Tà Rụt khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

Hồ Văn Ngơn |

Theo đánh giá, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ xã Tà Rụt, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu nghị quyết đề ra, trong đó kinh tế nông nghiệp và thương mại- dịch vụ có bước phát triển đột phá.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Tà Rụt, nhiệm kỳ 2015-2020, kinh tế của xã có bước tăng trưởng đáng kể, năm sau cao hơn năm trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, phát huy được nội lực, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.

Những nông sản đặc sản của xã Tà Rụt đã góp phần làm phong phú thêm sản phẩm đặc sản của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở huyện Đakrông. Ảnh: PV​
Những nông sản đặc sản của xã Tà Rụt đã góp phần làm phong phú thêm sản phẩm đặc sản của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở huyện Đakrông. Ảnh: PV​

Nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá, bình quân lương thực đầu người đạt 267kg/người/năm, đạt 102,69% (Nghị quyết (NQ): 260 kg). Chăn nuôi được duy trì tốt, đến cuối năm 2019 tổng đàn gia súc, gia cầm 10.093 con, đạt 134,57% (NQ: 7.500 con); diện tích trồng rừng mới đến năm 2019 là 188 ha, đạt 125,3% (NQ: 150 ha); thu ngân sách trên địa bàn bình quân đạt 109,65 triệu đồng/năm (NQ: 100 triệu đồng); thu nhập bình quân đầu người đạt 19 triệu đồng/ người/năm, đạt 100%. Hiện nay, nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ yếu trong phát triển kinh tế của địa phương.

Diện tích gieo trồng đến cuối năm 2019 là 547,3 ha, đạt 84,20% (NQ: 650 ha); sản lượng lương thực có hạt 926,5 tấn, đạt 97,52% (NQ: 950 tấn). Một số cây trồng có giá trị thấp đã được chuyển sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, chuyển dịch cơ cấu các loại cây trồng phù hợp với đặc điểm chung của địa bàn, cụ thể như: Cây lúa, sắn, ngô, dứa, chuối và một số cây trồng khác được liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Chú trọng đưa giống cây trồng mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Bước đầu đã xây dựng mô hình trồng chuối lùn tại thôn A Đăng; đã xây dựng vùng quy hoạch sản xuất ở các thôn, bản về diện tích cây sắn, ngô, dứa...

Ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngày càng phát triển đa dạng, hình thành các cơ sở phát triển sản xuất công nghiệp ở địa bàn xã như: Mộc dân dụng, rèn, may mặc, xe vận tải, máy xay xát, máy trộn bê tông, thu hút hàng trăm lao động, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn.

Thương mại- dịch vụ ngày càng phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân như: Dịch vụ nhà nghỉ, bưu chính- viễn thông, vật tư nông nghiệp, dịch vụ cơ khí, sửa chữa, dịch vụ giao thông vận tải... Đến cuối năm 2019 có 102 hộ buôn bán, chiếm 8,71% số hộ toàn xã, tăng 18 hộ so với năm 2015.

Điểm nổi bật là cơ sở hạ tầng của địa phương ngày càng phát triển. Đến nay đã triển khai đầu tư 16 chương trình, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, Nhân dân đóng góp với số tiền trên 25 tỉ đồng, cụ thể như: Đường bê tông hóa nội thôn của các thôn Tà Rụt 1,2,3, A Đăng, Vực Leng, A Liêng; Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Vực Leng; sân trụ sở UBND xã; trường mầm non và tiểu học giai đoạn 2; trạm y tế xã giai đoạn 1; xây dựng khu định canh, định cư thôn A Pul; khu tái định cư tránh lũ khẩn cấp thôn Tà Rụt 1,2,3 giai đoạn 2; 2 cầu qua sông của 2 thôn A Liêng và Vực Leng, đường nội đồng thôn A Pul và Tà Rụt 3; điện lưới thôn A Vương, A Pul; có 36 công trình giếng khoan cho 306 hộ dân. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đã góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, cải thiện đời sống của người dân, quốc phòng - an ninh được giữ vững ổn định.

Công tác quản lý về môi trường được tăng cường. Tỉ lệ dùng nước sạch của hộ dân tăng cao so với nhiệm kỳ trước. Phong trào đảm bảo vệ sinh môi trường, trồng rừng, trồng cây xanh tại các khu vực trường học, trụ sở UBND, đường làng, ngõ xóm được chú trọng. Môi trường được giữ gìn xanh, sạch, đẹp. Hoạt động thu gom rác thải của xã và các tổ chức đoàn thể được duy trì tốt. Ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường được nâng cao.

Đảng bộ xã luôn đề cao vai trò lãnh đạo, tính tiền phong, gương mẫu của tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên trong mọi lĩnh vực công tác, nhất là thực hiện Chương trình hành động số 41-CTr/HU, ngày 13/10/2017 của Ban Thường vụ Huyện ủy Đakrông “về đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”, được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự đồng lòng góp sức của Nhân dân các dân tộc trong toàn xã. Bằng những cách làm hay, sáng tạo, trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xã Tà Rụt đã có bước khởi sắc, bộ mặt nông thôn mới của xã từng bước thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Đến nay, xã đạt 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo được quan tâm thực hiện. Nhiệm kỳ qua đã giải quyết việc làm cho 230 lao động, tạo việc làm tại chỗ 338 lao động. Tỉ lệ hộ nghèo của xã đến cuối năm 2019 giảm xuống còn 353 hộ, chiếm 33,7%, không có hộ đói gay gắt, đứt bữa, hay thiếu ăn xảy ra. Công tác an sinh xã hội luôn được quan tâm. Lãnh đạo xã và các hội, đoàn thể thường xuyên tổ chức thăm hỏi và động viên các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, người khuyết tật... nhân các ngày lễ, tết trong năm. Các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc được phát huy và bảo tồn, bỏ dần hủ tục, tập quán lạc hậu. Luôn duy trì tốt hoạt động của người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Công tác xây dựng Đảng được chú trọng thực hiện đồng bộ, toàn diện. Năng lực lãnh đạo, phương thức hoạt động của cấp ủy có nhiều đổi mới, chất lượng, hiệu quả cao hơn. Toàn Đảng bộ có 211 đảng viên với 10 chi bộ trực thuộc. Trong nhiệm kỳ đã bồi dưỡng, kết nạp được 53 đảng viên. Kết quả xếp loại 100% chi bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Về trình độ văn hóa và lý luận chính trị đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý có 100% đạt chuẩn. Công tác dân vận có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Công tác dân vận của chính quyền, phong trào thi đua “dân vận khéo” được triển khai sâu rộng, phát huy sức mạnh quần chúng nhân dân, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Việc giải quyết các thủ tục hành chính được thực hiện công khai, minh bạch, giảm thời gian và các thủ tục hành chính cho các tổ chức và công dân. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tăng cường việc giám sát và phản biện xã hội, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Vận động Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giữ vững quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trong những năm qua đã có nhiều kết quả tích cực. Thông qua các chương trình truyền thông, chiến dịch tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân. Tình trạng tảo hôn và trẻ suy dinh dưỡng đã giảm nhiều so với trước. Cấp phát thẻ bảo hiểm khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi và khu vực miền núi được đảm bảo kịp thời. Các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ được quan tâm, đặc biệt là chú trọng giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, bản sắc văn hóa của dân tộc, tạo được khí thế vui tươi phấn khởi trong Nhân dân.

Từ những kết quả đạt được, Đại hội Đảng bộ xã Tà Rụt lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, một trong những mục tiêu đột phá là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; giữ gìn, phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc; tranh thủ thời cơ; tập trung triển khai các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng quyết liệt và hiệu quả; khai thác và sử dụng tốt các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững; củng cố quốc phòng- an ninh, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; bảo vệ môi trường sinh thái; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phấn đấu đến năm 2025, Tà Rụt trở thành đô thị loại V.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nam Tân - Xưa và nay

Việt Hà |

Thôn Nam Tân, xã Gio Sơn nằm ở phía Tây của huyện Gio Linh (Quảng Trị) , trên một triền đất đỏ Ba Zan màu mỡ với địa thế trãi dài xuôi về hướng Đông. Nam Tân có tài sản vô giá là vùng quê có bề dầy lịch sử với nền văn hóa đặc sắc lâu đời.

150 ha lúa vụ Hè Thu bị ốc bươu vàng gây hại

Nguyễn Loan – Thanh Châu |

Vụ Hè Thu năm nay toàn tỉnh gieo cấy hơn 22 nghìn ha lúa, hiện nay lúa đang giai đoạn lên cây non. Tuy nhiên, trên nhiều cánh đồng, ốc bươu vàng xuất hiện với mật độ rất cao khiến bà con nông dân rất lo lắng.

Cánh đồng lớn hiệu quả cao

Võ Thái Hòa |

Tổ chức lại sản xuất trên cơ sở liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, HTX gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản, thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng nền tảng đảm bảo lợi ích và hiệu quả tối ưu giữa doanh nghiệp, HTX, THT và nông dân là mục tiêu của việc xây dựng cánh đồng lớn. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh, việc xây dựng cánh đồng lớn bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Đà Nẵng sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới

Lưu Hương |

Để kịp thời đón làn sóng đầu tư mới sau dịch bệnh, TP. Đà Nẵng đang đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chuẩn bị quỹ đất để thu hút doanh nghiệp.