Già làng Côn Hương: “Tôi chọn 100”

Lê Minh Hà |

Không ngạc nhiên lắm với việc người đồng bào dân tộc Pa Cô ở xã Tà Rụt (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) hiến đất để làm các công trình công cộng, phục vụ cộng đồng và đời sống dân sinh vì công việc này đối với xã Tà Rụt nó đã mang tính phổ biến. Nhưng chúng tôi ngạc nhiên bởi câu nói của già làng Côn Hương, khi ông hiến hàng nghìn mét đất để xây dựng nhà cộng đồng thôn bản và làm đường dân sinh không một chút đắn đo suy nghĩ: “Hiến đất làm công trình cho cộng đồng là chọn số trăm, thay vì chọn cho riêng mình…”

Ý thức trong gìn giữ công trình công cộng

Hơn 100 km từ thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị chúng tôi đi miền Tây. Xã Tà Rụt nổi tiếng khắp vùng vì đây là vựa thơm, vựa chuối và là trung tâm cụm xã. Đến Tà Rụt, chúng tôi ngợp mắt với một xã miền núi khi mọi hình thức kinh doanh dịch vụ như một thị trấn. Cũng bởi lẽ đó nên đất ở đây có giá trị khi chuyển nhượng rất cao. Nhưng không phải vì thế mà người dân bất chấp lợi ích kinh tế của riêng mình, họ vẫn hiến đất để xây dựng các công trình công cộng như: trường học, đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng… Với người dân ở xã Tà Rụt, việc hiến đất vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm. Xưa nay thế, đồng bào dân tộc Pa Cô xem việc tập thể là việc quan trọng nhất, các công trình tập thể phải được ưu tiên hàng đầu.

Già làng Côn Hương với những cổ vật mà ông cha lưu lại, ông xem đó là gia sản hiếm có của người Pa Cô.
Già làng Côn Hương với những cổ vật mà ông cha lưu lại, ông xem đó là gia sản hiếm có của người Pa Cô.

Ở xã Tà Rụt, khi các công trình được nhà nước đầu tư, nhân dân ra sức duy tu, bảo dưỡng để hiệu quả lâu dài. Ba thôn A Pun, Tà Rụt 1, Tà Rụt 2 Tà Rụt 3 hơn 10 năm nay bảo vệ một con đường bê tông dài 8km từ cầu U Sau (Km 49) vào đến nơi sản xuất của thôn A Pun. Anh Hồ Văn Hoái, trưởng thôn Tà Rụt 1 cho chúng tôi hay: “Hơn 10 năm nay, các hộ dân của thôn đã dùng rựa, cuốc, xẻng, máy phát, máy cưa...  để nạo vét cống rãnh, đắp lại những điểm sạt lỡ khỏi gây ách tắc đường và đặc biệt là phát quang hai bên đường để đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện tham gia giao thông”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đây là công việc tự giác của cộng đồng. Anh Hồ Văn Huân, 25 tuổi hì hụi xúc đất trò chuyện với chúng tôi: “Công việc này có nhiều người trẻ tham gia vì người trẻ có sức, chúng tôi làm đến trưa nghỉ ăn cơm ngay trên đường rồi sau đó làm tiếp. Tôi thấy việc bảo vệ và gìn giữ một con đường là việc làm mà mỗi người dân nơi có cầu đường đi qua đều phải tự giác tập hợp nhau lại để bảo vệ, đường mình đi thì mình giữ chứ chờ ai”.

Ý thức tự giác của cộng đồng dân tộc Pa Cô ở Tà Rụt đã giúp con đường đã xây dựng được gần 10 năm nay không một đoạn hư hỏng, tạo điều kiện cho đồng bào chuyên chở hàng hóa xã trung tâm xã và ngược lại, đồng bào có thể dễ dàng đến nơi sản xuất mà không mất nhiều thời gian và công sức như trước đây. Anh Hồ Văn Nhương, trưởng thôn Tà Rụt 3 cho chúng tôi biết: “Chỉ mỗi hộ dân đóng góp 20 ngàn đồng cho hoạt động này. Đây là công việc cộng đồng trách nhiệm và tự nguyện thực hiện. Ai có cuốc thì dùng cuốc, ai có rựa thì dùng rựa. Chúng tôi đã mượn một cái máy phát để hỗ trợ thêm cho công việc này. Năm nào bà con cũng hứng khởi tham gia vì được gặp nhau cũng vui. Chẳng mấy lúc được làm cùng nhau thế này, chiều về tập trung lại làm bữa cơm chung, uống một chén rượu thể hiện tinh thần đoàn kết giữa mọi người”.

Việc giữ gìn các công trình phúc lợi xã hội trên địa bàn xã Tà Rụt đã khiến rất nhiều nơi làm theo. Từ một thôn hoạt động tốt trong phạm vi một thôn đã nhân rộng đến nhiều thôn. Việc hiến đất cũng có thể được gọi là truyền thống của người Pa Cô trên địa bàn xã.

Già làng Côn Hương trên mảnh đất ông đã hiến giờ đã xây dựng trung tâm học tập cộng đồng thôn Vực Leng.
Già làng Côn Hương trên mảnh đất ông đã hiến giờ đã xây dựng trung tâm học tập cộng đồng thôn Vực Leng.

Côn Hương, hiến đất là tôi chọn trăm người

Từ trung tâm xã Tà Rụt ngược trở lại Vực Leng 5 km, già làng Côn Hương mải mê với việc nối ống nước lại với nhau và dẫn chúng vào bể. Già khoe với chúng tôi cái giếng vừa khoan được, nước có thể sử dụng đủ trong mùa khô: “Nước tự chảy hết rồi, giờ giếng khoan, chục mười lăm hộ có thể dùng nước mà không bị thiếu”. Nụ cười hồ hởi cùng thân rắn rỏi của cụ ông sinh năm 1945 khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. 75 tuổi nhưng Côn Hương (tên thường gọi là Hồ Văn Ing) vẫn còn rất mạnh khỏe.

Hiến gần 5.000 m2 đất để xây dựng nông thôn mới. Già làng Côn Hương đã không một chút đắn đo. Vợ ông, bà Hồ Thị Nhịp, 73 tuổi tự hào về việc làm của chồng mình, bà Nhịp kể: “Lúc chồng cho đất, nhiều người thấy vui lòng, nhưng cho nhiều nên họ cũng ngạc nhiên vì với số đất đó đổi ra thì cũng nhiều tiền”.

Già làng Côn Hương có tới 12 người con (6 trai, 6 gái). Nhìn sơ qua nếu con cái dựng vợ gả chồng thì đất còn chưa đủ ở. Nhưng cái lý của Côn Hương như thế này: “6 đứa con gái, lấy chồng ở đất chồng, 6 đứa con trai còn lại trong đó 2 đứa ở riêng, chỉ còn 4 trong đó đã có một ngôi nhà tình nghĩa. Một đứa ở nhà bố, còn 2 đứa thì mảnh đất trên ngôi nhà cũ ở cũng được rồi”. Cả một gia sản đem góp cho cộng đồng nhưng với Côn Hương nhẹ như bâng, cái đất thì cũng của đất nước, nhà nước cần mà mình cứ giữ cho riêng mình là không phải con cháu Bác Hồ. Tính ra đất ở bên kia suối vẫn còn, nhưng dân ở bên này mà đi sinh hoạt cộng đồng ở bên không có dân sao được, ai làm thế. Côn Hương nói rồi cười sảng khoái, điệu cười hạnh phúc của người cho đi. Nhớ đến những ngày đầu cán bộ về tìm đất xây nhà cộng đồng, Côn Hương kể, năm 2016, khi có cán bộ thôn về vận động hiến đất để xây nhà cộng đồng để hoàn thành chương trình nông thôn mới, ông đồng ý ngay, mọi người trong nhà cũng đồng ý với quyết định này. Chỉ sau một năm mảnh đất Côn Hương hiến tặng đã mọc lên nhà cộng đồng sừng sững, kiên cố, giờ nó trở thành nơi sinh hoạt của thôn bản, bố rất thích. Sau khi hiến đất xây nhà cộng đồng, cụ hiến thêm 3 đoạn đường khác nữa để làm đường dân sinh, xây dựng cầu liên thôn A Đăng- Vực Leng để nhân dân đi lại trao đổi hàng hóa, làm rừng rẫy, trẻ em đi học được thuận tiện hơn.

Trung tâm học tập cộng đồng thôn Vực Leng là nơi sinh hoạt chủ yếu của bà con thôn bản.
Trung tâm học tập cộng đồng thôn Vực Leng là nơi sinh hoạt chủ yếu của bà con thôn bản.

Với quan niệm, nếu giữ 5.000 mét đất là Côn Hương chỉ giữ riêng cho mình, già tâm sự: “Khi cho đất làm nhà cộng đồng, có chỗ để dân sinh hoạt, học tập, văn nghệ… không phải một ngày hay hai ngày mà mấy chục năm, nhiều trăm năm, cả mấy đời người sẽ sử dụng nhà cộng đồng để học tập và sinh hoạt. Nếu để phần mình là của một người, cho một vài người; còn nếu để cho xã hội là của trăm nghìn người, vì số đông hơn. Bố chọn trăm người thay vì một người vì lợi ích lớn hơn”.

Rất nhiều người hiến đất

Địa bàn xã Tà Rụt có rất nhiều cái đáng để ghi nhận là thành quả vượt bậc trong vấn đề dân vận ở cơ sở. Nhiều hoạt động liên quan tới xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là khâu giải phóng mặt bằng diễn ra rất tốt đẹp bởi sự đồng thuận giữa Đảng, chính quyền và nhân dân. Bên cạnh đó, các công trình nhà nước và nhân dân cùng làm phát huy được hiệu quả rõ nét. Những con đường dân sinh, cây cầu, công trình nước… ngoài nguồn vốn của nhà nước đầu tư còn có công lao vô cùng to lớn của nhân dân trong việc huy động sức mạnh cộng đồng, cả của cải vật chất lẫn tinh thần. Người dân xem việc cống hiến cho công việc chung là nghĩa vụ thiên liên trước cộng đồng, xã hội và đất nước.

Việc tự nguyện hiến đất của Côn Hương nó như sự tiếp nối truyền thống của đồng bào Pa Cô trước đây. Côn Hương cho hay, thời kì kháng chiến chống Pháp rồi chống Mĩ, người Pa Cô và Vân Kiều bảo vệ cán bộ, nuôi giấu bộ đội, có gì đem ra cho cách mạng để chống giặc ngoại xâm, giờ cũng thế, chẳng qua là mình làm một việc khác, cho cách mạng giữa thời nay nên mọi thứ dễ dàng hơn thôi. Mà làm dễ, thuận tiện nên làm.

Không chỉ tự nguyện hiến đất xây dựng nông thôn mới vì cộng đồng, già làng Côn Hương còn vận động anh em tại thôn Vực Leng hiến đất. Già chia sẻ: “Trong cộng đồng có người cho người không, những người không có đất thì không cho được, phải đổi cho họ. Việc chính quyền địa phương phối hợp với thôn bản vận động nhân dân nên không có gì khó khăn. Ở thôn Vực Leng có rất nhiều hộ hiến đất cho cộng đồng. Điển hình như Côn Hanh (tức Hồ Văn Ương, em trai của già Côn Hương) đồng ý hiến đất đang làm rẫy của mình để dựng 8 cột điện. Ông Hồ Đời hiến hơn 2.000 m2 đất xây dựng trường Tiểu học, trường Mầm non, hiến đất làm đường, gương mẫu thực hiện tốt phong trào nông thôn mới.

Việc tự nguyện cống hiến của cải vật chất của Côn Hương nói riêng và cộng đồng đồng bào dân tộc Pa Cô ở xã Tà Rụt nói chung đã thúc đẩy hơn tinh thần tự giác, tự nguyện của người dân sống trên địa bàn. Hơn thế nữa, từ những nỗ lực mà họ đạt được cộng với sự ưu đãi của nhà nước, những công trình công cộng trên địa bàn xã Tà Rụt được bà con chăm sóc và bảo vệ cẩn thận. Ông Hồ Văn Vên, trưởng thôn Vực Leng tâm sự với chúng tôi rằng: “Bà con nhân dân ở đây rất tuân thủ pháp luật nhưng cũng rất rộng rãi, những công trình nhà nước huy động là nhân dân đồng thuận ngay. Không những ở Vực Leng mà một số thôn khác trên địa bàn cũng thế”.

Già làng Côn Hương bên những đứa cháu và trẻ em thôn Vực Leng
Già làng Côn Hương bên những đứa cháu và trẻ em thôn Vực Leng

Nói về việc hiến đất của Côn Hương, ông Vên cho hay: “Ông Côn Hương là tấm gương điển hình để con cháu trong gia đình và mọi người noi theo. Việc tốt của ông xã đã nhiều lần tuyên dương”.

Chỉ cho chúng tôi xem những giấy khen của chính quyền địa phương, của huyện trong ngôi nhà mình, Côn Hương rất phấn khởi: "Vừa rồi, huyện Đakrông cũng đã tặng giấy khen, ghi nhận đóng góp xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, xã cũng nhiều lần tuyên dương trước nhân dân, không nhiều tiền bạc nhưng thấy lòng vui lắm.

TAGS

Gặp người Quảng Trị ở Cà Mau

Trần Đăng Mậu |

Không hẹn mà nên, trong chuyến công tác ở tỉnh Cà Mau, anh Trần Hiếu Hùng (nguyên quán Khu phố Thượng Viên, thị trấn Cam Lộ tỉnh Quảng Trị), Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh Cà Mau nói với đoàn Hội Nhà báo Quảng Trị rằng: Ngày mai trên đường về Đất Mũi, đoàn nên ghé Điểm dừng chân Tư Tỵ, chủ cơ sở là bà mẹ người Gio Linh - Quảng Trị để điểm tâm bát bánh canh cua, rất đậm đà hương vị quê hương.

Thư tình gửi một người, cuốn sách giải mã ca từ và soi chiếu con người Trịnh Công Sơn

Nguyễn Hoàn |

 Nhân kỷ niệm 10 năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về cõi thiên thu 1/4 (2001-2011), Nhà xuất bản Trẻ xuất bản cuốn sách “Thư tình gửi một người” tập hợp hơn 300 trang thư tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi Ngô Vũ Dao Ánh, người tình có ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu bền trong cảm hứng sáng tạo âm nhạc của nhạc sĩ.

Chiêm cảm từ Thành Cổ Quảng Trị

Lê Đức Dục |

Khi thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) có con đường nối từ ngã ba Hải Thượng về Trí Bưu, men theo bờ tường phía đông của Thành Cổ rồi băng qua sông Thạch Hãn bằng cây cầu Thành Cổ duyên dáng và nhập vào quốc lộ 1 ngay trước Nghĩa trang liệt sĩ huyện Triệu Phong thì mỗi lần có công chuyện đi Huế hay Hải Lăng, tôi thường chạy xe theo tuyến đường mới này thay vì chạy theo quốc lộ 1 như trước. Không phải vì tuyến đường này vắng xe cộ hay chạy nhanh hơn mà vì một lẽ giản đơn, đi qua cung đường này, dễ cho tôi một liên tưởng về tương lai của thị xã. Những đô thị mới đã mọc lên ở hai bên tuyến đường này phía gần Trí Bưu, một không gian đô thị mới, thoáng đãng và bay bổng. Và không xa là cánh đồng lúa mênh mông nối mùa đổi sắc, xanh con gái khi vừa gieo sạ rồi ửng vàng khi đơm bông và vàng rực lên khi mùa lúa chín.

Những mùa trăng bến hẹn

Minh Anh |

Mỗi khi xe từ quốc lộ 1A đi ngang qua địa danh thị xã Quảng Trị, tôi thường dừng lại để ngắm nhìn sông Thạch Hãn hiền hòa, chầm chậm xuôi dòng về phía những bãi bờ, xóm làng xanh thẫm, nao nao đến vô cùng. Vì lẽ đó mà 14 năm trước, mê đắm  “nhan sắc” này, tôi đã ở lại mảnh đất miền Trung tràn nắng gió. Năm ấy, cũng là mùa hè, trời thì xanh cao vời vợi, từng đám mây trắng bồng bềnh trôi theo cơn gió, và ảo diệu thay trên trời như thế nào dưới làn nước trong xanh cũng từng đám mây trắng bập bềnh theo dòng nước.