Tổ chức lại sản xuất trên cơ sở liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, HTX gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản, thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng nền tảng đảm bảo lợi ích và hiệu quả tối ưu giữa doanh nghiệp, HTX, THT và nông dân là mục tiêu của việc xây dựng cánh đồng lớn. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh, việc xây dựng cánh đồng lớn bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn về sản xuất có quy mô lớn, 10 hộ nông dân ở xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã hợp tác vốn, đất đai và các phương tiện sản xuất khác để cùng nhau sản xuất cánh đồng lớn.
HTX nông nghiệp Tân Hợp ra đời năm 2018 trên cơ sở tự nguyện của 10 thành viên này. Ngay từ khi mới thành lập, nhờ ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất và chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm nên hiệu quả mang lại cao. HTX đã xây dựng chuỗi sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hiện HTX đã phát triển được nhiều diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp và cây dược liệu. Trong năm đầu đi vào hoạt động, HTX nông nghiệp Tân Hợp đã thu lãi ròng được hơn 200 triệu đồng. HTX cũng đang tiến hành đăng ký nhãn hiệu cho các loại hàng hóa và xây dựng sản phẩm OCOP.
Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Hợp Lê Thị Huệ cho biết: “Việc hợp sức của các hộ thành viên trong sản xuất không chỉ tạo ra nguồn tư liệu sản xuất lớn mà còn đưa lại giá trị sản xuất cao hơn. HTX cũng được ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh và chính quyền huyện hỗ trợ thúc đẩy hoạt động ban đầu cùng với sự nỗ lực của ban lãnh đạo, các xã viên nên HTX có hiệu quả tốt ngay từ năm đầu đi vào hoạt động”.
Ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã tập trung chỉ đạo các giải pháp thực hiện đồng bộ, hiệu quả cao, giải quyết những “điểm nghẽn” trong tổ chức sản xuất cánh đồng lớn. Đó là đẩy mạnh tuyên truyền để giúp người dân hiểu rõ vai trò, ý nghĩa và lợi ích khi xây dựng cánh đồng lớn, giới thiệu các mô hình có hiệu quả để người dân tham quan, học tập. Chú trọng chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đặc biệt các quy trình sản xuất hữu cơ, sạch, nông nghiệp công nghệ cao… Đồng thời, tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch: Quy hoạch sản xuất nông nghiệp, thủy lợi, ngành nghề nông thôn... Trên cơ sở đó, bố trí lại cơ cấu cây trồng, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh và thâm canh có chất lượng, hiệu quả, phù hợp với điều kiện từng vùng; phát triển mạnh cây trồng có lợi thế, có thị trường tiêu thụ ổn định, có sức canh tranh cao. Xây dựng, phát triển các hình thức liên kết chặt chẽ, phù hợp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm của cánh đồng lớn. Thực hiện lồng ghép, huy động các nguồn lực hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu liên kết sản xuất. Đẩy mạnh quảng bá xúc tiến thương mại; xây dựng thương hiệu cho các nông sản chủ lực của tỉnh. Tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách mới, đặc thù, phù hợp với tình hình phát triển của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp nói chung và nông nghiệp theo cánh đồng lớn nói riêng.
Từ năm 2015 đến nay, ngành Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị đã đẩy mạnh việc xây dựng sản xuất theo liên kết 4 nhà, xây dựng cánh đồng lớn, hỗ trợ, khuyến khích nông dân sử dụng giống tốt. Do đó, năng suất và giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác không ngừng tăng lên. Đối với cây lúa, phong trào sản xuất cánh đồng lớn đã phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa phương và diện tích tăng đều qua các năm, từ 1.381,5 ha năm 2016 đến năm 2019 đạt 8.297 ha; dự kiến năm 2020 đạt 8.500 ha với quy mô bình quân 10- 20 ha/ cánh đồng.
Mô hình cánh đồng lớn đã có tác động tích cực trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Về kinh tế, thông qua sản xuất cánh đồng lớn người dân đã sản xuất cùng một giống, cùng một thời vụ, một quy trình trên một cánh đồng liền vùng liền thửa nên thuận lợi trong việc áp dụng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất và thu hoạch, do đó giảm chi phí sản xuất từ 1,5- 1,7 triệu đồng/ha, nhưng năng suất tăng bình quân 5- 10 tấn/ha, giúp tăng giá trị sản xuất lên 20- 30% so với sản xuất truyền thống. Về xã hội, thực hiện mô hình cánh đồng lớn giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, ứng dụng KH&CN như: Dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, ứng dụng bộ giống mới; quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn thực phẩm... Về môi trường, sản xuất trên cánh đồng lớn hạn chế sâu bệnh hại, giảm sử dụng thuốc BVTV cũng như sử dụng tài nguyên, giúp bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương cho biết: “Hiệu quả mang lại từ sản xuất cánh đồng lớn rất rõ nét trên nhiều phương diện. Từ đó góp phần thúc đẩy nhanh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn. Với hiệu quả ban đầu khả quan đó, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT cùng với chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo đẩy mạnh nhân rộng mô hình cánh đồng lớn đối với tất cả các loại cây trồng mà tỉnh có thế mạnh, tăng cường ứng dụng tiến bộ KH&CN, có sự liên kết với doanh nghiệp, HTX trong cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra để đảm bảo sản xuất hiệu quả, bền vững”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)