Những cuộc đấu tranh của công nhân cà phê ở làng Khoai (Lương Lễ ngày nay) thuộc xã Tân Hợp, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị và những dấu tích của đồn điền Mụ Rôm cách đây gần 100 năm đang được chính quyền và nhân dân nơi này “đánh thức” bằng việc bảo tồn, tôn tạo và xây dựng thành di tích văn hoá lịch sử phục vụ du lịch.
Dấu tích đồn Mụ Rôm
Sau khi nhà thực vật học người Pháp Eugene Poilance (1888- 1964) đưa cây cà phê Chiary vào trồng ở đất Khe Sanh vào năm 1926 thì những đồn điền theo đó cũng mọc lên trên mảnh đất trù phú này.
Theo cụ Nguyễn Thị Thí (còn gọi là Lý, sinh năm 1933, trú tại Lao Bảo, Hướng Hoá, Quảng Trị), người từng làm công nhân cho đồn điền ông Poilane thì ở Hướng Hoá lúc bấy giờ có 3 đồn điền chính do người Pháp lập nên. Đồn Mụ Rôm từ làng Cát (xã Đakrong ngày nay) lên đến làng Khoai (thôn Lương Lễ, xã Tân Hợp ngày nay); đồn Polance từ tượng đài chiến thắng lên đến cầu Khe Sanh và đồn Philip từ tượng đài Khe Sanh vào cây số 6 xã Hướng Tân.
Tất cả các đồn điền đều có công trình bề thế như nhà quản lý điều hành, nhà ăn ở cho công nhân, kho chứa cà phê, kho sơ chế, bãi phơi… Tuy nhiên, những công trình mang kiến trúc Pháp, khá đồ sộ ở đất Hướng Hoá đã bị chiến tranh và con người tàn phá hầu như hoàn toàn.
Một ngày đầu đông, chúng tôi về địa điểm ngày xưa là đồn điền Mụ Rôm ở thôn Lương Lễ (còn có tên là Thượng Trung, sau này là làng Khoai) nhưng dấu tích còn lại không là bao.
Đằng sau khuôn viên chùa Lương Lễ là những khối đá, bê tông cỡ lớn nằm rải rác trong lô cà phê. Theo những người dân ở đây, năm 2012 chùa Lương Lễ san lấp mặt bằng đã phá đi những gì còn lại sau khi bom đạn giật sập. Những móng nhà, bờ tường rào đều bị san, phá để làm chùa nên không còn gì nguyên trạng.
Tại địa điểm sau vườn nhà ông Võ Như Hải, một ngôi mộ cổ còn dấu vết là những trụ bê tông, lan can vào khu mộ. Theo bà Diễn (vợ ông Hải), khu mô tựa vào một mép đồi nên khi người dân qua các thế hệ canh tác đã làm đất trượt xuống lấp dần khu mộ, hiện đã đổ náy chỉ còn khoảng 40%. Quách trong khu mộ đã bị cạy phá. Ngôi mộ này được cho là người thân của đồn điền Mụ Rôm vì được xây dựng khá công phu và bề thế.
Theo ông Dương Quát (68 tuổi), năm 1975 gia đình ông lên xây dựng kinh tế mới ở thôn Lương Lễ. Lúc đó ông nhìn thấy các công trình là nhà kho, nhà ở, khu mộ và nhiều công trình rải rác trong rừng cà phê. Hầu hết những công trình này bị đánh sập do bom của Mỹ. Đến năm 1985, phong trào xây dựng nhà mới nên người dân quanh đây đập lấy sắt, đá về tận dụng.
Làng Khoai nơi thành lập chi bộ đầu tiên huyện Hướng Hoá
Năm Duy Tân thứ 2 (1908), sau khi Pháp chia lại bản đồ, xác định ranh giới của huyện Hướng Hoá, chính quyền Pháp nâng cấp Bảo Trấn Lao thành nhà tù Lao Bảo để kiểm soát biên giới Việt – Lào.
Huyện Hướng Hoá lúc này có một Tổng (Viên Kiều – Vân Kiều) và sáu Hương do Viên tri huyện người Viên Kiều cai quản, đóng tại Húc Thượng (xã Húc).
Lúc này làng Thượng Trung (Làng Khoai - Lương Lễ ngày nay) và 5 làng khác nằm dọc Quốc lộ 9 kéo từ đèo Rào Quán đến biên giới Lao Bảo.
Sau khi đồn điền Mụ Rôm được thiết lập (sau năm 1926) trên địa phận làng Thượng Trung, những công nhân lao động ở đồn điền này gọi làng này là làng Khoai. Từ đó tên gọi làng Thượng Trung mất dần.
Theo cuốn lịch sử làng Thượng Văn (Thị trấn Khe Sanh) ban hành năm 2017 nhân kỷ niệm 110 năm ngày thành lập, năm 1929, làng Thượng Văn là nơi thắp sáng ngọn đuốc cách mạng đầu tiên và khơi dậy phong trào cu - li đấu tranh tại đồn Mụ Rôm (làng Khoai). Lúc này đồn Mụ Rôm có khoảng 300 công nhân lao động, đại đa số là người dân tộc thiểu số bản địa. Dưới sự hà khắc, bốc lột đến cùng cực của chủ đồn điền, công nhân nơi này cùng các ông Dương Quyền và ông Trần Đôộc đã đấu tranh đòi yêu sách.
Đến năm 1941, Tỉnh uỷ Quảng Trị cử đồng chí Lê Xích lên công tác tại đồn Mụ Rôm để mở rộng hoạt động. Tại đây, đồng chí Lê Xích đã giác ngộ và kết nạp thêm 2 quần chúng và thành lập chi bộ đầu tiên ở Hướng Hoá.
Từ đó dưới sự lãnh đạo của chi bộ, những phong trào của công nhân và lao động ở đồn điền Mụ Rôm được nổ ra, đạt nhiều thắng lợi như đấu tranh không chịu mua cá khô với giá “cắt cổ” của bọn chủ đồn điền; đấu tranh đòi chủ đồn điền phải tăng lương. Đến năm 1942, 1943 phong trào đấu tranh của công nhân đã lan rộng ra các đồn điền khác trên địa bàn huyện như đồn Bốc Đô – Đức, đồn Poi len…
Sẽ quy hoạch trở thành điểm du lịch?
Đồn điền Mụ Rôm cùng với những đồn điền có mặt ở huyện Hướng Hoá cách đầy gần 100 năm là nơi gieo trồng những hạt giống cà phê đầu tiên để làm nền tảng cho thủ phủ cây cà phê của Quảng Trị. Ngoài ra, đồn Mụ Rôm là nơi ghi dấu sự đấu tranh của phong trào công nhân của huyện nhà. Đặc biệt là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Hướng Hoá.
Với những giá trị văn hoá, lịch sử đó, UBND huyện Hướng Hoá trong thời gian qua đã có những động thái rất đáng ghi nhận để bảo tồn, tôn tạo những dấu tích còn lại làm cơ sở để xây dựng nếu có điều kiện. Huyện đã giao Phòng văn hoá Thông tin, Tài nguyên Môi trường và xã Tân Hợp cắm mốc, bảo vệ và tham mưu hướng bảo tồn, xây dựng.
Theo ông Võ Như Hải, hộ dân có công trình ngôi mộ người Pháp nằm sau vườn nhà, khi nghe huyện Hướng Hoá có hướng bảo tồn và xây dựng các công trình kỷ niệm nơi này, gia đình ông rất hưởng ứng và sẵn sàng hiến đất để phục vụ dự án.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện Hướng Hoá cho biết: “Thực hiện kế hoạch bảo tồn, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn, Phòng đã nhiều lần đi khảo sát, khoanh vùng để làm cơ sở tham mưu UBND huyện có hướng bảo tổn, tôn tạo trong thời gian tới (như xây dựng khuôn viên, bia di tích, mở đường vào khu di tích); phối hợp với chính quyền địa phương để xác định vị trí, vận động bà con nhân dân hiến đất. Tham mưu huyện đưa vào quy hoạch phát triển du lịch, kết nối với các điểm du lịch sinh thái tại địa phương”.