Tặng vật của dòng sông

Võ Thế Hùng |

Sau ngày tỉnh nhà được lập lại, hơn mười năm bền bỉ thai nghén, ôm ấp khát vọng của người Quảng Trị về một công trình tầm cỡ, góp phần xoay chuyển Quảng Trị vượt ra khỏi tỉnh nghèo, sau nhiều năm khảo sát, nghiên cứu, thẩm định của các Bộ, ngành Trung ương, ngày 29-8-2003, công trình thủy lợi, thủy điện Quảng Trị, công trình trọng điểm lớn nhất tỉnh Quảng Trị đã được long trọng khởi công xây dựng.

Nhà máy Thủy Điện Quảng Trị. Ảnh: Internet
Nhà máy Thủy Điện Quảng Trị. Ảnh: Internet

Công trình thủy lợi, thủy điện Quảng Trị được xây dựng trên sông Rào Quán, là phụ lưu thượng nguồn sông Thạch Hãn, bắt nguồn từ các suối ở xã Hướng Sơn, trong đó dòng chính là khe Tà Bung chảy từ núi cao 1617m (nên ban đầu công trình có tên gọi là Thủy điện Rào Quán).

 Tính từ đầu nguồn sông Rào Quán tới tuyến đập của công trình dài 20km, diện tích lưu vực 159km2.

Từ lâu, tiềm năng khai thác thủy điện của con sông Rào Quán đã được biết đến, được các cơ quan chuyên môn trong nước và cả ở nước ngoài khám phá, phát hiện. Tiềm năng này đã được Viện Năng lượng, Công ty khảo sát thiết kế điện tìm hiểu, nghiên cứu từ những năm 80 của thế kỷ trước. Trước đó, tiềm năng này đã được đề cập khá sớm và đầy dự cảm lạ lùng trong bút ký “Một dải đất liền” của nhà báo Phan Quang viết ngày 20 -10 -1975: “Theo sự tính toán bước đầu, nguồn thủy điện trong tỉnh, sau khi làm xong các công trình trên sông Thạch Hãn, sông Đakrông và sông Hiếu, sẽ có công suất khoảng mười hai vạn ki-lô-oát. Nguồn điện này thỏa mãn đầy đủ yêu cầu của công nghiệp và của giao thông, vận tải phát triển nhanh. Quảng Trị là đầu mối giao thông chiến lược vào Tây nguyên”.

Chợ Đông Hà nhìn từ sông Hiếu. Ảnh: PV
Chợ Đông Hà nhìn từ sông Hiếu. Ảnh: PV

Công trình thủy lợi, thủy điện Quảng Trị là một công trình đa mục tiêu: điều tiết lưu lượng dòng chảy để bổ sung nước tưới cho hàng trăm ngàn héc ta lúa và hoa màu của các huyện Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị, cung cấp nước sinh hoạt, giảm lũ cho vùng hạ du, phát điện lên lưới Quốc gia với công suất 64 MW và điện lượng 217kwh/năm. Công trình không chỉ tạo ra hiệu quả kinh tế thuần túy mà cả hiệu quả tổng hợp về chính trị, xã hội; thể hiện sự đền ơn đáp nghĩa của cả nước dành cho mảnh đất ghi dấu những chiến công lẫy lừng trong kháng chiến cứu nước.

Bây giờ, từ thành phố Đông Hà ngược lên đường 9, qua khỏi cầu treo Đakrông đến cây số 53 đi về phía tay phải khoảng 1km bạn sẽ thấy ngay Nhà máy thủy điện Quảng Trị.

Từ xa bạn sẽ thấy tháp điều áp sừng sững giữa trời xanh như một cánh tay của người dân quê tôi vươn lên vượt qua gian khó.

Chúng tôi đã được anh Nguyễn Trí Thức, Phó Quản đốc phân xưởng vận hành - Công ty Thủy điện Quảng Trị dẫn đi tham quan nhà máy. Nhà máy gọn gàng nép dưới sườn núi. Chiếc tua bin dẫn nước như con trăn khổng lồ vắt từ đỉnh núi xuống chân nhà máy. Hai tổ máy quay đều với tốc độ định mức 750 vòng một phút nhưng thật yên tĩnh.

Các kỹ sư vận hành ngồi bên máy vi tính và một màn hình số cực lớn theo dõi các thông số vận hành và điều khiển sự hoạt động các tổ máy.

Dự án nhà máy thủy điện Đakrông 4 (Quảng Trị) có công suất 28MW.
Dự án nhà máy thủy điện Đakrông 4 (Quảng Trị) có công suất 28MW.

 Rời nhà máy, chúng tôi lên thị trấn Khe Sanh đi theo đường Hồ Chí Minh ngược ra phía Bắc 6km đến xã Hướng Linh để mục sở thị hồ chứa nước của Nhà máy thủy điện.

Khung cảnh trời nước mênh mông. Ngàn lau đang phất phơ trước mặt. Ngàn lau gợi nhớ trùng trùng giáo gươm thuở cha ông trấn miền biên ải. Mỗi tấc đất, ngọn cỏ nơi đây là chốn dồn tụ nỗi nhớ niềm thương và máu xương cháu con cả nước kiêu hãnh giữ yên bờ cõi. Thoảng trong gió là ấm áp hương hoa của rừng cà phê xanh ngát, những bình nguyên xanh mở ra hút tầm mắt. Tất cả như đi ra từ một huyền sử bi tráng và lộng lẫy thuở cha ông đi mở đất.

Vùng Bắc Hướng Hóa trù phú chính là món hồi môn, là tặng vật đầu tiên mà sông Rào Quán trao tặng cư dân của nó khi dòng sông đến đây bắt đầu một dòng chảy phóng khoáng, bỏ lại phía sau những vực - ghềnh hiểm trở nơi thượng nguồn.

Và những ai từ vùng duyên hải, đồng bằng của tỉnh Quảng Trị, khi vượt khỏi con đèo Sa Mù dài, đẹp với cảnh quan hùng vĩ như một dấu nối, một cái bắt tay giữa Trường Sơn với đồng bằng, sẽ rất ngỡ ngàng trước một thảo nguyên rộng bên một dòng sông lớn giữa vùng cao.

 Cũng tại nơi đây, các cuộc khai quật khảo cổ đã cho thấy có dấu tích rất sớm của người tiền sử. Những cánh rừng, biền bãi phì nhiêu của vùng đất này được bồi tụ bởi phù sa của sông Rào Quán.

Lòng hồ Rào Quán. Ảnh: Kiều Duẩn
Lòng hồ Rào Quán. Ảnh: Kiều Duẩn

Ngày trước, khi thủy điện Rào Quán chưa ngăn dòng, quanh năm sông Rào Quán chảy ngang qua vùng đất này luôn đầy ắp nước.

Lòng sông rộng, nước sạch, trong vắt, nơi mỗi chiều trên khắp các bến sông người dân gánh nước về bản làng nấu ăn, tắm giặt, những trảng cỏ quanh năm xanh mượt, dài tít tắp tạo nên những thảo nguyên bao la, trù phú nhờ canh tác nông nghiệp và chăn thả gia súc.

Nguồn nước tưới như vô tận và phù sa bồi đắp đều đặn hàng năm hai bờ của dòng sông đã ban tặng cho người dân nơi đây những điều kiện quá nhiều thuận lợi để sớm trở thành một vùng thảo nguyên trù phú nhất nhì ở phía Đông Trường Sơn.

Đứng ở cao trình 485,6m trên đập dâng giữa lòng chảo Khe Sanh lịch sử mới thấy hết sự kỳ vĩ của công trình.

Con đập lớn dài 508 m, cao 75 m, rộng 100 m đã sừng sững chắn ngang sông Rào Quán đã minh chứng cho sức mạnh con người, của kỹ thuật công nghệ hiện đại được áp dụng để xây dựng công trình. 

Những chiếc thuyền nhỏ của ngư phủ xứ núi. Ảnh: Bon Nguyen
Những chiếc thuyền nhỏ của ngư phủ xứ núi. Ảnh: Bon Nguyen

Đập dâng Rào Quán có chiều dài đỉnh đập 292,86m, rộng 8m. Chiều cao mặt cắt đập lớn nhất 78m. Đoạn nối tiếp bờ phải bằng đập đất đồng chất dài 200m với chiều cao lớn nhất H=30m.

Địa chất ở đây rất phức tạp, bên bờ phải thì đá bazan phun trào nhiều pha, bờ trái lại toàn đá granit. Ngay ở đáy đập lại là lòng sông cổ, nhiều nét đứt gãy. Khi đào tới nền đá cứng thì tự nhiên lại xuất hiện bọc đá đất bùn hỗn hợp rất khó xử lý. 

Quá khứ hào hùng và tương lai xán lạng đã có một cuộc trùng phùng đầy thú vị và tuyệt vời kỳ lạ ở Hướng Hóa. Ngay tại vị trí sân bay Tà Cơn, một vị trí nằm trong cụm cứ điểm phòng thủ quy mô và chiến lược của Mỹ đã bị quân ta đập tan vào ngày 9-7-1968, dưới đất sâu cách mặt đất 50m có một đường hầm dẫn nước được mở. Đây là một hạng mục trọng yếu vào loại khó thi công nhất của công trình Rào Quán. Đường hầm này có đường kính 3,6m (sau khi đổ bê tông còn lại 3m), dài 6km nối từ cửa lấy nước đến cửa nhà van, dẫn nước biến thế năng thành động năng, tạo ra sức mạnh phát sáng dòng điện, cũng chính là phát sáng tương lai Tà Cơn - Khe Sanh - Lao Bảo ( Hướng Hóa). 

Ngoài hiệu quả phát điện thì việc cung cấp nước nông nghiệp vẫn là nhiệm vụ quan trọng. Hàng năm theo thống kê nguồn nước qua tổ máy bình quân 400 triệu m3 mỗi năm. Khi công trình vận hành nguồn nước thứ cấp 400 triệu m3 sau khi chảy qua tổ máy phát điện có gần 200 triệu m3/năm là nước hữu ích cho nông nghiệp, tích vào hồ thủy lợi Nam Thạch Hãn và được cấp liên tục cho nông nghiệp với diện tích khoảng 20.000 ha. Đây thực sự là giá trị hữu ích vô cùng lớn đối với ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị. 

Điều đặc biệt là hồ Rào Quán đã tạo ra một kho nước ngay trên khu vực hoành hành của gió Tây Nam. Khi gió Tây Nam thổi qua mặt nước rộng hơn 20 km2 sẽ làm giảm độ khô nóng trước khi đổ về địa bàn tỉnh Quảng Trị. Việc cải tạo môi trường bằng hồ chứa nước Rào Quán đã có một ý nghĩa đáng kể đối với tiểu khí hậu của vùng dọc Quốc lộ 9 từ Lao Bảo đến Đông Hà. 

Trường Sơn hùng vĩ! Trường Sơn thắm đượm niềm nhân nghĩa tích tụ hàng nghìn năm, tích tụ từ hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc để giành độc lập, tự do. Người Trường Sơn biết sống, dám hy sinh, biết vượt qua tất cả để làm nên một cuộc đổi đời. Cảm nhận đó càng rõ rệt hơn khi được chứng kiến những bản làng mới tái định cư, khang trang giữa núi rừng.

Công trình thủy lợi, thủy điện Quảng Trị - một cơ sở công nghiệp lớn đầu tiên của tỉnh nhà sau ngày lập lại đã góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn theo hướng CNH, HĐH, đáp ứng khát vọng mãnh liệt của người dân nơi miền quê gió Lào, cát trắng này

(Nguồn: Đài phát thanh truyền hình Quảng Trị)

TAGS

Tết bên bờ Hiền Lương

Phan Quang |

Cho đến khi từ giã cõi thế, tôi sẽ không bao giờ quên những giờ phút ấy, khi lần đầu tiên cho xe lăn bánh qua chiếc cầu phao công binh ta vừa bắc nối liền hai bờ sông Hiền Lương để đi tiếp vào Nam, trên chặng đường Quốc lộ 1 quân đội Mỹ đã làm lại rất tốt từ Dốc Miếu trở vào nhưng lại bị bom đạn của chính họ sau đó băm vằm, cày xới, tạo thành nhiều ổ voi ổ trâu trên mặt đường lát thảm bê tông dày cộm tưởng không có súng đạn nào xuyên thủng nổi.

Những người vác gỗ

Hiếu Giang |

Nằm trên ngọn đồi cao chót vót, giữa tiết trời nóng gần 40 độ C, âm thanh của chiếc máy cưa gầm rú, tiếng cây gãy đổ và tiếng cười nói xôn xao. Không nơi đâu rộn rã như thế, và không nơi nào nhọc nhằn hơn thế. Nhưng những người khai thác gỗ tràm ở huyện Cam Lộ và Đakrông (tỉnh Quảng Trị) đã chọn cho mình cái kế sinh nhai là đi khai thác và bốc vác gỗ tràm.

Bắt gặp những ý niệm nghệ thuật của họa sĩ Lê Bá Đảng

Nguyễn Hoàn |

Ai đó chủ xướng cho mình một tâm lý bi quan theo kiểu người phương Tây rằng: “Ta sinh ra quá muộn trong một thế giới đã quá cũ” thì hẳn là khi được xem tranh Lê Bá Đảng sẽ tự phản tỉnh tức khắc về sự nhầm lẫn ghê gớm của cái điều mà mình đã chủ xướng kia.

Chén cơm treo ngược cành cây

Hoàng Hải |

Chạm tháng 7 âm lịch, mùa lấy mật ong cũng đã vãn. Những cơn mưa bắt đầu che phủ lên núi rừng Trường Sơn, nước dội tứ tung từ vách núi, đèo cao, hào sâu. Bất chấp tất cả, anh Hồ Văn Thanh và anh Hồ Văn Bông (xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) vẫn lầm lũi vào rừng với hi vọng mong manh tìm được tổ ong lấy mật.