Nhớ về mùa thu cách mạng…

Đức Việt |

Những ký ức đẹp đẽ, đầy sôi nổi của ngày độc lập 2/9/1945 trọng đại vẫn vang vọng trong tâm khảm của những lão thành cách mạng tuổi đã xưa nay hiếm. Gặp họ, một người trẻ tuổi như tôi có thể cảm nhận gần hơn với không khí sôi động của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và hào khí Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cách đây 75 mùa thu cách mạng.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Trong những ngày dân tộc sống trong hào khí sôi nổi kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, trong tâm trí của những lão thành cách mạng nơi miền đất Quảng Trị, ký ức một thời hào hùng lại ùa về.

Mùa vàng trên cánh đồng Hải Lăng -Ảnh: ĐV​
Mùa vàng trên cánh đồng Hải Lăng -Ảnh: ĐV​

 Năm nay đã 98 tuổi nhưng lão thành cách mạng Nguyễn Khắc Sanh ở Khu phố 1, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà vẫn còn rất minh mẫn, rành rọt ngồi tiếp chuyện chúng tôi. Râu tóc bạc trắng, thần thái tinh anh, trò chuyện mạch lạc, người mới tiếp xúc ắt hẳn bất ngờ khi biết rằng cụ Sanh đã sống ngót nghét gần một thế kỷ. Cụ có một cuộc đời hoạt động cách mạng đầy sôi nổi. Cụ Sanh kể, mình chính thức hoạt động cách mạng từ năm 1933, tức hồi chỉ khoảng 12 tuổi. “Hồi đó dù tuổi còn nhỏ nhưng tôi vinh dự được đi hoạt động cách mạng với những đồng chí lãnh tụ, chí sĩ yêu nước như: Lê Duẩn, Trần Hữu Dực, Nguyễn Khắc Hán, Trần Sâm, Đặng Quỳ, Đặng Thí, Lê Thế Tiết, Lê Thế Hiếu… Tôi nhỏ tuổi nên chủ yếu đi theo các bác, các chú mang, giữ giúp tài liệu hoạt động cách mạng được đựng trong ống tre, để địch khỏi nghi ngờ. Tôi nhớ có lần vượt sông đoạn qua cầu An Mô hiện nay, tôi rơi xuống sông suýt chết đuối, may có bác Trần Hữu Dực cứu. Hồi ấy, tôi theo mấy bác hoạt động khắp vùng Vĩnh Linh vào đến thị xã Quảng Trị”, cụ Sanh kể lại. Thời gian hoạt động này cụ cũng là người khâu nối liên lạc giữa những người hoạt động cách mạng ở Đình làng Lập Thạch với một số chiến sĩ cách mạng của ta cài cắm vào làm việc cho các xí nghiệp của thực dân Pháp ở đô thị Đông Hà…

Cụ Nguyễn Khắc Sanh, lão thành cách mạng, hiện ở tại Khu phố 1, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà -Ảnh: ĐV​
Cụ Nguyễn Khắc Sanh, lão thành cách mạng, hiện ở tại Khu phố 1, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà -Ảnh: ĐV​

Cụ Sanh cũng là người hòa vào dòng người đấu tranh cách mạng giành chính quyền năm 1945. Nhận được lệnh khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, khoảng 4 giờ sáng ngày 19/8/1945, cụ cùng với người dân địa phương đầy khí thế cách mạng băng qua Triệu Độ đến đoạn An Mô thì vượt sông Thạch Hãn tiến qua Nhan Biều, Triệu Thượng. Tại đây, Nhân dân vừa tuần hành, vừa hô vang khẩu hiệu đấu tranh, thị uy kẻ thù. “Tới 7 giờ sáng cùng ngày, quân dân ta đã bắt và xử bắn tại chỗ Tri phủ Triệu Phong Viễn Cho và đối tượng phản động khét tiếng Trần Thị Biền. Giành chính quyền tại Triệu Phong thắng lợi, đoàn tuần hành rút về địa phương. Sau khi Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong cả nước, ngày 2/9/1945, khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Ba Đình, Hà Nội, quân và dân địa phương chúng tôi ai nấy đều nghẹn ngào xúc động. Ai cũng nắm tay thề quyết giữ gìn nền độc lập non trẻ ấy bằng mọi giá…”, cụ Sanh kể lại. Cuối năm 1945, cụ Sanh gia nhập Trung đoàn 95, Sư đoàn 325. Thời điểm này, trung đoàn của cụ về vùng Triệu Phong vận động Nhân dân tham gia cách mạng, hoạt động du kích. Sau khi Pháp quay trở lại vào năm 1946, Trung đoàn 95 chuyển lên chiến khu Ba Lòng để bảo toàn và gầy dựng lực lượng. “Lúc mới lên chiến khu Ba Lòng, có lần tôi bị lạc trong rừng đến 2 ngày 2 đêm, phải nhịn đói, ăn lá cây rồi lần theo tiếng gà rừng, khe suối chảy hướng về xuôi mới tìm được những nóc nhà của người đồng bào dân tộc thiểu số, sau đó họ báo cho đơn vị đón tôi về. Đó cũng là một kỷ niệm khó quên”, cụ Sanh nhớ lại. Năm 1950, Trung đoàn 95 rút qua đất Lào hoạt động một thời gian, đến năm 1954, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Trung đoàn 95 rút về huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Đến năm 1956, trung đoàn tiếp tục được điều vào Nông trường Quyết Thắng, huyện Vĩnh Linh vừa tham gia sản xuất, vừa chiến đấu. Một thời gian sau đó, cụ Sanh cùng đơn vị tiếp tục phục vụ việc vận chuyển hàng hóa, vũ khí trên tuyến đường bí mật từ Bắc vào Nam ở Trạm 20 (một đoạn gần sông Sê Pôn)… Sau khi hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển, đơn vị của cụ rút về Hà Nội. “Tôi nhớ như in, lúc đã ở Hà Nội, khi nghe tin Bác Hồ mất, toàn đơn vị ai cũng khóc nhớ thương Người. Sự kiện đau thương ấy khiến toàn đơn vị càng quyết tâm hơn trong chiến đấu. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973, tôi xuất ngũ trở về quê hương… cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng và sinh sống cùng gia đình ở quê cho đến bây giờ”, cụ Sanh kể thêm.

Trong trí nhớ của ông Hồ Gô, (81 tuổi), nguyên Trưởng Ban Dân tộc miền núi tỉnh Quảng Trị thì quê hương Khe Me, xã Linh Thượng của ông xưa (nay là xã Linh Trường, huyện Gio Linh) cũng là vùng đất có truyền thống cách mạng sôi nổi. Đồng bào Vân Kiều, Pa Kô sống nơi này đã đoàn kết đồng lòng đứng lên làm cách mạng, cùng với quân dân trong huyện, tỉnh giành lấy chính quyền, mở ra cuộc đời tự do, ấm no, hạnh phúc. Ông Hồ Gô kể: “Hồi nhỏ tôi cùng bố mẹ, dân bản chạy ra ngoài vùng Bãi Hà, xã Vĩnh Hà để trốn giặc Pháp - Nhật trong cái đói cồn cào gan ruột. Dân bản phải vào rừng kiếm củ nâu, củ mài, môn rừng… ăn cầm hơi để đi theo cách mạng. Vùng miền Tây Gio Linh lúc đó là vùng tự do, không phải là vùng tạm chiếm của địch. Khi Nhật, Pháp thay nhau đến càn quét miền quê này, Mặt trận Việt Minh phát động người dân tạm lánh vào rừng, tránh đối đầu với địch”. Tuy đói nghèo nhưng tất thảy đồng bào ở đây đều một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng. Ông kể, khi quân Nhật đàn áp người dân để lùng sục các cơ sở cách mạng, đồng bào thực hiện “3 không” - tức không nghe, không thấy, không biết. Sự kiên trung, son sắt một lòng theo cách mạng đã được đồng bào tạc ghi trong tâm khảm. Họ ra sức bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ tuyến đường công chánh (là tuyến đường bí mật vận chuyển lương thực, vũ khí từ Bắc vào Nam) an toàn cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước… Cách mạng Tháng Tám thành công mở ra một trang mới cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc anh em. Ông Hồ Gô trở về quê hương sau ngày giải phóng, mang trong mình trọng trách là người đại biểu dân cử. Người con của núi rừng Gio Linh ra sức vận động đồng bào quê hương tự lực vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Từ những chính sách của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của người dân, đến nay không chỉ Khe Me quê hương ông Hồ Gô mà nhiều bản làng miền Tây Quảng Trị ngày nay cũng đã khởi sắc, cuộc sống Nhân dân ngày càng ấm no.

Ông Hồ Gô, nguyên Trưởng Ban Dân tộc miền núi tỉnh Quảng Trị -Ảnh: ĐV​
Ông Hồ Gô, nguyên Trưởng Ban Dân tộc miền núi tỉnh Quảng Trị -Ảnh: ĐV​

Trí nhớ tuyệt vời, trò chuyện hóm hỉnh, ít ai ngờ rằng cụ Nguyễn Minh Điềm, lão thành cách mạng ở thôn Lễ Môn, xã Phong Bình, huyện Gio Linh năm nay vừa tròn 100 tuổi. Cụ kể, bắt đầu từ tháng 5/1944, cụ đã tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương. Cụ xin đi ở đầy tớ cho một gia đình phú nông tại địa phương để thực hiện nhiệm vụ liên lạc, cung cấp các thông tin quan trọng cho các cơ sở cách mạng hoạt động trong phạm vi từ Vĩnh Linh đến Đông Hà. Sau khi giành chính quyền vào tháng 8/1945, cụ tham gia Huyện bộ Việt Minh. Tháng 2/1946, cụ được biên chế vào Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, phụ trách công tác quân báo thực hiện nhiệm vụ trinh sát, thăm dò, xây dựng cơ sở cách mạng... Khi mặt trận Bình Trị Thiên bị vỡ, cụ được biệt phái xâm nhập hoạt động ở vùng địch tạm chiếm. Để trà trộn vào hoạt động trong lòng địch không bị phát hiện, cụ ngụy trang đóng giả thành người chăn bò, người đi buôn…

Tuy vậy, năm 1948, cụ bị phát hiện và bị bắt tại chợ Cầu. Trong khi 2 tên lính đang trên đường dẫn giải cụ về trước sân đình Hà Thượng, lợi dụng sự mất cảnh giác của chúng, cụ đã trốn thoát được và tìm về đơn vị đang đóng ở Mai Xá, Gio Mai. Năm 1953, cụ được biệt phái chuyển qua Trung đoàn 18 thuộc Quân khu Trị Thiên. Đơn vị của cụ tham gia phối hợp mở cuộc tấn công địch trên mặt trận Hạ Lào nhằm đánh chặn Pháp tăng quân chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, đơn vị của cụ nhập vào Trung đoàn 271, Quân khu 4 và tập kết ra Bắc. “Cũng trong thời gian đóng quân tại Khu Quân sự Bạch Mai, Hà Nội, đơn vị chúng tôi đã được gặp Bác Hồ 3 lần trong một ngày. Tôi nhớ như in đó là ngày Noel, ngày 25/12/1954. Hôm Bác Hồ đến kiểm tra đơn vị duyệt binh để chuẩn bị đón các cơ quan Đảng, Chính phủ từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Hình ảnh gần gũi, giản dị của Bác Hồ khiến chúng tôi nhớ mãi…”, cụ Điềm bồi hồi. Một thời gian sau, cụ Điềm đi học Trường Quân sự Sơn Tây rồi trở về Quảng Trị. Năm 1959 cụ chuyển ngành qua dạy học. Cụ Điềm cũng là người có nhiều đóng góp trong việc đưa học sinh K8 sơ tán ra miền Bắc vào năm 1967. Cụ là người thầy giáo dạy quân sự và dạy văn hóa, gắn bó với nhiều trường học thuộc Ty giáo dục Vĩnh Linh trong một thời gian dài, trước khi chính thức về nghỉ hưu năm 1980. Có thể nói, cụ Nguyễn Minh Điềm đã có những năm tháng hoạt động cách mạng đầy cam go, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Rồi hàng chục năm với vai trò là người thầy giáo trong thời chiến lẫn thời bình, cụ được mọi người hết sức kính trọng.

Cụ Nguyễn Minh Điềm, lão thành cách mạng, hiện ở thôn Lễ Môn, xã Phong Bình, huyện Gio Linh -Ảnh: ĐV​
Cụ Nguyễn Minh Điềm, lão thành cách mạng, hiện ở thôn Lễ Môn, xã Phong Bình, huyện Gio Linh -Ảnh: ĐV​

Mùa thu lịch sử đã đi qua tròn 75 năm. Những lão thành cách mạng gắn bó với dòng lịch sử hào hùng năm xưa cũng ít dần theo năm tháng. Nhưng ký ức sôi động gắn bó với cuộc đời họ mãi chẳng thể phai mờ. Giá trị to lớn của độc lập, tự do và hạnh phúc hôm nay được viết nên bởi những tháng năm đẹp đẽ của các vị lão thành cách mạng, những chứng nhân lịch sử bình dị như thế…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Ba Lòng, miền thơm thảo ngọt lành

Cẩm Nhung |

Tôi vẫn nghĩ rằng Ba Lòng là một ân tứ của thiên nhiên đền bồi cho xứ sở đồi núi vừa hiểm trở lại khó nghèo Đakrông - vùng đất phía tây nam Quảng Trị. Đã nhiều lần Kim Oanh, cô bạn thân của tôi mời mọc: “Mày hãy đến thăm quê tao. Quê hương tao là một thung lũng xanh mỡ màu, thơ mộng và bình yên lắm”. Ba Lòng miền non xanh nước biếc, và không chỉ có thế, Ba Lòng sớm vươn dậy là đất anh hùng, chuyện ấy mọi người nói đã nhiều, đâu phải bạn tôi tự nhiên tự hào về quê hương của nó.

Già làng Côn Hương: “Tôi chọn 100”

Lê Minh Hà |

Không ngạc nhiên lắm với việc người đồng bào dân tộc Pa Cô ở xã Tà Rụt (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) hiến đất để làm các công trình công cộng, phục vụ cộng đồng và đời sống dân sinh vì công việc này đối với xã Tà Rụt nó đã mang tính phổ biến. Nhưng chúng tôi ngạc nhiên bởi câu nói của già làng Côn Hương, khi ông hiến hàng nghìn mét đất để xây dựng nhà cộng đồng thôn bản và làm đường dân sinh không một chút đắn đo suy nghĩ: “Hiến đất làm công trình cho cộng đồng là chọn số trăm, thay vì chọn cho riêng mình…”

Gặp người Quảng Trị ở Cà Mau

Trần Đăng Mậu |

Không hẹn mà nên, trong chuyến công tác ở tỉnh Cà Mau, anh Trần Hiếu Hùng (nguyên quán Khu phố Thượng Viên, thị trấn Cam Lộ tỉnh Quảng Trị), Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh Cà Mau nói với đoàn Hội Nhà báo Quảng Trị rằng: Ngày mai trên đường về Đất Mũi, đoàn nên ghé Điểm dừng chân Tư Tỵ, chủ cơ sở là bà mẹ người Gio Linh - Quảng Trị để điểm tâm bát bánh canh cua, rất đậm đà hương vị quê hương.

“Nguồn sáng” của người khiếm thị

Tây Long |

Suốt 25 năm thành lập, các thế hệ cán bộ Hội Người mù tỉnh đã tiếp nối nhau kiếm tìm, nhân lên những điển hình người khiếm thị. Việc làm nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa ấy đã tạo động lực cho nhiều hội viên vươn lên, bước ra từ bóng tối.