nên cũng nhọc nhằn. Ở bản làng khi đi rừng, lên nương, lên rẫy thường kết hợp kiếm tìm các loài rễ và lấy về phơi khô để dùng dần. Người bình thường cũng có thể dùng một số rễ trong đó để uống, như cây bổ máu, cây trị đau bụng... thường có tác dụng như nhau”.Bài thuốc dân gian có khả năng dưỡng sinh và trị thương cho phụ nữ sau khi sinh có tên đồng bào là Rê Quairoi của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô trên địa bàn huyện Đakrông được dùng phổ biến theo kinh nghiệm dân gian. Tùy mỗi vùng mà đồng bào dùng các loại rễ khác nhau nhưng đều có tác dụng tương ứng. Hiện chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về bài thuốc này.