Ai về Chợ phiên

Tiến Tân |

Tôi đã từng được đọc không ít áng văn, áng thơ viết về địa danh này, từng được nghe nói nơi đây một thời đã có biết khách thương hồ từ Nhật, Singapore, Hà Lan, Trung Quốc… nghe danh mà tìm đến để trao đổi hàng hóa; là nơi chứng kiến biết bao cuộc gặp gỡ, giao thương, chứng kiến biết bao bước chân thăng trầm của lịch sử; là nơi từng được nhắc đến bằng một cái tên đầy đài các, cổ xưa: “Tiểu Trường An”.

Chắc trong một vài dòng tôi không thể nào nói hết về sự phồn thịnh, lâu đời của khu Chợ phiên và Đình làng Cam Lộ (Quảng Trị), xin chỉ được trích dẫn lại những câu của nhà bác học Lê Quý Đôn, người đã từng đến đây và ghi lại: “Người buôn các xã thường mang muối, mắm, cá khô, đồ sắt, nồi đồng, thoi bạc, hoa xuyến, các đồ lặt vặt đến đất người Man để đổi lấy hàng hóa, thóc gạo, trâu bò, gai, sáp, mây, gió, vải Man, màn Man thuê chở về Cam Lộ. Người Man cũng lấy voi chở hàng về Cam Lộ để bán, mỗi con voi chở được 30 gánh, mỗi gánh được 20 bát. Cũng có nhiều phiên chợ lùa trâu đến 300 con để bán, giá bán mỗi con trâu không quá 10 quan, giá một con voi chỉ 2 hốt bạc và 1 khẩu súng nhỏ...”. đó là sự thật được kiểm chứng là và ghi lại, riêng đối với tôi, biết danh khu Chợ Phiên và Đình làng Cam Lộ đã từ lâu vậy, nhưng nay mới có dịp về thăm, như một khách tri âm đường xa thực hiện một cuộc hành hương theo chân biết bao nghệ sĩ cùng khách thương hồ đã từng đến và dừng chân nơi chốn này.

Chợ Phiên Cam Lộ (Quảng Trị)
Chợ Phiên Cam Lộ (Quảng Trị)

Đã từ lâu lắm rồi, nghe nói, chợ Phiên cũng đã từng có những lần dịch chuyển theo vòng xoay của thời gian, vạn vật. Những cụ già trong làng Cam Lộ kể lại rằng: Trước chợ Phiên vốn họp ở Tân Tường, một bên Quốc lộ 9, quãng cột mốc cây số 15 bây giờ, sau chuyển về cạnh bến Đuồi, bên bờ sông Hiếu. Tôi biết rằng, từ thuở xa xưa, đình và chợ luôn gắn liền với nhau như một không gian văn hóa, tâm linh, nên vị trí để xây cất dù chỉ là mái đình tranh, phiên chợ quê nghèo cũng được xem xét về địa lý và phong thủy một cách hài hòa, hợp với sự chuyển dời của dòng chảy tạo hóa. Đứng trên đường 9, tôi phóng tầm mắt nhìn bao quát một vùng, trong lòng thầm cảm phục ông cha xưa sao đã khéo chọn mảnh đất này để dựng nên một cảnh sầm uất của khu chợ Phiên và đình làng Cam Lộ. Chợ họp cạnh đình làng, một bên là Hiếu giang thuyền ghe tấp nập, một bên, là đường lộ lớn người lại qua nhộn nhịp, chợ và đình lại nằm giữa những xóm làng yên vui, phồn thịnh. Có phải chăng đó là cái duyên xưa, là keo loan gắn kết để chợ Phiên, Đình làng Cam Lộ dù đã qua biết bao bước thăng trầm cùng thời gian nhưng đến nay vẫn vẹn nguyên sự thủy chung với đất, với người.

Từ khi tọa lạc tại bến Đuồi, chợ phát triển phồn thịnh thành một trung tâm giao thương có tiếng ở miền Trung, xứng danh là tiểu Trường An. Không chỉ thị trường nội địa mà cả thị trường bên ngoài cũng thông qua tuyến Cửa Việt – Cam Lộ – Ai Lao để duy trì và phát triển luồng buôn bán, trao đổi. Vào thời Chúa Nguyễn, nhờ các chính sách khuyến khích nền kinh tế phát triển hợp lý, thị trường Quảng Trị nói riêng và Đàng Trong nói chung ngày càng thu hút được nhiều nguồn hàng từ khắp nơi đổ về trong đó có chợ Phiên Cam Lộ. Hằng ngày những chiếc thuyền buôn Nhật, Trung Quốc, Bồ Đào Nha… chở vải vóc, hương liệu từ khắp nơi trên thế giới ngược sông Hiếu lên; lái buôn và thương nhân các nơi như: Lạc Hoàn, Vạn Tượng (Ai Lao) qua cửa khẩu dinh Ai Lao sang và vùng Trấn Ninh, Quỳ Hợp (Thanh Nghệ) vào. Thông qua việc trao đổi buôn bán giữa các vùng miền trong nước và quốc tế, chợ Phiên Cam Lộ đã trở thành trung tâm buôn bán tấp nập trên bến dưới thuyền với nhiều cửa hiệu sầm uất. Luồng thương nghiệp mạnh mẽ này đã tạo điều kiện để hình thành nên con đường “hương liệu” (trâu, voi, trầm hương các loại thổ sản, lâm sản) và đó chính là những bước chân sơ khai đầu tiên định hình cho con đường 9 sau này.   

Cũng như những mùa trăng, cứ đến hẹn là chợ Phiên Cam Lộ lại nhộn nhịp, tấp nập người bán người mua, Chợ họp đông vui nhộn nhịp nhất là vào những ngày: 3,8,13,23,28 âm lịch hằng tháng, đó là những ngày phiên, ngày thu hút bước chân người từ miền ngược tới miền xuôi, từ trong nước cho đến nước ngoài, để tạo nên những cảnh sầm uất bán, buôn. Với cách thức trao đổi trong một không gian có cả chợ lẫn đình đã làm cho chợ phiên trở nên một địa điểm mang đậm tính văn hóa, một sắc thái đặc trưng không phải nơi nào cũng có.

Chợ phiên và đình làng Cam Lộ ngày nay vẫn ở chốn xưa, vẫn là góc chợ ngày nào, vẫn còn nón Huế đưa ra, trứng vịt từ Quảng Bình đưa vào…, nhưng khác một điều là chợ nay đã được xây dựng kiên cố, hàng quán nhiều hơn, sản phẩm phong phú hơn. Nhưng có lẽ không riêng gì chúng tôi, những ai đã đến, đã biết, đã yêu địa danh này chắc đã hơn một lần ước ao mình được nhìn thấy những chiếc thuyền buôn nước ngoài, những đàn voi được đem xuống để đổi bạc, đổi súng, cũng như những phiên chợ có đến hàng trăm con trâu như nhà bác học nổi tiếng Lê Quý Đôn đã từng đến, chứng kiến và miêu tả.

Đình làng chợ Phiên
Đình làng chợ Phiên

Lắng đọng trong không gian chợ Phiên và đình làng Cam Lộ là bao lớp lang văn hóa, lịch sử đất nước. Mảnh đất nhỏ này đây đã từng chứng kiến biết bao sự kiện gắn liền với Đảng bộ tỉnh Quảng Trị những ngày mới thành lập. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đây là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, đánh dấu những bước phát triển của phong trào cách mạng trên địa bàn huyện Cam Lộ. Năm 1928, một phân nhánh của “Hưng nghiệp Hội xã” của tổ chức “Thanh niên cách mạng đồng chí Hội” được thành lập ở Cam Lộ do Hoàng Thị Ái (nữ đảng viên Cộng sản đầu tiên của tỉnh Quảng Trị) phụ trách, trực tiếp giao dịch với đồng chí Lê Thế Hiếu. Phân hội này đặt cơ sở tại chợ Phiên, mở một quầy hàng bán tạp hóa để giao dịch và làm cơ sở tài chính, cơ sở liên lạc với Tỉnh bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Trị. Đầu năm 1938, tại cơ sở Đồng Nguyên ở chợ Phiên, các đảng viên và quần chúng cách mạng đã tổ chức một cuộc hội thảo về các quyền tự do và bàn phương hướng tuyên truyền chính sách của Đảng. Ngoài ra, tại khu đình làng và chợ Phiên suốt thời kỳ 1945 Huyện ủy Cam Lộ đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh, căng biểu ngữ, treo cờ Đảng, diễn thuyết tuyên truyền và phát động quần chúng đấu tranh.

     Có mặt tại chợ vào một ngày nắng hiếm hoi cuối năm, lại đúng vào ngày phiên nên chợ đông vui tấp nập, sản vật mọi nơi theo bước chân người đến chợ, mùi hương từ trầu cau quện với hương cao lá vằng ngập cả không gian, tạo nên một nét rất riêng không thể lẫn. Trong cảnh quê đượm màu sắc tết thoảng trong không gian hương trầm ngan ngát. Những người con xa quê lâu ngày tìm đến chợ, những khách phương xa cảm cái danh cũng tìm đến, tiếng người quen chào nhau, tiếng người lạ hỏi han, tiếng mua tiếng bán hòa vào nhau thành những thanh âm thân thuộc của cuộc sống. Cảnh vật có thể cũ, thời gian có thể xóa nhòa nhưng chợ Phiên vẫn thế, ồn ào người mua mà không xô bồ, nhộn nhịp người bán nhưng lại đầy tình cảm. Chợ tết quê không riêng gì ở đây mà ở mọi vùng, mọi nơi trên đất nước Việt Nam, đậm một dấu ấn “văn hóa làng xóm”, dấu ấn đó in sâu trong lòng mỗi con người từng lớn lên ở quê, nay xa quê, lâu ngày thấy nhớ quê, nhớ chợ mà da diết tìm về. Người ta gặp nhau bên ly nước chè xanh nói chuyện nay, kể chuyện xưa, chuyện làng, chuyện nhà, thân thuộc thế, không phải nơi nào cũng có, chợ nào cũng có. Có khi cùng làng, gặp nhau hằng ngày nhưng ra chợ vẫn nói không hết chuyện.

Nay đình đã lùi về phía sau, khuôn viên được xây cách ly với chợ, cửa đình cửa đóng then cài, thời gian đã nhuốm rêu phong lên lối vào, bước thêm mấy bước, là đến bờ sông Hiếu, sóng rì rào như muốn kể chuyện xưa, những chiếc ghe vẫn lại qua nhưng chẳng mấy chiếc dừng lại để ghé bến, đưa khách lên. Đường 9 nay đã ngay trước mặt chợ rồi, khách thương chủ yếu đi bằng xe máy, gần thì xe đạp, gánh gồng. Tôi chợt nghe âm vang từ miền lịch sử, xuýt xoa hoài vọng về thiên cổ, cũng chốn này đây biết bao khách thương hồ đã đến, đã đi, những đàn voi, đàn trâu, thuyền buôn cùng những cánh buồm căng gió với những con người khắp chốn đượm mùi đường xa, nay như lớp sương mờ ẩn hiện trước mắt, với tay là tan biến. Cảnh vật đã thay những lớp tế bào mới, chợ mới, người cũng mới, chỉ cuộc sống là vẫn vậy, vang những nhịp đập hối hả, chất chứa những tình cảm, ước mơ.

Được biết, khu vực đình làng Cam Lộ cùng với chợ Phiên Cam Lộ đã được công nhận là cụm di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh; đời sống người dân trong vùng đã có những bước đổi thay, phát triển, nhưng những giá trị cuộc sống vẫn còn nguyên vẹn như thuở ban sơ. Tôi tin chắc rằng, con đường 9 được định hình từ ngàn xưa ấy, khu chợ, đình làng và mảnh đất này mãi tồn tại như đã từng tồn tại trong tâm trí mỗi con người yêu đất nước Việt Nam.

TAGS

Mật đạo: Một góc nhìn khác lạ

Phạm Xuân Dũng |

Cuốn tiểu thuyết 17 chương với hơn 400 trang sách, thời gian phi tuyến tính, không tuân theo trật tự lần lượt từ trước đến sau.  Viết theo lối xen kẽ và đồng hiện vận dụng thủ pháp điện ảnh kể về những biến cố diễn ra ở vùng quê Quảng Trị sau khi vua Hàm Nghi ra Tân Sở, chủ yếu trong ba mươi năm từ 1943 đến 1973. Thời gian trong mỗi chương không quá một ngày. Chương dài nhất khoảng 25 trang, chương ngắn nhất chỉ có một trang.  Tâm điểm câu chuyện là địa danh Ba Đồi thuộc vùng quê Cam Lộ. Nhân vật cũng ít, hết thảy là nhân vật phụ xoay quanh nhân vật chính là ông Lam.

Nhớ về mùa thu cách mạng…

Đức Việt |

Những ký ức đẹp đẽ, đầy sôi nổi của ngày độc lập 2/9/1945 trọng đại vẫn vang vọng trong tâm khảm của những lão thành cách mạng tuổi đã xưa nay hiếm. Gặp họ, một người trẻ tuổi như tôi có thể cảm nhận gần hơn với không khí sôi động của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và hào khí Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cách đây 75 mùa thu cách mạng.

Âm hưởng núi rừng trong các bài hát về Đakrông

Võ Thế Hùng |

Đakrông - nơi của đại ngàn rừng xanh núi thẳm, nơi của những dòng suối mát, những dòng thác huyền bí chứa đựng những giai thoại đẹp về tình yêu và bản làng. Đakrông - nơi sinh sống của nhiều tộc người Pa Cô, Bru - Vân Kiều, Kinh… với nhiều giá trị bản sắc văn hóa độc đáo, trong đó có nét đặc trưng về âm nhạc vô cùng phong phú và đa dạng. Nhiều nhạc sĩ đã tiếp cận, khai thác những giá trị ấy để viết về vùng đất Đakrông huyền thoại, sâu nặng nghĩa tình chung thủy.

Lễ cúng mùa lên rẫy của người Pa Cô

Lê Văn Hà |

Trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng, người Pa Cô quan niệm có một thế giới hư vô gồm thần linh và ma quỷ cùng tồn tại với  thế giới thực tại, để che chở, mang điều tốt lành, hoặc sẽ trừng phạt, gieo mọi hiểm họa đến cho bản làng. Vì thế, việc sùng bái, cúng tế, thờ phụng các thần linh trong thiên nhiên xung quanh họ là những lễ nghi luôn gắn bó mật thiết trong đời sống của người Pa Cô.