Hồn non sông Việt trong không gian thiêng Quảng Trị

Phương Nam |

Ngày 13/7/2020, kỷ niệm 135 năm Ngày vua Hàm Nghi ban Dụ Cần Vương chống Pháp 13/7 (1885 - 2020), huyện Cam Lộ tổ chức Lễ khánh thành công trình Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương tại Khu di tích lịch sử quốc gia Thành Tân Sở, thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ. Trước đó, ngày 12/7/2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cùng lãnh đạo huyện Cam Lộ phối hợp Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ rước Long vị vua Hàm Nghi từ Thế Miếu trong Đại Nội Huế về an vị tại Đền tưởng niệm vua Hàm Nghi và chiến sĩ Cần Vương tại Di tích quốc gia Tân Sở. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 13 đời vua Nguyễn diễn ra lễ rước Long vị về thờ ở khu vực ngoài Đại Nội (Huế).

Với sự kiện này, huyện Cam Lộ đã thể hiện nỗ lực trong suốt hơn 10 năm qua để biến “phế tích” thành di tích. Cũng qua sự kiện này, chúng ta không khỏi có chút ngậm ngùi khi biết rằng, vẫn còn rất nhiều di tích quý giá trên đất Quảng Trị đang có nguy cơ trở thành phế tích.

Từ giá trị của lễ rước Long vị vua Hàm Nghi và bài vị các đại thần…

So với các tỉnh, thành trong cả nước, Quảng Trị có một gia tài đồ sộ về những giá trị văn hóa, lịch sử mang tầm quốc gia và quốc tế. Tri ân công đức các bậc tiền nhân có công dựng nước và giữ nước, cầu mong xã tắc thịnh vượng, quốc thái dân an, bách gia trăm họ vạn đại trường tồn là nhu cầu thiết thực của nhiều thế hệ. Việc hướng tâm linh con người về với nguồn cội, về những giá trị lịch sử của dân tộc là việc cần phải thực hiện hết sức bài bản, bởi sức sống bền lâu của lịch sử được ghi sâu bằng những giá trị tâm linh.

Người dân huyện Cam Lộ nghinh rước Long vị vua Hàm Nghi về thành Tân Sở - Ảnh: Thanh Long
Người dân huyện Cam Lộ nghinh rước Long vị vua Hàm Nghi về thành Tân Sở - Ảnh: Thanh Long

Đền tưởng niệm vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương được xây dựng trên diện tích 243m2. Tổng mức đầu tư công trình hơn 7 tỉ đồng được thiết kế theo kiến trúc văn hóa tâm linh truyền thống triều Nguyễn, bao gồm các hạng mục: Đền thờ, tường rào, sân vườn, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình phụ trợ. Phần nội thất bên trong đền thờ như: Án thờ, long vị, bài vị được một nghệ nhân quốc gia ở TP Huế thi công, bài trí đảm bảo đăng đối, trình tự; phần trưng bày do Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh thực hiện…

Nhìn lại hành trình biến “phế tích” trở lại đúng giá trị và quy mô của một di tích lịch sử mới hiểu rõ vì sao ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lộ nhấn mạnh rằng công trình hoàn thành thể hiện tâm huyết, tình cảm tri ân, trách nhiệm của lãnh đạo huyện Cam Lộ, đáp ứng nguyện vọng đông đảo cán bộ và nhân dân địa phương. Ngược dòng lịch sử, Di tích căn cứ Thành Tân Sở, ở thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1995 theo Quyết định số 65/QĐ-BVHTT, ngày 16/01/1995 của Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch). Thế nhưng 15 năm sau, tức ngày 13/7/2010, tại huyện Cam Lộ mới diễn ra cuộc hội thảo khoa học “Thành Tân Sở với phong trào Cần Vương” do UBND tỉnh Quảng Trị và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức. Tại cuộc hội thảo này, các nhà nghiên cứu đặc biệt bày tỏ sự bức xúc và thái độ không hài lòng trước việc thành Tân Sở dù đã được công nhận xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1995, nhưng đến thời điểm tổ chức hội thảo, di tích này đã thực sự trở thành... một phế tích, chẳng còn lại gì ngoài những vườn cây cao su và những bãi đất trống.

Câu hỏi là cần làm gì để tránh tình trạng di tích thành phế tích lại chưa được hội thảo trả lời thoả đáng nhưng cũng gieo vào lòng những người con tâm huyết với Cam Lộ nhiều điều trăn trở. Năm 2011, UBND huyện Cam Lộ phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Trị và Trường Đại học Khoa học Huế tiến hành khai quật, khảo cổ học, xác định vị trí và tiến hành cắm mốc di tích với tổng diện tích là 25 ha (diện tích khuôn viên của Thành Tân Sở là 22,9 ha, vành đai bảo vệ xung quanh là 2,1 ha). Năm 2018, trên cơ sở tham khảo kiến trúc một số đền thờ, công trình tưởng niệm trong và ngoài tỉnh, dự án xây dựng Đền thờ được khởi động. Sau nhiều lần điều chỉnh, năm 2019, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt đầu tư xây dựng công trình Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương (khi này đổi tên thành đền tưởng niệm).

Tham dự tại buổi khánh thành đền tưởng niệm, nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đầy xúc động. Bởi lẽ ông chính là người đã có mặt tại buổi hội thảo tổ chức năm 2010 và cùng đồng hành với huyện Cam Lộ suốt hành trình xây dựng khu đền tưởng niệm này. “Có hai cảm xúc khi tôi đến huyện Cam Lộ hôm nay để chiêm ngưỡng Đức Ngài Hoàng đế Hàm Nghi. Đó là gì? Ngày xưa, cách đây hơn một thế kỷ trước, triều đình nhà Nguyễn đã chọn mảnh đất vừa hết sức xa xôi về địa lý, mà hiểm trở cả về địa hình để làm điều đó ngăn cản quân giặc thì ngày nay cảm xúc hoàn toàn ngược lại. Hôm nay, chúng ta đang đi trên mảnh đất thay đổi từng ngày từng giờ. Hơn 10 năm trước, chúng tôi tham dự hội thảo cũng đã khác trước. Cho đến hôm nay lại càng khác. Nó cho thấy chính mảnh đất này đang phát triển. Trong sự phát triển đó có phần nào đó của “hồn thiêng sông núi”, của những dấu ấn trong quá khứ và chắc chắn là vua Hàm Nghi với Tân Sở là điểm nhấn của trong quá khứ và ngày hôm nay. Ngôi đền khi đã dựng lên chắc chắn sẽ thu hút khách thập phương đến chiêm bái Đức Ngài, học bài học lịch sử và làm cho đất nước này tiếp tục thịnh vượng”.

Để hoàn thiện khu tưởng niệm vẫn còn nhiều việc phải làm tiếp theo như: huy động để đúc tôn tượng, xây dựng bảo tàng về vua Hàm Nghi, các đại thần và tướng sĩ Cần Vương… nhưng trong khói hương nồng nàn trong không gian liêng thiêng nơi đền tưởng niệm, du khách từ khắp nơi đã có thể chiêm bái các giá trị lịch sử, thưởng thức những nét văn hóa đậm đà của Quảng Trị, của dải đất miền Trung rất đỗi nồng nàn.

Nhìn đền tưởng niệm, trong tôi dấy lên nỗi niềm cảm hoài cho mảnh đất khởi nghiệp của chúa Nguyễn với chúa Tiên - Nguyễn Hoàng và chúa Sãi - Nguyễn Phúc Nguyên. Nếu chiến tranh, thiên tai đã tàn phá Thành Tân Sở chỉ còn lại khu đất trống thì trên đất Triệu Phong vẫn còn nhiều di tích, hiện vật để có thể làm sống lại không khí lịch sử của đất nước những ngày đầu “mang gươm đi mở cõi”.... Từ miền cát trắng này, với tầm nhìn chiến lược của mình, chúa Nguyễn Hoàng đã góp phần dựng nên hình hài nước Việt gấm vóc để lại cho hậu thế hôm nay.

Rước long vị vua Hàm Nghi rời khỏi Đại Nội ( Huế) - Ảnh: PN
Rước long vị vua Hàm Nghi rời khỏi Đại Nội ( Huế) - Ảnh: PN

…Đến phục dựng các giá trị khởi nghiệp của Chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong

Ngày 25/9/2013, UBND tỉnh phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Quảng Trị - đất dựng nghiệp của Chúa Nguyễn Hoàng” (1558 - 2013). Từ kết quả của cuộc hội thảo này đã tiến hành thu thập chứng cứ, khảo sát, khai quật khảo cổ để hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ VH, TT&DL xếp hạng di tích Quốc gia đối với hệ thống di tích, di sản này. Ngày 29/1/2019, UBND huyện Triệu Phong long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng cấp quốc gia Di tích lịch sử các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn (1558 - 1626) xã Triệu Ái, xã Triệu Giang, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong. Tuy nhiên, sau lễ đón nhận di tích quốc gia thì các hoạt động để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, biến Triệu Phong thành điểm thu hút khách thập phương đến chiêm bái, học bài học lịch sử; ghi sâu vào ký ức của họ bằng những giá trị tâm linh thì vẫn chưa khởi động mạnh mẽ.

Trong 68 năm trấn nhậm trên đất Vũ Xương, Triệu Phong, Nguyễn Hoàng đã 2 lần di dời dinh phủ. Lần thứ nhất là vào năm 1570, sau 12 năm đóng tại Ái Tử, ông cho chuyển dinh trấn của mình sang Trà Bát; lần thứ hai vào năm 1600, ông cho chuyển dinh phủ từ Trà Bát sang Dinh Cát. Năm 1613, Nguyễn Hoàng qua đời, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên kế vị và ông tiếp tục thực hiện những dự định còn dang dở của cha mình. Đến năm 1626, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho chuyển dinh phủ vào vùng Phước Yên (nay thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), chấm dứt 68 năm vùng đất Ái Tử - Trà Bát là lỵ sở của chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong.

Tuy vậy trong hành trình 68 năm đặt lỵ sở tại huyện Vũ Xương, phủ Triệu Phong, ngoài việc cho xây dựng các dinh phủ đảm bảo việc điều hành quản lý của chính quyền, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã tập trung cho việc thiết lập các thiết chế phục vụ hoạt động quân sự, thương mại và văn hóa mà dấu vết ngày nay còn để lại qua các địa danh như: Bãi Trận, Mô Súng, Cồn Kho, Cồn Tập, Tàu Tượng, Chợ Hôm, Ghềnh Phủ, Miếu Trảo Trảo phu nhân… nhằm biến lỵ sở Ái Tử - Trà Bát thành trung tâm của cả Ðàng Trong; tạo nền móng vững chắc cho công cuộc mở cõi về phương Nam.

Đình Trà Bát (nay là Trà Liên) thuộc huyện Triệu Phong, vẫn còn bức tượng đồng đen để người dân gìn giữ và khói hương tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ đã được công nhận là bảo vật quốc gia với câu chuyện ly kỳ về cổ vật không thể đánh cắp được. Ghềnh Phủ (Bến Ghềnh) - nơi Nguyễn Hoàng đã huy động nhân dân và binh lính vận chuyển đá xây đắp thành bến thuyền. Ghềnh Phủ một thương cảng sầm uất nhất Đàng Trong thời bấy giờ không còn nữa nhưng vẫn còn dấu vết là những mảnh chum, gốm sứ.

PGS.TS Đỗ Bang khẳng định: “Nguyễn Hoàng người có tầm nhìn vượt thời đại của ông và không gian ông đang sống để đặt nền móng cho Đàng Trong và tạo mối quan hệ thông thương với Nhật Bản”. Chính vì thế, không nơi nào có thể tái hiện được bối cảnh khởi nghiệp quốc gia, khởi nghiệp cho dân tộc hào hùng và hoành tráng của các chúa Nguyễn bằng tại Quảng Trị.

Bên cạnh Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, còn là các di tích quan trọng liên quan đến Chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên hay Nguyễn Hy Tông, Nguyễn Tuyên Tổ, là vị chúa Nguyễn thứ hai của chính quyền Đàng Trong trong lịch sử Việt Nam (ở ngôi từ 1613 đến 1635) sau Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Trong thời gian ở ngôi chúa, ông đã xây dựng một vương triều độc lập ở Đàng Trong, từng bước ly khai khỏi chính quyền Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài. Ông được dân chúng gọi là chúa Sãi, chúa Bụt hay Phật chúa. Năm 1585, khi mới 22 tuổi, Thế tử Nguyễn Phúc Nguyên dẫn một hạm đội 10 chiếc thuyền đến bến Cửa Việt, tiêu diệt hai chiếc tàu hải tặc Shirahama Kenki, người Nhật Bản.

Cửa Việt trở thành một điểm du lịch mở rộng cho tour hành trình nhìn lại quá trình khởi nghiệp và mở rộng cương thổ nước Nam ta. Những tư liệu của linh mục Nguyễn Văn Ngọc trong bài nghiên cứu “Cửa Việt dưới thời Nguyễn Hoàng và Chúa Sãi (1558-1626)” đăng trên Tạp chí Cửa Việt (bộ cũ) số Xuân Tân Mùi 1991, dựa trên những ghi chép của các nhà truyền giáo thế kỷ 16 - 17 và những nghiên cứu của L.M. Cadière sau này cho thấy các thương thuyền của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Áo Môn (tức Macau - bấy giờ bị Bồ Đào Nha xâm lược năm 1557 và sau này thành thuộc địa của người Bồ Đào Nha) đã đến đây chào quan tổng trấn (tức Nguyễn Hoàng, sau này là Nguyễn Phúc Nguyên). Chính sự sầm uất của cảng Cửa Việt đã khiến tàu nước ngoài vào cướp bóc cư dân ven biển vùng này và Nguyễn Phúc Nguyên đã vâng lệnh cha dẫn mười thuyền chiến đi đánh tan hai thuyền vào năm 1585.

Còn đó dấu tích về Chúa Sãi với ngôi chợ mang tên chợ Sãi (thuộc làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong) do Chúa lập từ thế kỷ XVII. Không chỉ còn lại đầy đủ vóc dáng xưa, Chợ Sãi còn là nơi có nhiều món ngon, mang đậm đặc trưng vùng quê Quảng Trị níu chân du khách. Giáo sư Phan Huy Lê cũng gợi ý: “Trên đất Quảng Trị - nơi gắn bó với công cuộc khởi nghiệp và dựng nghiệp của Chúa Tiên, ngoài các di tích cần bảo tồn, tôn tạo cần nghĩ đến một ngôi đền, một công trình tạo hình và một lễ hội nào đó để ghi nhận, tôn vinh công lao của Chúa Tiên. Đây là một việc làm rất cần thiết và có ý nghĩa không chỉ đối với nhân dân Quảng Trị mà cho cả nước”.

Có ai đó nói rằng, nhìn vào lịch sử của Quảng Trị sẽ thấy hành trình mở mang bờ cõi, bảo vệ Tổ quốc hào hùng như thế nào. Hoàn toàn có thể thực hiện một chương trình tổng thể để quay lại lịch sử của thời chúa Nguyễn, vua Nguyễn khi bắt đầu từ Triệu Phong với việc ăn sáng tại chợ Sãi, ghé thăm các di tích, sau đó lên Cam Lộ thăm Đền tưởng niệm vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương. Cam Lộ có rất nhiều đặc sản để phục vụ du khách bữa trưa ngon miệng và sau đó kết thúc chuyến đi tại Cửa Việt vừa nhớ về trận hải chiến vang dội của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, cùng với tầm nhìn hướng ra biển của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, vừa tắm biển và thưởng thức hải sản nơi đây. Tại các khu tưởng niệm ngoài việc thờ, đúc các tôn tượng, còn cần có nơi xem phim như: xem lại lễ rước Long vị vua Hàm Nghi và bài vị các đại thần; là sách, là truyện, các băng đĩa về thời các chúa, vua Nguyễn, đặc biệt là vua Hàm Nghi; lễ hội dân gian truyền thống Ái Tử - đất khởi nghiệp của xứ Đàng Trong; tái hiện lại đoàn tuồng Chợ Cạn, là điệu hò sông nước khi đứng ở bến Nghè…

Cuộc sống mới của ngày hôm nay không chỉ gói gọn trong những công trình chúng ta dựng lên ngày càng to đẹp mà là cái mới bao gồm những giá trị của quá khứ, bảo tồn những di tích, bảo tồn những thắng cảnh, bảo tồn những sắc thái của con người Quảng Trị. Đừng để mỗi lần đặt chân đến di tích lịch sử, mỗi người trở về mà lòng thao thức, chạnh lòng cho công đức của tiền nhân!

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Truyền thống cách mạng của vùng quê Chợ Cạn

Minh Kha - Cảnh Thu |

Chợ Cạn thuộc xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị được mọi người biết đến là một trong những “chiến khu” cách mạng. Những năm 1947, 1948 Chợ Cạn là nơi diễn ra các trận chiến đấu ác liệt giữa quân và dân ta với thực dân Pháp xâm lược. Với vai trò là chiến khu chống giặc, cán bộ, chiến sĩ và nhiều cơ sở cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng bám đất giữ làng, chiến đấu ngoan cường, lập công xuất sắc, xây dựng vững chắc thế trận và bảo vệ thành quả cách mạng.

Ai về Chợ phiên

Tiến Tân |

Tôi đã từng được đọc không ít áng văn, áng thơ viết về địa danh này, từng được nghe nói nơi đây một thời đã có biết khách thương hồ từ Nhật, Singapore, Hà Lan, Trung Quốc… nghe danh mà tìm đến để trao đổi hàng hóa; là nơi chứng kiến biết bao cuộc gặp gỡ, giao thương, chứng kiến biết bao bước chân thăng trầm của lịch sử; là nơi từng được nhắc đến bằng một cái tên đầy đài các, cổ xưa: “Tiểu Trường An”.

Gặp người Quảng Trị ở Cà Mau

Trần Đăng Mậu |

Không hẹn mà nên, trong chuyến công tác ở tỉnh Cà Mau, anh Trần Hiếu Hùng (nguyên quán Khu phố Thượng Viên, thị trấn Cam Lộ tỉnh Quảng Trị), Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh Cà Mau nói với đoàn Hội Nhà báo Quảng Trị rằng: Ngày mai trên đường về Đất Mũi, đoàn nên ghé Điểm dừng chân Tư Tỵ, chủ cơ sở là bà mẹ người Gio Linh - Quảng Trị để điểm tâm bát bánh canh cua, rất đậm đà hương vị quê hương.

Chiêm cảm từ Thành Cổ Quảng Trị

Lê Đức Dục |

Khi thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) có con đường nối từ ngã ba Hải Thượng về Trí Bưu, men theo bờ tường phía đông của Thành Cổ rồi băng qua sông Thạch Hãn bằng cây cầu Thành Cổ duyên dáng và nhập vào quốc lộ 1 ngay trước Nghĩa trang liệt sĩ huyện Triệu Phong thì mỗi lần có công chuyện đi Huế hay Hải Lăng, tôi thường chạy xe theo tuyến đường mới này thay vì chạy theo quốc lộ 1 như trước. Không phải vì tuyến đường này vắng xe cộ hay chạy nhanh hơn mà vì một lẽ giản đơn, đi qua cung đường này, dễ cho tôi một liên tưởng về tương lai của thị xã. Những đô thị mới đã mọc lên ở hai bên tuyến đường này phía gần Trí Bưu, một không gian đô thị mới, thoáng đãng và bay bổng. Và không xa là cánh đồng lúa mênh mông nối mùa đổi sắc, xanh con gái khi vừa gieo sạ rồi ửng vàng khi đơm bông và vàng rực lên khi mùa lúa chín.