Suốt 25 năm thành lập, các thế hệ cán bộ Hội Người mù tỉnh đã tiếp nối nhau kiếm tìm, nhân lên những điển hình người khiếm thị. Việc làm nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa ấy đã tạo động lực cho nhiều hội viên vươn lên, bước ra từ bóng tối.
Thời điểm mất đi đôi mắt sáng, chị Sử Thị Thanh (sinh năm 1968), trú tại Khu phố 3, Phường 4, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) từng nghĩ mình đã bước tới ngày tối đen nhất của cuộc đời. Chị không ngờ bóng đêm khổ đau vẫn còn chờ phía trước. Năm 1999, chồng chị Thanh qua đời do tai nạn giao thông, để lại ba đứa con thơ cho người vợ khiếm thị. Mất đi trụ cột, cuộc sống bốn mẹ con chị Thanh gặp nhiều sóng gió. Để con được đến trường, dẫu đôi mắt không còn sáng rõ, chị vẫn gắng làm đủ thứ nghề. Nhiều lúc gần như kiệt sức, chị Thanh lại nghĩ đến con để có thêm động lực mà đứng dậy. Đi qua nhiều khó khăn, chị đã làm được điều mà nhiều người cho rằng không thể, đó là tiếp sức cho con lần lượt vào các trường đại học danh tiếng. Hiện tại, hai người con đầu của chị Thanh đã có việc làm ổn định, cậu con trai út sắp hiện thực giấc mơ trở thành bác sĩ. “Trong tháng ngày đen tối nhất, tôi luôn tự nhủ bản thân phải tìm đường sáng cho mình, cho con. Giờ đây, là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi Phường 4, tôi lại tiếp tục tìm đường cho hội viên”, chị Thanh chia sẻ.
Cũng là một trong những điển hình tiên tiến như chị Sử Thị Thanh, câu chuyện về nghị lực vượt lên số phận của anh Hoàng Văn Bảy đã truyền cảm hứng cho nhiều người đồng cảnh. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo thuộc xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, bom đạn còn sót lại sau chiến tranh đã cướp đi đôi mắt sáng của anh Bảy. Sau ngày xảy ra vụ tai nạn, người đàn ông đang khỏe mạnh như bị rút hết sức lực. Trong thời gian tăm tối, anh Bảy tự nhủ không thể để cuộc đời mình trôi đi vô nghĩa. Bằng tất cả sự quyết tâm, anh đã tham gia và trở thành Chủ tịch Hội Người mù xã Triệu Ái; hăng say lao động, sản xuất; giành nhiều huy chương vàng trong các giải đấu thể thao người khuyết tật… Đặc biệt, anh Bảy đã và đang “tiếp sức” cho nhiều người khiếm thị trên địa bàn vươn lên bằng những việc làm cụ thể. Anh bộc bạch: “Tôi thường động viên những người đồng cảnh ngộ rằng, khi một cánh cửa này đóng lại thì một cánh cửa khác sẽ mở ra. Mất đi đôi mắt sáng nhưng người khiếm thị vẫn còn nhiều cơ hội”.
Tại Hội Người mù tỉnh, ngoài chị Sử Thị Thanh và anh Hoàng Văn Bảy, còn có nhiều điển hình vượt lên số phận khác. Cách đây 25 năm, cuộc đời nhiều người trong số họ vẫn còn chìm trong bóng tối của đói nghèo và sự mặc cảm, tự ti. Trong lúc đang không tìm ra lối đi cho cuộc đời mình, họ được vận động trở thành hội viên Hội Người mù tỉnh. Sự ra đời của hội vào tháng 7/1995 không chỉ mang lại niềm vui cho người khiếm thị mà còn xoa dịu nỗi trăn trở của lãnh đạo các cấp, ngành về việc làm thế nào để giúp người khiếm thị vượt lên số phận.
Ông Nguyễn Tăng Mùi, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh kể, những ngày đầu vận động thành lập, Ban Chấp hành lâm thời của hội chỉ có 3 thương binh khiếm thị và 1 người sáng giúp việc. Ngoài một cuốn điều lệ, 1 chiếc gậy dò đường và 1 chiếc xe đạp, hội không có một tài sản gì. Qua 7 tháng vận động thành lập, các cán bộ đầu tiên của Hội Người mù tỉnh rất vui mừng khi UBND tỉnh cho phép thành lập hội. Niềm vui ấy đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn, thử thách buổi đầu. “Những ngày đầu, hội chỉ có vỏn vẹn 157 hội viên. Đến nay, chúng tôi đã thành lập được 9 huyện, thị, thành hội, kết nạp 2.602 hội viên, sinh hoạt tại 115 hội, chi hội”, ông Nguyễn Tăng Mùi cho biết.
Ngay những ngày đầu, cán bộ Hội Người mù tỉnh đã nhận thức sâu sắc, việc giúp người khiếm thị bước ra khỏi sự giới hạn của sự mặc cảm, tự ti, tình nguyện đến với hội là nhiệm vụ quan trọng. Vì thế, cán bộ hội xác định phải tìm kiếm, xây dựng những điển hình vượt lên số phận. Sự đổi thay tích cực của các hội viên từ ngày đến với hội cũng được các cán bộ tâm huyết sẻ chia. Để tạo nền cho sự đổi thay, cán bộ Hội Người mù tỉnh đã xây dựng nhiều hoạt động, phong trào hỗ trợ hội viên, người mù như thăm hỏi, tặng quà; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; dạy chữ Brailler, tin học; tổ chức các hoạt động giao lưu, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao…
Qua các hoạt động, phong trào của Hội Người mù tỉnh, nhiều gương sáng, điển hình tiên tiến đã xuất hiện. Họ đều từng mang trong mình sự mặc cảm, tự ti khi không có đôi mắt sáng, tinh anh như bao người. Trong cuộc sống thường nhật, nỗi lo cơm áo và rất nhiều khó khăn khác chưa bao giờ ngừng thử thách họ. Chính việc trở thành hội viên Hội Người mù tỉnh đã mở ra một cánh cửa mới cho hội viên. Từ đây, họ được làm nhiều việc mà trước đây bản thân từng cho là không thể, rồi từng bước vươn lên. Vượt mọi khó khăn, nhiều hội viên đã chăm chỉ lao động, sản xuất, qua đó có cuộc sống ổn định, tạo việc làm cho nhiều người đồng cảnh. Tuy hoàn cảnh nghèo khó nhưng nhiều ông bố, bà mẹ mù vẫn quyết tâm, nỗ lực nuôi con ăn học. Ngoài ra, nhiều cán bộ, hội viên khác cũng đã và đang nỗ lực trên các lĩnh vực khác nhau.
Việc tìm kiếm, xây dựng, tuyên dương những điển hình người khiếm thị vươn lên trong cuộc sống đã mang lại kết quả khả quan. Nhìn thấy những người đồng cảnh vươn lên, ngày có càng nhiều người khiếm thị gửi gắm niềm tin cho hội. Họ tích cực tham gia các hoạt động, phong trào để phát triển bản thân và chung tay xây dựng hội vững mạnh. Từ 85% hội viên thuộc diện hộ nghèo ở ngày đầu thành lập, hiện tại, tỉ lệ hộ nghèo trong cán bộ, hội viên Hội Người mù tỉnh đã giảm xuống còn 22,4%. Ngày có càng nhiều người khiếm thị được học nghề, tìm thấy việc làm ổn định. Đời sống tinh thần của cán bộ, hội viên Hội Người mù tỉnh được nâng cao.
Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Nguyễn Tăng Mùi cho biết, qua 25 năm xây dựng và phát triển, Hội Người mù tỉnh đã vượt mọi khó khăn, thử thách, qua đó gặt hái nhiều kết quả đáng mừng. Thành công ấy có được xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân quan trọng là hội đã tìm kiếm, xây dựng, nhân rộng những điển hình tiên tiến để người khiếm thị noi theo. Ông Mùi chia sẻ đầy chiêm nghiệm: “Một tấm gương người khiếm thị vượt qua số phận còn giá trị hơn ngàn lần những lời tuyên truyền, vận động. Vì thế, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục nỗ lực nâng bước để ngày có càng nhiều người mù vươn lên trên mọi lĩnh vực. Họ sẽ là “nguồn sáng” giúp nhiều người khiếm thị bước ra từ bóng tối”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)